Đời sống tâm lý con người theo lý thiền - Xúc động và trạng thái cảm xúc
8. XÚC ĐỘNG VÀ TRẠNG THÁI CẢM XÚC
Tâm lý học cổ điển mô tả những xúc động nội tâm, như nóng giận, vui buồn, bứt rứt, do thế giới hình sắc bên ngoài gây ra cho con người, nhưng tâm lý học đó chưa nhận ra một phương diện quan trọng trong biến chuyển nội giới của con người. Có những khi tôi cảm thấy một tình trạng cảm xúc kéo dài trong nội giới của tôi, tình trạng đó không phải phát xuất từ những hình ảnh mà tôi đang có trong đầu óc tôi. Thí dụ như đang khi đầu óc nghĩ đến đủ thứ chuyện vô hại, nhưng tôi cũng cảm thấy mình đang có một nỗi phiền muộn nào đó. Nếu lúc tôi tìm hiểu mình phiền muộn về vấn đề gì, thì đôi khi tôi tìm không ra, nhưng có khi tôi thấy có một mối âu lo nào đó làm cho tôi phiền muộn. Khi tôi không nghĩ đến nó, thì mối âu lo đó nằm im trong tâm trí tôi và tạo ra tình trạng cảm xúc kéo dài. Nhưng khi nghĩ đến mối âu lo đó, nghĩa là để cho trí tưởng tượng bày vẻ nhiều hình ảnh về nó, thì tôi cảm thấy có những xúc động diễn ra trong tôi, đồng thời tôi cũng cảm thấy bên dưới những xúc động đó tình trạng cảm xúc vẫn còn nằm yên đó, và nó có liên hệ đến mối âu lo mà tôi đang nghĩ đến.
Kinh nghiệm nội tâm đó cho tôi thấy rằng bên dưới những cảm xúc mang tính động lại có một thứ cảm xúc mang tính tĩnh. Ta phải hiểu loại cảm xúc tĩnh này như thế nào? Cảm xúc là động rồi, làm sao có một thứ cảm xúc vừa động vừa tĩnh?
Để giải thích nghịch lý đó, để chứng minh tình trạng cảm xúc là một tình trạng vừa động, vừa tĩnh, ta hãy so sánh những biến động nội tâm với những cử động nơi thân thể, với những co giãn của bắp thịt. Nếu bắp chân ta có thể co thắt lại bằng một động tác co thắt, thì nó cũng có thể co thắt lại vài ba phút nghĩa là nó ở trong tình trạng bị co thắt kéo dài, thí dụ : như lúc bị chuột rút, bị vọp bẻ. Xúc động là sự co thắt nội tâm, có liên hệ đến những hình ảnh trong ý thức, còn tình trạng cảm xúc là trạng thái nội tâm co thắt kéo dài, có liên hệ đến những hình ảnh trong tiềm thức.
Ta có thể so sánh hiện tượng xúc động của nội tâm như cầu dao nối liền cực tâm linh và cực nhục thể trong ta. Trung tâm cảm năng nằm giữa trung tâm trí năng và trung tâm bản năng. Cảm năng hoạt động do sự kích thích tâm thần cũng như do sự kích thích xác thịt. Điều này có nghĩa là không phải chỉ có âu lo tạo ra phiền muộn, mà thân thể ta bất an cũng có thể tạo ra trạng thái phiền muộn nơi nội tâm. Và dù là do nguyên nhân tâm linh hay xác thịt, tình trạng co thắt nơi nội tâm vẫn diễn ra ở cả 2 mặt tâm linh và xác thịt, nghĩa là tình trạng co thắt cơ thể kéo theo tình trạng co thắt tâm linh, và tình trạng co thắt tâm linh kéo theo tình trạng co thắt cơ thể, 2 mặt tác động lẫn nhau.
Khi nhìn cảm năng như cầu dao giữa 2 cực trí năng và bản năng, xúc động và trạng thái cảm xúc khác nhau ở điểm nào? Nếu dùng hình ảnh điện khí, ta có thể so sánh xúc động như tia lửa nối liền 2 cực, tia lửa có thể kéo dài vài giây, nhưng không ở trong tình trạng tĩnh. Còn trạng thái cảm xúc sánh như luồng điện chạy liên tục giữa 2 cực khi 2 cực chạm nhau.
Hình ảnh so sánh đó cho ta thấy yếu tố làm cho trạng thái cảm xúc nguy hại hơn xúc động. Ta ý thức được cơn xúc động, và từ đó cơ chế tự vệ trong ta bắt đầu làm việc để giảm cơn xúc động, rồi dần dần cắt đứt cầu dao làm thất thoát sinh lực trong ta. Trái lại, trạng thái cảm xúc thì khó thấy, nó không báo động ngay cho cơ chế tự vệ trong ta ứng chiến, mà chỉ báo động khi những hậu quả đáng tiếc của nó tác động đến thần kinh làm cho thần kinh căng thẳng, mệt mỏi. Lúc bấy giờ cơ chế tự vệ trong ta mới bắt đầu giảm sự va chạm giữa 2 cực bằng cách hủy hoại chính 2 cực đó.
Xúc động cũng có thể so sánh như bệnh xuất huyết bên ngoài, ta thấy được ngay và chữa trị liền. Còn trạng thái cảm xúc thì như bệnh xuất huyết bên trong làm tiêu hao dần dần sức lực bệnh nhân, đến lúc hay biết thì việc chữa trị kéo dài và trở nên khó khăn hơn.
Hình ảnh so sánh thô sơ trên chưa cho ta thấy hết những mặt quan trọng của cuộc đời. Trong xúc động, 2 cực chưa chạm nhau, tia lửc nối 2 cực chưa phải là cầu dao. Qua tia lửa, điện lực tạo ra được một ánh sáng. Trái lại trong trạng thái cảm xúc, 2 cực chạm nhau, cầu dao được thiết lập cố định, toàn bộ điện lực trong người bị thất thoát liên tục mà không tạo ra được cái gì cả. Xúc động biểu hiện sự sống, nên đó là việc bình thường, còn trạng thái cảm xúc hủy diệt sự sống, nên đó là điều bất thường.
Một hình ảnh khác giúp ta hiểu rõ hơn vấn đề. Giả thiết trước mắt ta là một bánh trớn đang quay. Nếu bánh trớn không tròn trịa, cân đối, thì tâm quay không khớp với tâm hình học của nó, từ đó những vòng quay của nó có sức ly tâm. Như vậy nơi bánh trớn đó có 2 lực : lực quay tròn và lực ly tâm, lực quay tròn là lực động, lực ly tâm là lực tĩnh. Xúc động sánh như lực quay tròn là lực động và là lực hữu dụng vì nó làm cho máy hoạt động. Trạng thái cảm xúc sánh như lực ly tâm là lực tĩnh và là lực vô dụng, và về lâu về dài nó có tác dụng nguy hại, làm mòn trục quay, làm cho bánh trớn văng ra khỏi trục quay…
Con người thành đạt là con người bình thường, sống với lòng tin bừng sáng, có thể sánh như bánh trớn bình thường có tâm quay và tâm hình học khớp với nhau. Con người đó có những xúc động, nhưng trạng thái cảm xúc thì không còn nữa. Con người thông thường, sống với lòng tin đang mê giấc, sánh như bánh trớn không bình thường, vừa đang quay vừa đang chịu sức ly tâm; bánh trớn quay chậm (xúc động nhẹ), sức ly tâm yếu, tâm quay và tâm hình học gần nhau, bánh trớn quay nhanh (xúc động mạnh), sức ly tâm mạnh, và hai tâm xa nhau. Do đó, khi ta trải qua một cơn xúc động mạnh, thì sau đó ta cảm thấy nội tâm mình mất thăng bằng, lệnh lạc ra ngoài khuôn khổ nề nếp, và phải mất một thời gian mới tái tạo được thăng bằng đã mất.
Bao lâu lòng tin mê giấc, bấy lâu hai cái tâm (tâm quay và tâm hình học – tâm hoạt động và chân tâm, tâm của Nguyên lý Tối Thượng) của bánh trớn (cuộc sống con người) không bao giờ khớp với nhau. Trong tình trạng lòng tin mê giấc, bánh trớn cuộc sống vẫn quay, khi nhanh khi chậm, và luôn luôn có một sức ly tâm làm cho hai cái tâm cách xa nhau. Theo hình ảnh ta dùng đây, lúc lòng tin có thể bừng dậy là lúc bánh trớn ngừng quay hẳn. Lúc đó chỉ là một khoảnh khắc không kéo dài trong thời gian (kéo dài có nghĩa là sự sống dừng lại), nhưng khoảnh khắc đó cũng đủ làm cho 2 cái tâm khớp lại. Và khi khớp lại, dù là trong khoảnh khắc, thì không tách rời nhau nữa, vì lẽ trong đời sống mới (đời sống đức tin), con người vẫn còn xúc động, nhưng trạng thái cảm xúc thì không còn nữa.
Trong đời sống mới, xúc động vẫn có thể tích cực hoặc tiêu cực, hoặc vui hoặc buồn, nhưng không còn tạo ra trạng thái co thắt kéo dài, là một trạng thái luôn luôn tiêu cực, là lực ly tâm luôn luôn có hại ít nhiều cho bánh trớn. Tính nguy hại của lực ly tâm này, ta có thể cảm thấy trong đời sống thông thường. Thí dụ, như khi nghe một tin vui, khi nhận được một món quà quí giá, tôi xúc động mạnh, thì lực ly tâm xuất hiện rõ nét trong tôi làm cho tôi mất thăng bằng, hóa ra lệch lạc, qua lớp màn mang những hình ảnh vui mà trí tưởng tượng tôi vẽ ra, xuất hiện một nỗi khắc khoải lo sợ mất mát những gì tôi ham muốn hướng về món quà quí giá đó, hoặc lo sợ không thỏa mãn được cách hoàn toàn những ham muốn đó. Những ham muốn như trở nên không cùng cho đến lúc kiện toàn cuộc sống cách trọn hảo, một sự kiện mà tôi vẫn hằng mong ước trong sâu thẳm của lòng mình.
Trong tiềm thức, trạng thái cảm xúc tương tự như một bãi chiến trường, nơi diễn ra cuộc chiến giữa cái ngã và hoàn cảnh tôi đang sống. Trạng thái đó liên hệ đến mối nghi vấn về cuộc sống của tôi, không biết sống chết lúc nào, may rủi ra sao. Nghi vấn đó như không ngừng đe dọa tôi, và cuộc chiến tiếp diễn trong tôi với một niềm hy vọng là sẽ tự giải thoát được khỏi gánh nặng đó. Nhưng niềm hy vọng đó lại là điều không thể thành hiện thực.
Có những người vui tính, lúc nào cũng có vẻ như khoan khoái, xem ra như họ luôn luôn ở trong trạng thái cảm xúc tích cực. Tìm hiểu về cái vẻ hạnh phúc bề ngoài đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về trạng thái cảm xúc.
Nhìn kỹ lại mình, tôi cũng thấy có lúc tôi cũng cảm thấy khoan khoái vui vẻ. Trạng thái này xuất hiện vào lúc mối hoài nghi về mình an giấc, nghĩa là lúc không thấy có cái gì đe dọa sự sống còn của mình. Như thế trạng thái khoan khoái của tôi không phải phát xuất từ trạng thái cảm xúc tích cực nào đó, mà đúng hơn là nó trùng hợp với lúc trạng thái cảm xúc không hoạt động. Nó cũng không phát xuất từ kết thúc thắng lợi của cuộc chiến, mà nó trùng hợp với lúc hưu chiến. Nó không phát xuất từ việc dẹp bỏ ý nghĩ sai lầm là tôi đang còn thiếu thốn cái gì, mà nó trùng hợp vào lúc ý nghĩ sai lầm đó ngưng hoạt động trong tôi.
Con người thường sống trong trạng thái khoan khoái là con người có nhu cầu về Tuyệt Đối yếu, hoặc trong thực tế không có nhu cầu đo. Khi lòng ham muốn được thỏa mãn ít nhiều là họ an phận. Cơ chế xoa diệu nơi họ phát triển giúp họ hình dung hoàn cảnh ở mặt lợi cho họ thôi. Con người đó ít nhạy cảm, người ta có thể chỉ trích họ mà tự ái của họ vẫn không bị kích động, như thế lòng tự ái của họ đang giấc. Lòng tự ái và cái ngã có đó, nhưng vì nhu cầu về Tuyệt Đối quá yếu, nên những thỏa mãn trước mắt và nhỏ nhặt là đủ cho họ hài lòng và an phận.
Trái lại, nơi người có nhu cầu về Tuyệt Đối mạnh, những thỏa mãn trước mắt không làm cho họ an phận, lòng tự ái của họ rất bén nhạy và dễ bị kích động. Sự nhạy bén đó làm cho trạng thái cảm xúc của họ thường xuyên hoạt động, làm cho họ mang tính nóng nảy và dễ bị kích thích. Họ hình dung mọi sự từ góc độ liên hệ đến cái ngã, đến tự ái của họ.
Như thế, trạng thái cảm xúc chỉ là cái gì tiêu cực, và hoạt động của tiềm thức ở trong tình trạng cảm xúc có liên hệ đến nhu cầu về Tuyệt Đối. Do đó cũng có liên hệ đến sự thành đạt phi thời gian của con người. Một bên là sự có mặt của khắc khoải lo sợ, một bên là nhu cầu được giải thoát, được sống đời sống mới tự do, là hai cái gì gắn chặt với nhau trong mỗi con người.
Trong đời sống mới, đời sống đức tin, nếu con người vẫn có những xúc động, thì họ không cảm nghiệm những xúc động đó trong sự khắc khoải lo sợ. Cái đổi mới này là của đời sống tâm linh là một đổi mới sâu sắc và cơ bản đến độ ta không thể hình dung thế nào cho đúng về những xúc động của con người đang sống đời sống mới đó (như Chúa Giêsu khóc Lazarô, khóc thành Giêrusalem, mắng Phêrô, những người Biệt phái, tẩy uế đền thờ…)
Hoạt động nội tâm nhằm đánh thức lòng tin mê giấc phải nhằm đến giây phút cảm xúc lắng động hoàn toàn. Ta không thể hiểu được giây phút đó nếu không phân biệt được thế nào là xúc động, thế nào là trạng thái cảm xúc. Trạng thái cảm xúc là bất thường và cản trở việc đánh thức lòng tin đang mê giấc, còn xúc động là bình thường và không cản trở gì cả. Thường thì ta dễ nhận thấy xúc động của mình, trái lại ta rất khó nhận ra trạng thái cảm xúc của mình. Từ đó ta thường nghĩ rằng kìm hãm những xúc động của ta là điều tốt rồi, và chỉ làm đến đó thôi. Kỳ thực thì việc đó là công dã tràng đối với việc đánh thức lòng tin, vì nó chưa đúng hướng.
Việc cần phải làm là dẹp bỏ trạng thái cảm xúc, nói cách khác là dẹp bỏ không phải sự co thắt mà là tình trạng co thắt và căng thẳng, như một nghệ sĩ đàn piano đâu có dẹp bỏ sự co thắt cơ bắp được, mà là dẹp bỏ tình trạng căng thẳng và co thắt của cả cơ thể và tâm thần con người.
Nhưng làm thế nào dẹp bỏ được trạng thái cảm xúc co thắt căng thẳng đó khi nó đã thành một cái nếp trong cuộc sống? Xông thẳng vào cái nếp đó để tấn công nó là công dã tràng. Người ta nghĩ rằng cần cố gắng tháo gỡ những co thắt từng phần để đi đến thư giãn toàn phần, nhưng những cố gắng từng phần đó trong thực tế không thể nào đạt tới toàn phần được, vì lẽ sự cố gắng từng phần đó tất nhiên kéo theo một co thắt nơi con người. Người ta cũng cố gắng kìm hãm những xúc động vì lẽ nó tạo nên trạng thái cảm xúc, nhưng làm thế là có hại cho chính sự sống. Vấn đề là tạo thư giãn xả trừ cho trạng thái cảm xúc mà không đả động gì đến những xúc động.
Chỉ có một con đường có thể đưa ta đến chỗ đổi mới toàn diện cuộc sống, đó là định luật Tam Nguyên (hai nguyên lý cấp dưới là Âm Dương và nguyên lý Tối Thượng là Thái Hòa, là Đạo). Ta phải tôn trọng sự sống đang hoạt động trong ta, đồng thời phải nhìn cả hai mặt đối địch và bổ túc của những gì đang diễn ra trong ta. Điều này mở đường cho Nguyên lý Tối Thượng nhập cuộc đi vào cuộc sống của ta và tiếp giúp ta giải quyết những gì chưa được bình thường trong cuộc sống đó. Những gì chưa được bình thường đó sẽ được hội nhập hài hòa vào tổng thể, lúc đó nó sẽ mất đi tính bất thường và tính độc lập hư đối của nó để trở nên bình thường.
Định luật Tam Nguyên được áp dụng ở đây như thế nào? Tình trạng co thắt căng thẳng của cơ thể ta, mặc dù ảnh hưởng đến toàn thể, tự nó không có gì là tuyệt đối, co thắt căng thẳngt nhiều hay ít thì cũng tương đối và từng phần thôi, nghĩa là có lúc nó rõ ràng, có lúc như không có hiệu quả gì, sự chú ý của tôi thường chỉ hướng về phần rõ ràng. Sự mất cân bằng của tôi hệ tại ở cái nhìn thiên lệch này. Sự căng bằng đòi hỏi tôi cũng phải chú ý đến phần không rõ ràng, không hiệu quả của trạng thái cảm xúc co thắt và căng thẳng. Nói cách khác là nó đòi hỏi tôi vừa chú ý đến sự quan tâm của tôi đối với một sự việc, vừa chú ý đến cả sự dửng dưng của tôi đối với mọi sự việc khác.
Đến đây cần lưu ý một cạm bẫy thông thường khiến ta hành động trực tếp là chú ý cố gắng nhận ra sự dửng dưng của tôi đối với mọi sự việc khác. Vừa khi tôi muốn nghĩ rằng tôi dửng dưng thì tôi lại thấy ý tưởng về sự dửng dưng hiển lộ, và đâu có thấy sự dửng-dưng-không-hiển-lộ. Điều không hiển lộ tất nhiên thoát khỏi ý thức của tôi đang ở trong cái thế nhị nguyên bao hàm chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thấy, cả hai đều hiển lộ.
Từ đó ta đi đến định luật cơ bản cho sự thành đạt của ta là : chỉ có nhận thức thuần trí mới là việc có hiệu quả. Mọi biến đổi cần thiết cho sự thành đạt tất nhiên phải phát xuất từ Nguyên lý Tối Thượng qua kẽ hở của bức màn vô minh mà nhận thức thuần trí của ta đã chọc thủng. Mỗi một nhận thức hiển nhiên mà tâm trí ta nhận được về sự thành đạt của con người mới là một lỗ thủng nơi bức màn vô minh. Qua những lỗ thủng đó, Nguyên lý Tối Thượng thực hiện việc đổi mới ta mà ta không hay biết.
Nói về trạng thái cảm xúc, thì điều ta cần nhận thức rõ là ta nhìn trạng thái đó một cách thiếu sót và thiên lệch, vì ta chỉ nhìn mặt nổi mà không nhìn mặt chìm của nó. Mặt nổi của nó thì có giới hạn, còn mặt chìm thì vô hạn. Cái ta phải quan tâm chú ý không phải là trạng thái cảm xúc co thắt và tính thiên lệch của mình, mà là sự dửng dưng, tình trạng thư giãn và tính vô tư. Cái quan trọng phải quan tâm không phải là tình trạng cảm xúc mà là tính vô hại của tình trạng không cảm xúc. Từ đó, tình trạng cảm xúc mà ta đang có dần dần không còn tác dụng gì đối với ta nữa.
Có được nhận thức hiển nhiên vừa nói trên là điều mới mẻ làm thay đổi cái nhìn của ta về đời sống nội tâm của mình. Cái nhìn mới đó không hẳn là triệt tiêu tức khắc tính thiên lệch trong đời sống cảm xúc, nhưng nó thiết lập một xác tín cân bằng về mặt chìm của đời sống đó, về mặt thư giãn và an tĩnh của đời sống đó. Nhờ xác tín đó, mỗi ngày tôi chú ý hơn đến tính dửng dưng. Sự chú ý này tiếp tục hoạt động trong tiềm thức, giúp cho cái nhìn của ta thống nhất, không còn ở trong cái thế nhị nguyên thiên lệch, nhờ đó cường độ của trạng thái cảm xúc trong tôi giảm dần, tạo thuận lợi cho việc đánh thức lòng tin đang mê giấc.
Sự chú ý của ta tiếp tục phát triển trên con đường đổi mới. Nhưng sự đổi mới này bao hàm những giai đoạn chuyển tiếp, và trong những giai đoạn này có khi trạng thái cảm xúc co thắt lại gia tăng cường độ. Tại sao thế?
Nơi người chưa nhận thức sự khác biệt giữa xúc động và trạng thái cảm xúc, sự chú ý hoạt động như sau. Mặt nổi của sự chú ý (sự chú ý có ý thức) qui về những xúc động, còn mặt chìm của sự chú ý (sự chú ý trong tiềm thức) thì qui về trạng thái cảm xúc. Chính nhờ mặt chìm của sự chú ý, cộng với suy luận, mà một người nào đó có thể nhận định về mình : sao hôm nay tôi nóng nảy quá! Họ đâu có trực tiếp ý thức về tính nóng nảy đó, mà chỉ ý thức về những hình ảnh xuất hiện phía sau tính nóng nảy đó thôi.
Càng nhận thức rõ sự khác biệt giữa xúc động và trạng thái cảm xúc, thì sự chú ý càng đi sâu vào hoạt động nội tâm, đi từ hoạt động ý thức đến hoạt động trong tiềm thức là lãnh vực của trạng thái cảm xúc. Nhận thức càng thấu đáo, sự chú ý càng được thiết lập vững vàng ở chiều sâu của tiềm thức. Và đó là lúc bức màn vô minh được chọc thủng để ánh sáng từ Thượng Trí tràn vào nội tâm, để lòng tin bừng dậy.
Thế nhưng từ lúc mới bắt đầu nhận thức cho đến lúc nhận thức thấu đáo, cần một thời gian để nhận thức phát triển. Một nhận thức mới chớm nở chưa có sức quét sạch hết mọi hư dối bám rễ vào niềm tin, tình cảm và phong cách con người. Do đó, đức tin và những điều ta tin trong hư dối cùng tồn tại trong một thời gian. Sự lớn mạnh của nhận thức đức tin hệ tại ở việc ánh sáng chân lý được tiếp nhận soi mòn và quét dần những sai lầm đã được thiết lập kiên cố trong tâm ta. Hạt giống tốt vừa tăng trưởng vừa tăng sức lấn áp dần dần cỏ dại.
Trong quá trình tăng trưởng, có một sự giằng co giữa nhận thức đức tin và bộ phận tình cảm yểm trợ những sai lạc và hư dối cố hữu trong ta. Nhận thức đức tin thì hướng ta đến ý thức về trạng thái cảm xúc, còn bộ phận tình cảm thì dựng lên nỗi khắc khoải lo sợ như một chướng ngại cho ý thức. Trạng thái cảm xúc càng được nhận thức thấu triệt thì nó càng mất đi tính khắc khoải lo sợ. Trái lại, bộ phận tình cảm càng thành công trong việc cản trở nhận thức đi sâu vào trạng thái cảm xúc, thì trạng thái này càng gia tăng. Như thế, trên đường đi đến thư giãn của nội tâm, tình trạng cảm xúc co thắt và căng thẳng có lúc lại gia tăng. Nhưng nếu được ý thức trước thì không có gì đáng ngại, ta cứ không ngừng hướng sự chú ý xoáy vào tình trạng đó, cả lúc xem ra như tình trạng đó trở nên tệ hại hơn. Khi ý thức đi sâu vào lãnh vực trước kia là của tiềm thức thì đó cũng là lúc sự chú ý và nhận thức của ta tiếp cận với thế giới của Thượng Trí, và nhờ đó mà nỗi khắc khoải lo sợ dần dần sẽ bị đánh tan.
Thường ta nghĩ rằng mình có thể nhận thức được trạng thái cảm xúc của mình. Nhưng khi ta nhận thấy mình nóng nảy quá, thì đó là ta mới thấy được một hình ảnh giả tạo về trạng thái đó thôi, vì lẽ phản ứng của ta còn chịu ảnh hưởng của trạng thái đó nên nó còn tiêu cực. Con người thông thường sống lệ thuộc cái ngã của mình, nhưng không bao giờ tìm hiểu về cái ngã đó. Do đó, trạng thái cảm xúc như đóng vai trò của một cái tâm cố định làm trụ cốt cho mọi hoạt động xoay quanh. Nói cách khác con người thông thường qui về tìm thức như cái tâm quay, đang khi cái chân tâm là Thượng Trí Tuyệt Hảo thì họ lại không qui hướng về.
Trong thực tế, trạng thái cảm xúc như cái ngã không phải là tâm cố định. Chính cái tính cố định hư dối của nó là nguyên nhân làm phát sinh mọi hư dối của đời sống tự tôn tự kỷ tự ái của ta. Khi chủ tâm điều sự chú ý vào trạng thái cảm xúc và cái ngã của mình, ta sẽ thấy rằng đó không phải là một điểm cố định, mà nó di động, nhờ đó ta đánh tan dần cảm tưởng về tính cố định hư dối của nó, và cũng nhờ đó mà cái tâm quay của ta xích lại gần cái tâm thật, cái tâm hình học của ta, nghĩa là ta đang tiến đến tình trạng bình thường của con người mới.
Trong thực hành, hoạt động nội tâm đó bao hàm những hành vi thuần trí (tâm trí điều sự chú ý, nhận thức thấu triệt…) được lặp đi lặp lại cách ngắn ngủi và nhẹ nhàng. Nó không được trở thành một gánh nặng, một cái nhìn mà ta phải khổ công thực hiện và nôn nóng đạt đến. Nó cần ngắn ngủi, nhẹ nhàng, thư thái. Nó phải là một sự chú tâm trong khoảnh khắc và thật đơn giản, chú tâm điều sự chú ý đi sâu vào nhận thức về trạng thái cảm xúc của mình ngay trong giây phút này. Hoặc tôi đạt được nhận thức đó ngay tức khắc, hoặc không đạt được. Nếu chưa đạt được, thì lát sau, tôi lặp lại hành vi đó, tôi có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cách khoảng như thế, lặp đi lặp lại cách thư thái, nhẹ nhàng, tế nhị, càng ít làm khuấy động nội tâm càng tốt. Qua những hành vi nội tâm đó, tôi đục sâu vào trạng thái cảm xúc của tôi cho tới lúc nó nứt ra, nhưng tôi không thể làm gì đổi mới nó được. Việc đổi mới đó là việc của Nguyên lý Tối Thượng là Thượng Trí Tối Cao là Đạo. Đạo thực hiện việc đổi mới, việc bình thường hóa đó qua vết rạn nứt mà hoạt động nội tâm của tôi đã tạo ra.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu
-
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi