Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh

WHĐ (12.01.2016) – Sáng thứ Hai 11-01-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh tại Hội trường Regia trong buổi tiếp kiến truyền thống đầu năm. Trong bài phát biểu với các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha chủ yếu nói về “cuộc khủng hoảng về di dân nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt”, vì ngài muốn giúp mọi người nhận định những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và “xem xét các giải pháp có thể”, để thắng vượt “những nỗi sợ không thể tránh khỏi, gắn liền với hiện tượng lớn lao và ghê gớm này”.

Như thông lệ, cuộc gặp gỡ cho Đức Thánh Cha cơ hội đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình hình quốc tế. Bắt đầu bằng bản tường trình đầy ý nghĩa về kết quả của những nỗ lực ngoại giao của Toà Thánh trong năm 2015, một năm mà con số đại sứ thường trú tại Roma gia tăng và đã đạt được các thỏa thuận quốc tế quan trọng. Công việc này có được động lực và nhãn quan mới nơi “chủ đề chung” của lòng thương xót đã được Đức Thánh Cha đề ra cho Giáo hội và cho thế giới khi khai mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót. Đức Thánh Cha tái khẳng định nhu cầu “khởi đầu lại và tiếp tục đối thoại”, và bác bỏ mọi mưu toan dùng tôn giáo như một lý do để “giết người nhân danh Thiên Chúa”, như đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Phi, châu Âu và Trung đông.

Quay sang tình hình phức tạp toàn cầu hiện nay đầy “thách thức” và “không ít căng thẳng”, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm nói về hiện tượng di dân, trong đó, hậu quả của những thảm họa nhân đạo lớn lao tác hại đến hành tinh đã trở nên dồn dập: chiến tranh, vi phạm quyền con người, bạo lực nhân danh tôn giáo, nghèo đói cùng cực, suy dinh dưỡng, biến đổi khí hậu. Tất cả đều là những tình huống bi thảm dẫn đến việc di cư hàng loạt, khiến hàng triệu người nam cũng như nữ và cả trẻ em phải trốn chạy khỏi quê hương mình để thoát khỏi bạo lực và “biết bao hành vi tàn ác đối với những người yếu thế”.

Đức Thánh Cha nhận định một cách thực tế: “Nhiều nguyên nhân của việc di dân lẽ ra đã được giải quyết cách nay ít lâu”. Nhưng cả ngày nay cũng vậy, có nhiều điều “có thể được thực hiện để chấm dứt những thảm kịch này và xây dựng hoà bình”. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có can đảm đặt lại vấn đề đối với “những thói quen và thực hành cố hữu”, bắt đầu với “nạn buôn bán vũ khí, cung cấp nguyên liệu và năng lượng, đầu tư, các chính sách đầu tư và phát triển bền vững”. Theo Đức Thánh Cha có một nhu cầu cho “kế hoạch trung hạn và dài hạn vốn không bị giới hạn vào những đáp ứng khẩn cấp”, và nhằm hai chủ đích: cung cấp “trợ giúp hiệu quả cho những người di cư hội nhập vào các quốc gia đón nhận họ” và thúc đẩy “sự phát triển của các quốc gia gốc của họ qua các chính sách xuất phát từ tình liên đới”.

Đang khi số lượng lớn người nhập cư đổ vào châu Âu dường như khiến cho hệ thống tiếp nhận quá tải, Đức Thánh Cha khuyến khích Cựu lục địa đừng đánh mất “các giá trị và nguyên tắc nhân bản”, trong khi vẫn bảo vệ sự quân bình hợp lý giữa “trách nhiệm đạo đức phải bảo vệ quyền lợi của các công dân của mình” và nhu cầu “bảo đảm trợ giúp và đón nhận những người nhập cư”. Đến lượt họ, những người nhập cư lại có “trách nhiệm tôn trọng các giá trị, truyền thống, pháp luật của cộng đồng mà họ hội nhập”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn các quốc gia, trong đó có Italia, đã có tấm lòng quảng đại với người tị nạn: “Điều quan trọng là các quốc gia đi đầu trong việc đáp ứng tình hình khẩn cấp hiện nay không bị bỏ mặc một mình”.

(L’Osservatore Romano, 11-01-2016)

 

Minh Đức

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top