Đức Thánh Cha gặp các tham dự viên Hội nghị quốc tế về nạn buôn người
Lúc 12h ngày 11/4, Đức Thánh Cha (ĐTC) gặp các tham dự viên Hội nghị quốc tế về nạn buôn người tại hội trường Thượng Hội đồng ở Vatican. Hội nghị quốc tế về nạn buôn người được tổ chức từ 8-11/4 bởi Bộ Phát triển Con người Toàn diện.
Trong bài huấn dụ của Đức Thánh Cha với các tham dự viên, Đức Thánh Cha khởi đi từ đoạn Tin Mừng của thánh Gioan (10,10): “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, để nói về sứ mạng của Chúa Giêsu: ban sự sống tròn đầy cho tất cả mọi người nam nữ thuộc mọi thời đại theo kế hoạch của Chúa Cha.
Nhưng tiếc là thế giới hiện tại vẫn tồn tại những hoàn cảnh ngược lại, cản trở việc hoàn thành sứ mạng này. Như bảng Định hướng Mục vụ về Nạn Buôn người chỉ ra, “thời đại chúng ta đã đánh dấu sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa quy kỷ, những thái độ có xu hướng xem người khác theo quan điểm duy lợi, coi họ như một giá trị theo tiêu chí tiện lợi và lợi thế cá nhân” (số 17).
“Giữa nhiều thảm kịch đương đại có nạn buôn người, xem người khác là một đối tượng hàng hoá. Bằng nhiều hình thức khác nhau, nó tạo thành một vết thương ‘trong cơ thể của nhân loại đương đại’, một nỗi đau sâu thẳm trong bản tính con người của những nạn nhân gánh chịu cũng như những người thực hiện nó. Thật vậy, nạn buôn người làm mất đi bản tính nhân loại của nạn nhân, xúc phạm tự do và nhân phẩm của họ. Nhưng đồng thời, nó phá hoại nhân tính của những người thực hiện, không cho họ tiếp cận với ‘sự sống dồi dào’. Cuối cùng, nạn buôn người gây thiệt hại nghiêm trọng cho toàn thể nhân loại, xé nát gia đình nhân loại và Thân thể Chúa Kitô. Đây là một tội ác chống lại nhân loại.
“Những người phạm tội này gây thiệt hại không chỉ cho người khác mà còn cho chính họ. Thật vậy, mỗi chúng ta được tạo dựng để yêu thương và chăm sóc người khác, và điều này đạt đến đỉnh điểm nơi việc trao ban chính mình: ‘Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình’ (Ga 15, 13). Trong mối quan hệ mà chúng ta thiết lập với người khác, chúng ta đang đụng đến chính bản tính con người của chúng ta, để mình tiến gần hoặc ra xa mẫu người mà Thiên Chúa Cha muốn và được mặc khải nơi Người Con nhập thể. Do đó, mọi chọn lựa trái với việc thực hiện công trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta là sự phản bội bản tính nhân loại của chúng ta và từ bỏ ‘sự sống dồi dào’ được Chúa Giêsu Kitô ban tặng.
“Tất cả các hành động nhằm khôi phục và thăng tiến bản tính nhân loại của chúng ta và của những người khác đều phù hợp với sứ mạng của Giáo hội, như một sự tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Giá trị truyền giáo này thể hiện rõ nơi cuộc đấu tranh chống lại mọi hình thức buôn người và trong việc dấn thân giải cứu những người còn sống sót; đây là cuộc đấu tranh và dấn thân ảnh hưởng đến cả lợi ích trên bản tính nhân loại của chính chúng ta, mở đường cho sự sống viên mãn, đích đến cuối cùng cho sự hiện hữu của chúng ta.”
Đức Thánh Cha đánh giá cao những dấn thân của Giáo hội địa phương về sự quảng đại đảm nhận lĩnh vực mục vụ này, trong đó những người hiện diện tại hội nghị này là một dấu hiệu hữu hình. Rất nhiều sáng kiến đã được đề ra và áp dụng để ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ những người sống sót và truy tố những kẻ phạm tội. Đức Thánh Cha đặc biệt cảm ơn các dòng tu đã và đang hoạt động trong sứ mạng của Giáo hội chống lại nạn buôn người.
Đức Thánh Cha cũng nói đến những việc cần phải tiếp tục làm. Đối diện với một hiện tượng phức tạp và mờ tối như nạn buôn người, thì nhất thiết phải có sự phối hợp trong nhiều sáng kiến mục vụ khác nhau, cả ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Các văn phòng phụ trách của các Giáo hội địa phương, các dòng tu và các tổ chức Công giáo được mời gọi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tập trung sức mạnh trong hành động liên quan đến các quốc gia nguyên quán, chuyển tiếp và nơi đến của những nạn nhân bị bán.
Hơn nữa, để hành động thích hợp và hiệu quả hơn, thì Giáo hội cũng phải biết tận dụng sự giúp đỡ của các chủ thể chính trị và xã hội khác. Việc hợp tác chiến lược với các cơ cấu và các tổ chức xã hội dân sự khác sẽ đảm bảo kết quả lâu dài và bền vững hơn.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha thay mặt những nạn nhân vô tội cám ơn những người tham dự hội nghị, các giáo dân, tu sĩ về những dấn thân nguy hiểm và âm thầm của họ. Và ngài khuyến khích họ tiếp tục kiên trì dấn thân cho sứ mạng này.
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô