Cử hành Thánh Thể: Bài 38 - Khái quát về nghi thức hiệp lễ

Cử hành Thánh Thể: Bài 38 - Khái quát về nghi thức hiệp lễ

Cử hành Thánh Thể: Bài 38 - Khái quát về nghi thức hiệp lễ

WHĐ (01.07.2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 38: KHÁI QUÁT VỀ NGHI THỨC HIỆP LỄ

I/ NGHI THỨC

Nghi thức hiệp lễ hiện nay diễn tiến như sau: Chủ tế mời gọi cộng đồng đọc kinh Lạy Cha (NTTL 124); Cộng đoàn đọc chung kinh Lạy Cha (NTTL 124); Chủ tế đọc kinh “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ,…” (Libera nos); giáo dân tung hô: “Vì vương quyền, uy lực và ...” kết thúc lời nguyện trên (NTTL 125); Chủ tế đọc Lời cầu bình an (NTTL 126); Trao chúc bình an (NTTL 127- 128); Chủ tế bẻ bánh trên đĩa, lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén và đọc thầm một lời nguyện: “Xin cho việc hòa Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô... “(NTTL 129) trong khi đó cộng đoàn hát hoặc đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa [Agnus Dei] (NTTL 130); Chủ tế chắp tay đọc thầm một trong hai công thức để dọn mình rước lễ: [i] “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống...” hoặc [ii] “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước...” (NTTL 131); Chủ tế bái gối, cầm bánh thánh trên chén thánh hoặc đĩa thánh, quay về phía giáo dân đọc lớn tiếng: “Ðây Chiên Thiên Chúa....” (NTTL 132); Chủ tế cùng đọc chung với giáo dân: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa...” (NTTL 132); Lời nguyện thầm của chủ tế: “Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con ...” + chủ tế rước Mình Thánh (NTTL 133); Thừa tác viên cho cộng đoàn rước lễ (NTTL 134); đang khi vị chủ tế rước lễ thì hát ca hiệp lễ (NTTL 136); Tráng chén với lời nguyện thầm kèm theo: “Lạy Chúa, miệng chúng con vừa rước Mình và Máu Chúa...” (NTTL 137); Thinh lặng hoặc hát hay đọc Thánh vịnh hay Thánh ca tạ ơn (NTTL 138); Lời nguyện hiệp lễ (NTTL 139).

Tóm lại, diễn tiến nghi thức hiệp lễ hiện nay là: Kinh Lạy Cha; Trao chúc bình an; Bẻ Bánh; Hiệp lễ; Lời nguyện hiệp lễ.

II/ LỊCH SỬ

Như chúng ta biết, Phụng vụ Thánh Thể gồm có bốn hành động hoặc bốn động tác: [Đức Kitô] cầm lấy (1) bánh và rượu; tạ ơn (2)bẻ ra (3); và trao cho (4) các môn đệ: Động tác thứ I là “cầm lấy” (1) tương ứng với hồi chuẩn bị lễ vật; Động tác thứ II là “tạ ơn” (2) tương ứng với phần Kinh nguyện Thánh Thể; Động tác thứ III và IV là “bẻ ra” (3) và “trao cho” (4) tương ứng với phần hiệp lễ.

Cũng như các phần khác của Thánh lễ, phần hiệp lễ của nghi lễ Rôma đã được cấu tạo dần dần qua dòng thời gian: nhiều yếu tố của phụng vụ thế kỷ thứ VIII như được thấy một cách đầy đủ trong sách Ordo Missae Primus (Ordo Missae I) đã đi vào phụng vụ thời Trung cổ và sau đó thuộc về nghi thức Thánh lễ Trentô dựa trên phụng vụ của giáo triều kể từ thế kỷ XII trở đi. Phần hiệp lễ có hình thức như hiện nay kể từ năm 1570, chính là năm Sách lễ của Đức Piô V được công bố.[1]

Với Thánh lễ đầu tiên trong bữa tiệc ly, nghi thức hiệp lễ chắc chắn rất đơn giản. Chúa cầm lấy bánh, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy,” sau đó cầm lấy chén rượu, trao cho các ông và nói: “Hãy cầm lấy mà uống, đây là chén Máu Thầy.” (x. Mc 14, 22-24; Mt 26, 26-28; Lc 22, 19-20; 1 Cr 11, 23-25).

Thời các tông đồ, Thánh lễ được cử hành trong Bữa ăn huynh đệ, chưa có bàn thờ thực sự để dâng lễ. Những người rước lễ vẫn ngồi bàn, vì thế hiệp lễ cũng được cử hành ngay tại bàn ăn và liền ngay sau Kinh nguyện Thánh Thể, kể như chẳng có nghi lễ gì đặc biệt, ngay cả trong một thời gian dài sau đó cho đến thế kỷ IV, có lẽ các tín hữu lên rước lễ liền sau khi kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể. Cuối thế kỷ I, người ta đã thêm những kinh nguyện trước và sau khi rước lễ bởi thế người ta thấy lời nguyện sau hiệp lễ (Postcommunionem) đã được đề cập trong sách Didache. Cũng theo sách này, nghi lễ trao Mình Thánh Chúa, đặc biệt là cho những người vắng mặt, là nhiệm vụ của các phó tế.[2] Cuốn Hộ giáo thứ nhất của thánh Justinô Tử đạo mô tả rằng: “Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn và toàn dân thưa Amen, các vị mà chúng tôi gọi là phó tế, phân phát bánh và rượu có pha nước đã "trở thành Thánh Thể" cho mọi người hiện diện hưởng dùng và đem về cho những người vắng mặt” (Apologia I, 65:1; GLCG 1345).[3]

Đến thế kỷ III, sách Truyền thống Tông đồ của thánh Hippôlytô cho biết rằng khi rước lễ, người ta đã xếp hàng và đi lên như một cuộc rước kiệu, có bài hát kèm theo (được thêm vào thế kỷ VI). Sau khi rước lễ, chủ tế đọc kinh để tạ ơn, rồi đặt tay đọc lời nguyện chúc lành. Cuối cùng, thầy phó tế giải tán giáo dân. Vào thế kỷ IV, nghi thức rước lễ bên Đông phương của Giáo hội Hy lạp gồm các yếu tố: [i] Lời nguyện đang khi bẻ Bánh Thánh; [ii] Lời chúc lành trên dân [2 yếu tố [i] và [ii] giúp mọi người chuẩn bị rước lễ cho xứng đáng]; [iii] Phân phát Mình Thánh; [iv] Lời nguyện và chúc lành trên dân chúng.[4]  Thế kỷ V, vì cần có lời kết thúc phần nghi thức rước lễ nên lời nguyện hiệp lễ ra đời. Lời nguyện này xuất hiện lần đầu tiên trong sách Sacramentarium Gregorianum/Ordo Missae Primus với cái tên là “Lời nguyện kết thúc” (Ad complendum) như một lời kinh công khai mang tính tổng hợp để kết thúc một cuộc rước/di chuyển trong nhà thờ cũng như kết thúc cử hành Thánh Thể. Các sách phụng vụ khác của Rôma lại gọi lời nguyện này là “Lời nguyện sau hiệp lễ” (Post communionem) và cũng được biết đến là “Lời nguyện sau hiệp lễ của cộng đoàn” như bên Ai Cập và những nơi khác bên Đông phương.[5] Sang thế kỷ VII, trong lễ chặng viếng giáo hoàng tại Rôma, cũng như khi Thánh lễ chặng viếng được truyền qua Pháp và Đức với những thêm thắt mới, các kinh nguyện và cơ cấu phần hiệp lễ lúc ấy không khác mấy với hồi hiệp lễ hiện nay gồm cả những mẫu thức khác nhau về việc tư tế thanh tẩy môi miệng, ngón tay và chén thánh tại Rôma và cả ở những nơi khác.[6]

Theo mô tả của Ordo Missae I, cũng như hồi hiệp lễ ngày nay, hồi hiệp lễ trong lễ Chặng viếng Roma diễn tiến như sau: 1/ Kinh Lạy Cha; 2/ Kinh khẩn nài sau kinh Lạy Cha (Embolism); 3/ Nghi lễ bẻ bánh đang khi ca đoàn hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa; 4/ Hòa lẫn Bánh Thánh với nhau kèm theo công thức: “Xin bình an của Chúa Kitô luôn ở cùng anh chị em”; 5/ Hôn bình an theo trật tự: chủ tế trao cho tổng phó tế, tổng phó tế trao cho Giám mục và cứ thế cho những thừa tác viên khác; 6/ Khi bẻ bánh, Đức Giáo hoàng bắt đầu, rồi ngài về ghế của mình; 7/ Các thầy giúp lễ đem túi vải lên bàn thờ lĩnh Mình Thánh xuống cho các Giám mục và linh mục bẻ tiếp; 8/ Đức Giáo hoàng rước lễ tại ngai từ thầy phó tế, rồi ngài bẻ lấy một mẩu nhỏ từ Bánh Thánh vừa tiếp nhận, đoạn bỏ mẩu này vào trong chén Máu Thánh với công thức đi theo: “Xin cho việc hòa trộn và thánh hiến Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu làm cho chúng con, những người lãnh nhận Thánh Thể, sẽ bước vào sự sống đời đời. Amen” (Fiat commixtio); 9/ Đối đáp: “Chúa ở cùng anh chị em” - “và ở cùng thần trí cha”; 10/ Đức Giáo hoàng hiệp lễ từ chén thánh; 11/ Tổng phó tế loan báo nơi sẽ cử hành lễ Chặng viếng lần tới; 12/ Từ ghế của mình, Đức Giáo hoàng trao Mình Thánh cho các Giám mục, linh mục và phó tế; 13/ Các linh mục trao Mình Thánh cho giáo dân. Họ xếp hàng lên rước lễ như khi lên dâng lễ vật. Họ đứng, giơ tay nhận Mình Thánh, còn Máu Thánh thì uống chung trong các chén nhỏ do thầy phó tế cầm. Đang khi rước lễ, ca đoàn hát ca hiệp lễ. Rước lễ xong, ra hiệu cho ca đoàn kết thúc ca hiệp lễ bằng Gloria Patri; 14/ Đức Giáo hoàng lên bàn thờ đọc lời nguyện sau hiệp lễ; 15/ Thầy tổng phó tế hát “Ite Missa est” để giải tán dân chúng và họ đáp lại “Tạ ơn Chúa”; 16/ Phụng vụ kết thúc với đoàn rước trở vào phòng thánh trong thinh lặng. Trên đường, Đức Giáo hoàng ban phép lành cho những cá nhân.[7]

Phụng vụ vừa nêu trên chứa đựng nhiều yếu tố vẫn còn nằm trong Nghi thức Thánh lễ sau đó, tức Thánh lễ thời Trung cổ và Thánh lễ Trentô. Khi Thánh lễ Chặng viếng được truyền qua Pháp và Đức, người ta thêm vào những kinh nguyện mới, như kinh “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” để linh mục dọn mình rước lễ. Sau này, vì phụng vụ xa cách giáo dân, nghi lễ bẻ bánh cũng mất đi ý nghĩa của nó. Thay vì bánh có men người ta dùng bánh không men, bánh này có thể bẻ trước mà không sợ bị khô. Dần dần, người ta dùng những bánh tròn nhỏ cho giáo dân, nên chỉ phải bẻ bánh lớn dành cho linh mục. Với bánh tròn nhỏ cộng theo sự cung kính đối với Mình Thánh, người giáo dân không rước lễ bằng tay, nhưng bằng miệng. Lúc đầu họ còn đứng, nhưng dần dần đã quỳ để tỏ lòng cung kính. Vì quá chú trọng đến tính chất mầu nhiệm của Thánh lễ, người ta cảm thấy phải ở xa để chiêm ngưỡng hơn là nên rước lễ thường xuyên. Thế là Synod Adge (506) ra quyết định mức tối thiểu là phải rước lễ 3 lần trong năm vào dịp lễ Phục sinh, Giáng sinh và Hiện xuống (Can. 18 [Mansi VIII, 327]). Cuộc cải cách Carolingian sau đó đã nỗ lực tái giới thiệu thực hành rước lễ mỗi Chúa nhật, nhất là Chúa nhật mùa Chay, nhưng kết quả không đạt bao nhiêu. Đến thế kỷ XIII, các tín hữu vẫn không hiệp lễ nhiều, và để khắc phục, Công đồng Latêranô IV (năm 1215) đã ra một mức tối thiểu mới là buộc các tín hữu phải rước lễ mỗi năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.[8] Đang khi đó, nhiều kinh nguyện và những việc thú tội mới được thêm vào như là những nghi thức chuẩn bị ngoài Thánh lễ. Những kinh nguyện và việc thú tội này khác nhau tùy theo miền, tùy theo tu viện. Chúng dẫn nghi thức hiệp lễ đến chỗ bị tách ra làm hai phần: phần dành cho tư tế và phần dành cho giáo dân. Nghi thức Thánh lễ phục hồi tính duy nhất của nghi thức rước lễ bằng cách loại bỏ những mẫu thức khác nhau trước lúc giáo dân rước lễ và bằng cách đưa vào phần hiệp lễ những lời nguyện cho cả thừa tác viên lẫn dân chúng với một mẫu thức dẫn nhập. [9]

III/ Ý NGHĨA

Toàn bộ nghi thức hiệp lễ là sự kết nối giữa Kinh nguyện Thánh Thể và việc rước lễ. Nó giúp cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn qua việc hòa giải, đón nhận nhau trước khi tiến tới việc lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô. Hiệp lễ chính là dấu hiệu người lãnh nhận được hiệp nhất với Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài. Sự hiệp nhất này không chỉ là phạm trù thuộc về tình cảm của con người nhưng là một thực tại thiêng liêng mời gọi chúng ta nên “một lòng một trí” với tất cả những ai thuộc về gia đình Hội Thánh (x. GLCG 1391, 1396, 1398). 

Nhấn mạnh đặc biệt đến khía cạnh phục sinh vì lời của Đức Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54). Trong tiệc thánh của Chúa, khi lãnh nhận Mình của Chúa Con, các tín hữu loan báo cho nhau Tin Mừng: Thiên Chúa đã ban cho họ những hồng ân đầu tiên của sự sống, như xưa kia thiên thần báo cho bà Maria thành Mácđala: “Chúa Kitô đã Phục Sinh”. Ngày nay, Thiên Chúa cũng ban sự sống và sự phục sinh cho những ai rước lấy Chúa Kitô (x. GLCG 1391).

Qua việc hiệp lễ, không những người lãnh nhận được nuôi dưỡng và làm cho mạnh sức mà còn chuẩn bị cho họ cuộc sống vĩnh cửu trên thiên đàng. Họ không những được tham dự vào bàn tiệc thiêng liêng nơi bàn thờ mà còn hướng tới bữa tiệc muôn đời của Chúa trên thiên quốc đúng như lời trong một kinh nguyện cổ mà đã trở thành điệp ca tin mừng của Giờ Kinh Phụng Vụ lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô: “Ôi yến tiệc Mình và Máu Thánh, Chúa Kitô thành lương thực nuôi ta. Tiệc nhắc nhở Người đã chịu khổ hình. Và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế. Tiệc bảo đảm cho ta. Một ngày mai huy hoàng rực rỡ!” (x. GLCG 1402-05).

IV/ CẦU NGUYỆN

1/ Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau (Lời Nguyện Hiệp Lễ - Chúa nhật Tuần 2 Thường niên).

2/ Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ (Lời Nguyện Hiệp Lễ - Chúa nhật Tuần 5 Thường niên).

3/ Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bí tích Thánh Thể, là mối dây liên kết mọi người chúng con trong Chúa; xin cho bí tích này cũng làm cho hội Thánh được hiệp nhất và bình an (Lời Nguyện Hiệp Lễ - Chúa nhật Tuần 11 Thường niên).

 

_______

[1] X. John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 593-97; Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 149.

[2] X. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 149.

[3] Trích lại trong R. C. D. Jasper & G. J. Cuming, Prayers of the Eucharist: Early and Reformed, 3rd ed. (Collegeville: A Pueblo Book/The Liturgical Press, 1987/1990), 29.

[4] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 276.

[5] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 122; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 474.

[6] X. John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, 595; X. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 150.

[7] John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, 594-595.

[8] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 361-62.

[9] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 150-151.

Top