Cùng Đi Với Chúa Và Với Nhau

Cùng Đi Với Chúa Và Với Nhau

Cùng Đi Với Chúa Và Với Nhau

Trình thuật hai môn đệ Emmaus là một trong những câu chuyện đẹp nhất của Tin Mừng Luca. Hai ông bỏ Giêrusalem mà về Emmaus, tâm hồn trĩu nặng buồn phiền và thất vọng. Chỉ đến khi có người khách lạ xuất hiện và cùng đi với hai ông, giải thích Kinh Thánh cho hai ông nghe, thì lòng họ mới bừng cháy, và khi người khách lạ đồng bàn với họ, Ngài “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho hai ông” thì họ mới nhận ra đó là Thầy Giêsu đã chết và nay sống lại, nhưng Ngài đã biến mất (Lk 24,31)!

Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ hôm nay là phần kết của câu chuyện: thay vì đi tiếp về Emmaus, hai ông quay trở lại Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một các Tông đồ, và kể cho họ nghe hai ông đã gặp gỡ Đức Kitô phục sinh thế nào. Phần kết luận này rất quan trọng vì nói với chúng ta rằng một khi đã gặp gỡ Đấng Phục sinh, hai môn đệ được thôi thúc quay trở lại Giêrusalem để chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ ấy. Một khi đã cảm nhận được Chúa Kitô phục sinh đồng hành, hai ông cũng trở lại Giêrusalem để đồng hành với Nhóm Mười Một trong sứ mạng làm chứng cho Đấng Phục sinh và “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lk 24,47).

Thánh Lễ đồng tế chiều 13/4 tại Nhà thờ chính tòa Sài Gòn

Bài học về sự đồng hành ấy vẫn được tiếp tục thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh. Cách riêng chiều hôm nay, tôi muốn nhìn sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh đang ở giữa chúng ta như dấu chỉ hữu hình và cụ thể cho sự đồng hành của Tòa Thánh Vatican với Hội Thánh Việt Nam.

Nhìn lại quá khứ, năm 1989, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cử đặc sứ của ngài là Đức hồng y Roger Etchegaray đến thăm Việt Nam, và ngài đã đến dâng Thánh Lễ tại Nhà thờ chính tòa này. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1975 có sứ giả của Tòa Thánh đến thăm nên các tín hữu hết sức vui mừng, đổ xô đến rất đông, không những trong nhà thờ mà cả ngoài nhà thờ, đến nỗi khi vào đến nhà thờ, Đức hồng y nói: Tôi vào được đến đây, quả là phép lạ!

Kể từ chuyến viếng thăm ấy, theo thời gian, những cánh cửa hiệp thông giữa Tòa Thánh và Hội Thánh Việt Nam ngày càng được mở ra rộng rãi hơn. Năm 2011, chúng ta bắt đầu có vị đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; rồi từ ngày 23 tháng 12 năm 2023, chúng ta có vị đại diện thường trú của Tòa Thánh cũng đang hiện diện ở đây; đặc biệt hôm nay chúng ta vui mừng đón tiếp Đức Tổng giám mục Bộ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh.

Tòa Thánh đồng hành với Hội Thánh Việt Nam để nâng đỡ chúng ta trong đời sống đức tin và trong sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh, vì như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Là Dân Thiên Chúa trong thế giới này, được Thánh Thần hướng dẫn, và như những viên đá sống động trong Thân Thể Chúa Kitô, chúng ta nhận ra rằng mình là những thành viên của một gia đình rộng lớn, là con cái của Chúa Cha và là anh chị em với nhau. Chúng ta không phải là những hòn đảo biệt lập nhưng là thành phần của một toàn thể lớn lao hơn…chúng ta lắng nghe nhau và cùng đi với nhau để nhìn nhận và phân định xem đâu là nơi Thánh Thần dẫn chúng ta tới hầu sinh ơn ích cho mọi người” (Sứ điệp Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi 2024).

Không những đồng hành với người Công giáo, Tòa Thánh còn mong muốn đồng hành với dân tộc Việt Nam cũng như với các dân tộc khác, để cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn như Hội Thánh khẳng định: “Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium et Spes, 1).

Sự gặp gỡ giữa Đức Tổng giám mục Bộ trưởng ngoại giao và các vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam nói lên mối quan tâm và sự đồng hành ấy. Chúng ta cầu nguyện cho sứ mạng cao cả của ngài đem lại nhiều hoa quả tốt đẹp cho Tòa Thánh cũng như cho người dân Việt Nam.

Hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Đức Kitô phục sinh khi Ngài đồng bàn và bẻ bánh rồi trao cho các ông. Chúng ta quy tụ trong nhà thờ hôm nay để cử hành việc bẻ Bánh Thánh Thể. Ước chi Bánh Thánh Thể ban tặng cho chúng ta sức mạnh thiêng liêng để chúng ta cùng đi với nhau và làm chứng cho ước mơ của Chúa Giêsu “về một gia đình nhân loại duy nhất, được kết hợp trong tình yêu Thiên Chúa và trong mối dây bác ái, hợp tác và huynh đệ” (ĐGH Phanxicô, ibid.). Amen.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: giaophanmytho.net

 

Top