Đức Thánh Cha Phanxicô tông du châu Phi – Thánh lễ tại Namugongo, Uganda, kỷ niệm 50 năm tuyên thánh các Vị Tử Đạo Uganda
WHĐ (28.11.2015) – Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong cuộc gặp các giới chức chính quyền Uganda và Ngoại giao đoàn hôm thứ Sáu 27-11, “Chuyến viếng thăm của tôi đến đất nước của quý vị chủ yếu nhằm kỷ niệm 50 năm tuyên thánh cho các Vị Tử Đạo của Uganda”, thứ Bảy 28-11, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ kính nhớ các Thánh tử đạo Uganda.
Sau khi đến thăm một thánh điện của Anh giáo ở Namugongo, lúc 9g30 Đức Thánh Cha đã đến Đền thánh các Thánh tử đạo Công giáo Uganda gần đó, để cử hành Thánh lễ kính nhớ các vị tử đạo của cả hai Giáo hội, đã bị vua Mwanga II sát hại hồi cuối thế kỷ 19.
Sau khi đến thăm một thánh điện của Anh giáo ở Namugongo, lúc 9g30 Đức Thánh Cha đã đến Đền thánh các Thánh tử đạo Công giáo Uganda gần đó, để cử hành Thánh lễ kính nhớ các vị tử đạo của cả hai Giáo hội, đã bị vua Mwanga II sát hại hồi cuối thế kỷ 19.
Sau đây là toàn văn bài giảng trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha:
***
“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem và trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Từ thời các Tông đồ cho tới ngày nay, biết bao chứng nhân đã ra đi để tuyên xưng Chúa Giêsu và biểu lộ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hôm nay, với lòng biết ơn, chúng ta nhớ lại hy lễ của các thánh tử đạo Uganda, mà chứng tá tình yêu của các ngài đối với Chúa Kitô và Giáo hội của Người đã thực sự đi “đến tận cùng trái đất”. Chúng ta cũng nhớ đến các vị tử đạo Anh giáo đã chết cho Chúa Kitô để làm chứng cho cuộc đại kết bằng máu. Tất cả những chứng nhân ấy đã nuôi dưỡng hồng ân của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình và quảng đại làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, thậm chí phải hy sinh mạng sống, nhiều người còn rất trẻ.
Chúng ta cũng lãnh nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa, nhưng cũng vì thế mà chúng ta phải làm chứng cho Chúa Giêsu và làm cho Người được nhận biết và yêu mến ở mọi nơi. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chúng ta được tái sinh trong phép Rửa, và được củng cố nhờ những ơn Chúa Thánh Thần khi chịu phép Thêm sức. Mỗi ngày chúng ta được kêu gọi làm cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta thêm sâu đậm, để “thổi lên ngọn lửa” hồng ân tình yêu Thiên Chúa hầu trở nên nguồn khôn ngoan và sức mạnh cho những người khác.
Hồng ân Chúa Thánh Thần là hồng ân để chia sẻ. Hồng ân ấy liên kết chúng ta với nhau như những tín hữu và như những chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta không lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần cho một mình chúng ta, nhưng để xây dựng nhau trong đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nghĩ đến thánh Joseph Mkasa và thánh Charles Lwanga, là những vị sau khi được học giáo lý với người khác, đã muốn chuyển giao hồng ân mà các ngài đã lãnh nhận. Các ngài đã làm điều này trong thời gian gặp nguy hiểm. Không chỉ cuộc sống của các ngài bị đe dọa mà cả cuộc sống của các em dưới sự chăm sóc của các ngài nữa. Bởi vì các ngài đã sống theo đức tin và yêu mến Thiên Chúa sâu đậm, nên các ngài không sợ hãi khi đem Chúa đến cho người khác, dù có thể mất mạng. Đức tin của các ngài đã trở thành chứng tá; ngày nay, các ngài được tôn kính như các thánh tử đạo, mẫu gương của các ngài tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới. Họ tiếp tục rao giảng Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh Thập giá của Người.
Nếu, cũng như các vị tử đạo, hằng ngày chúng ta thổi lên ngọn lửa hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ở trong cõi lòng chúng ta, thì nhất định chúng ta sẽ trở thành những môn đệ truyền giáo như Chúa Kitô kêu gọi. Cho gia đình và bạn bè của chúng ta, chắc chắn thế, và còn cho cả những người mà chúng ta không quen biết, nhất là những người có thể không thân thiện, thậm chí là thù địch đối với chúng ta. Việc mở lòng ra với những người khác bắt đầu trước hết ở trong gia đình, trong nhà chúng ta, nơi chúng ta học sống bác ái và tha thứ, nơi chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa qua tình yêu của cha mẹ chúng ta. Nó cũng được biểu hiện nơi sự chăm sóc của chúng ta dành cho người già cả và người nghèo khổ, người góa bụa và kẻ mồ côi.
Chứng tá của các thánh tử đạo tỏ cho tất cả những người đã nghe về câu chuyện của các ngài, hồi ấy và hiện nay, thấy rằng những thú vui thế tục và quyền lực trên trần gian không mang lại niềm vui hay bình an dài lâu. Nhưng, trung thành với Thiên Chúa, sống trung thực và chính trực, và thực sự quan tâm đến thiện ích của những người khác sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an mà trần gian không thể ban tặng. Điều ấy không làm cho chúng ta bớt quan tâm đến thế giới này, như chỉ biết nhìn vào cuộc sống mai sau. Nhưng nó đem lại mục đích cho cuộc sống của chúng ta trong thế giới này, và giúp chúng ta đi đến với những người túng thiếu, cộng tác với người khác vì công ích, và xây dựng một xã hội công bằng hơn, một xã hội thăng tiến phẩm giá con người, bảo vệ món quà sự sống của Thiên Chúa tặng ban, và bảo vệ những kỳ quan của thiên nhiên, bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa và ngôi nhà chung của chúng ta.
Anh chị em thân mến, đây là di sản mà anh chị em đã lãnh nhận từ các thánh tử đạo Uganda: những cuộc đời được ghi dấu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, những cuộc đời ngày nay vẫn còn làm chứng cho quyền năng biến đổi của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Di sản ấy không phải là để tưởng nhớ vào dịp đặc biệt, hay để cất giữ trong viện bảo tàng như một viên ngọc quý. Nhưng chúng ta tôn vinh các ngài, tôn vinh các thánh, khi chúng ta tiếp nối các ngài làm chứng cho Chúa Kitô nơi nhà chúng ta và khu xóm của chúng ta, ở nơi làm việc và nơi xã hội dân sự của chúng ta, cho dù chúng ta không bao giờ rời khỏi nhà hay đến tận nơi xa xăm của thế giới.
Xin các thánh tử đạo Uganda, cùng với Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh, chuyển cầu cho chúng ta, và xin Chúa Thánh Thần thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa!
Omukama Abawe Omukisa! (Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!)
Huy Hoàng chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô