Cử hành Thánh Thể: Bài 39 - Kinh Lạy Cha và Kinh xin cứu chúng con

Cử hành Thánh Thể: Bài 39 - Kinh Lạy Cha và Kinh xin cứu chúng con

Cử hành Thánh Thể: Bài 39 - Kinh Lạy Cha và Kinh xin cứu chúng con

WHĐ (08.07.2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 39: KINH LẠY CHA VÀ KINH XIN CỨU CHÚNG CON

I/ NGHI THỨC

Kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, linh mục chắp tay đọc lời nhắn nhủ trước kinh Lạy Cha, tức đọc lời kêu mời mọi người cầu nguyện bằng lời kinh Chúa dạy “Vâng lệnh Chúa Cứu thế và theo thể thức Người dạy, …”, rồi ngài dang tay đọc kinh Lạy Cha cùng với cộng đoàn. Sau đó một mình linh mục đọc tiếp kinh Xin Cứu Chúng Con “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, …” (Embolismus), và cộng đoàn kết thúc bằng lời chúc vinh “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” (x. NTTL 124; QCSL 81, 152).

II/ LỊCH SỬ 

Kinh Lạy Cha bắt nguồn từ hai bản văn trong Tân Ước là Lc 11,2-4 và Mt 6,9-14. Tuy có hai bản văn và dù phiên bản của Luca ngắn hơn và có lẽ gần sát với nguyên bản hơn, nhưng phiên bản Mt 6,9-14 vẫn được chọn dùng trong phụng vụ bởi vì bản văn này có 3 lời cầu xin đầu tiên liên kết gần gũi với Kinh nguyện Thánh Thể và 4 lời cầu xin còn lại (bánh ăn và tha thứ) hướng đến việc rước lễ.

Kinh Lạy Cha, theo phiên bản Mt 6,9-14, đã thấy xuất hiện trong cuốn Didache khi khuyên giáo hữu nên cầu nguyện 3 lần trong ngày bằng Lời kinh của Chúa (chương VIII, 2-3). Tuy nhiên, kinh Lạy Cha được nối kết với Thánh lễ từ bao giờ thì chưa được xác định rõ. Cho tới thế kỷ IV, chúng ta không có bằng chứng chắc chắn nào về kinh Lạy Cha trong Nghi thức Thánh lễ.[1] Ngay cả sách Didache và sách Truyền thống Tông đồ cũng chưa nói gì đến kinh Lạy Cha trong Thánh lễ khi Hy lễ Tạ ơn không phải được cử hành mỗi ngày. Nhưng dựa vào tài liệu về “Bí tích” (De Sacramentis) của  thánh Ambrôsiô (339-397) khi đề cập đến việc giáo hữu đọc lời kinh này, chúng ta biết hầu chắc kinh Lạy Cha được đưa vào phụng vụ rất sớm tại Milan.[2]

Tại Đông phương, thánh Cyrilô cho biết rằng kinh Lạy Cha được hát ngay sau phần Lễ quy và trước nghi lễ bẻ bánh. Trong khi đó, bên Tây phương, ban đầu, người ta đọc kinh Lạy Cha ngay sau khi bẻ Bánh Thánh và trước khi phân phát Mình Thánh cho dân chúng. Nhưng rồi thánh Grêgôriô Cả (590-604) đã truyền đọc kinh Lạy Cha ngay sau phần Lễ quy và trước nghi lễ bẻ bánh như bên Đông phương nhằm nối kết Lời kinh của Chúa cho gần hơn với Kinh nguyện Thánh Thể và coi kinh này nằm trong phần nghi thức rước lễ. Trong thư trả lời cho Đức Giám mục Johannes ở Syracusa vào năm 598,[3] Đức Grêgôriô Cả cũng quyết định thay đổi thực hành tại Rôma: kinh này sẽ được dành riêng cho linh mục đọc tại bàn thờ, cộng đoàn chỉ thưa Amen xen kẽ vào cuối mỗi lời cầu xin, hoặc như trong nghi thức Rôma, thưa ngay khi kết thúc lời kinh, trong khi đó những người Hy Lạp lại hát chung kinh Lạy Cha với nhau.[4] Ngài còn cho biết lý do thay đổi là vì muốn lời kinh đặc biệt do chính Chúa dạy và lại có liên quan mật thiết tới Mình Máu Chúa, phải được đọc trên của lễ là Mình Máu Chúa trên bàn thờ, trước khi chủ tế bỏ bàn thờ xuống ngai tòa của mình để tiếp tục nghi lễ bẻ bánh và rước lễ như chúng ta thấy trong nghi lễ Chặng viếng Rôma.[5] Tại Tây Ban Nha, Công đồng Toledo IV (633) khẳng định rằng kinh Lạy Cha được đọc mọi ngày chứ không chỉ trong ngày Chúa nhật (Can. 10 [Manxi, X, 621]).[6]

Thời Trung cổ, kinh Lạy Cha được đặt vào phần Lễ quy và đôi khi gán cho Lời kinh của Chúa một giá trị thánh hiến để bổ túc cho phần Thiết lập bí tích Thánh Thể. Vì vậy, vào cuối thời Trung cổ, linh mục phải hát kinh Lạy Cha cách long trọng như khi hát kinh Tiền tụng, và đang khi hát, ngài sẽ nâng đĩa và chén thánh cho dân chúng chiêm ngắm.[7]

Lời mời gọi dẫn nhập vào kinh Lạy Cha: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng” không những có trong phụng vụ Rôma mà phụng vụ bên Ðông phương cũng sử dụng với kiểu nói tương tự (x. GLCG 2777). Người ta đã thấy câu này trong Sách lễ Rôma năm 1570. Trước đó, theo Vincenzo Raffa, lời dẫn nhập trên âm vang bởi bài chú giải về kinh Lạy Cha được viết bởi Cyprianô thành Carthage vào năm 258. Trong các Sách Nghi thức Bí tích (Sacramentarium) cũ xưa cũng đã chứa đựng lời này và phụng vụ Rôma ghi nhận thời gian của nó ít là từ thế kỷ VII.[8]  

Lời kinh sau kinh Lạy Cha hay kinh Xin cứu chúng con/kinh Khẩn xin được gọi là “Embolismus” – nghĩa là “thêm vào/xen vào/ghép vào/đặt vào giữa”. Theo Ordo Romanus I (số 94), kinh này được thêm vào trong Sách lễ Rôma từ thế kỷ VI hay VII, trước thời Đức Grêgôriô I như sự mở rộng kinh Lạy Cha. Lúc đó, Rôma bị các nước phương Bắc xâm chiếm, nên khi cầu nguyện, người ta đã đưa vào phụng vụ Thánh lễ ý nguyện cụ thể là được mạnh mẽ đương đầu với kẻ thù và được yên ổn bình an. Bản văn của kinh này giải thích và kéo dài lời nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha: “…nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ...”  bằng cách thưa lên với Chúa Cha rằng: “Lạy Chúa , xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương ban bình an cho thời đại của chúng con; xin giải thoát chúng con khỏi mọi tội lỗi; xin gìn giữ chúng trước những gian nan trong cuộc sống này đang khi chúng con trông đợi niềm hạnh phúc mà Chúa đã hứa và Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con ngự đến.” [9]

Khoảng năm 1000, kinh Khẩn xin dành riêng cho tư tế đọc và được chuyển sang dạng đọc thầm khi ngài đang bẻ bánh trừ ra ngày thứ Sáu Thánh, nhưng nay tư tế đọc kinh này lớn tiếng, lấy tín hiệu từ câu cuối của kinh Lạy Cha.[10] So với Sách lễ Rôma trước Vaticanô II, nó cũng được sửa đổi. Trước kia, sau câu: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”, tư tế đọc nhỏ tiếng những lời sau đây: “đã qua, hiện tại và tương lai: nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, cùng với các thánh tông đồ của Chúa là Phêrô, Phaolô, Anrê và toàn thể các thánh” trong khi ghi dấu trên mình bằng đĩa thánh và rồi hôn đĩa. Nhưng sau câu: “Nhờ Cha rộng lòng thương giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi,” người ta đã thêm vào câu sau đây được khởi hứng từ thư của thánh Phaolô gởi cho Titô “đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con ngự đến” (Tt 2,13).[11]

Trong khi đó, bên Đông phương, kinh Embolismus được rút vắn lại bằng cách không lặp lại lời xin Đức Mẹ và các thánh chuyển cầu, vì đã có trong Kinh nguyện Thánh Thể rồi. Tuy nhiên, Hội Thánh bên Đông phương vẫn thêm vào câu cuối đoạn thư Titô 2,13 giống bên Tây phương nhằm nói lên ý hướng cánh chung của kinh Lạy Cha cũng như phù hợp với lời nguyện xin trong chính kinh Lạy Cha (Nước Cha trị đến). Rõ ràng câu “đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con ngự đến” hướng về cánh chung và có chức năng chuyển tiếp ý tưởng sang lời Vinh tụng ca: “Vì vương quyền, uy lực, và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.” [12]

Lời chúc vinh (Vinh tụng ca): “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” không thuộc về bản văn kinh Lạy Cha theo Tin Mừng của thánh Matthêu nhưng đã thấy xuất hiện từ cuối thế kỷ I trong sách Didache. Theo cách của người Do Thái, Didache dạy tín hữu không vội kết thúc kinh Lạy Cha bằng Amen mà nối sau câu “…nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” bằng một lời chúc tụng là “vì uy quyền và vinh hiển thuộc về Cha muôn đời!” (Did. chương VIII, câu 2). Nó được chèn vào trong bản văn của Matthêu trong phụng vụ vào khoảng thế kỷ III, có lẽ tại Antiôkia, và được sử dụng bởi đa số các Hội Thánh ở Đông phương cũng như các anh em Thệ phản và Anh giáo.[13] Khi kinh Embolismus được đưa vào, có nơi tiếp tục đọc Vinh tụng ca nhưng có nơi bỏ đi (như trong phụng vụ Rôma). Với cuộc cải cách Sách lễ Rôma sau Công đồng Vaticanô II, Vinh tụng ca được đưa trở lại. Nó không gắn với kinh Lạy Cha nhưng thành câu kết cho kinh Embolismus.[14] Khác với Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể vốn được dành riêng cho các tư tế, Lời chúc vinh ở đây dành cho toàn thể cộng đoàn tung hô chúc tụng Chúa Cha.[15] 

Từ Sách lễ 1474 cho đến phụng vụ Thánh lễ của thế kỷ XX, vẫn chỉ các tư tế đọc kinh Lạy Cha [với người giúp lễ] và đọc nhỏ tiếng, ngài chỉ đọc to hơn một chút xíu ở câu cuối cùng. Đến năm 1958, một thay đổi đã diễn ra do huấn thị “De Musica Sacra” đặt ra các quy tắc cho sự tham gia trực tiếp của các tín hữu: đó là mọi người đọc hay hát chung kinh Lạy Cha bằng tiếng La-tinh, và tất cả đọc chữ “Amen” ở cuối kinh. Năm 1964, Đức Phaolô VI yêu cầu các linh mục đọc kinh Khẩn xin lớn tiếng. Năm 1968, lại có một thay đổi khác nữa: Đức Phaolô VI cho phép toàn thể cộng đoàn hát kinh Lạy Cha bằng tiếng La-tinh hoặc bằng tiếng mẹ đẻ (nếu có phép của thẩm quyền Hội Thánh địa phương). Thậm chí vào lúc này, tư tế còn thêm cả tiếng Amen khi kết thúc kinh Lạy Cha, nhưng phụng vụ cải cách đã bỏ đi, hay nói chính xác hơn là hoãn đọc tiếng Amen vào cuối đoạn tiếp theo của kinh Lạy Cha. Bấy giờ, thay vì đọc “Amen”, tín hữu tung hô: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.” Bởi thế, tiếng Amen kết thúc kinh Lạy Cha chỉ sử dụng bên ngoài Thánh lễ.[16]          

III/ Ý NGHĨA 

Lời mời gọi dẫn nhập vào kinh Lạy Cha: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”  lưu ý chúng ta hai điểm: (1) Thứ nhất, nhận biết về sự thánh thiện của Thiên Chúa đến độ trước bụi gai rực cháy, Môsê đã phải cởi dép ra (Xh 3,5). Sự thánh thiện đó chỉ một mình Ðức Giêsu mới có thể vượt qua để đến gần Thiên Chúa (Dt 1, 3; 2,13). Ý thức về tình trạng thọ tạo, thấp hèn và bất xứng của mình, chúng ta “dám nguyện kinh Lạy Cha” là nhờ ân sủng Chúa, là vì uy quyền của chính Cha chúng ta và Thần Khí của Chúa Con thúc đẩy chúng ta kêu lên “Áp-ba, Cha ơi!” (x. Rm 8,14-16; Gl 4,6 - GLCG 2777).[17] Mặt khác, như nói rõ trong lời dẫn nhập, chúng ta “dám nguyện kinh Lạy Cha” là vì vâng lệnh truyền của Chúa Cứu Thế và cũng vì danh Ngài mà dâng lên (x. Lc 11,2); (2) Thứ hai, khơi lên nơi chúng ta tâm tình đơn sơ chân thành, lòng tin tưởng của người con, vui mừng và an tâm, dạn dĩ nhưng khiêm nhu, xác tín mình được yêu thương, khi bắt đầu nguyện lời kinh này (x Ep 3,12; Dt 3,6;4,16; 10,19; 1Ga 2,28; 3,21; 5,14 - GLCG 2778). Chúng ta đọc (hát) kinh Lạy Cha khi kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể khi được giao hòa với Chúa Cha nhờ lễ phẩm mới là Mình và Máu Chúa Kitô, vì vậy cộng đoàn đã dám ngỏ lời với Chúa Cha trong cùng một tâm tình như Đức Giêsu (x. Ga 20,17) và theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (x. Rm 8,15).[18]                                  

Có thể tóm tắt ý nghĩa của kinh Lạy Cha như sau: “Kinh Lạy Cha một mặt thâu tóm toàn bộ những lời khẩn nguyện và chuyển cầu đã nêu lên trong suốt phần “xin ban Thánh Thần” (Epiclesis); mặt khác, dẫn ta đến Bàn tiệc Thánh Thể như tiền dự vào Bàn tiệc Nước Trời’. Kinh của Chúa là lời cầu nguyện tinh tuý của Hội Thánh. Kinh này mặc khải cho chúng ta biết về chính mình, đồng thời cũng mặc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha. Hiệp thông với Đức Giêsu Kitô và cùng với Người, chúng ta vững tin bước qua ngưỡng cửa sự thánh thiện của Thiên Chúa và nhận ra rằng chúng ta có một Cha duy nhất và tất cả đều là anh chị em với nhau. Chúng ta cũng nhận ra điều này một lần nữa khi chúc bình an cho nhau”.[19]

Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất Đức Giêsu đã dạy chúng ta (x. Mt 6,9 tt). Đây là lời kinh của toàn thể cộng đồng, không phải là lời kinh của riêng tư tế hay chủ tế bởi vì xét như toàn thể thì chúng ta là một, chúng ta ở trong một Nhiệm Thể Chúa Kitô. Khi các tín hữu dọn lòng để lãnh nhận Thánh Thể - ngay cả bên ngoài Thánh lễ như trường hợp trao Mình Thánh cho bệnh nhân - thì không có lời kinh tuyệt vời nào dâng lên Thiên Chúa cho bằng chính lời kinh Lạy Cha vốn được coi là lời kinh chuẩn bị rước lễ cao nhất/thứ nhất trong số các lời kinh chuẩn bị[20] bởi vì kinh này hàm chứa hai lời cầu xin sau:

1) Lời cầu xin “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” được hiểu là không những chúng ta xin lương thực/của cải vật chất cần thiết để nuôi dưỡng thân xác từng ngày, (epiousion/quotidianum), mà còn có nghĩa là xin bánh siêu nhiên là lương thực nuôi dưỡng linh hồn, vì bản Thánh Kinh Vulgata đã dịch epiousion là super-substantialem, cũng như theo các giáo phụ như Ambrosio, Tertulianô và Cyprianô giải thích, epiousion ám chỉ cách riêng Bánh Thánh Thể, Bánh Hằng Sống từ trời ban xuống để những ai lãnh nhận Thánh Thể thì có được sự sống đời đời (x. Ga 6,32-33. 51; GLCG 2837).[21] Đó là khẳng định của QCSL số 81: “Trong kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban bánh hằng ngày, bánh này đối với Kitô hữu còn ám chỉ bánh Thánh Thể.” Bởi thế kinh Lạy Cha còn được gọi là lời kinh bàn tiệc Thánh Thể.[22]

2) Lời cầu xin “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” với hạn từ “nợ” (debita) được hiểu là tội lỗi/lỗi lầm, thành ra đoạn kinh này mời gọi chúng ta một lần nữa dọn lòng đón Chúa đến bằng cách xin Chúa thanh tẩy tâm hồn mình cho khỏi tội lỗi xét như là một trong những lời thỉnh nguyện nổi bật nhất trong lời kinh, nhưng với điều kiện chúng ta phải tỏ lòng xót thương đối với người khác trước đã (x. Mt 6,14-15; 18,21-35; 5,23-24), thì Thiên Chúa mới tha thứ cho mình (x. Mt 6,14-15) trước khi cùng nhau  uống máu “đã đổ ra để tha tội” (x. GLCG 2839-45).[23] Chúng ta không những cần trở lại với Chúa mà còn cả với anh chị em khác nữa như một dấu chỉ thực sự của hợp nhất và bình an (x. 1Ga 4,20) mà sẽ được thể hiện thêm nữa ra bên ngoài trong nghi thức trao chúc bình an cho nhau sau đó, để tâm hồn chúng ta xứng đáng trở nên nhà tạm cho Chúa Giêsu ngự trị.[24] Nói cách khác, theo như thánh Augustinô, chúng ta chuẩn bị tâm hồn mình để rước lễ y như rửa sạch khuôn mặt mình trước khi đi đến bàn thờ hầu xứng đáng lãnh nhận chính Chúa vào lòng vì “của thánh được thực sự ban cho những người thánh” (x. QCSL 81) sau khi chúng ta đã biết hiệp thông với những người khác.[25]

Hiện nay, kinh Khẩn xin (Embolismus) được xếp sau kinh Lạy Cha và trước khi rước lễ nhằm nhấn mạnh đến ý nghĩa cánh chung cũng như chiều kích cậy trông của kinh Lạy Cha. Ở đây, cộng đoàn hiệp với chủ tế khao khát nguyện xin 3 điều: (1) Cách tiêu cực: xin Thiên Chúa cứu khỏi mọi sự dữ, được thoát khỏi tội lỗi, được an toàn trước mọi biến loạn (x. Rm 7,24; Gl 1,4; 1Tx 1,10 -  GLCG 2864); (2) Cách tích cực: xin ban cho cuộc sống được bình an (nội tâm, thể lý), cho xã hội được hòa bình, và có lòng thương xót; (3) Viễn tượng cánh chung: với niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng vương quốc của Chúa cuối cùng sẽ khải hoàn nên tín hữu xin được sống trong niềm hy vọng hồng phúc và mong đợi ngày Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại ngự đến (x. NTTL 125; QCSL 153. 238).[26] Toàn bộ lịch sử cứu độ sẽ không hoàn tất cho đến khi Đức Kitô trở lại, cho nên chúng ta vẫn cần tỉnh thức đợi chờ biến cố sau hết này như một thái độ cơ bản của đời sống người Kitô hữu.[27]  

Khi chủ tế đọc xong kinh Khẩn xin, giáo dân liền tung hô: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Cha/Chúa đến muôn đời” (NTTL 125; QCSL 153). Đây là Lời chúc vinh (Vinh tụng ca) được sử dụng trong phụng vụ thời Thượng cổ Kitô giáo [trong Didache] vừa như vang vọng những lời của vua Đavit trong 1Sb 29,10-11 vừa nhằm diễn tả lòng tin tưởng mạnh mẽ của cộng đoàn rằng cuối cùng, Vương quyền của Thiên Chúa sẽ khải hoàn tương tự như những lời tung hô tôn vinh Thiên Chúa trong sách Khải huyền (4,11; 5,12; 19,1). Vinh tụng ca này lặp lại ba lời nguyện đầu tiên của kinh Lạy Cha: Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến; Ý Cha thể hiện. Trong khi Xa tan dối gạt người đời, tự gán cho mình ba tước hiệu: Vua, uy lực và vinh quang, thì Ðức Kitô đã hoàn lại các tước hiệu này về cho Cha của Người cũng là Cha của chúng ta, cho tới ngày Người trao Vương Quốc lại cho Cha, khi mầu nhiệm cứu độ được hoàn tất chung cuộc, khi “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (x. 1Cr 15,24-28).[28] Với những lời này chúng ta thừa nhận rằng Thiên Chúa làm chủ cuộc sống chúng ta và chúng ta chúc tụng Ngài vì tất cả ơn lành Ngài đổ xuống trên chúng ta. Bất cứ điều gì thiện hảo chúng ta làm được, bất cứ thành công nào chúng ta đạt được, tiên vàn đều đến từ Thiên Chúa “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.” [29] 

IV/ MỤC VỤ

1) Khi Kinh nguyện Thánh Thể kết thúc, linh mục nên tạm dừng trong giây lát, chắp tay lại trước khi loan báo lời mời đọc Kinh Lạy Cha.[30]

2) Lời mời gọi của chủ tế trước kinh Lạy Cha “Vâng lệnh Chúa Cứu thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng” cần khoan thai và nhẹ nhàng nhằm hướng dẫn cộng đoàn cất giọng cầu kinh Lạy Cha với tâm tình và ý thức.[31] Khi mời gọi, chủ tế chắp tay, hướng mắt vào dân chúng, hoặc theo truyền thống hướng nhìn vào Thánh Thể trên bàn thờ (Ritus servantus in celebratione Missae [Missale Romanum 1962], X, n.1) (x. NTTL 124; QCSL 81, 152).[32]

3) Đọc kinh Lạy Cha là sự chuẩn bị thứ nhất cho việc rước lễ trong số những lời kinh chuẩn bị nằm trong Thánh lễ, cho nên không cần đọc bất cứ một lời kinh đạo đức bình dân nào khác nữa để chuẩn bị rước lễ. Chỉ nên hát kinh Lạy Cha vào những dịp lễ long trọng và nên hát bằng tiếng Latinh khi các tín hữu tham dự thuộc nhiều quốc gia (x. QCSL 41), nhưng phải hát cộng đồng chứ không giao phó cho một nhóm hát nào hay hát theo kiểu đa âm nhiều bè. Còn những dịp khác, hãy đọc kinh Lạy Cha vì kinh này thực sự là một lời cầu nguyện hơn là một bài thánh ca và không thuộc phần phải hát của Thánh lễ.[33]

4) Trong khi hát/đọc kinh Lạy Cha, chỉ các tư tế mới dang tay hướng lên trời trong tư thế cầu nguyện “orans” (x. NTTL 124; QCSL 152; LNGM 159).[34]

5) Tại Việt Nam, chủ tế không kêu gọi cộng đoàn nắm lấy tay nhau và các tín hữu cũng không tự tiện nắm lấy tay nhau đang khi đọc kinh Lạy Cha vì: (1) đây là một cử chỉ được đem vào phụng vụ một cách tự nhiên theo sáng kiến cá nhân chứ không phải theo hướng dẫn của chữ đỏ; (2) hành động nắm tay vào lúc này, theo quan điểm biểu tượng, sẽ như là đi trước và sao chép y như dấu hiệu trao chúc bình an. Hậu nhiên, sẽ làm suy yếu hoặc rút mất giá trị của dấu hiệu trao chúc bình an sẽ diễn ra sau đó (x. NTTL 128; QCSL 82, 154; Notitiae 11 [1975] 226).[35]

 

_______

[1] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 108; John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 173.

[2] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003)99.

[3] X. S. Gregorius I, Ep. IX, no 12 (PL, 77, 956f), acc. 31/10/2024, https://www.newadvent.org/fathers/360209012.htm; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 278-80; Cabié, 108.

[4] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 288; Cabié, 108-09; Johnson, The Mystery of Faith, 99.

[5] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 278-79; Laurance (ed.), The Sacrment of the Eucharist, 174.

[6] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 277.

[7] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể,134-135.

[8] John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 598.

[9] Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992),196.

[10] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 289-90; Cabié, 165.

[11] X. Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 196; Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 154-155.

[12] X. Cabié, 213; Johnson, The Mystery of Faith, 99.

[13] Cabié, 203-04.

[14] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 260.

[15] Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 92.

[16] Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011)128-129.

[17] X. Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 116.

[18] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 319; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 152.

[19] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại DublinIreland (10 – 17/06/2012), 113.

[20] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 281-82.

[21] X.Augustinô, “Bài đọc Kinh Sách thứ Ba Tuần XXIX – Mùa Thường Niên”; Driscoll, OSB, What Happens at Mass, 118; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 256-258; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 280; Josef A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastorical Survey, trans. Julian Fernandes, SJ (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 205.

[22] Adolf Adam, The Eucharist Celebration: The Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville: A Pueblo Book/The Liturgical Press, 1994)97.

[23] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 283.

[24] X. Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 194.

[25] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 283-84.

[26] Nguyễn Cao Luật, Hãy Làm Việc Này, 190-191; Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),135.

[27] Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 99.

[28] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2855; Adam, Eucharistic Celebration, 100.

[29] Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (West Chester: Ascension Press, 2011),129.

[30] X. Robert Liewellyn, “The Congregation shares in the Prayers of the President,” trong The New Liturgy, ed. Lancelot Sheppard (Westminster/London: Darton, Longman & Todd Ltd., 1970), 105, 109-11.

[31] Lê Ngọc Ngà, “Nghệ thuật Cử hành Thánh lễ,” https://gpcantho.com/nghe-thuat-cu-hanh-thanh-le/.

[32] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 319; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 152.

[33] X. Joseph Gelineau, Liturgical Assembly, Liturgy Song, trans. Bernadette Gasslein (Portland: Pastoral Press, 2002), 131; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012); 147; Phạm Đình Ái, Để Nhớ đến Thầy (Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2018), 361-62; X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 81.

[34] X. Thomas Carson et al, ed., New Catholic Encyclodedia, vol. 10, 2nd edition (Farmington Hills: Gale Group, Inc., 2003), s.v. “Orans,” by J. W. O’Shea, 621.

[35] X. Edward McNamara, “Holding Hands at the Our Father” (18 Nov2003), acc. 02/02/2024, https://www.ewtn.com/catholicism/library/holding-hands-at-the-our-father-4289.

Top