Đức hồng y Charles Maung Bo (Yangon): “Các Phật tử và những tín đồ Hồi giáo tin tưởng người Công giáo chúng tôi có thể tìm được con đường hoà giải cho đất nước Myanmar”
WHĐ (27.11.2017) – Ngay trước lúc Đức Thánh Cha Phanxicô đáp xuống phi trường Yangon, thủ đô Myanmar, vào trưa thứ Hai 27-11, mở đầu chuyến tông du Myanmar và Bangladesh, phóng viên báo La-Croix (Pháp) đã thực hiện cuộc phỏng vấn Đức hồng y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon.
Đức hồng y đã trả lời các câu hỏi do nhà báo Jean Dauffray (La-Croix) đặt ra cho ngài về hiện tình tại Myamar.
Bài phỏng vấn đã được đăng tải trên báo La-Croix chỉ ít giờ trước lúc phi cơ chở Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường Yangon.
Trong lời giới thiệu bài phỏng vấn, Jean Dauffray gọi Đức hồng y là “một khuôn mặt lớn của lòng khoan dung”.
Sau đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn của Đức hồng y Charles Maung Bo.
* * *
La Croix: Mặc dù bà Aung San Suu Kyi đã nắm quyền từ một năm rưỡi nay, nhưng nhiều cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đã gây xáo động đất nước Myanmar. Giáo hội đã làm gì để giúp giải quyết những xung đột này?
Đức hồng y Charles Bo: Chúng tôi đã dành trọn năm 2017 cho việc tìm kiếm hoà bình. Trong các bài giảng, chúng tôi nhấn mạnh cần phải chấm dứt các cuộc xung đột. Tại các giáo xứ trên toàn đất nước Myanmar, vào ngày thứ Sáu, chúng tôi cầu nguyện cho hoà bình.
Tôi đã đề nghị bà Cố vấn quốc gia (Aung San Suu Kyi) bổ nhiệm các vị lãnh đạo tôn giáo giúp vào việc xây dựng hoà bình. Nhưng bà không muốn. Bà sợ các nhà hữu trách tôn giáo can thiệp sâu vào chính trị. Bà nghi ngại thế nào đó đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Không giống người Công giáo chúng tôi, các Phật tử, các tín đồ Hồi giáo và các tín hữu Kitô khác đều không có người lãnh đạo có thể lên tiếng nói nhân danh cộng đồng của mình. Thật bế tắc. Bà Aung San Suu Kyi cũng mong tôi đừng gánh vác trách nhiệm gì trong các nhóm xã hội dân sự.
- Đức hồng y có liên lạc với quân đội không?
- Tôi đã gặp tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh quân đội, vào tháng Bảy, cùng với các giám mục khác. Chúng tôi đã nói chuyện với ông trong một giờ đồng hồ. Chúng tôi đề nghị ông hãy kiên nhẫn hơn và nhân từ hơn với các nhóm sắc tộc. Ông nói chẳng có lý do gì khiến Myanmar lại quay về chính quyền quân sự.
- Đức hồng y có gặp gỡ các nhóm sắc tộc vũ trang không?
- Chúng tôi không thường gặp họ. Nhưng các nhóm này tin tưởng Giáo hội. Các Phật tử và tín đồ Hồi giáo tin cậy chúng tôi tìm ra con đường trung gian. Trong quá khứ, cộng đồng chúng tôi không hề có xung đột nghiêm trọng với bất cứ cộng đồng nào khác.
- Đức hồng y mong Đức Thánh Cha nói gì trong chuyến tông du của ngài?
- Chúng tôi đã trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô một số điểm suy tư. Chúng tôi mong ngài sẽ thúc giục chính phủ đi theo con đường dân chủ hoá, ủng hộ hoà đàm và góp phần đưa quân đội và tất cả các nhóm sắc tộc vũ trang ngồi vào bàn thương thuyết.
Cụ thể hơn, ngài có thể nói về bang Arakan, về sự trợ giúp nhân đạo, về việc nhập quốc tịch đối với những người đủ điều kiện, về các trại mà người Hồi giáo ở Arakan bị canh giữ như ở tù, và sự cần thiết phải đóng cửa các trại này. Hơn nữa, cuộc chiến tại bang của người Kachin ở miền Bắc đất nước đã diễn ra hơn 50 năm rồi. Việc này ngài cũng cần nói đến.
- Mỗi sáu tháng, chính quyền, quân đội, các nhóm sắc tộc vũ trang và các đảng phái chính trị lại quy tụ hoà đàm với nhau. Nhưng những cuộc thương thuyết hoà bình dường như không tiến triển. Phương cách của bà Aung San Suu Kyi có đúng chăng?
- Tôi đã dự các cuộc thảo luận trong lần họp cuối của hoà đàm với tư cách quan sát viên. Dù bà Aung San Suu Kyi có đưa ra sáng kiến, cũng không thúc đẩy nhanh được. Các nhóm sắc tộc không ký hiệp ước ngừng bắn 2015 không có vai trò trong hội nghị này. Khi không được đối xử bình đẳng với những bên tham gia ký kết, họ cũng sẽ không có tiếng nói trong tiến trình hoà giải. Phải đưa họ vào những cuộc thương thuyết này.
- Đức hồng y sẵn sàng làm một nhà trung gian hoà giải chứ?
- Tất nhiên tôi muốn. Nhưng có lẽ tôi không phải là một chuyên gia tài giỏi đối với công việc này. Rồi lại còn nhiều căng thẳng tại bang Arakan. Có lẽ đây chưa phải là thời điểm thích hợp.
Jean Dauffray (La-Croix) thực hiện tại Yangon
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé
-
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô