Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Phương Tây cần phải xem lại vai trò của đức tin trong đời sống xã hội”

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Phương Tây cần phải xem lại vai trò của đức tin trong đời sống xã hội”

WHĐ/CNS (23.09.2010) – Sáng thứ Tư 22-09, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã điểm lại chuyến công du Vương Quốc Anh của ngài vừa qua, từ ngày 16 đến ngày 19-09.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng thông điệp của ngài về tầm quan trọng lâu dài của các giá trị tôn giáo trong đời sống công cộng, được phát đi trong chuyến viếng thăm Anh Quốc, cũng nhằm nói với toàn bộ thế giới phương Tây.

Đức Thánh Cha cho biết, một trong những thông điệp chính của ngài là về “tầm quan trọng của nền văn hóa Tin Mừng, đặc biệt trong thời đại của chúng ta, khi chủ nghĩa tương đối đang lan tràn và có nguy cơ làm lu mờ sự thật về bản chất con người”, đồng thời ĐTC cũng nhấn mạnh về “tầm quan trọng của đức Tin đối với nền giáo dục công dân thành những con người chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm”.

ĐTC nói: “Tôi đã trải qua bốn ngày tốt đẹp và đầy xúc động tại quốc gia cao quý này. Tôi rất vui sướng được nói với những cõi lòng của người dân Anh và được lắng nghe họ ngỏ lời với tôi, nhất là nói bằng sự hiện diện và chứng từ đức Tin”.

Dù đưa ra nhận định Vương quốc Anh là một trong những quốc gia diễn ra quá trình tục hóa mạnh mẽ nhất Châu Âu, nhưng ĐTC vẫn khẳng định: “Tôi chứng kiến biết bao truyền thống Kitô giáo đang được duy trì mạnh mẽ và vẫn đem lại ý nghĩa tích cực trong mọi tầng lớp của cuộc sống xã hội. Những tấm lòng và thực tế cuộc sống tại Anh đang mở rộng cho thực tại của Thiên Chúa và có rất nhiều biểu hiện lòng đạo đức được bày tỏ trong chuyến viếng thăm của tôi”.

Đức Thánh Cha nói rằng ưu tiên hàng đầu của ngài khi đến thăm Vương quốc Anh là khích lệ các tín hữu Công giáo “bảo vệ những chân lý đạo đức bất di bất dịch, được Tin Mừng soi chiếu và củng cố, làm cơ sở xây dựng một xã hội thật sự là của con người, công bằng và tự do”.

Phát biểu tại Anh, “một giao lộ của văn hóa và kinh tế thế giới ", ĐTC cho biết ngài cũng đang nói với “toàn bộ thế giới phương Tây”.

“Chuyến viếng thăm mục vụ này đã củng cố niềm xác tín của tôi, rằng những quốc gia lâu đời của Châu Âu đều mang hồn Kitô giáo. Kitô giáo đã gắn bó khăng khít với tinh thần và văn hóa các dân tộc tại Châu Âu, và Giáo Hội không ngừng làm việc để giữ cho tinh thần và truyền thống văn hoá ấy được bền vững”.

ĐTC cũng đã mô tả cuộc gặp gỡ của ngài, vào ngày 18 tháng Chín, với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, là “một thời điểm cô đọng của xúc cảm và cầu nguyện”. ĐTC cho biết, tại cuộc gặp gỡ mới đây với các viên chức phụ trách việc bảo vệ trẻ em, ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc được Giáo Hội trao phó, vì thế luôn luôn phải có sự quan tâm đặc biệt dành riêng cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ em.

ĐTC cho rằng thời điểm chính của chuyến công du là ngày 19 tháng Chín, cử hành lễ tôn phong Đức cố Hồng y John Henry Newman, một nhà trí thức và thần học gia thế kỷ 19 của nước Anh và thế giới, lên bậc chân phước. ĐTC nói giáo huấn của Chân phước Newman về tầm quan trọng của ý thức, không nhằm khuyến khích mọi người hướng vào bản thân và xúc cảm, nhưng hãy mở ra cho chân lý Tin Mừng và luật đạo đức.

Vào cuối cuộc tiếp kiến, ĐTC đề nghị các tín hữu Công giáo cầu nguyện cho sự thành công của cuộc họp do Ủy ban đối thoại quốc tế Chính Thống giáo – Công giáo tổ chức từ ngày 20 đến 27- 09, đang diễn ra tại Vienna.

Các thành viên ủy ban vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về vai trò của giáo hoàng, đặc biệt vào thiên niên kỷ thứ nhất, khi các Kitô hữu vẫn còn hiệp nhất.

ĐTC nói: “Việc vâng phục ý muốn của Chúa Giêsu, cũng như những thách đố lớn mà Kitô giáo ngày nay đang đối mặt, đòi chúng ta phải đưa ra lời cam kết nghiêm chỉnh, là phải khôi phục sự hiệp thông trọn vẹn giữa các Giáo Hội với nhau”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top