Chuyên đề 5: Giáo lý Hôn Nhân
Số tham dự viên tham dự chuyên đề này gồm 75 người, trong đó có các tu sĩ như Tu đoàn Naza: 26 người, dòng Đức Bà Truyền giáo: 13 người. Tham dự viên nam và nữ gần bằng nhau, trẻ nhất là 19 tuổi và cao tuổi nhất là 60.
Trong ngày thứ 1, Giảng viên thầy Uông Đại Bằng, cộng tác viên của Ban Giáo lý Tổng Giáo phận (TGP) chuyên mục giáo lý Hôn nhân gia đình đã tóm tắt 10 bài giáo lý về đời sống gia đình do Tổng Giáo phận Philadelphia và Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình soạn thảo để chuẩn bị cho Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ VIII sẽ diễn ra từ ngày 22 – 27.09.2015 tại thành phố Philadelphia, Hoa kỳ. 10 chương lớn của giáo lý hôn nhân gia đình mà chỉ trình bày trong 2 tiếng, đúng là “Cưỡi ngựa xem hoa” như lời giảng viên nói. Tuy nhiên, mọi người đều cố gắng. 10 bài giáo lý có thể tóm tắt như sau:
- Được Dựng Nên Để Chung Hưởng Niềm Vui
Thiên Chúa hiện hữu. Ngài tốt lành. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài để chúng ta được chia sẻ niềm vui của Ngài. Ngài can thiệp tích cực vào đời sống chúng ta. Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến để phục hồi phẩm giá chúng ta và dẫn chúng ta về với Ngài.
- Sứ Mệnh Yêu Thương
Chúng ta hiện diện trong thế giới này vì một mục đích: để đón nhận tình yêu Thiên Chúa và biểu lộ tình yêu ấy cho mọi người.
- Ý Nghĩa Tính Dục Con Người
Tính dục nơi con người có năng lực truyền sinh, và thông phần phẩm giá được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải sống phù hợp với phẩm giá đó.
- Hai Nên Một
Chúng ta không được tạo dựng để sống đơn độc một mình. Con người cần có nhau và bổ túc cho nhau. Tình bằng hữu và cộng đoàn thỏa mãn niềm khát khao đó bằng những mối dây liên kết cùng chung lợi ích và tình yêu. Hôn nhân là thứ tình bằng hữu thân thiết duy nhất mời gọi người nam và người nữ yêu thương nhau theo cách thức giao ước của Thiên Chúa. Hôn nhân là một bí tích.
- Tạo Dựng Tương Lai
Hôn nhân cốt để truyền sinh và đón nhận sự sống mới. Con cái định hình tương lai của mình y như chính chúng được định hình trong gia đình. Không có con cái, không thể nào có tương lai. Gia đình là nền tảng cho tất cả các cộng đồng lớn. Gia đình là Hội Thánh tại gia, là nơi cha mẹ giúp con cái khám phá ra được rằng Thiên Chúa yêu thương chúng và có một kế hoạch cho cuộc đời của mỗi đứa trẻ.
- Mọi Tình Yêu Đều Mang Lại Hoa Trái
Không phải mọi người đều được mời gọi tiến đến hôn nhân. Mỗi cuộc sống đều có năng lực và nhu cầu nuôi dưỡng sự sống mới – nếu không qua việc sinh nở và nuôi dạy con cái, thì qua những hình thức sinh động khác trong việc trao ban chính mình, xây dựng và phục vụ. Hội Thánh là một gia đình rộng lớn bao gồm nhiều ơn gọi khác nhau, mỗi ơn gọi đều khác biệt nhưng ơn gọi nào cũng đều cần đến và hỗ trợ những ơn gọi khác. Chức linh mục, đời sống thánh hiến, và ơn gọi độc thân giữa đời đều làm phong phú và được trở nên phong phú nhờ chứng tá của những người sống đời hôn nhân. Những cách thức khác nhau để sống khiết tịnh và độc thân bên ngoài bậc hôn nhân là những cách dâng hiến đời sống mình để phụng sự Thiên Chúa và cộng đồng nhân loại.
- Ánh Sáng Trong Một Thế Giới Tăm Tối
Gia đình dạy cho chúng ta biết trở nên người nghĩa là gì. Tuy nhiên, nhiều cám dỗ xuất hiện cố gắng dụ dỗ chúng ta quên đi rằng người nam và người nữ được tạo nên để sống giao ước và hiệp thông với nhau. Chẳng hạn, sự nghèo đói, sự giàu có, sách báo phim ảnh khiêu dâm, những cách ngừa thai, những thứ triết lý và văn hóa lầm lạc, tất cả đều có thể tạo nên những bối cảnh thách đố hay đe dọa đời sống gia đình lành mạnh. Hội Thánh chống lại những thứ này để bảo vệ gia đình.
- Mái Ấm Cho Những Con Tim Mang Thương Tích
Nhiều người, đặc biệt ngày nay, đối diện với những tình huống đau buồn, phát xuất từ sự nghèo đói, tàn tật, bệnh hoạn, nghiện ngập, thất nghiệp, và cô đơn vì tuổi già. Những nạn ly dị và đồng tính luyến ái tác hại đến đời sống gia đình một cách sâu xa đặc biệt. Các gia đình Kitô hữu và mạng lưới các gia đình phải là nguồn lân tuất, an toàn, thân thiện và nâng đỡ cho những ai đang phải chống chọi lại những vấn đề này.
- Người Mẹ, Người Thầy, Gia Đình: Bản Chất và Vai Trò của Hội Thánh
Hội Thánh là mẹ và là thầy chúng ta, là người nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta, là gia đình đức tin của chúng ta. Ngay cả khi những thành viên và những người lãnh đạo trong Hội Thánh phạm tội, chúng ta vẫn cần đến sự khôn ngoan, các bí tích, sự nâng đỡ, và sự công bố chân lý của Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh là chính thân mình của Chúa Giêsu giữa trần gian, là gia đình của dân Thiên Chúa cách rõ rệt.
- Chọn Sự Sống
Thiên Chúa có lý do khi tạo dựng nên ta. Tình yêu của Ngài là sứ mệnh của đời ta. Sứ mệnh này giúp ta trở về căn tính đích thực của mình. Nếu ta chọn mang lấy sứ mệnh này, ta sẽ có một viễn cảnh mới về nhiều vấn đề, chứ không chỉ duy về gia đình mà thôi. Sống sứ mệnh của Hội Thánh tại gia có nghĩa là các gia đình Công giáo đôi khi phải sống như những nhóm thiểu số, với những giá trị khác biệt với nền văn hóa chung quanh. Sứ mệnh tình yêu của chúng ta sẽ đòi hỏi sự can đảm và lòng dũng cảm. Chúa Giêsu đang mời gọi, và chúng ta có thể đáp lại bằng cách chọn lấy đời sống của đức tin, đức cậy, đức mến, niềm vui, phục vụ và sứ mệnh.
Sang ngày thứ 2, giảng viên Trương Đình Giai, Trưởng ban Giáo lý Hôn nhân, với giọng nói lớn, rõ ràng, trong tiết đầu, đã nhắc lại 10 bài giáo lý hôm qua với cung cách hơi khác: bằng những vần thơ. Với phương cách này, lớp sinh động hẳn lên.
Thí dụ bài 1 “Được dựng nên để chung hưởng niềm vui” giảng viên đã cùng vài câu thơ để diễn tả những thách đố:
- Đối với người sống đời gia đình
Hỏi xem ta có vui không
Khi ta bị chính vợ/chồng ta coi thường?
Hỏi ta vui nổi không nào
Khi ta bị chính vợ/chồng mình phản ta?
- Với các anh chị trong giáo xứ
Hỏi xem ta có vui không
Khi ta bị cha sở ta hiểu lầm?
Hỏi ta vui nổi không nào
Khi ta bị cha sở mình nghi oan?
- Với người sống đời tu trì
Hỏi xem ta có vui không
Khi ta bị chính bề trên dập vùi?
Hỏi ta vui nổi không nào
Khi ta bị chính cộng đoàn lãng quên?
hoặc bài 4: Hai nên một
Hai có nên một được chăng
Khi người ấy thật hoàn toàn khác ta?
Hai có nên một được chăng
Khi người ấy chỉ làm ta buồn lòng ?
Bài 5. Tạo dựng tương lai
Tương lai chỉ tạo được khi
Ta không ích kỷ hưởng riêng một mình.
Tương lai tạo được khi mình
Nhận ra con cái là quà Chúa ban
Bài 6. Mọi tình yêu đều mang lại hoa trái
Yêu thương kết trái đơm bông,
Khi ta thực sự hiến thân cho người.
Yêu thương sinh trái cho đời
Khi ta chấp nhận xóa mình mà thôi.
Sống nào phải chuyện sinh tồn
Nhưng còn phải sống sao cho ra người.
Nếu như muốn sống ra người
Thì ta phải sống như Người: Giêsu.
Sang tiết sau, giảng viên cho các tham dự viên thảo luận đề tài: GIA ĐÌNH, GIÁO XỨ, DÒNG TU, CÓ LIÊN HỆ GÌ VỚI NHAU?
Cứ 2 bàn quay lại với nhau làm thành một nhóm. Suốt 1 ngày rưỡi vừa qua ngồi nghe thụ động, giờ đây được thảo luận, các nhóm tham dự rất sôi nổi. Sau 20 phút, giảng viên chấm dứt phần thảo luận và các nhóm lần lượt lên báo cáo nội dung thảo luận của nhóm mình. Nói chung, mục đích của cuộc thảo luận cũng đạt kết quả, các tham dự viên đã bắt đầu động não đụng đến vấn đề.
Sau khi các nhóm đã báo cáo xong, thầy Giai lên đúc kết lại các nội dung thảo luận và từ đó giới thiệu những câu trả lời chính xác:
- Gia đình là nền tảng của giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến (dòng tu)
- Gia đình là nền tảng của mọi ơn gọi.
- Gia đình là khuôn mẫu của đời sống giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến.
- Gia đình là con đường của Giáo hội hay nói đúng hơn là cùng đích của Giáo hội.
Riêng phần “gia đình là khuôn mẫu của đời sống giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến” giảng viên nhấn mạnh, sở dĩ như vậy là vì gia đình là phản ánh và biểu trưng của Ba Ngôi, một gia đình đầu tiên, một tổ ấm yêu thương vĩnh hằng, gia đình của các gia đình.
Sau đó, giảng viên cũng giới thiệu THÁNH GIA CHÍNH LÀ BIỂU TƯỢNG HOÀN HẢO CỦA GIA ĐÌNH BA NGÔI TRÊN TRẦN GIAN.
- Thánh gia: Giuse, Maria và Giêsu, chính là phản chiếu hoàn hảo nhất của GIA ĐÌNH BA NGÔI trên trần gian, trong đó mỗi người sống đúng đạo làm chồng/cha, vợ/mẹ và làm con trong một sự quên mình, hiến thân và trao ban, nơi đó Ngôi Lời nhập thể đã sống suốt ba mươi năm trong sự âm thầm phục vụ và vâng lời.
Sang ngày thứ 3, ngay tiết đầu, thầy Giai đã đi ngay vào đề tài “Giáo hội là gia đình của Chúa” hay nói cách khác, Gia đình là giáo hội tại gia.
Trong tiết 2, thầy Giai đã đưa ra 8 thách đố đối với đời sống gia đình:
1. Chối bỏ Thiên Chúa.
Phá hư hết mọi tương quan,
Làm cho cuộc sống trở nên khô cằn
2. Thần thánh hóa cá nhân.
Sống trong ích kỷ hẹp hòi
Sẵn sàng lợi dụng mọi người xung quanh
3. Chủ nghĩa duy vật.
Giáo xứ cũng lo kinh tài,
Dòng tu tranh thủ kiếm tiền khuếch trương,
Đọc kinh để giữ luật dòng,
Nhưng lòng chia trí để lo kiếm tiền.
4. Chủ nghĩa hưởng thụ.
Kiếm tiền nhiều để làm chi
Nếu không phải để ăn xài, hưởng sao.
5. Trào lưu tục hóa.
Cả ngay linh mục, thầy tu
Chỉ toàn nói chuyện linh tinh trên đời.
6. Chủ nghĩa tương đối hóa.
Một khi chối bỏ Chúa Trời,
Còn gì tuyệt đối ở trên đời này.
7. Chủ nghĩa thực dụng
Tin vào nỗ lực của mình,
Hơi đâu cầu nguyện, hy sinh, ích gì?
8. Ám ảnh internet
On line mọi lúc, mọi nơi,
Thật là nhanh chóng, tiện lợi biết bao,
Thế giới nằm gọn trong tay,
Thông tin đủ loại tha hồ mà xem,
Ngoài ra còn đủ thứ games
Đụng vào là muốn chơi cho đến cùng.
Lại thêm cơ hội làm quen,
Gặp người hợp ý chat cho đã đời.
Nhiều trang web hot chào mời,
Đã vào thì chết không còn đường ra.
Còn giờ nào để cầu kinh,
Còn giờ nào để tỏ tình tương giao.
Còn giờ nào để quan tâm
Đến người nghèo khổ ở xung quanh mình.
Sau đó, Thầy Giai đã giới thiệu sơ qua về “GIÁO HUẤN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VỀ GIÁO XỨ”
Cuối cùng, để kết thúc bài giảng, thầy Giai đã đưa ra 2 câu thơ làm kim chỉ nam cho mọi người :
Như Người chơi đẹp với ta,
Ta hãy chơi đẹp với anh em mình!
Ba ngày học hỏi về Giáo lý Hôn nhân qua đi thật nhanh. Các học viên, giống như trâu ăn cỏ, ngốn lấy ngốn để mọi lời giảng huấn, để sau đó về nhà, về dòng, nhai lại. Các học viên – giáo lý viên về hôn nhân gia đình - rất mong muốn có nhiều lớp học như thế này nhưng cách truyền đạt như thế nào để những người ở xa, có thể theo dõi được.
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông