ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa
Vatican -- Giống như các thánh tông đồ, hãy sống một tương quan đích thực với Thiên Chúa, như thế thì lời loan báo của Giáo hội sẽ đáng tin - Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói điều này với các tín hữu trong buổi tiếp kiến chung ngày 22.08.2018
Với 8000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến, ĐTC cho thấy trong các lễ nghi Do Thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh Chúa, chúng ta tiếp xúc với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. Như vậy “kêu tên Chúa” - dịch sát nghĩa là “lấy lên trên mình danh của Thiên Chúa” - có nghĩa là bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, chặt chẽ với Ngài, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa.
Trong bài huấn dụ, ĐTC đã giải thích ý nghĩa điều răn “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” như viết trong sách Xuất Hành: “ Ngươi không được dùng danh Giavê, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Giavê không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. (Xh 20,7), và như Chúa Giêsu đã nói trong lời cầu ở bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha là Đấng Công Chính… Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa." (Ga 17,25-26).
ĐTC tiếp tục với các bài giáo lý về các giới răn, và nhắc tới điều răn “Ngươi sẽ không nói lên tên của Chúa, là Thiên Chúa ngươi một cách vô ích”. Theo ngài, chúng ta đọc Lời này như việc mời gọi không xúc phạm đến danh của Thiên Chúa và tránh dùng nó một cách vô ích, không thích hợp.
Nói đến câu “Ngươi sẽ không nói lên”, ĐTC cho biết, dịch theo sát chữ, trong tiếng Do Thái cũng như tiếng Hy Lạp là “ngươi sẽ không mang lấy trên mình, ngươi sẽ không vác trên ngươi”. Kiểu nói “một cách vô ích” rõ ràng hơn và có nghĩa là “trống rỗng, một cách vô ích”. Nó ám chỉ một cái hộp rỗng, một hình thái không có nội dung. Đó là đặc tính của sự giả hình, của óc hình thức và của sự dối trá. Dùng các lời nói hay dùng tên của Thiên Chúa, nhưng trống rỗng, không có sự thật.
Tên gọi trong Thánh Kinh là sự thực sâu xa của các sự vật, và nhất là của con người. Tên gọi thường diễn tả sứ mệnh. Thí dụ tổ phụ Abraham trong sách Sáng Thế (x. 17.5) và tông đồ Simon Phêrô trong Phúc Âm (x. Ga 1,42) các vị nhận một tên gọi mới để ám chỉ sự thay đổi hướng đi cuộc đời các vị. Và thực sự biết danh Thiên Chúa đưa tới chỗ biến đổi cuộc sống của mình: từ lúc đó ông Môshê biết danh Thiên Chúa, lịch sử của ông thay đổi (x. Xh 3,13-15).
Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa
Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: trong các lễ nghi do thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh người, chúng ta tiếp cận với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. Rồi ĐTC giải thích, như vậy “mang lấy trên mình danh Thiên Chúa” có nghĩa là lãnh nhận trên chúng ta thực tại của Ngài, bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, một tương quan chặt chẽ với Ngài. Đối với Kitô hữu, điều răn này là lời mời gọi nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được rửa tội làm sao: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, như chúng ta khẳng định mỗi khi làm dấu Thánh Giá trên mình, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa, nghĩa là trong tình yêu của Ngài.
ĐTC cũng nêu bật rằng hãy dạy các trẻ em làm dấu thánh giá: Anh chị em đã thấy trẻ em làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Nếu nói với các em: “Các con hãy làm dấu thánh giá đi, thì chúng làm vầy này…” – ĐTC bắt chước cử chỉ làm dấu của trẻ em khua khua trước mặt – Chúng làm một điều mà chúng không biết là cái gì. Chúng không biết làm dấu thánh giá. Anh chị em hãy dậy chúng làm “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cử chỉ đức tin đầu tiên của một em bé. Đây là bài tập cho anh chị em đó nhé!...
Theo ĐTC, chúng ta có thể đặt câu hỏi: có thể mang lên trên mình danh Thiên Chúa một cách giả hình như một hình thức, trống rỗng hay không? Câu trả lời rất tiếc là có: có, có thể. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói điều này với các tiến sĩ luật; họ đã làm các việc, nhưng đã không làm điều Thiên Chúa muốn. Họ đã nói về Thiên Chúa, nhưng đã không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Và lời khuyên mà Chúa Giêsu cho là: “Các con hãy làm điều họ nói, nhưng đừng làm điều họ làm”. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa, như các người ấy. Và Lời này của Mười Điều Răn chính là việc mời gọi sống một liên hệ với Thiên Chúa không giả dối, không giả hình, sống một tương quan trong đó chúng ta tín thác nơi Chúa với tất cả những gì chúng ta là. Nói cho cùng, cho tới ngày trong đó chúng ta không liều mạng sống với Chúa, bằng cách sờ mó bằng tay rằng trong Chúa có sự sống, thì chúng ta chỉ làm các giả thiết.
Đời sống Kitô giáo chân thực mới có thể đáng tin
Đây là Kitô giáo đánh động con tim. Gặp gỡ Thiên Chúa, trong thực tế. Tại sao các thánh có khả năng đánh động con tim? Bởi vì các thánh không chỉ nói, mà các vị chuyển động! Con tim chúng ta chuyển động, khi một người thánh thiện nói với chúng ta các điều. Các vị có khả năng bởi vì nơi các thánh, chúng ta trông thấy điều mà con tim ước mong một cách sâu xa: sự đích thực, các tương quan thật, sự triệt để. Và điều này người ta cũng trông thấy nơi các vị “thánh của cửa bên cạnh”, chẳng hạn như biết bao cha mẹ trao ban cho con cái gương sáng của một cuộc sống trung thực, đơn sơ, liêm chính và quảng đại.
ĐTC quảng diễn thêm: Nếu có nhiều Kitô hữu mang lấy trên mình danh của Thiên Chúa không giả tạo – bằng cách thực thi lời xin thứ nhất của Kinh Lạy Cha “xin cho danh Cha cả sáng” – thì việc loan báo của Giáo hội được lắng nghe và đáng tin cậy hơn. Nếu cuộc sống cụ thể của chúng ta biểu lộ danh Thiên Chúa, thì ta thấy bí tích Rửa Tội đẹp biết bao nhiêu và Thánh Thể là ơn vĩ chừng nào, thì sự kết hiệp giữa thân xác chúng ta và Mình Chúa Kitô cao trọng dường bao: Chúa Kitô trong chúng ta, Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài! Hiệp nhất! Đây không phải là giả hình, đây là sự thật. Đây không phải là nói hay cầu nguyện như con vẹt, đây là cầu nguyện với con tim, là yêu Chúa.
Thể hiện Danh Chúa trong cuộc sống
Từ thập giá của Chúa Kitô về sau, không ai có thể khinh rẻ chính mình và nghĩ xấu về đời sống của mình. Không ai và không bao giờ! Cho dù bất cứ điều gì họ đã làm đi nữa. Bởi vì tên của từng người trong chúng ta ở trên vai Chúa Kitô. Ngài mang chúng ta. Thật đáng công mang lấy danh Thiên Chúa trên mình, bởi vì Ngài đã mang lấy tên của chúng ta cho tới tột cùng, cả sự dữ có trong chúng ta nữa, Ngài mang lấy để tha thứ cho chúng ta, để đặt vào trong con tim chúng ta tình yêu của Ngài. Vì thế Thiên Chúa công bố trong điều răn này: “Hãy mang lấy Ta trên con, bởi vì Ta đã mang con trên Ta”.
Bất cứ ai cũng có thể kêu danh thánh Chúa, là Tình Yêu trung thành và thương xót, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ sống. Thiên Chúa sẽ không bao giờ nói “không” với một con tim kêu cầu Ngài một cách chân thành. Và chúng ta trở lại với các bài tập làm ở nhà: hãy dạy trẻ em làm dấu thánh giá đàng hoàng…
Cuộc viếng thăm Ailen: thời điểm ân sủng cho các gia đình Kitô giáo
Cuối bài huấn dụ, ĐTC cũng xin mọi người cầu nguyện cho chuyến đi Dublin của ngài trong hai ngày 25-26 tháng 8 này, nhân dịp cuộc gặp gỡ của các gia đình Công giáo thế giới. Ước chi đây là dịp lắng nghe tiếng nói của các gia đình Kitô toàn thế giới.
Nguồn: Đài Vatican
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô