Đức Thánh Cha chủ sự lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô; và trao dây pallium cho các Tổng giám mục

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô; và trao dây pallium cho các Tổng giám mục

WHĐ (29.06.2014) – Vào ngày lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô 29 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ lúc 9g30 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và trao dây pallium cho các Tổng Giám mục chính toà được bổ nhiệm trong vòng một năm qua kể từ ngày lễ này năm ngoái.

Đặc biệt trong Thánh lễ có sự tham dự của đoàn đại biểu của Toà Thượng phụ Chính Thống Constantinopolis do Đức Tổng Giám mục Ioannis dẫn đầu.

Nghi thức trao dây pallium diễn ra ngay trước Thánh lễ. Có 24 vị Tổng Giám mục đã đến Roma nhận dây pallium, trong đó có Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc – trở thành Tổng Giám mục chính toà Tổng Giáo phận TPHCM vào ngày 22-03-2014. 3 Tổng Giám mục vắng mặt thuộc các Tổng Giáo phận Lilongwe (Malawi), Mandalay (Myanmar) và Freiburg im Breisgau (Đức).

Dây pallium được làm bằng len dệt bằng lông chiên màu trắng, có thêu hình 6 thánh giá bằng lụa màu đen; dây có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Đức Thánh Cha choàng dây pallium vào cổ cho các Tổng Giám mục, để chỉ sự hiệp thông giữa các Tổng Giám mục với người Kế vị thánh Phêrô, đồng thời cũng nói lên mối quan tâm mục vụ của mục tử nhân lành vác chiên trên vai mình.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha dùng lời của Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô “Phần con, hãy theo Thầy!” để chia sẻ với các anh em giám mục của ngài.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

***

Trong ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay –là các Đấng bảo trợ chính của Roma–, chúng tôi vui mừng và biết ơn chào đón đoàn đại biểu của Đức Thượng phụ Constantinopolis –là người anh em đáng kính và yêu quý Bartolomaios–, do Đức Tổng Giám mục Ioannis dẫn đầu. Chúng tôi cầu xin Chúa cho chuyến viếng thăm này thắt chặt thêm mối dây huynh đệ của chúng ta trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo hội chị em, mà chúng ta hằng ước mong.

“Chúa đã sai thiên thần của Người đến cứu tôi khỏi tay vua Hêrôđê” (Cv 12, 11). Khi Phêrô khởi đầu sứ vụ Phêrô nơi cộng đoàn Kitô giáo ở Jerusalem, vẫn còn có một nỗi sợ hãi rất lớn do cuộc bách hại của vua Hêrôđê nhằm vào các thành viên của Giáo hội. Giacôbê đã bị giết, và giờ đây chính Phêrô bị bắt giam để làm hài lòng dân chúng. Đang khi ông ở trong tù và bị xiềng xích, ông nghe thấy tiếng thiên thần bảo ông: “Đứng dậy mau đi... Thắt lưng lại và xỏ dép vào... Khoác áo choàng vào và đi theo tôi” (Cv 12,7-8). Xiềng xích liền rơi xuống và cửa nhà tù bỗng mở ra. Phêrô nhận ra rằng Chúa đã “giành lại ông khỏi tay ​​của Hêrôđê”; ông nhận ra rằng Thiên Chúa giải thoát ông khỏi nỗi sợ hãi và xiềng xích. Phải, Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi và mọi xích xiềng, để chúng ta được thực sự tự do. Cử hành phụng vụ hôm nay diễn tả rất rõ thực tại này với những lời đáp của thánh vịnh đáp ca: “Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi nỗi sợ hãi”.

Vấn đề đối với chúng ta là nỗi sợ và nơi nương náu mục vụ. Anh em giám mục thân mến, tôi tự hỏi: chúng ta có sợ không? Chúng ta sợ điều gì? Và nếu chúng ta sợ, chúng ta tìm kiếm nơi nương náu ở đâu trong đời sống mục vụ của mình để được an toàn? Có phải chúng ta tìm chỗ dựa nơi những người có quyền lực ở thế gian này? Hay chúng ta để cho mình bị lừa phỉnh bởi lòng kiêu hãnh đi tìm sự thoả mãn và sự tuyên dương, tưởng như đem lại an toàn cho chúng ta? Anh em giám mục thân mến, chúng ta đặt sự an toàn của mình ở đâu?

Chứng từ của Tông đồ Phêrô nhắc nhở chúng ta rằng nơi nương náu thực sự của chúng ta là niềm tin tưởng vào Thiên Chúa: niềm tin tưởng ấy xua tan mọi nỗi sợ hãi và làm cho chúng ta thoát khỏi mọi thứ nô lệ và cám dỗ của thế gian. Hôm nay, Giám mục Roma và các giám mục khác, đặc biệt là các Tổng Giám mục vừa nhận dây pallium, chúng ta thấy mình bị tấm gương của Thánh Phêrô chất vấn, xét mình xem chúng ta tin tưởng vào Chúa như thế nào.

Phêrô tìm lại được niềm tin tưởng khi Chúa Giêsu bảo ông ba lần: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21.15.16.17). Đồng thời, Simon cũng tuyên xưng tình yêu của mình với Chúa Giêsu ba lần, để sửa lại ba lần chối Thầy trong cuộc khổ nạn. Phêrô vẫn còn cảm thấy lòng mình cháy bỏng vết thương đã gây ra cho Chúa trong đêm ông phản bội. Bây giờ Chúa hỏi ông: “Con có yêu mến Thầy không?” Phêrô không dựa vào bản thân hay sức riêng mình, nhưng dựa vào Chúa Giêsu và lòng thương xót của Người: “Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa” (Ga 21,17). Và thế là nỗi sợ hãi, bất an và nhát đảm tan biến.

Phêrô cảm nghiệm rằng lòng trung tín của Thiên Chúa còn lớn hơn những bất trung của chúng ta và mạnh mẽ hơn những từ khước của chúng ta. Ông nhận ra rằng lòng trung tín của Chúa xua tan nỗi sợ hãi của chúng ta và con người không thể hình dung được lòng trung tín ấy. Hôm nay Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?” Chúa hỏi chúng ta vì Người biết nỗi sợ hãi và vất vả của chúng ta. Phêrô chỉ cách cho chúng ta: tin tưởng vào Chúa, Đấng “biết mọi sự” về chúng ta, Đấng tin nơi chúng ta không phải vì chúng ta có khả năng trung thành, nhưng vì lòng trung thành vững chắc của Người. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Người không thể chối bỏ chính mình (x. Tm 2,13). Thiên Chúa luôn trung tín. Lòng trung tín mà Thiên Chúa không ngừng đoan chắc với chúng ta, với cả các mục tử chúng ta, vượt trên những công trạng của chúng ta, là nguồn mạch lòng tin tưởng và bình an của chúng ta. Lòng trung tín của Chúa đối với chúng ta luôn khơi lên trong chúng ta mong muốn phụng sự Chúa và phục vụ anh em mình trong bác ái.

Tình yêu của Chúa Giêsu là đủ cho Phêrô. Ông không được chiều theo cơn cám dỗ tò mò, ghen tị, như khi nhìn thấy Gioan đứng gần ông, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, còn anh này thì sao?” (Ga 21, 21). Nhưng Chúa Giêsu, trước những cám dỗ ấy, đã trả lời Phêrô: “Việc gì đến con? Phần con, hãy theo Thầy!” (Ga 21, 22). Các anh em Tổng Giám mục thân mến, kinh nghiệm này của Phêrô cũng là một sứ điệp quan trọng cho chúng ta. Hôm nay Chúa cũng lặp lại với tôi, với anh em, và với tất cả các mục tử: Hãy theo Thầy! Đừng phí thời gian vào những vấn đề hay những cuộc chuyện trò vô bổ; đừng dừng lại ở những điều phụ thuộc, nhưng hãy nhìn vào những điều chính yếu và hãy theo Thầy. Hãy theo Thầy dù có khó khăn. Hãy theo Thầy khi rao giảng Tin Mừng. Hãy theo Thầy khi làm chứng bằng một cuộc sống tương hợp với ân sủng của bí tích Rửa tội và Truyền chức. Hãy theo Thầy khi nói về Thầy cho những người mà các con sống với họ hằng ngày, trong nỗi vất vả của công việc, của đối thoại và tình bạn. Hãy theo Thầy khi loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người rốt hết, để không ai phải thiếu thốn Lời sự sống, Lời giải thoát khỏi mọi sợ hãi và gieo niềm tin tưởng nơi lòng trung tín của Thiên Chúa. “Phần con, hãy theo Thầy!”

Minh Đức chuyển ngữ

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top