Đánh mất niềm tin: thách đố lớn của các Giáo hội Kitô tại Đức

Đánh mất niềm tin: thách đố lớn của các Giáo hội Kitô tại Đức

Trong các ngày 22 – 25/ 9 này lần đầu tiên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ chính thức viếng thăm Cộng hòa Liên bang Đức. Thật ra Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm nước Đức hai lần, nhưng chuyến viếng thăm tại Koeln năm 2005 nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ chỉ có tính cách mục vụ, và chuyến viếng thăm thứ hai năm 2006 tại vùng Bavière là chuyến viếng thăm tư. Trong chuyến công du lần này, Đức Thánh Cha sẽ thăm các giáo phận Berlin, Erfurt và Freiburg.

Xã hội Liên bang Đức, mà Đức Joseph Ratzinger sẽ tìm thấy trong chuyến viếng thăm, được ông Andreas Puettman, miêu tả như một xã hội càng ngày càng đánh mất đi đức tin Kitô của mình. Thật ra đây là thảm cảnh chung của các quốc gia Tây Âu có nền văn minh Kitô, chứ không riêng gì của Cộng hòa Liên bang Đức. Trong nhiều thập niên qua các Kitô hữu Tây Âu ngày càng xa rời đức tin. Không những họ không thực hành đạo, mà còn công khai chối bỏ gốc rễ Kitô của mình. Nhân danh chủ nghĩa duy đời cực đoan và lấy cớ tôn trọng tự do tôn giáo của các chủng tộc khác - ở đây thường là thiểu số tín hữu Hồi giáo - một số chính quyền Tây Âu đã ra lệnh loại bỏ mọi dấu chỉ bề ngoài của Kitô giáo, như tháo gỡ các thánh giá khỏi các nơi công cộng.

Cũng có chính quyền còn cấm cả việc đeo ảnh đạo nữa. Điển hình là vụ một nữ chiêu đãi viên hàng không Anh quốc đã mất việc làm vì nhất định không tuân lệnh của ban giám đốc và vẫn tiếp tục đeo thánh giá ở cổ. Trào lưu chối bỏ các biểu tượng của Kitô giáo đã bắt đầu từ nhiều thập niên qua: hình Chúa Hài Đồng biến khỏi các tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh, hang đá máng cỏ bị loại bỏ, hình Chúa Kitô phục sinh khải hoàn cũng không còn thấy trên các thiệp phục sinh nữa. Thay vào đó là một số hoa hòe, cảnh trí hay các trái trứng được vẽ nhiều mầu lòe loẹt vv... Và tại Anh quốc từ nhiều năm qua ban giám đốc các hãng xưởng và các bàn giấy còn khuyến cáo nhân viên không được trang hoàng cả cây thông Giáng Sinh nữa, lấy cớ là nó xúc phạm đến tự do tôn giáo của tín hữu các tôn giáo khác.

Và tình hình chối bỏ Kitô giáo trở thành tệ hại tới độ hiện nay Kitô giáo bị sách nhiễu và kỳ thị công khai ngay trong các xã hội Tây Âu có nguồn gốc Kitô. Bên cạnh chiến dịch loại trừ Kitô giáo khỏi cuộc sống xã hội, nhiều chính khách và trào lưu duy đời cực đoan còn công khai tấn kích bôi nhọ Giáo hội, sỉ vả giới lãnh đạo và bịt miệng không muốn cho Giáo hội lên tiếng về các vấn đề luân lý phẩm giá và các quyền con người.

Trong cuốn sách tựa đề ”Xã hội không có Thiên Chúa. Các nguy cơ và hậu quả phụ của việc đánh mất đi các giá trị Kitô của Đức” ông Andreas Puettman viết: “Khuynh hướng tôn giáo tính của nước Đức trong một thời gian dài cho thấy một sự suy sụp, phải gọi là một sự sụp đổ có chiều kích thời đại, mặc dù có các cố gắng tái lượng định nó”. Cuốn sách và các nhận xét của ông hiện đang gây ra tranh luận sôi nổi tại Đức. Nhưng tồi tệ nhất lá thái độ thờ ơ với tôn giáo và các giá trị linh thiêng siêu việt.

Andreas Puettman sinh năm 1964. Trong các năm 1983-1990 ông học Khoa học chính trị, Lịch sử và Luật quốc gia tại Đại học Bonn và Học viện nghiên cứu chính trị Paris. Là chính trị gia, nhà báo và nhà xuất bản sách, ông đã thắng giải Nhà báo Công giáo 1991 của Hội nhà báo Công giáo Đức. Ông cũng đã làm việc như nhà xã hội học nghiên cứu các tiến trình xã hội văn hóa tại Hiệp hội Konrad Adenauer. Là nhà báo ông đã viết bài cho nhiều nhật báo và năm 1998-1999 ông đã là thành viên nhóm làm việc “Chính trị và Xã hội của Ủy Ban “Giáo hội năm 2000” của Hội đồng Giám mục Đức.

Cuốn sách nói trên của ông là một khảo luận chụp lại tình hình Kitô giáo tại Liên bang Đức hiện nay. Ngoài các trình bày thuận tiện hay có tính cách an ủi, ông đặt để các vị lãnh đạo Tin lành và Công giáo trước thực tại suy sụp này của Kitô giáo, và mời gọi những người tin cũng như không tin suy tư về các hậu quả của sự thay đổi mô thức triệt để đang hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, và chúng gây ra âu lo vì không thể nào thấy trước được các hậu quả của chúng trong tương lai.

Dĩ nhiên, các dữ kiện và các số thống kê trần trụi không phải là tất cả, nhưng chúng có sức mạnh và ý nghĩa riêng của chúng. Chẳng hạn như trước kia tại các bang cựu Đông Đức cùng với Lettonia và Cộng hòa Tchèques, là các vùng đất có sĩ số vô thần cao nhất, thì hiện nay, theo lượng định của Liên hiệp Âu Châu, nói chung, lòng đạo hạnh của người dân Đức ở dưới mức trung bình của Âu châu, vì chỉ có 47% dân khẳng định mình tin nơi Thiên Chúa. Từ năm 1950 cho tới nay số tín hữu Tin lành Đức giảm từ 43 xuống còn 25 triệu, nghĩa là gần phân nửa trong vòng hai thế hệ, và kể từ năm 1970 tới nay Giáo hội Tin lành đã mất đi 6,6 triệu tín hữu. Trong khi Giáo hội Công giáo trong thập niên 1970 có 25 triệu tín hữu và ngày nay cũng có số tín hữu tương tự, nghĩa là không tiến triển tí nào. Nhưng trong các thập niên qua Giáo hội Công giáo đã mất đi sức lớn mạnh nhờ hiện tượng di cư và dân số gia tăng. Từ năm 1989 tới nay Giáo hội Công giáo đã mất đi 2,2 triệu tín hữu, tương đương với số tín hữu toàn Tổng Giáo phận Koeln. Và mỗi năm Tổng Giáo phận Koeln mất 0,6% tín hữu.

Liên quan tới việc tham dự thánh lễ Chúa nhật, hồi năm 1950 có phân nửa tổng số 25 triệu tín hữu trung thành tham dự thánh lễ Chúa nhật. Nhưng theo một cuộc thăm dò do học viện Allensbach thực hiện hồi tháng Giêng năm 2009 chỉ có 8% tín hữu Công giáo Tây Đức và 17% tín hữu Công giáo Đông Đức tuyên bố là tham dự thánh lễ đều đặn mỗi ngày Chúa nhật. Tuổi trung bình của những người tham dự thánh lễ Chúa nhật cũng không lấy gì làm khích lệ: trong cả hai Giáo hội Tin lành cũng như Công giáo những người đi lễ Chúa nhật đều trên 60 tuổi.

Vẫn theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây của Học viện Allensbach, chỉ có 15% người dân Đức dưới 30 tuổi, tức là giới cha mẹ trong tiềm năng của thế hệ mới, coi việc giáo dục tôn giáo là quan trọng đối với con cái họ.

Niềm tin Kitô của người dân Đức lại còn giảm sút hơn nữa, nếu duyệt xét mức độ tin vào các sự thật đức tin của họ. Chỉ có 58,7% tín hữu Công giáo và 47,7% tín hữu Tin lành tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên trái đất. Và số tín hữu tin vào sự thụ thai đồng trinh của Đức Maria hay tin vào sự phục sinh lại còn ít hơn nữa. Chỉ có 38% dân Đức còn tin Giáng Sinh là một ngày lễ tôn giáo. Theo đúc kết của nhà xã hội học Thomas Gesincke, “đối với nhiều người, Kitô giáo đã hoàn toàn trở thành một bối cảnh văn hóa để đan dệt một tôn giáo riêng của mình”, hay như lời Đức Hồng y Degenhardt, Tổng Giám mục giáo phận Paderborn, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, tuyên bố trước Hội đồng Giám mục Đức hồi năm 1988: “Kitô giáo đã trở thành một quang cảnh chung bên trong Giáo hội Đức, là quang cảnh của một đám đông “người ngoại giáo được rửa tội”.

Ông Puettman đã dành ra hàng chục trang trong sách để miêu tả tình trạng nghèo nàn tinh thần này của Kitô giáo Đức. Tiếng báo động của ông tuy là một sự đơn giản hóa khắc nghiệt, nhưng liêm chính, mà chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã nhiều lần gióng lên. Trong thư đề cập tới việc giải vạ tuyệt thông cho bốn giám mục theo nhóm Lefèvre thủ cựu, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viết: “Tại nhiều vùng rộng lớn của trái đất, đức tin đang găp nguy cơ tắt ngấm đi như một ngọn lửa không tìm ra chất đốt nữa”. Và ông Puettman lợi dụng lúc cuộc thảo luận về khuynh hướng đa văn hóa đang lôi kéo sự chú ý tại Đức để làm cho mọi người hiểu rằng tâm tình bài hồi giáo tự nó có thể làm cho dư luận hướng dẫn người dân thường xích lại gần các gốc rễ Kitô đã bị quên lãng hơn. Và đó là điều còn cần phải chờ xem xảy ra như thế nào.

Ngày nay, các lực lượng của sự tục hóa tấn kích Hồi giáo cũng bởi vì đó là thực tại còn lại, giống như bức tường đối đầu và ngăn chặn các lực lượng tục hóa lan tràn. Thế giới Tin lành thì uể oải trong cái khô cằn của mình và được nịnh hót bởi tư tưởng thống trị cho rằng Tin lành được coi như đồng nghĩa với nền văn minh “đời và tự do”. Trong khi đối với thế giới Công giáo thì tùy theo từng trường hợp: nó được kính trọng, khi dám bóc nhãn hiệu, lên tiếng công khai chống lại khuynh hướng duy tương đối luân lý thống trị, nhưng khi khác nó lại bị coi như đối thủ, cần phải kiểm soát và bẻ gẫy giống như xảy ra với Hồi giáo.

Như thế, theo giáo sư Puettman tình hình Giáo hội Tin lành Đức rất là tồi tệ. Các tín hữu Công giáo thì ngưng tụ không tiến triển. Vậy phải đưa ra các biện pháp chống lại tình trạng tiêu cực này như thế nào đây? Chắc chắn không phải là giương cao lá cờ của khuynh hướng duy đời, mà là sống theo tinh thần nghiêm khắc của Đức Giáo Hoàng.

Từ phía các giới truyền thông thì dấu chỉ của tình trạng này là triều đại của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Hồi năm 2005 với cái chết của Đức Gioan Phaolô II, việc bầu lên một vị Giáo Hoàng người Đức và chuyến viếng thăm của người tại Đức đã dấy lên một cơn sóng Công giáo có ba mặt, tạo ra cảm tưởng của một sự hồi sinh tôn giáo. Nhưng vì chương trình của Đức Biển Đức XVI không phải là làm cho mình được quý mến hay được vỗ tay tán thưởng, mà là loan báo sứ điệp của Chúa, nên tuần trăng mật đã không kéo dài. Ông Puettman cho rằng có vấn đề và cũng có một cơ may. Ông là người có can đảm nhìn vào sự thật và nói lên sự thật, mặc dù vì thế có thể ông không được dân chúng ưa thích hay bị họ khinh bỉ. Ông nhắc tới chìa khóa của một cuộc trở lại không giả tạo của Thiên Chúa. Và theo ông chương tổng kết đã được Hội đồng Giáo hội Kitô Tin lành đưa ra trong hội nghị nhóm tại Stockholm hồi năm 1945: đó là “Loan báo Lời Chúa với nhiều can đảm hơn, cầu nguyện với nhiều tin tưởng hơn, tin với nhiều tươi vui hơn, và yêu thương với nhiều đam mê hơn”. Đó là các điểm có thể giúp tái trao ban sức sống tinh thần cho Kitô giáo. Vì thế các Kitô hữu phải thắng vượt sự nhút nhát của mình, thắng vượt sự ươn lười của mình, và thắng vượt tình trạng thiếu chuyên môn liên quan tới đức tin mà họ tuyên xưng.

(Avvenire 14-9-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top