Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ các nghị viên tham dự Tổng Tu Nghị XIX của Dòng Ngôi Lời năm 2024
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRONG BUỔI GẶP GỠ CÁC NGHỊ VIÊN THAM DỰ
TỔNG TU NGHỊ XIX CỦA DÒNG NGÔI LỜI
Hội trường Clementine
Thứ Sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024
Anh chị em thân mến,
Anh em đã chọn chủ đề gợi ý cho Tổng Tu Nghị: “Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt người ta (Mt 5,16): Những môn đệ trung thành và sáng tạo trong một thế giới bị tổn thương”. Tu Nghị là thời điểm suy ngẫm về đặc sủng và sứ mạng của Hội Dòng, và vì anh em là Dòng Ngôi Lời, nên trong những ngày này anh em trở về với nguồn gốc căn tính của mình là Chúa Giêsu, Lời cứu độ.
Lời sáng tạo, ban sự sống, truyền cảm hứng, thúc đẩy: đó là tâm điểm sứ mạng của anh em. Lời đã trở thành nhục thể nơi Chúa Giêsu, đã bày tỏ dung nhan của Chúa Cha và tình yêu xót thương của Người. Như thế, Lời nhập thể đã trở thành ánh sáng thế gian; và truyền lệnh cho các môn đệ: “Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt người ta” (Mt 5:16). Bằng cách nào điều này xảy ra? Bằng cách ở với Người và ra đi; bằng cách ở lại trong tình yêu của Người và làm chứng cho Người. Đây là cách làm cho điều đó có thể. “Việc truyền giáo đòi hỏi sự quen thuộc với Lời Chúa” (Evangelii gaudium, 175). Và hỡi anh em, đây chính là nguồn gốc mà từ đó anh em luôn được sinh ra và tái sinh thành những môn đệ trung thành và những nhà truyền giáo sáng tạo. Chúng ta hãy tạm dừng một chút về hai khía cạnh này.
Những môn đệ trung thành. Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi trở thành môn đệ truyền giáo, và sự trung thành với ơn gọi này là sự cam kết của chúng ta, luôn luôn với ân sủng của Thiên Chúa. Người môn đệ trung thành được nhìn thấy thông qua niềm vui Tin Mừng tỏa sáng trên khuôn mặt của họ, trong lối sống của họ, qua đó, truyền cho người khác Tình Yêu mà mình đã nhận được lần đầu và nhận được mỗi ngày. Cảm nghiệm Tình Yêu Ba Ngôi và thắp lên ngọn lửa Thánh Thần là giá trị trung tâm để phát triển với tư cách là môn đệ và là tu sĩ truyền giáo. Chính ngọn lửa này đổi mới chúng ta hằng ngày, thanh lọc và biến đổi chúng ta, trong khi chúng ta đang trên hành trình, dù còn những lỗi phạm và giữa những cám dỗ của thế gian, nhưng can đảm và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ: và chúng ta phải luôn tha thứ. Đừng bao giờ từ chối việc tha tội: hãy luôn tha thứ.
Những nhà truyền giáo sáng tạo. Sự sáng tạo của anh em đến từ đâu? Nó đến từ những gì tốt đẹp, lành mạnh, chứ không phải những gì bên ngoài vốn luôn mang tính quy ngã và trần tục. Thay vào đó, tinh thần truyền giáo lành mạnh đến từ Lời Chúa và Thánh Thần, nghĩa là từ Chúa Kitô, Đấng sống trong anh em và thúc đẩy anh em tham gia vào sứ mạng của Người. Chính Người là Đấng thu hút trái tim, không phải chúng ta! Chúa Thánh Thần là nhân vật chính, và “nghệ thuật” của chúng ta là làm việc với tất cả sức lực, sử dụng mọi tài năng của mình, với niềm tin chắc chắn rằng chính Người luôn làm việc, chính Người sáng tạo; và việc chúng ta cần làm là ngoan ngoãn, trở nên khí cụ và “trung gian”, phản chiếu, minh bạch… Anh em đang hoạt động ở 79 quốc gia: anh em ở đó để loan báo Tin Mừng và “làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện trên thế giới” (Evangelii gaudium, 176). Điều này – như anh em biết rõ – được thực hiện bằng cách chia sẻ niềm vui hơn là áp đặt các nghĩa vụ. Các hoạt động truyền giáo sáng tạo xuất phát từ lòng yêu mến Lời Chúa; sự sáng tạo nảy sinh từ chiêm niệm và phân định. Và ngay cả khi hành động sáng tạo cá nhân là tốt thì hành động của cộng đoàn vẫn tốt hơn cho sự hiệp nhất và sức mạnh của Giáo Hội.
Anh em thân mến, tôi cảm ơn anh em vì những “hướng dẫn” từ Tu Nghị của anh em cho phép tôi nêu bật một số vấn đề cấp bách hiện nay.
Thứ nhất, hãy là những người xây dựng hòa bình. Thế giới bị tổn thương bởi các cuộc xung đột, chiến tranh, sự tàn phá, thậm chí hủy hoại môi trường, bạo lực chống lại sự sống và phẩm giá con người, các hệ tư tưởng cực đoan và nhiều tổn thương khác. Hòa bình là tiếng kêu của các dân tộc trên thế giới: chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu này và trở thành những người xây dựng hòa bình! Chúa Giêsu Phục Sinh đã lặp lại nhiều lần với các Tông Đồ: “Bình an cho các con” (Ga 20,19.21.26). Người muốn họ trở thành người gieo rắc hòa bình. “Bình an cho các con”. Và rồi Người nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (c. 21). Chúng ta hãy mang hòa bình của Chúa Kitô đến cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người di cư – họ đang phải chịu nhiều đau khổ! – tới những phụ nữ bị phân biệt đối xử, tới trẻ em, tới những người bị loại trừ. Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu than của những người nô lệ (x. Xh 3,9); chúng ta đừng bịt tai trước tiếng kêu than của những người nô lệ ngày nay, và chúng ta hãy sáng tạo trong việc xây dựng hòa bình.
Thứ hai, hãy là những ngôn sứ của hy vọng cho mọi nền văn hóa. Anh em phải là niềm hy vọng cho mọi nền văn hóa. Trước thềm Năm Thánh, trong một thế giới bị tổn thương, các cộng đoàn của chúng ta phải trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng. Và đây là một lời ngôn sứ. Điều này có nghĩa là, ngay cả trước khi trao ban niềm hy vọng, hãy là niềm hy vọng, thể hiện đặc tính mà chúng ta đón nhận từ Bí Tích Rửa Tội là niềm hy vọng. Đối với anh em, việc thánh hiến theo đặc sủng nguyên thủy giúp củng cố và gia tăng hồng ân rửa tội và thúc đẩy anh em dấn thân làm chứng trong các bối cảnh xã hội và văn hóa khác nhau mà anh em thấy mình trong đó. “Hãy là niềm hy vọng ngôn sứ cho mọi nền văn hóa”. Đây thực sự là một thách đố! Chỉ có Giáo Hội mới có thể đáp lại điều này, vì ngay từ đầu Giáo Hội đã được Thánh Thần làm sinh động vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Tôi thích đọc trong Sách Công Vụ Tông Đồ: Chúa Thánh Thần làm gì? Có sự lộn xộn, ai cũng nói nhưng ai cũng hiểu nhau! Nhiều khi, trong sự lộn xộn, Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội tiến về phía trước. Đừng sợ xung đột! Anh em không tạo ra xung đột, nhưng anh em đừng sợ xung đột, đừng sợ sự hỗn loạn của nền văn hóa ngày nay. Thánh Thần có thể vào đó. “Hãy là niềm hy vọng cho mọi nền văn hóa”. Anh em là những chuyên gia về liên văn hóa (interculturality); một trong những hiệu quả phát xuất từ đặc sủng của anh em là làm cho anh em trở thành những chuyên gia về liên văn hóa. Qua nhiều năm, anh em đã học cách sống sứ mạng truyền giáo trong khi tôn trọng mọi nền văn hóa và mọi người. Nhưng cần có sự phân định. Ngày nay, thông qua Internet và các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta có nguy cơ chấp nhận mọi thứ một cách dễ dãi, ảnh hưởng đến lối sống và các giá trị nhân bản. Thay vào đó, thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Hãy khơi dậy một nền văn hóa mới của tình yêu và hy vọng được gợi hứng từ sự thật, giúp giải phóng chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Đây là mục đích của việc hội nhập văn hóa” [Diễn văn trước những người tham dự phiên họp toàn thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa (10/01/1992), 10]. Cần có sự phân định: hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho ơn phân định này.
Thứ ba, hãy là những nhà truyền giáo hiệp hành. Giáo Hội “đi ra”, rộng mở đối với người khác. Đó là một cộng đoàn chào mời và đón nhận, nơi Chúa sống và Thánh Thần hoạt động. Giáo Hội đi ra thì hướng ngoại, trong khi Giáo Hội bè phái lại hướng nội. Luôn cởi mở, với trái tim trong tay! Ngày nay, Giáo Hội phải phát triển cách tiếp cận hiệp hành, lắng nghe mọi người, đối thoại với mọi người và phân định trong Chúa Thánh Thần xem thế nào là sứ mạng truyền giáo. Hiệp hành không phải là một điều gì đó thời thượng; hiệp hành “tự nó mang tính truyền giáo và ngược lại, việc truyền giáo luôn mang tính hiệp hành” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, ngày 20 tháng 10 năm 2024). Vì vậy, tôi khuyến khích anh em hãy thúc đẩy tính hiệp hành trong mọi khía cạnh của cuộc sống: hãy để mỗi cộng đoàn phát triển và tận hưởng một phong cách hiệp hành trong đó mọi người đều cảm thấy được lắng nghe và chào đón. Cuối cùng, hãy làm những gì Chúa Thánh Thần mách bảo, nhưng điều quan trọng là quá trình Chúa Thánh Thần tác động một cách tinh tế, giữa những dân tộc đơn sơ và ở những nơi xa xôi nhất.
Anh em thân mến, vào năm 2025 anh em sẽ kỷ niệm 150 năm thành lập Dòng Ngôi Lời. Tâm hồn anh em rung động lòng biết ơn đối Thiên Chúa vì tình yêu bao la của Người đã thúc đẩy anh em đi khắp thế giới để rao giảng Lời và loan truyền tình yêu Thiên Chúa, thành lập các cộng đoàn, phục vụ người nghèo, tìm kiếm công lý cho mọi người, giáo dục và giải phóng, bảo vệ môi trường. Với tấm lòng biết ơn này, anh em hãy suy ngẫm về cách chia sẻ niềm vui phục sinh của Chúa Giêsu một cách sáng tạo ngày nay. Thánh Arnold Janssen đã có thể nhận ra ý muốn của Thiên Chúa và làm cho Hội Dòng bước theo Thánh Thần: đây là đặc sủng của đấng sáng lập! Ngày nay, theo đặc sủng này, với gương sáng và lời chuyển cầu của ngài, anh em phải thực hiện việc phân định cộng đoàn và thực hiện các bước can đảm trong sự khiêm nhường và tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa. Tôi chúc phúc cho anh em từ tận đáy lòng. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD
Chuyển ngữ từ: vatican.va
Nguồn: ngoiloivn.net
bài liên quan mới nhất
- Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non
-
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina -
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận -
Nhận định của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
Giáo hội và Nhà nước Pháp đang chuẩn bị sự kiện mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris -
Kitô hữu chiếm 75% tổng số các cuộc bách hại chống các tôn giáo thiểu số -
Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo -
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII -
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới? -
Cha Roberto Pasolini, tân giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô