Cử hành Thánh Thể: Bài 40 - Nghi thức chúc bình an

Cử hành Thánh Thể: Bài 40 - Nghi thức chúc bình an

Cử hành Thánh Thể: Bài 40 - Nghi thức chúc bình an

WHĐ (15.07.2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 40: NGHI THỨC CHÚC BÌNH AN

I/ NGHI THỨC

Sau câu tung hô của cộng đoàn “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” (NTTL 125; QCSL 153) là đến nghi thức chúc bình an. Trước hết chủ tế dang tay đọc rõ tiếng Kinh xin ơn bình an “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói....” Sau kinh này, chủ tế dang tay rồi chắp lại, hướng về cộng đoàn chúc bình an bằng câu “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.” Cộng đoàn thưa: “Và ở cùng Cha.” Đoạn phó tế/linh mục tùy nghi thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau.” (x. NTTL 126-128; QCSL 154). Bấy giờ, chúng ta tiếp tục thực hành theo quy chế sau đây.

II/ QUY CHẾ

Linh mục có thể chúc bình an cho các thừa tác viên, tuy nhiên, bao giờ cũng phải ở lại trong cung thánh, kẻo làm xáo trộn việc cử hành. Khi có lý do chính đáng, nếu muốn, linh mục cũng có thể chúc bình an cho một số ít tín hữu. Mọi người khác tùy theo cách thức Hội đồng Giám mục quyết định, tỏ cho nhau dấu chỉ bình an, hiệp thông bác ái. Trong khi chúc bình an, có thể nói: Bình an của Chúa hằng ở cùng …. Người kia đáp: Amen (QCSL 154).

Các Hội đồng Giám mục sẽ tùy theo tinh thần và phong tục của mỗi dân tộc mà ấn định cách thức chúc bình an. Tuy nhiên, để thuận tiện thì mỗi người chỉ nên chúc bình an cho những người gần nhất một cách đơn giản thôi. Tại Việt Nam, để chúc bình an cho cộng đoàn, chủ tế dang hai tay, quay về phía cộng đoàn và nói: Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em. Cộng đoàn đáp lại Và ở cùng cha, và không làm cử chỉ gì khác nữa. Sau câu kêu mời của chủ tế hoặc phó tế: Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau, thì: Chủ tế quay sang vị đồng tế hoặc phó tế, hoặc thừa tác viên đứng bên, cúi mình và nói: Bình an của Chúa ở cùng cha (hoặc thầy). Vị đồng tế hay thừa tác viên đứng kế bên cũng cúi mình và nói: Bình an của Chúa ở cùng cha (Thầy). Các vị đồng tế hay thừa tác viên khác đứng bên nhau cũng làm như vậy. Giáo dân hai bên lòng nhà thờ cũng quay vào nhau cúi mình để chúc bình an cho nhau mà không cần nói gì (QCSL 82).

III/ LỊCH SỬ - Ý NGHĨA

Hiện nay, kể từ Sách lễ 1970, sau kinh Lạy Cha và trước khi bẻ bánh, linh mục cử hành nghi thức trao chúc bình an tuần tự theo 3 phần: [1] Kinh xin ơn bình an và hiệp nhất cho Hội Thánh; [2] Chủ tế cầu chúc cộng đoàn được bình an và lời đáp của cộng đoàn; [3] Mọi người chia sẻ bình an cho nhau. Chúng ta phân tích kỹ hơn 3 thành phần vừa nêu:

1/ Kinh xin bình an

Kinh này được đưa vào Thánh lễ trong thế kỷ XI như lời kinh cá nhân của linh mục và chỉ được đọc thầm sau câu chúc “Pax Domini” (Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em) . Nó bắt đầu ở Đức, lan qua Ý và cuối cùng được đưa vào Sách lễ 1474, rồi Sách lễ 1570 như một lời kinh bó buộc cũng như trở thành lời kinh đầu tiên và long trọng trong Nghi thức Thánh lễ thưa lên với Chúa Giêsu Kitô.[1] Lúc đầu, linh mục chỉ đọc thầm kinh này như một lời kinh thú tội; nhưng hiện nay, ngài đọc lớn tiếng như lời kinh giúp chuẩn bị trao ban bình an vì đã được dịch chuyển ra trước lời chúc “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” (NTTL 136-27). Kinh này hướng về Chúa Giêsu là Đấng ban phát bình an và mở đầu bằng việc nhắc lại lời hứa của Ngài: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27), rồi căn cứ vào lời hứa ấy, vị chủ tế xin Chúa thương cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa như vừa nhắc đến trong kinh Lạy Cha.[2] Vì cảm thấy mình tội lỗi và yếu đức tin, nên khi xin ơn này, mặc dù đọc một mình, tư tế khiêm nhượng thưa với Chúa nhân danh cộng đồng (bằng đại danh từ số nhiều): “Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa,” nghĩa là muốn mời gọi tất cả tín hữu bám chặt vào lòng nhân lành và tình yêu thương của Thiên Chúa,[3] Đấng đã cho Đức Kitô xuống trần làm Chiên Vượt Qua để gánh tội trần gian, Ngài toàn tri, công bằng và nhân ái (1Ga 3,19-20).[4]

Trong kinh “Xin cứu chúng con” sau kinh Lạy Cha, linh mục đã không những xin Chúa cứu chúng ta cho khỏi mọi sự dữ, nhưng còn xin cho chúng ta một ơn cao cả hơn hết là sự bình an. Chúa Cứu Thế là Vua Bình An/Hoàng Tử Bình An, vì vậy bình an ở đây là bình an của Đức Kitô: vào đêm trước khi ra đi chịu chết, Đức Kitô đã cầu cho sự hiệp nhất (x. Ga 17) và trao ban quà tặng bình an cho các môn đệ của Ngài. Quà tặng bình an này không giống như bình an thế gian ban tặng, là sự bình an thế gian không thể ban tặng (x. Ga 14, 27-31) mà chỉ có Đức Kitô mới có thể ban (x. Rm 5,6-11). Hầu hết những lần hiện ra sau khi phục sinh, Chúa Kitô đều chào chúc các môn đệ bằng những lời: “Bình an cho các con” (Ga 20,19). Như vậy, đây là sự bình an đạt được nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá, là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm vượt qua, là sự viên mãn của ơn cứu độ trong Tân Ước. Người đã đem đến sự bình an toàn diện, vĩnh cửu như một ơn huệ lớn lao của thời đại Đấng Cứu Thế (x. Is 9,6-7; 32,17-18; Rm 5,6-11).[5]

2/ Lời chúc cộng đoàn được bình an

Sau khi xin Chúa ban ơn bình an, linh mục cầu chúc mọi người: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”; cộng đoàn đáp lại: “Và ở cùng cha”. Vì công thức này thực ra chưa phải là một lời mời trao đổi, nên liền sau đó, phó tế hay chính chủ tế còn thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Bấy giờ cộng đoàn mới chào chúc nhau theo như tập tục địa phương, để không những cầu chúc bình an, nhưng còn tỏ tình thân thiện, tha thứ cho nhau như Lời Chúa dạy, trước khi lên rước Mình Máu Thánh Chúa (x. Mt 5,23tt).[6]

Câu “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” chính là lời Chúa Giêsu chào chúc các môn đệ của mình sau khi Ngài đã phục sinh (x. Ga 20,19; 21,26). Câu này đã xuất hiện trong Sách lễ 1474. Nhưng Sách lễ 1570 xếp câu này vào dạng nhiệm ý tùy theo việc trao chúc bình an có thực hiện trong Thánh lễ hay không. Trước đây, câu này được đọc trước cả kinh “Xin ơn bình an”, nhưng sau đó, được chuyển ra sau thời điểm bẻ bánh.[7] Sau Công đồng Vaticanô II, công thức này được đưa lại vị trí cũ của nó, tức theo sau kinh “Xin ơn bình an” nhằm hợp nhất các yếu tố bình an trước khi bẻ bánh. Lời chúc của chủ tế cùng lời đáp của cộng đoàn: “Và ở cùng cha” có ý nghĩa như một lời mời gọi mọi người trao đổi bình an. Sách lễ hiện nay (2002) bắt buộc phải đọc những lời này (NTTL 127; QCSL 154).

Câu “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” được rút từ phụng vụ Ambrôsiô và mới được thêm vào sau Công đồng Vaticanô II bởi vì trước đây lời chúc của chủ tế và lời đáp của cộng đoàn được hiểu là lời mời chia sẻ bình an cho nhau rồi.[8]

3/ Mọi người chia sẻ bình an cho nhau

Trước thời của Đức Innocent I (401-417), chúng ta không biết chính xác trong Thánh lễ các tín hữu trao chúc bình an vào thời điểm nào. Khoảng năm 155, thánh Justinô và chỉ sau đó ít lâu, cả Tertulianô đều cho biết rằng ngay sau khi được rửa tội các tân tòng đã hòa nhập cùng với các tín hữu trong nghi thức trao hôn bình an ngay trước phần dâng lễ (Apologia I, 65). Thánh Justinô nói: “Khi kết thúc việc cầu nguyện (Lời nguyện chung), chúng tôi chào nhau bằng một nụ hôn” (GLCG 1345).[9] Thánh Hippolyto cũng đề cập trong cuốn Truyền thống Tông đồ rằng các tân tòng sau khi được ghi dấu bởi dầu và cái hôn của ĐGM thì lần đầu tiên họ cầu nguyện chung với tất cả tín hữu, trao hôn bình an và tham dự vào nghi lễ trình bày lễ phẩm (Traditio Apostolica 21,26).[10] Thật sự thực hành hôn chúc bình an giữa các tín hữu đã sớm được đưa vào phụng vụ như một quy tắc không phải từ đầu thế kỷ III mà đã diễn ra tại Rôma ít là giữa thế kỷ II. Tại đây, cử chỉ này được thực hiện sau Lời nguyện chung kết thúc phần Phụng vụ Lời Chúa như một dấu chỉ của tình huynh đệ và yêu thương mà Chúa Giêsu đòi hỏi trước khi dâng của lễ (x. Mt 5,23-24).[11] Trao hôn bình an được coi là nghi thức bản lề vừa để kết thúc việc lắng nghe Lời Chúa vừa dẫn nhập vào cử hành Phụng vụ Thánh Thể và theo quan niệm cổ thời Kitô giáo thì nó tạo thành như ấn ký và cam kết của những lời nguyện trước đó.[12]

Hầu hết các học giả đều nhìn nhận là việc trao hôn bình an như thế được thực hiện mỗi lần các tín hữu quy tụ để cử hành Thánh Thể theo lệnh Chúa truyền và được coi là thành phần của Thánh lễ tại Milan vào thời thánh Ambrôsiô. Thực hành này xuất hiện không những ở Rôma mà trong hầu hết các nghi điển phụng vụ Đông phương cho đến hôm nay. Theo tài liệu Hiến chế Tông đồ (VIII:11.8-9), vào cuối thế kỷ IV ở Syria, các tín hữu chào chúc bình an cho nhau sau Lời nguyện chung và trước lúc dâng hiến Thánh Thể. Hầu như các nền phụng vụ lúc bấy giờ đều theo thực hành này ngoại trừ Roma và châu Phi.[13] Họ làm như vậy theo sau lời chào của Đức Giám mục: “Bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em” cũng như lời mời gọi của thầy phó tế dựa theo 1Cr 16,20: “Anh chị em hãy trao cho nhau cái hôn thánh thiện.”  Việc trao hôn bình an nói lên rằng cộng đoàn trung thành với lệnh truyền của Chúa không chỉ ở các yếu tố và hành động mà còn qua tình yêu hỗ tương lẫn nhau.[14]

Như đã đề cập ở trên, thời điểm trao hôn bình an là trước Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng Đức Innocent I (năm 416) đã khẳng định lập trường trong bức thư gởi cho Đức Giám mục Gubbio rằng thời điểm thích hợp nhất cho nghi thức hôn chúc bình an là sau Kinh nguyện Thánh Thể vì nói lên sự chấp nhận của cộng đoàn đối với tất cả những gì đã được hoàn thành trong tiến trình cử hành Thánh lễ, và như một dấu niêm kết thúc đối với Lễ quy (Epist. 25, 1 [PL, 20, 553]).[15] Rõ ràng, đây là điểm khác biệt giữa Đức Innocent I với thánh Hippôlytô và dường như Rôma đã phát triển lối thực hành mới của Đức Giáo hoàng này. Từ lúc Đức Grêgôriô Cả đưa kinh Lạy Cha vào sau Lễ quy, Hội Thánh Rôma đã đặt nghi thức hôn chúc bình an ngay sau kinh Lạy Cha, chính xác là sau kinh Embolimus, một thực hành được cho là đã có vào thời của thánh Augustinô (354-430) bên Phi châu với việc các Kitô hữu trao hôn bình an cho nhau sau Kinh nguyện Thánh Thể, sau kinh Lạy Cha, trước khi bẻ bánh và hiệp lễ (Serm. 227 [PL 38:1101]).[16] Thực hành truyền thống này được chấp nhận ở Rôma trong thời kỳ hậu Grêgôriô và lan truyền ra khắp Âu châu vì nó cũng hòa hợp với lời xin cuối cùng trong kinh Lạy Cha: “và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Rõ ràng dấu hiệu hôn chúc bình an có liên kết mật thiết với việc rước lễ và được coi là sự chuẩn bị tự nhiên cho việc rước lễ.[17]

Một nghiên cứu khác cho thấy, khoảng thế kỷ VI-IX, tại các vùng không thuộc phụng vụ Roma, nơi Hội Thánh của những người Celtic, khi đem của ăn đàng cho bệnh nhân, người ta trao cho họ cái hôn bình an trước khi cho rước lễ và nó đã trở thành nghi thức chuẩn bị rước lễ cho cả bệnh nhân lẫn trong Thánh lễ tại các vùng thuộc đế quốc Carologian. Dần dần, cử chỉ trao chúc bình an này mới được áp dụng trong Thánh lễ vào lúc trước khi hiệp lễ: người ta chỉ trao hôn bình an cho những người đã tham dự Thánh lễ và sẽ rước lễ mà thôi, những người dự tòng hay lạc giáo không được rước lễ nên cũng không nhận được hôn bình an.[18]

Vào thời Trung cổ, khi việc rước lễ trở nên hiếm hoi thì trao hôn bình an trở thành phần bổ túc cho rước lễ: linh mục chủ tế hôn bàn thờ, rồi ngài trao hôn bình an cho hàng giáo sĩ, những người này trao lại cho giáo dân.[19] Nhưng việc trao đổi bình an của dân chúng lại biến mất, không thấy có trong Sách lễ 1474. Theo chữ đỏ của Sách lễ Tridentinô, sau bẻ bánh và lời tung hô Chiên Thiên Chúa, tư tế sẽ đọc lời nguyện Xin ơn bình an: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng, Thầy để lại bình an….” Rồi nếu có trao dấu hiệu bình an thì ngài sẽ hôn bàn thờ - biểu tượng của chính Chúa Kitô - như để lãnh nhận bình an từ nơi Người. Tiếp đó ngài trao bình an cho các thừa tác viên khác theo thứ tự phẩm trật: tức là trao cho phó tế, đến lượt mình, thầy phó tế sẽ trao bình an cho thầy phụ phó tế; đến lượt mình, thầy phụ phó tế lại trao bình an cho các thừa tác viên khác nữa; và cuối cùng, dân chúng làm theo một dây chuyền tương tự.[20] Trao bình an như thế làm mất ý nghĩa về sự hiện diện của Chúa ở giữa cộng đồng. Để làm nổi bật sự hiện diện của Chúa giữa cộng đồng, phụng vụ mới đã bỏ cách thực hành trên và thông qua phó tế, mời gọi mọi người rằng: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, tức là mỗi người có thể chúc bình an cho nhau, không cần chờ bình an từ bàn thờ xuống rồi mới trao lại cho người khác.[21]

Ý nghĩa của việc trao chúc bình an cho người khác và đón nhận việc chúc bình an từ tha nhân là: (1) Thứ nhất, tỏ bày tình thương đối với tha nhân như lời Chúa dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12);[22] (2) Thứ hai, thừa nhận sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh ở trong họ. Trên hết, thánh Phaolô nhắc nhở: “Chúng ta là Nhiệm Thể Chúa Kitô” (x. 1Cr 12,27). Dấu chỉ bình an là một phương cách rất phù hợp qua đó chúng ta công khai tôn kính sự hiện diện của Đức Kitô nơi các anh chị em cận nhân trước khi tiến gần đến Bàn tiệc Thánh Thể, là nơi chúng ta chân nhận sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể dưới hình bánh và hình rượu. Như vậy, cử điệu của nghi thức chia sẻ bình an cho nhau diễn đạt ý nghĩa tương quan của chúng ta trong Chúa Kitô và với nhau. Tương quan ấy được xây dựng vững chắc trong việc cử hành Thánh lễ. Đây không phải chỉ là chào đón, nhưng diễn tả sự hiệp thông với nhau và với Chúa Kitô, Đấng nối kết mọi người và là nguyên ủy của hiệp thông, vì đến thời điểm rước lễ, những người tham dự Thánh lễ đã chào đón nhau rồi;[23] (3) Thứ ba, chúng ta vừa mới thưa lên với Thiên Chúa là Cha chúng ta (kinh Lạy Cha) để bày tỏ sự hiệp thông với Ngài và chúng ta lại sắp tiến lên để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, cho nên cử chỉ chào chúc bình an cho nhau là cách thế bày tỏ sự hiệp thông và giao hòa với anh chị em của nhau trong gia đình của Thiên Chúa và trong một Nhiệm Thể duy nhất. Như vậy, nghi thức trao chúc bình an được hiểu như là một trong những nghi thức chuẩn bị để tiến lên hiệp lễ, tiền dự vào việc hiệp lễ;[24] (4) Thứ tư, việc trao chúc bình an cho nhau là một hành động vượt qua, là dấu chỉ những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy bước vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Khi trao chúc bình an, các tín hữu như ước muốn và hứa với nhau rằng tất cả mọi đổ vỡ và chia rẽ sẽ được chữa lành để tất cả mọi người được ở trong sự hòa hợp và bình an cũng như cộng đoàn chúng ta là thành viên còn hơn là một cộng đồng nhân loại.[25] 

Về cách thức trao chúc bình an, thời tông đồ và hậu tông đồ, các tín hữu thường hôn nhau (x. Rm 16,16; 1Cr 16,20; 1Tx 5,26). Họ hôn trực tiếp bằng miệng - nam với nam và nữ với nữ - trong niềm tin rằng hơi thở mà họ chia sẻ cho người khác chính là hơi thở ban sự sống cho thân xác nhờ Thần Khí họ nhận được khi chịu phép Thánh tẩy; cũng như trong sự nhìn nhận rằng hôn là một dấu chỉ bày tỏ tình yêu và sự kính trọng.[26] Nhưng thời gian sau này, hôn được thay bằng cái ôm như trình bày của thánh Cyrilô thành Giêrusalem rằng trong nhà thờ của ngài, thầy phó tế kêu mời dân chúng: “Hãy ôm nhau và chào chúc nhau”; ngài tiếp tục giải thích: “Việc ôm hôn này là dấu chỉ linh hồn chúng ta được hợp nhất với nhau và là dấu chứng chúng ta xóa bỏ cho nhau mọi ký ức đau thương.[27] Hiện nay, Quy chế viết: “Các Hội đồng Giám mục sẽ tùy theo tinh thần và phong tục của mỗi dân tộc mà ấn định cách thức chúc bình an. Mỗi người chỉ nên tỏ dấu trao bình an cách chừng mực cho những người gần mình.” Vì thế, tín hữu Việt Nam tỏ dấu bình an bằng việc quay vào nhau, chắp tay cúi đầu và chào. Trong khi đó, tại các nước Âu Mỹ, họ thường bắt tay nhau (x. QCSL 82).

IV/ MỤC VỤ

1) Chủ tế có thể chúc bình an cho các vị đồng tế, các phó tế giúp lễ hay các thừa tác viên khác gần mình nhưng ngài phải luôn luôn ở trên cung thánh để khỏi làm xáo trộn cuộc cử hành và tránh nguy cơ lôi kéo người ta chú ý một cách bất thường đến cá nhân chủ tế. Mọi người luôn phải hướng về Chúa Giêsu và nhớ rằng chính Ngài là tác nhân, là nguồn mạch của bình an, là Đấng đang hiện diện trên bàn thờ và cũng là Đấng duy nhất có khả năng hiện thực hóa sự trao chúc bình an (x. Ga 14,27; 16,33; Rm 1,7; Ep 2,14; Gl 5,22).[28] Nếu có lý do chính đáng, chủ tế có thể trao bình an cho vài giáo dân, nhưng vẫn ở trên cung thánh (x. NTTL 128; QCSL 154, 239; LNGM 161; BTCĐ 72; Sacramentum caritatis, số 49).[29]

2) Mỗi người nên chúc bình an một cách giản dị và chỉ với những người ở chung quanh mình. Tuy nhiên, (a) cần tránh thái độ làm cho chiếu lệ như một nghi thức vô hồn không hơn không kém; (b) không nên mất nhiều thời gian cho nghi thức này – vốn chỉ là phần chuẩn bị cho hiệp lễ – khiến cho những phần quan trọng hơn trong phụng vụ bị áp đảo;[30] (c) không lang thang đi lại chỗ này chỗ kia để chúc bình an cũng như không mang những hình thức thái quá gây ra cảnh ồn ào náo động hoặc trò chuyện với nhau khiến bầu khí cộng đoàn loãng đi trước lúc hiệp lễ và làm mọi người khó tập trung vào nghi thức sắp diễn ra (Sacramentum caritatis, số 49). Đang lúc trao chúc bình an, không hát hay có bất cứ lời dẫn nào khác.[31]

_______

[1] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 330-331.

[2] Anthony Esolen, The Beauty of the Word (New York: Magnificat, 2012), 309.

[3] X. Erasto Fernandez, SSS, The Eucharist: Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 129.

[4] Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992),199; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 331.

[5] X. Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 199; Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 101.

[6] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997),156.

[7] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 330.

[8] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012)262.

[9] R. C. D. Jasper & G. J. Cuming, Prayers of the Eucharist: Early and Reformed, 3rd ed. (Collegeville: A Pueblo Book/The Liturgical Press, 1987/1990), 28; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 25.

[10] Geoffrey J. Cuming, Hippolytus: A Text for Students (Bramcote: Grove Books, 1976), 21.

[11] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 209.

[12] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 322.

[13] Ibid.

[14] Serra, Liturgy for the New Millennium, 99.

[15] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 322; Donald Wuerl - Mike Aquilina, The Mass: The Glory, the Mystery, the Tradition (New York: Doubleday, 2011), 186.

[16] Serra, Liturgy for the New Millennium, 101-03.

[17] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 323.

[18] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 323; Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 136.

[19] Ibid.

[20] X. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 441-42.

[21] X. Dominic Thuần, SSS, Cử Hành Thánh lễ, 121-22.

[22] J. Gélineau, Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992),  396.

[23] X. Joy Ann Zimmerman, “The Mystagogical Implications”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville:  The Liturgical Press, 2011), 617 -18; Serra, Liturgy for the New Millennium, 105-09.

[24] X. Ibid.

[25] X. Ibid.

[26] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 327; John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 174.

[27] Trích lại trong Donald Wuerl - Mike Aquilina, The Mass: The Glory, the Mystery, the Tradition, 185.

[28] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 151.

[29] X. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (Mahwah: Paulist Press, 1999), 120-121; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 154.

[30] Denis C. Smolarski, Q & A: The Mass (Chicago: LTP, 2002), 66; DeGrocco, no. 15.

[31] X. U.S. Conference of Catholic Bishops, Introduction to the Order of Mass: A Pastoral Resource of the Bishops’ Committee on the Liturgy (2003), 129; DeGrocco, no. 154; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 151.

Top