Chúa nhật 3 mùa Chay năm A (Ga 4,5-42)

Chúa nhật 3 mùa Chay năm A (Ga 4,5-42)

Chúa nhật 3 mùa Chay năm A (Ga 4,5-42)

Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.

Bài đọc 1: Xh 17,3-7

Cho chúng tôi nước uống đi.

Bài trích sách Xuất hành.

3 Trong sa mạc, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng : “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì ? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không ?” 4 Ông Mô-sê kêu lên cùng Đức Chúa : “Con phải làm gì cho dân này bây giờ ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con !” 5 Đức Chúa phán với ông Mô-sê : “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en ; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. 6 Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en. 7 Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng : “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không ?”

 

Đáp ca: Tv 94,1-2.6-7a.7b-9 (Đ. c.7b.8a)

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
2vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.
7aBởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !8Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
9nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.

Đ.Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
Người phán : “Các ngươi chớ cứng lòng.”

 

Bài đọc 2: Rm 5,1-2.5-8

Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho ta.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

1 Thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay ; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. 5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. 6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. 7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. 8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi ; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

 

Tin mừng: Ga 4,5-42 

5 Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se.

6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !”

8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn.

9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri.

10 Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”

11 Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ?

12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”

13 Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát.

14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”

16 Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.”

17 Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo : “Chị nói : ‘Tôi không có chồng’ là phải, 18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”

19 Người phụ nữ nói với Người : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ…

20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.”

21 Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem.

22 Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái.

23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.

24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.”

25 Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.”

26 Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi : “Thầy cần gì vậy ?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy ?”

28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : 29 “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?”

30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.”

32 Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.”

33 Các môn đệ mới hỏi nhau : “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?”

34 Đức Giê-su nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.

35 Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái !

36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng.

37 Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng !

38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả ; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”

39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm.

40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày.

41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa.

42 Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Người Do thái thường khinh bỉ và thù nghịch với người Samari. Còn Ðức Giêsu tìm cách tiếp xúc, rao giảng và yêu thương họ. Ngài không kỳ thị và cho họ nhận ra: họ cũng là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương. Tất cả mọi người đều được ơn Cứu Ðộ. Ðó là sứ vụ Ðức Giêsu luôn thao thức và mong được hoàn tất. Ðó là lương thực cần thiết để Ngài thi hành trọn ý Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người không trừ một ai, với điều kiện chúng con biết nhìn nhận mình tội lỗi, là hư vô và tin vào Chúa. Người phụ nữ Samari, từ người được xin nước trở thành người đi xin nước. Bà xin nước sự sống của Chúa, khi đã nhận ra và tin rằng Chúa là Ðấng Kitô.

Xin Chúa biến đổi chúng con để từ tình trạng tội lỗi, chúng con được tái sinh trong nước sự sống của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

- Bài đọc Cựu Ước: Vâng lệnh Thiên Chúa, Môsê lấy gậy đập lên tảng đá, và nước đã vọt ra.

- Bài Tin Mừng: Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước chảy vọt, mang lại sự sống muôn đời".

- Bài Thánh thư: Thánh Phaolô giải thích “nước" ấy chính là Thánh Thần và tình yêu: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta".

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Hôm nay chúng ta họp nhau lại như dân do thái ngày xưa trong sa mạc. Họ đã trải qua nhiều gian khổ, nhất là cái khổ thiếu nước. Trong sa mạc của cuộc sống ngày nay, chúng ta cũng chịu nhiều gian khổ và cũng cảm thấy khát, khát vì biết bao ước vọng không được thỏa mãn. Lời Chúa hôm nay cho biết Đức Giêsu là nguồn nước hằng sống. Vậy chúng ta hãy đến với Ngài và mở rộng lòng ra để Ngài giải khát cho chúng ta.

II. GỢI Ý BỊ SÁM HỐI

- Như dân do thái ngày xưa trong sa mạc, nhiều khi chúng ta cũng hoài nghi nghĩ rằng Thiên Chúa đã vắng mặt.

- Như dân do thái ngày xưa, nhiều lần chúng ta đã trách móc Thiên Chúa, nhất là khi Ngài không thỏa mãn ước muốn của chúng ta.

- Chúng ta thường khao khát những sự trần gian chứ không biết khao khát những điều thuộc về Thiên Chúa.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc Cựu Ước (Xh 17,3-7)

Thiên Chúa đã giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những hành động diệu kỳ, nhất là biến cố Thiên Thần vượt qua các gia đình do thái và biến cố vượt qua Biển. Ban đầu dân Israel rất phấn khởi và sùng mộ Thiên Chúa. Nhưng những khổ cực và thiếu thốn trong cuộc hành trình qua sa mạc đã dần dần khiến họ nản lòng: họ thường càu nhàu, đòi trở lại Ai cập, nhiều khi còn nổi loạn. Tuy nhiên Thiên Chúa kiên nhẫn đã dùng chính hoàn cảnh thiếu thốn ấy để giáo dục họ hiểu biết đâu là điều thiết yếu trong cuộc sống.

- Điều thiết yếu thứ nhất là đức tin: Ngài muốn họ tin rằng sự cứu rỗi của họ ở đàng trước chứ không phải ở đàng sau: đàng trước là Đất hứa, đàng sau là ách nô lệ Ai cập. Do đó họ có dám tin cậy vào Ngài để tiến tới phía trước không mặc dù hiện tại họ chỉ thấy toàn khổ cực thiếu thốn. Hay họ thà quay lại đàng sau để sống kiếp nô lệ với cơm thừa canh cặn ở Ai cập.

- Điều thiết yếu thứ hai là đức cậy: từ trước tới nay Thiên Chúa chăm lo cho họ đủ mọi điều: muốn bánh thì có manna, muốn thịt thì có chim cút. Nay Ngài để họ thiếu nước, thế là niềm trông cậy của họ lung lay, họ hỏi một cách thách thức “Có thực có Thiên Chúa hay không ?" Sở dĩ họ hỏi vậy là vì họ nghĩ rằng Thiên Chúa là một kẻ có nhiệm vụ lo lắng cho họ. Nói cách khác, họ coi Thiên Chúa như một người đối diện với họ (le vis à vis). Thực ra Thiên Chúa không phải là một người đối diện, dù người đó có quyền lực bao nhiêu đi nữa. Thiên Chúa còn hơn thế nhiều. Bài Tin Mừng hôm nay mạc khải Thiên Chúa thực ra là thế nào.

2. Đáp ca (Tv 94)

Thánh vịnh này nhắc lại cuộc nổi loạn của dân do thái trong sa mạc khi họ thiếu nước. Chỉ vì khó khăn trước mắt, họ đã quên hết biết bao việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Thánh vịnh kêu mời con người nhớ lại những ơn lành của Thiên Chúa. Đó chính là những tiếng kêu gọi của Ngài, mỗi người hãy nhận ra và ngoan ngoãn đáp lại.

3. Bài Tin Mừng (Ga 4,5-42)

- Đức Giêsu ban đầu xin người phụ nữ Samaria cho Ngài uống nước, sau đó tự mặc khải Ngài chính là Nước trường sinh “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời".

- Qua lời trên, Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa không phải là một kẻ đối diện mà là Đấng muốn ở tận trong con người chúng ta, để làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống muôn đời. Ai tin vào Ngài và trông cậy nơi Ngài thì có Ngài ở trong người ấy. Ngài ấy sẽ có một sức sống phong phú chẳng những cho chính bản thân mà còn cho người khác nữa.

- Câu chuyện người phụ nữ Samaria là một thí dụ điển hình: Khi bà đã tin vào Đức Giêsu thì bà trở thành người loan Tin Mừng cho những người khác trong làng. Những người này ban đầu tin vì nghe theo lời chị. Nhưng sau đó trong lòng họ cũng có một nguồn nước sống. Họ nói “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian": Đức Kitô đã cự ngụ ngay trong lòng họ.

4. Bài Thánh thư: Rm 5,1-2.5-18

Thánh Phaolô là người đã sống cái cảm nghiệm của người phụ nữ Samaria. Từ khi tin Đức Kitô, ngài đã nói “Không phải tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi". Với Đức Kitô sống trong mình, thánh Phaolô đã trở thành một nguồn nước phong phú cứ muốn vọt ra. Ngài đi khắp nơi loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô. Mặc dù gặp bao gian khổ, Ngài không thể không loan báo Tin Mừng ấy được.

Phaolô diễn tả nguồn nước sống trong con người là:

- Thánh Thần: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta" (câu 5).

- Ơn sủng của Thiên Chúa ban nhờ Đức Giêsu: “Ơn sủng nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn (tội lỗi do Adam) biết mấy cho muôn người" (câu 15)

 

Suy niệm (Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

CHO TÔI CHÚT NƯỚC UỐNG                  

Trong Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay,

chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ xứ Samari.

Chúng ta học được nơi Đức Giêsu cách gặp gỡ tha nhân.

Và chúng ta cũng thấy bóng dáng mình nơi người phụ nữ.

         

Đức Giêsu đến với vùng đất dân ngoại

Đức Giêsu không ngại đi băng qua vùng Samari.

Nhiều người Do-thái tránh không đi qua vùng này,

vì đất của người Samari bị họ coi là ô uế.

Thật ra dân Samari trước đây cũng là người Do-thái,

nhưng họ đã sống chung đụng nhiều với dân ngoại.

Sau đó họ tách thành một dân riêng,

không thờ phượng Thiên Chúa ở Đền thờ Giêrusalem nữa,

nhưng ở trên ngọn núi Garidim.

Người Do-thái tỏ ra khinh bỉ và có thái độ thù nghịch với người Samari.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không khinh dân Samari, hay coi đất của họ là ô uế.

 

Đức Giêsu vượt qua những ngăn cách về văn hoá, tôn giáo, quốc gia

Tại giếng của ông Gia-cóp, lúc giữa trưa nắng gắt,

Đức Giêsu mệt mỏi nên ngồi nghỉ chân (Ga 4,6).

Tình cờ có một phụ nữ Samari đến lấy nước.

Chuyện chị đi lấy nước một mình vào giờ này là chuyện lạ,

vì phụ nữ thường không ra giếng vào giữa trưa.

Đức Giêsu chủ động bắt chuyện với chị,

dù người Do-thái không giao thiệp với người Samari.

Hơn nữa, vào thời Đức Giêsu,

người phụ nữ không được tiếp xúc với người ngoài gia đình của mình.

Đức Giêsu dám gặp gỡ một phụ nữ, mà lại là một phụ nữ người Samari.

Hành động này của Ngài đã làm cho các môn đệ ngạc nhiên (Ga 4,27).

 

Đức Giêsu đến như một người cần giúp đỡ

"Chị cho tôi uống với !" (Ga 4,7).

Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu với người phụ nữ Samari là một lời xin.

Ngài xin nước của chị vì Ngài khát.

Đức Giêsu không đến như một người có cái gì để cho,

nhưng đến như một người cần sự giúp đỡ.

Xin là cho thấy mình cần đến người khác, và tin vào lòng quảng đại của họ.

Chị phụ nữ này hẳn đã ngạc nhiên biết bao

khi thấy một người đàn ông Do-thái xin mình nước uống (Ga 4,9).

Đức Giêsu không hề coi nước giếng này là ô uế

bởi lẽ nó được kéo lên bởi một phụ nữ ô uế,

trên một vùng đất ô uế.

Lời xin khiêm hạ của Ngài đã làm cho cuộc đối thoại trở nên dễ dàng, cởi mở.

 

Đức Giêsu đi từ chuyện Ngài xin chị nước giếng                                      

đến chuyện Ngài hứa cho chị một thứ nước khác : nước hằng sống,

nước uống vào sẽ muôn đời không còn khát nữa (Ga 4,14).

Đức Giêsu khơi dậy nơi chị lòng khao khát về thứ nước kỳ diệu ấy.

Cuối cùng, chính chị đã xin Ngài cho chị thứ nước đó,

vì chị tưởng đó là thứ nước giúp chị khỏi phải đi kéo nước nữa (Ga 4,15).

 

Đức Giêsu quan tâm đến đời sống riêng tư của người đối diện

Khi cuộc đối thoại đã tương đối cởi mở hơn,

Đức Giêsu gợi lên chuyện chồng con của chị.

Ngài cho thấy mình biết rõ hoàn cảnh khó khăn của chị.

Ngài thông cảm với việc chị đã có năm đời chồng,

và người chị đang chung sống cũng không phải là chồng của chị (Ga 4,18).

Hiểu biết chính xác về chị của một người xa lạ tình cờ gặp bên giếng

đã làm chị kinh ngạc.

Chị cảm thấy ông này không phải là một người Do-thái bình thường,

nhưng là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa (Ga 4,19).

 

Đức Giêsu bàn đến vấn đề người kia quan tâm

Khi bắt đầu tin rằng người đang nói với mình là một vị ngôn sứ,

chị lập tức chuyển câu chuyện sang đề tài tôn giáo.

Chị đặt vấn đề về nơi thờ phượng đích thật:

Nên thờ phượng ở Giêrusalem hay trên núi Ga-ri-dim (Ga 4,20)?

Đây là một đề tài tranh cãi giữa người Do-thái với người Samari.

Đức Giêsu đã soi sáng cho chị về một chuyện quan trọng hơn:

thế nào là việc thờ phượng đích thực dành cho Thiên Chúa (Ga 4,21-24).

Khi chị nói lên niềm mong chờ của chị, cũng là của những người Samari,

chờ Đấng Mêsia đến để Ngài mặc khải cho họ mọi sự,

thì Đức Giêsu đã cho chị biết :

"Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây" (Ga 4,26).

Lần đầu tiên Đức Giêsu minh nhiên nhận mình là Đấng Mêsia.

Ngài không chỉ là một ngôn sứ như chị nghĩ.

 

Người phụ nữ Samari trở thành người loan báo Tin Mừng

Chúng ta không rõ chị tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia đến mức nào,

nhưng chắc chắn lòng chị đang cảm nếm một niềm vui khôn tả.

Chị hạnh phúc vì gặp được một người biết cả quá khứ và hiện tại của chị,

một người đón nhận tất cả thân phận phụ nữ của chị,

với những bóng tối và buồn đau.

Chính vì thế chị lập tức muốn chia sẻ niềm vui này cho dân thành của chị.

Để vò nước lại, chị vội vã đi về thành mà hô hào mọi người:

"Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.

Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?" (Ga 4,29).

 

Đây thật là một lời mời đầy phấn khởi và lôi cuốn.

Hãy đến mà gặp một con người biết tỏ tường mọi sự tôi đã làm.

Biết đâu ông ấy chính là Đấng Mêsia mà chúng ta hằng mong đợi?

Nghe lời hô hào của chị, người dân đã ra khỏi thành để đến gặp Đức Giêsu.

Như thế từ một người được nghe Đức Giêsu loan báo Tin Mừng,

chị đã trở thành một người đi loan báo Tin Mừng cho người khác.

Chị đã có kinh nghiệm được gặp

và được nghe người đàn ông ngồi bên bờ giếng.

Nay chị cũng muốn mọi người trong thành

cũng có kinh nghiệm tương tự như mình : Hãy đến mà xem.

Chị đã thành công trong việc lôi kéo người ta đến với Đức Giêsu.

 

Nhiều người Samari đã đến gặp Đức Giêsu và tin vào Ngài,

vì họ tin vào lời làm chứng của người phụ nữ :

"Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm" (Ga 4, 39).

Ngay cả một người có đời sống không gương mẫu

cũng có thể đi loan báo Tin Mừng,

cũng có thể là trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và nhiều người khác.

 

Người phụ nữ làm trung gian để người khác gặp Đức Giêsu

Người vùng Samari đã tin vào Đức Giêsu

trước tiên là nhờ lời chứng của người phụ nữ.

Họ đã đến gặp trực tiếp Đức Giêsu, và cũng bị lôi cuốn bởi con người Ngài,

đến nỗi họ xin Ngài ở lại với họ (Ga 4, 40).

Hai ngày ở lại với dân Samari là hai ngày trò chuyện và lắng nghe.

Đức Giêsu đã trò chuyện với người phụ nữ bên bờ giếng,

bây giờ Ngài trò chuyện với dân vùng Samari tại chính thành phố của họ.

"Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa" (Ga 4,41).

 

Chị phụ nữ đã làm xong nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ giới thiệu Đức Giêsu.

Chị chấp nhận rút lui,

và hẳn chị rất vui sướng khi thấy người ta đến với Đức Giêsu và nghe lời Ngài.

Chị đâu có buồn khi người ta nói với chị :

"Chúng tôi tin, không còn phải vì lời chị kể nữa !

Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng

Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga 4,42).

Người loan báo Tin Mừng có lúc phải rút lui

để cho Chúa và con người gặp nhau.

Lời loan báo của tôi có lúc phải nhường bước

để cho Lời của Chúa nói trực tiếp với lòng mỗi người.

 

Trân quý giá trị của mỗi cuộc gặp gỡ cá nhân

Chị phụ nữ Samari tin Đức Giêsu là một vị ngôn sứ.

Sau đó Đức Giêsu nhận mình là Đấng Mêsia.

Cuối cùng dân vùng Samari tin Đức Giêsu là Đấng cứu độ cho cả thế giới.

Tất cả khởi đi từ một cuộc gặp gỡ riêng tư bên bờ giếng, lúc chính ngọ.

Ai có ngờ một cuộc gặp gỡ nhỏ bé như thế

lại có thể đem đến một hoa trái lớn lao như vậy.

Chúng ta cần biết quý những cuộc gặp gỡ cá nhân,

coi đó như những bước chuẩn bị cho Đức Giêsu đến với một tập thể.

 

"Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!" (Ga 4,35).

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn nói với chúng ta như thế.

Ngài chỉ cho chúng ta những đồng lúa chín vàng,

đã có những người khác gieo trồng và làm lụng vất vả.

"Thầy sai anh em đi gặt những gì anh em đã không vất vả làm ra;

còn anh em lại được vào hưởng kết quả công lao của họ" (Ga 4,38).

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)

Câu chuyện

Nước là một ơn huệ quý báu nhất mà Tạo Hóa ban cho vạn vật, nước gần gũi với cuộc sống con người. Theo các nhà khoa học, cuộc sống trên trái đất bắt nguồn từ trong nước. Tất cả các sự sống trên trái đất đều phụ thuộc vào nước và vòng tuần hoàn nước. Trái đất chắc hẳn sẽ là một nơi không thể có sự sống được nếu không có nước. Điều này như là một chân lý đã xác định qua những nghiên cứu khoa học và vì thế khi thám hiểm các hành tinh khác trong vũ trụ, các nhà khoa học với bước đi đầu tiên tìm kiếm sự hiện hữu của nước như là bước khởi đầu tìm sự sống.

Nước được dùng trong các lãnh vực như: nước sử dụng trong công nghiệp từ lâu như là nguồn nhiên liệu (cối xay nước, máy hơi nước, nhà máy thủy điện), là chất trao đổi nhiệt. Nước dùng trong nông nghiệp cày cấy như là điều kiện bậc nhất trong gieo trồng canh tác nên dân gian Việt Nam có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Suy niệm

Trong lịch sử cứu độ, hình ảnh nước chảy ra từ tảng đá nuôi dân Chúa trong sa mạc đã nói lên ý nghĩa Thiên Chúa là mạch nước hằng sống cho dân Ngài (Xh 17,6). Dân Chúa rời bỏ Thiên Chúa, nghĩa là làm cạn nước hằng sống và tự cắt đứt nguồn nước vĩnh cửu, như Lời Chúa phán qua ngôn sứ Giêrêmia (x. Gr 2,13; 17,13).

Để được vào nước Thiên Chúa, con người phải đi qua nước được thánh hóa bằng Thánh Thần (nước rửa tội), vì lẽ đó Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Khi người phụ nữ thành Samaria đi múc nước cho nhu cầu sự sống hàng ngày, Đức Giêsu xin chị nước uống bên bờ giếng Giacóp: “Chị cho tôi xin chút nước uống” và Chúa khẳng định sự hiện hữu của nước hằng sống: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống”. (x. Ga 4,7-10). Chúa Giêsu khẳng định nước này hiệu nghiệm hơn nước tự nhiên, đưa đến sự sống bất diệt: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).

Thiên Chúa luôn là mạch nước hằng sống, Chúa Giêsu còn minh định, Ngài là dòng nước hằng sống tuôn trào của Thiên Chúa: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!”, như Kinh Thánh đã nói: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38), từ trái tim Con Thiên Chúa, trên đồi Canvê (x. Ga 19,34). Thánh Gioan tông đồ đã được thị kiến nguồn suối nước vĩnh cửu phát xuất từ Cha và thực hiện nơi con (x. Kh 22,1). Và được trao ban cách quảng đại vô bờ, luôn tuôn tràn nuôi dưỡng dân Ngài trong mọi thời đại (x. Kh 21,6).

Từ câu chuyện xin nước uống, Chúa dẫn đưa người phụ nữ Samaria đến nước hằng sống và chị đã mở tâm hồn đầy khát khao. Sự khát khao được no thỏa khi chị đã nhận ra ơn cứu độ: Từ việc coi Chúa Giêsu chỉ là một người Do Thái bình thường, đến việc nhận ra Chúa là một ngôn sứ: “Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ” (Ga 4,19), và cuối cùng tin Chúa là Ðấng Cứu Thế khi tự chất vấn mình và mọi người về niềm tin vào Ngài: “Ông ấy không phải là Ðấng Kitô sao ?” (Ga 4,29). Mạch nước hằng sống đang chảy vào tâm hồn khát khao của chị, như Ngài đã hứa “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt đem lại sự sống đời đời”(Ga 4,14).

Từ một người đàn bà xa lạ, chị đã trở nên môn đồ của Chúa qua việc để lại vò nước và chạy về thành loan báo cho mọi người: “Mau hãy đến xem”... (Ga 4,29). Chính nước hằng sống đã thanh tẩy tâm hồn chị phụ nữ xứ Samaria, mọi bất hòa hận thù giữa người Samaria và Do Thái nơi chị đã tan biến vì được nước hằng sống thanh tẩy. Chính nước hằng sống như Chúa Giêsu nói: Sẽ xóa mọi dị biệt, mọi ngăn cách với nhau, mọi biên giới để cùng thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và sự thật (x. Ga 4,21-24).

Tâm điểm của nước hằng sống như Gioan Scot Erigène đã suy niệm: “Nước tự nhiên chạy về chỗ trũng, nước vĩnh cửu tuôn trào hướng lên cao, đưa tới vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho những ai đến uống”.

Ý lực sống

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong”

(Tv 42,2).

Top