Xung đột giữa khoa học và tôn giáo
“Như tôi đã nói trong nhiều năm qua, lý do lớn khiến nhiều người trẻ rời bỏ Hội Thánh là vì cho rằng có sự xung đột giữa khoa học và đức tin”. Đó là nhận định của Giám mục Robert Baron, một khuôn mặt nổi của truyền thông công giáo Hoa Kỳ (x. Why the supposed conflict between science and religion is tragic nonsense? Wordonfire.org). Có lẽ vì sống trong một đất nước hàng đầu về khoa học kỹ thuật nên vị giám mục này thấy rõ tác động của những tiến bộ khoa học trên đời sống đức tin của người trẻ. Cùng với nhận định trên, dựa vào sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình, vị giám mục này đưa ra những gợi ý đáng quan tâm để giúp người trẻ hiểu đúng vấn đề.
Trước hết, vai trò của Hội Thánh trong sự phát triển khoa học. Những ông tổ của khoa học hiện đại như Kepler, Copernicus, Galileo, Newton, Descartes… tất cả đều đã được đào tạo trong các trường học do Hội Thánh bảo trợ, ở đó họ học được hai chân lý thần học nền tảng: (1) vũ trụ này không phải là Thiên Chúa nhưng là thụ tạo của Ngài; và (2) có thể tìm hiểu vũ trụ này bằng lý trí con người. Hai chân lý này là nền tảng cho nghiên cứu khoa học, bởi lẽ nếu vũ trụ này là thần linh thì nó không thể là đối tượng cho việc quan sát, phân tích, thí nghiệm. Đồng thời nếu vũ trụ này là hỗn mang thì khoa học không thể nào khám phá được sự hài hòa và những định luật chi phối vận hành của vũ trụ. Hai chân lý trên là nền tảng để các nhà khoa học nghiên cứu trong các ngành vật lý, thiên văn, toán học…
Kế đến, cần phân biệt về đối tượng và phương pháp của khoa học và của niềm tin tôn giáo. Khoa học và đức tin không xung đột với nhau để tranh giành thắng thua giống như hai đội bóng trên sân cỏ mùa Euro, bởi lẽ khoa học và đức tin có đối tượng và phương pháp khác nhau. Khoa học nghiên cứu các sự kiện, vật thể, những vận hành và tương quan trong thế giới thường nghiệm. Còn tôn giáo tìm hiểu về Thiên Chúa và những sự thuộc về Ngài, đồng thời sử dụng một phương pháp hoàn toàn khác, vì Thiên Chúa không phải là một vật thể trong thế giới này, nhưng là lý do làm nên vũ trụ này. Nói cách hình tượng, Thiên Chúa giống như tác giả của một tác phẩm văn học hết sức phong phú. Nguyễn Du không phải là bất cứ nhân vật nào trong Truyện Kiều, nhưng chính ông là lý do làm nên hiện hữu của các nhân vật trong Truyện Kiều.
Cùng với nhận định trên, cần thấy rõ sự khác biệt giữa khoa học và chủ thuyết duy khoa học (scientism), là chủ trương chỉ nhìn nhận hình thái tri thức duy nhất là tri thức khoa học thực nghiệm. Chúng ta không thể phủ nhận những thành công vượt bực của khoa học và sự hữu dụng của các tiến bộ kỹ thuật, nhưng nếu coi đó là tất cả tri thức nhân loại thì thật quá nghèo nàn. Một nhà khoa học có thể phân tích cho chúng ta biết về những chất liệu được sử dụng trong những họa phẩm của Michelangelo tại điện Sistine, nhưng với tư cách nhà khoa học, ông không thể nói điều gì về lý do làm cho những bức họa ấy lại là tuyệt phẩm!
Cuối cùng, vụ án Galileo là một vết nhơ trong lịch sử nhưng không phải là tất cả. Từ sách giáo khoa cho đến nhiều bài viết gặp được trên mạng truyền thông, Galileo thường được coi như biểu tượng cho sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo, giữa một bên là sự khai sáng của khoa học và bên kia là sự cuồng tín mê muội của tôn giáo. Thực ra cái được gọi là “vụ án” Galileo không đơn giản như người ta nghĩ (x. Rodney Stark, Bearing False Witnesses: Debunking Centuries of Anti-catholic History). Dù sao chăng nữa, đó cũng là một vết nhơ trong lịch sử Hội Thánh và Đức Gioan Phaolô II đã chính thức lên tiếng xin lỗi. Thế nhưng nếu chỉ nhìn vào sự kiện Galileo để đánh giá toàn bộ mối tương quan giữa khoa học và tôn giáo thì quả là thiếu sót. Trong quá khứ cũng như hiện tại, vẫn luôn có các Kitô hữu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đồng thời sống niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Georges Lemaitre đã được nhắc đến trong bài trước là nhân vật điển hình.
Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, qua các phương tiện truyền thông, những gì xảy ra ở Bắc bán cầu cũng nhanh chóng được đón nhận tại Việt Nam. Vì thế cũng cần quan tâm đến việc đồng hành với người trẻ về mối tương quan giữa khoa học và đức tin. Có những nguồn tư liệu, chẳng hạn trang web của Hiệp hội các nhà khoa học công giáo: www.catholicscientists.org , có thể giúp chúng ta cập nhật sự hiểu biết trong lĩnh vực này để làm việc tốt hơn.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net
bài liên quan mới nhất
- Đức giáo hoàng Phanxicô và chuyện đọc sách văn học
-
Báng bổ tôn giáo -
Tưởng nhớ một người thầy -
Trí tuệ nhân tạo và giảng thuyết -
Ngôn ngữ tôn giáo -
Chứng từ đức tin của một nhà khoa học -
Khoa học và tôn giáo -
Cuộc đời: Câu chuyện của tôi trong lịch sử -
Xin ơn thánh hoá linh mục -
Phái Ngũ Tuần và những thách đố cho Giáo hội Công giáo