Đức giáo hoàng Phanxicô và chuyện đọc sách văn học
Từ những kinh nghiệm cụ thể trong đời, Đức giáo hoàng thấy rõ sự cần thiết của việc đọc sách văn học trong đời sống con người nói chung và trong việc đào tạo linh mục nói riêng. Lá thư của Đức Thánh Cha rất phong phú và đáng trân trọng, vì thế cần được đào sâu hơn trong những bài sau, về văn hóa đọc, và về giá trị của việc đọc sách văn học trong việc đào tạo linh mục.
WGPMT (19/8/2024) - Ngày 17 tháng 7 năm 2024, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi đến cộng đồng dân Chúa một lá thư về Vai trò của văn chương trong việc đào tạo. Quả là chuyện lạ! Lạ là bởi vì hình như chưa có vị Giáo hoàng nào ban hành cả một tài liệu (bản tiếng Anh dài 12 trang A4, gồm 43 số) về chuyện đọc sách cả. Giả như có khuyến khích đọc sách thì thường là sách thần học và tu đức…chứ có bao giờ Giáo hoàng lại khuyến khích đọc tiểu thuyết và thi ca! Có khi còn cấm tiệt là đàng khác!
Lạ hơn nữa là vì ngài không chỉ nói đến việc đọc sách văn học chung chung nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách văn học trong việc đào tạo chủng sinh và linh mục. Ngay ở phần mở đầu, ngài viết: “Lúc đầu tôi chọn cho lá thư này một tựa đề quy về việc đào tạo linh mục. Tuy nhiên, suy nghĩ xa hơn, tôi thấy đề tài này cũng được áp dụng cho việc đào tạo tất cả những ai dấn thân trong việc mục vụ, và thực ra là mọi Kitô hữu. Điều tôi muốn bàn đến ở đây là giá trị của việc đọc tiểu thuyết và thi ca như một phần trên nẻo đường dẫn tới sự trưởng thành cá nhân” (số 1).
Sau đó, Đức giáo hoàng nói rõ hơn: “Tôi đánh giá rất cao sự kiện này là ít ra một vài chủng viện đã phản ứng chống lại sự ám ảnh của “các màn hình” và những tin tức độc hại, hời hợt, giả tạo của nó, bằng cách dành thời gian cho việc đọc và thảo luận các tác phẩm mới hoặc cũ nhưng vẫn có nhiều điều để nói với chúng ta. Thế nhưng điều đáng tiếc là nhìn chung, một nền tảng đầy đủ về văn học chưa phải là thành phần trong chương trình đào tạo các thừa tác viên chức thánh. Văn học thường chỉ được xem như một hình thức tiêu khiển, một “nghệ thuật nhỏ” không nhất thiết phải thuộc về chương trình giáo dục các linh mục tương lai và việc chuẩn bị cho tác vụ mục vụ. Ngoại trừ số ít trường hợp, văn học bị coi là không thiết yếu. Tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng đó là cách tiếp cận không lành mạnh. Nó có thể dẫn đến sự nghèo nàn về tri thức và thiêng liêng của các linh mục tương lai, những người bị tước đọa mất điều mà văn học mang lại cho chính tâm điểm của văn hóa nhân loại, và cụ thể hơn, cho con tim mỗi người” (số 4).
Đức Giáo Hoàng Phaxicô
Tại sao Đức giáo hoàng lại quan tâm đến chuyện đọc sách văn học như thế? Thiết nghĩ trước hết là do kinh nghiệm cá nhân của ngài, một người yêu thích văn chương. Người ta đưa ra danh mục 10 quyển sách Đức giáo hoàng Phanxicô yêu thích, thì trong đó, ngoài 5 quyển là sách tu đức và thần học như Linh thao của Thánh Inhaxio, Đức Chúa của Romano Guardini, Sự trở lại của người con hoang đàng của Henri Nouwen, Hào quang của Giáo Hội của Henri de Lubac, Memoriale của Thánh Peter Faber; còn lại là tiểu thuyết và thi ca: Anh em nhà Kamarazov của Fyodor Dostoievski, Chúa tể thế giới của Robert Hugh Benson, Tôi yêu người quá đỗi muộn màng của Ethel Mannin, El otro, el mismo của Jorge Luis Borges, Bạn đính hôn của Alessandro Manzoni (x. www. Aleteia.org).
Không những yêu thích văn học, ngài từng là thầy giáo dạy Văn. Năm 1965, lúc đó 28 tuổi, ngài dạy cấp 3 tại Trường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Santa Fe và Trường Chúa Cứu Thế ở Buenos Aires, phụ trách môn Văn học Tây Ban Nha và Argentina. Khi dạy Văn, ngài có nhiều sáng kiến để khơi dậy nơi học sinh sự thích thú với các tác phẩm văn học, chẳng hạn tổ chức các cuộc thảo luận về một tác phẩm, mời các nhà văn đến nói chuyện với học sinh. Vì thế không những ngài đọc và dạy học nhưng còn gặp gỡ và quen biết nhiều nhà văn nổi tiếng đương thời như Jorge Luis Borges và Maria Esther de Miguel. (x. ĐGH Phanxicô, Cuộc đời – Câu chuyện của tôi trong lịch sử, 86-88).
Từ những kinh nghiệm cụ thể trong đời, Đức giáo hoàng thấy rõ sự cần thiết của việc đọc sách văn học trong đời sống con người nói chung và trong việc đào tạo linh mục nói riêng. Lá thư của Đức Thánh Cha rất phong phú và đáng trân trọng, vì thế cần được đào sâu hơn trong những bài sau, về văn hóa đọc, và về giá trị của việc đọc sách văn học trong việc đào tạo linh mục.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net
bài liên quan mới nhất
- Báng bổ tôn giáo
-
Tưởng nhớ một người thầy -
Trí tuệ nhân tạo và giảng thuyết -
Ngôn ngữ tôn giáo -
Chứng từ đức tin của một nhà khoa học -
Xung đột giữa khoa học và tôn giáo -
Khoa học và tôn giáo -
Cuộc đời: Câu chuyện của tôi trong lịch sử -
Xin ơn thánh hoá linh mục -
Phái Ngũ Tuần và những thách đố cho Giáo hội Công giáo