Chúa nhật trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Lễ Thánh Gia năm C (Lc 2,41-52)
“Con phải lo công việc của Cha Con” (Lc 2, 49)
BÀI ĐỌC I: Hc 3, 3-7. 14-17a
“Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ”.
Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).
Xướng:
1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Đáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. - Đáp.
3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Cl 3, 12-21
“Về đời sống gia đình trong Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Lc 2, 41-52
41 Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. 42 Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua.
43 Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. 44 Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
45 Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.
46 Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. 47 Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. 48 Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.
49 Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” 50 Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
51 Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. 52 Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Với lòng thành tín của người cha nuôi, Thánh Giuse đã chẳng quản ngại trời đông giá rét, đêm tối đường xa. Người vội vã đem Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai Cập.
Hình ảnh người cha hiền, người chồng trung tín luôn yêu thương bảo vệ gia đình của Thánh Giuse phản ánh tính tuyệt vời của Thiên Chúa, của Ðức Giêsu đối với Giáo Hội, đối với nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng hôm nay, mẫu gương của Thánh Giuse dạy cho chúng con: Tất cả vì hạnh phúc gia đình, và tuân hành ý Chúa. Xin cho các bậc gia trưởng, các vị hiền mẫu và những người con luôn chu toàn vai trò của mình. Gia đình hạnh phúc, Thiên Chúa được vinh danh, xã hội luôn an bình. Amen.
Ghi nhớ: “Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Tường thuật chuyện Thánh Gia hành hương lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua:
- Luật hành hương chỉ buộc những “nam nhân”, tức là người nam và từ 13 tuổi (tuổi được luật pháp công nhận là trưởng thành) trở lên. Thế mà cả Đức Mẹ và Chúa Giêsu năm đó mới 12 tuổi cũng đi.
- Lễ Vượt qua kéo dài 7 ngày. Nhưng luật chỉ buộc dự 3 ngày đầu thôi, những ngày sau tuỳ ý. Thánh Gia đã dự cho đến “xong kỳ lễ”.
Như thế, Thánh Gia đã giữ luật đạo rất chín chắn, hơn cả mức đòi buộc của Luật.
2. Sau khi kỳ lễ đã xong, trong khi mọi người ra về thì Chúa Giêsu còn ở lại trong Đền Thờ. Khi cha mẹ tìm gặp Ngài thì Ngài đáp “Con có bổn phận ở nhà của Cha con”. Qua thái độ và lời nói này, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị cho cha mẹ Ngài biết và chấp nhận rằng Ngài còn có bổn phận đối với Chúa Cha.
3. Nhưng Đức Giêsu không phải là một đứa con bất hiếu, bởi vì Phúc Âm thuật tiếp rằng “Sau đó Ngài cùng cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài”.
B. Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Gia đình Nadarét được gọi là Thánh Gia, là gương mẫu cho mọi gia đình tín hữu. Qua đoạn Phúc Âm này, ta có thể thấy những nét của một gia đình tín hữu tốt:
- Một gia đình tốt không chỉ co rút trong ngôi nhà của mình, nhưng còn thích cùng nhau lên Nhà Chúa: theo luật, việc hành hương chỉ buộc những “nam nhân”, tức là người nam và từ 13 tuổi (tuổi được luật pháp công nhân là trưởng thành) trở lên. Thế mà cả Đức Mẹ và Đức Giêsu năm đó mới 12 tuổi cũng đi.
- Một gia đình tốt là gia đình tuân giữ luật Chúa: Thánh Gia đã tuân giữ luật cách chín chắn hơn cả mức đòi buộc của luật.
- Một gia đình tốt là gia đình cha mẹ yêu thương con cái và con cái vâng phục cha mẹ.
- Gia đình tốt có thể nghèo (phía trước: c 24: lễ vật của Thánh Gia chứng tỏ các Ngài nghèo), và không tránh khỏi đau khổ (c 35: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”), nhưng vẫn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu ở giữa, có Chúa Giêsu là thành viên.
2. Một thanh niên Scốt-len tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giàu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi:
- Có phải công việc quá cực nhọc không?
- Không, công việc rất nhàn.
- Có phải lương quá ít không?
- Không, lương khá lắm.
- Hay anh không thích đồ ăn ở đó?
- Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.
- Vậy tại sao anh thôi việc?
- Vì nhà đó không có mái che.
Đối với người Scốtlen, thành ngữ “nhà không có mái che” nghĩa là gia đình không biết cầu nguyện. (Tonne).
3. Một nhóm người thiện chí bàn nhau cách phổ biến Phúc Âm. Có người đề nghị quảng cáo trên TV, người khác đề nghị dùng báo chí. Một thiếu nữ Châu Phi chia sẻ: Ở xứ tôi, khi muốn loan Phúc Âm cho một vùng nào đó thì chúng tôi gởi đến đấy một gia đình công giáo tốt để gia đình này sống giữa những người khác trong vùng. (Barclay)
4. Trên tường một Nhà thờ cổ ở Đức có một bức tranh được vẽ cách nay khoảng 500 năm, diễn cảnh trẻ Giêsu đang đi học. Họa sĩ vẽ Ngài là một cậu bé 6 tuổi đang một tay nắm tay bà ngoại Anna và tay kia cầm cặp.
Trẻ Giêsu cũng giống như những bé trai, bé gái cùng thời đến trường để thêm kinh nghiệm, như Thánh Kinh nói: “Con trẻ ngày càng khôn lớn”.(Góp nhặt).
5. Trong khi người Ấn Độ được đánh giá là giỏi triết lý, người Trung Hoa được đánh giá là giàu lễ nghĩa, thì người Do Thái được đánh giá là tinh thần tín ngưỡng cao. Nhờ đâu? Nhờ người cha Do Thái biết quan tâm đến việc đạo trong gia đình. Trong gia đình Do Thái, người cha chủ sự những buổi cầu nguyện, người cha lãnh trách nhiệm khai tâm tôn giáo cho con, người cha hãnh diện truyền lại cho con truyền thống đạo đức của ông bà tổ tiên.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
MẪU GƯƠNG SÁNG NGỜI
+++
A. DẪN NHẬP
Hằng năm, lễ Thánh gia được tổ chức vào Chúa nhật sau lễ Giáng sinh để nêu lên một tấm gương sáng chói cho các gia đình noi theo. Sách Tin mừng thuật lại rất ít sự kiện có liên quan đến lễ này. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp thấy những gương nhân đức của từng thành phần trong gia đình thánh gia như: các nhân đức âm thầm của Đức Maria, đức tin phó thác của thánh Giuse và sự vâng phục của Đức Giêsu.
Đấy là những mẫu gương sáng lạn, những bài học quý giá cho chúng ta. Nếu mỗi thành phần trong gia đình thực hành được những nhân đức ấy thì gia đình sẽ trở nên một cộng đoàn yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau, trong cảnh trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm.
Ngày nay các gia đình trên thế giới nói chung, và gia đình Công giáo nói riêng, đang trên đà xuống dốc: ly dị lan tràn khắp nơi, gia đình tan vỡ ly tán, gây ra cho xã hội biết bao cảnh thương tâm. Nếu mỗi thành phần trong gia đình biết noi gương Thánh gia mà xây dựng gia đình, cố gắng trung thành thi hành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo thì gia đình sẽ thành một cộng đoàn hạnh phúc, một “Giáo hội tại gia” đúng nghĩa.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Hc 3,3-7.14-17a.
Sách Huấn ca hôm nay dạy con cái phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ không phải chỉ là một tình cảm tự nhiên mà còn là ý muốn của Thiên Chúa: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”. Việc thảo kính cha mẹ sẽ đem lại nhiều ơn ích:
- Đền bù các tội lỗi đã phạm.
- Khi cầu xin, sẽ được Thiên Chúa nhận lời.
- Nếu ai hiếu thảo với cha mẹ thì sau này sẽ được con cháu thảo hiếu lại vì như người ta nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.
+ Bài đọc 2: Cl 3,12-21
Trong thư mục vụ gửi cho tín hữu Colossê và Ephêsô, thánh Phaolô rất chú trọng đến đời sống gia đình. Theo đó, trong đời sống gia đình phải có những đức tính như: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Trong các đức tính ấy, thánh Phaolô đặc biệt chú trọng đến việc tha thứ. Ngài khuyên: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em hãy tha thứ cho nhau”. Nhưng muốn thực hiện được các đức tính trên, cần phải có một nhân đức nền tảng: đó là đức bác ái yêu thương.
+ Bài Tin mừng: Lc 2,41-52
Theo lối giải thích của các thầy rabbi thì dường như luật buộc phải đi hành hương Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hằng năm chỉ bắt đầu áp dụng lúc 13 tuổi và chỉ bắt buộc các nam nhân. Lễ Vượt qua kéo dài 7 ngày, nhưng luật buộc chỉ phải dự 3 ngày đầu thôi. Tuy thế, Đức Maria và thánh Giuse tham dự cho đến cuối: “Khi lễ đã chấm dứt…”. Như vậy, Thánh gia đã giữ luật rất chín chắn hơn cả mức đòi hỏi của luật.
Sau kỳ lễ chấm dứt, các Ngài ra về nhưng Đức Giêsu còn ở lại Giêrusalem. Sau ba ngày đi tìm Đức Giêsu thì cha mẹ Ngài mới tìm thấy Con và các ngài hết sức bỡ ngỡ khi thấy Con mình đang ngồi đàm đạo với các tiến sĩ luật. Được hỏi lý do thì Đức Giêsu chỉ trả lời với cha mẹ: “Con có bổn phận ở nhà của Cha Con”. Câu trả lời như thế khiến hai ông bà chưa hiểu hết ý nghĩa của nó.
Dù là người con ngoan, vào lúc 12 tuổi, Đức Giêsu đã làm một cuộc “thoát ly gia đình” để ưu tiên sống cho một Đấng mà Ngài gọi là “Cha” bằng một giọng thân thương nhất. Qua thái độ và lời nói này, Đức Giêsu muốn chuẩn bị cho cha mẹ Ngài biết và chấp nhận rằng Ngài còn có bổn phận đối với Chúa Cha. Tuy thế, Ngài luôn là người con có hiếu với cha mẹ: “Sau đó, Ngài cùng cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,52).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Xây dựng gia đình hạnh phúc
I. LÝ DO CỦA NGÀY LỄ THÁNH GIA
Phong trào “gia đình Công giáo” đã có từ thế kỷ 16, nhưng đến cuối thế kỷ 19, Đức Giáo hoàng Lêô XIII cổ vũ mạnh và đặt ra “Lễ Thánh gia” nhằm thúc giục mọi người theo gương thánh gia mà sống trên thuận dưới hoà để tạo lập những gia đình hạnh phúc.
Năm 1994 Liên Hợp Quốc cũng như Giáo hội chọn làm năm quốc tế về gia đình. Gia đình đang gặp cơn khủng hoảng, đang trên đà xuống dốc một cách trầm trọng. Gia đình là nền tảng của xã hội, mà nền tảng hư hỏng thì xã hội cũng sụp đổ.
Do đó, Giáo hội muốn cho chúng ta tổ chức lễ kính Thánh gia là để đề cao vai trò của gia đình và đưa ra một mẫu gương tuyệt vời cho mọi người bắt chước, hầu củng cố lại gia đình và giúp cho xã hội thêm vững chắc.
II. SỰ QUAN TRỌNG CỦA GIA ĐÌNH
Chúng ta thấy mối liên hệ giữa gia đình và Hội thánh rất sâu sắc và nhiều đến nỗi có thể gọi gia đình công giáo là “Hội thánh tại gia” (Lumen Gentium, số 11). Vì thế, công đồng Vatican II nói: “Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội tự nhiên và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình” (MV số 47).
Trong tông huấn về gia đình “Familiaris Consortio”, Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã khẳng định: “Gia đình là “trường học đầu tiên” dạy các đức tính xã hội mà không đoàn thể nào khác có thể vượt qua” (FC số 3).
III. PHÂN NHIỆM TRONG GIA ĐÌNH
1. Gia đình Thánh gia
Nhìn vào gia đình Thánh gia, theo bài Tin mừng hôm nay, ta thấy Đức Maria và Đức Giêsu không làm gì cả. Nói đúng ra, hai Đấng không làm gì khác ngoài việc làm theo sự chỉ đạo của thánh Giuse; còn thánh Giuse thì không làm gì khác ngoài việc làm theo sứ thần Thiên Chúa. Đúng như người ta nói: “Kim chỉ phải có đầu” (Tục ngữ).
Có sự thuận ý từ trên xuống: Thiên Chúa điều khiển thánh Giuse, thánh Giuse lại điều khiển Đức Maria và Đức Giêsu mà không có điều gì trục trặc, các ngài đã thực hiện chữ “thuận” vì người ta thường nói:
“Thuận vợ thuận chồng,
tát bể Đông cũng cạn” (Tục ngữ).
Theo đó, các ngài đã thuận vợ, thuận chồng và cả con cũng thuận nữa. Tất cả đều hài hòa để quy hướng về một mối là “Thuận Thiên” như người ta nói: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nhờ đó, gia đình có thể vượt qua được mọi sự khó khăn chủ quan cũng như khách quan.
2. Gia đình chúng ta
Gia đình Thánh gia là một mô hình tuyệt vời trong sự phân công các thành viên trong gia đình cho có lớp lang thứ tự, hợp tình hợp lý để tạo nên sự hài hòa trong các thành phần.
Trong việc giáo dục gia đình, Đức Khổng Tử đã đưa ra một công thức giáo dục rất hay, đó là: quân, thần, phụ, tử: nghĩa là vua phải sống cho ra vua, tôi phải sống ra tôi, cha phải sống xứng với vai trò của cha, và con phải sống theo bậc làm con; bậc nào phải sống theo bậc ấy, đừng bao giờ đảo lộn. Trong gia đình có ba cấp thành viên: cha, mẹ và con cái. Chúng ta sẽ phân tích từng thành viên.
a) Người cha trong gia đình
Người ta nói: “Kim chỉ phải có đầu”. Vậy ai nên làm chủ gia đình? Đương nhiên là người cha và người mẹ là hai vai trò quan trọng nhất. Còn nếu so sánh người cha với người mẹ thì có lẽ vai trò người cha quan trọng hơn, vì người cha đồng thời cũng là người chồng; và theo thánh Phaolô thì “Người chồng là đầu của người vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội thánh” (Ep 5,23).
Tại sao vậy? Vì người cha có khả năng tốt hơn, có cái nhìn bao quát hơn, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội, có uy tín hơn để hướng dẫn các con. Gia đình nào có người cha tốt thì hầu như mọi sự trong nhà đều dễ trở nên tốt, vì người cha là cột trụ cho cả nhà dựa vào, là vị chỉ huy điều khiển mọi người, là người cầm lái đưa cả gia đình theo một hướng. Nếu ngược lại, thì người ta bảo: “Nhà dột từ nóc”, gia đình bị hư hỏng từ đầu: “Cá sống từ đầu và cá thối cũng từ đầu” (Piscis a capite vivit et a capite faetet”. Hậu quả sẽ xẩy ra như người ta nói:
Người trên ở chẳng chính ngôi,
Làm cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào. (Ca dao)
Nói thế không phải là một mình người cha điều khiển gia đình, vẫn có sự tham gia của người mẹ một cách rất nhẹ nhàng mà người ta không ngờ. Đôi lúc vì người cha thiếu khả năng, nên người mẹ đã lấn át vai trò của người cha.
Truyện vui: Hư danh
Con chạy về hỏi cha:
- Ba ơi, ba giảng cho con thế nào là “hư danh”.
Người cha trả lời:
- Hư danh hả? Ví dụ như má con giới thiệu ba là chủ gia đình !!!
Hoặc truyện khác:
Đôi tân hôn chưa sống với nhau được bao lâu, người chồng hiền lành, điệu bộ có vẻ cù lần, nhưng vợ tinh anh sắc sảo, cần phải có tác phong bảo vệ quyền bính, nhất là con nhà có đạo phải dựa vào Kinh Bổn mới có nền tảng vững chắc, kẻo người nội trợ lấn át quyền gia trưởng.
- Thứ nhất dựa vào Kinh:
Một hôm gặp cơ hội bị chị vợ lấn át, anh ta mới dõng dạc tuyên bố: Mày phải biết ngày chịu phép hôn phối, cha giảng: chồng là gia trưởng, là chủ, chồng giữ địa vị thánh Giuse trong nhà Nazareth. Mày không nhớ trong kinh cầu ông thánh Giuse: thánh Giuse làm đầu thánh gia. Thế tao là đầu trong nhà, thay địa vị thánh Giuse, mày phải nhận điều đó mới được.
- Thứ hai, sách bổn dạy làm sao?
Sách bổn dạy: “Cha mẹ phải săn sóc con cái, chồng phải coi sóc vợ, chúa nhà phải coi sóc đầy tớ: bấy nhiêu “Đấng ấy” phải coi sóc kẻ thuộc về mình, hầu bằng cha mẹ phải săn sóc con cái vậy, chả gì tao cũng vào số “các đấng”. Đừng có mà khinh tao” (Lm. Nguyễn Duy Phượng, Thực chuộng vâng phục, 1969, tr 241-242).
b) Người mẹ trong gia đình
Thiên Chúa đã dựng nên người nam nữ có bản chất riêng, khác nhau mà không giẫm chân lên nhau. Dường như trong gia đình đã vốn sẵn có một sự phân nhiệm tự nhiên cho hai người:
- Nếu người chồng là rường cột chống đỡ gia đình, thì người vợ là sợi dây thân ái ràng buộc mọi người trong yêu thương hạnh phúc.
- Nếu người chồng là người đứng mũi chịu sào, đặt kế hoạch, tạo điều kiện kinh tế cho gia đình, thì người vợ lại là người quản lý tốt, quán xuyến sắp xếp mọi công việc trong nhà và bảo vệ tổ ấm gia đình hơn mọi người khác.
- Nếu người chồng là lý trí, là khối óc sáng suốt để chỉ huy, hướng dẫn gia đình như một ông thuyền trưởng chỉ huy con tàu, thì người vợ chính là người tài công khéo léo điều động con tàu đến mục tiêu đã định.
- Nếu người chồng là biểu tượng của quyền uy, nghiêm nghị và cứng cỏi, là khuôn mẫu, là kỷ luật, thì người vợ là sự dịu dàng, mềm mỏng cởi mở để con cái được thoải mái, dễ chịu trong khuôn khổ gia đình.
- Và sau cùng, nếu cần phải đối phó với một xã hội, một cuộc sống đa đoan, phức tạp, muôn mặt, khi sự cứng rắn và sức mạnh của người chồng không đủ đáp ứng, thì đã có sự khôn ngoan, tế nhị, mềm mỏng của người vợ bổ sung vào để đạt được kết quả.
Quan niệm “Phu xướng phụ tùy” của xã hội ta ngày xưa không còn phù hợp nữa. Nếu chồng là giám đốc thì vợ phải là quản lý hay phụ tá giám đốc chứ không phải là tôi tớ: “Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam… Xin cho anh biết trọn niềm tin tưởng ở chị, nhìn nhận chị là người bình đẳng và cùng được thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban” (Lời cầu lễ Hôn phối).
Truyện: Tài tử Galicopter và người vợ
Một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất trong thập niên 50 là nam tài tử Galicopter. Ông nổi tiếng không những vì tài nghệ diễn xuất, mà còn vì cuộc sống hôn nhân mẫu mực của ông. Vào khoảng cuối đời, quằn quại trong thể xác, ông đã nói về Rochi người vợ đã chung sống với ông trong gần 30 năm như sau:
“Rochi là một người đàn bà tuyệt vời. Nàng là một người vợ đã biết thích nghi với tính khí và công việc của tôi. Nàng cũng biết cảm thông với những lỗi lầm của tôi. Nhất là nàng đã biết ở cạnh tôi khi nàng có thể, mỗi khi tôi cần đến nàng. Nàng là người vợ đích thực”.
Những lời khen tặng trên đây của tài tử Galicopter là một khẳng định rằng: người nắm giữ hạnh phúc gia đình, người nắm vai chủ động trong việc xây dựng hạnh phúc hôn nhân chính là người vợ. Dĩ nhiên sự thành công của hôn nhân là do sự hợp tác của hai vợ chồng. Nhưng người vợ vẫn giữ vai trò chủ yếu.Vì thế người ta mới nói: “Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm” (Tục ngữ).
c) Con cái trong gia đình
Còn Đức Giêsu trong gia đình Nazareth đã được thánh Luca mô tả vài nét trong Tin mừng: “Ngài đã xuống với ông bà về Nazareth. Ngài hằng tùng phục hai ông bà. Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ hết các điều trong lòng bà. Và Đức Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,51-52).
Đức Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng với cương vị làm con, Ngài vẫn phải vâng phục thánh Giuse và Đức Maria với tâm tình con thảo. Sách Huấn ca hôm nay dạy ta: “Ai kính sợ Thiên Chúa thì hiếu thảo với cha mẹ, ai thờ cha kính mẹ thì sẽ bù đắp lỗi lầm và sẽ được đền bù tội lỗi”.
Hiếu thảo đối với cha mẹ không phải là một tình cảm tự nhiên mà còn là một điều luật của Chúa: “Ngươi phải hiếu thảo với cha mẹ, như Thiên Chúa ngươi đã truyền dạy, để được sống lâu và được hạnh phúc trên phần đất Thiên Chúa dành cho ngươi” (Đnl 5,16).
Ngày xưa khi cắp sách đi học, các em nhỏ đã được đọc trong sách Quốc văn Giáo khoa thư một bài học căn bản về đạo làm con:
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho trọn chữ hiếu mới là ĐẠO CON.
Không thiếu gì những bậc danh nhân trên thế giới đã làm gương cho chúng ta về lòng thảo hiếu đối với cha mẹ, ngay khi các ngài còn ở bậc cao trong danh vọng.
Truyện: Nhà bác học Louis Pasteur
Ngày 14.07.1883, Hội đồng thành phố Dole quyết định đặt tấm đồng ghi danh trên cửa nhà mà Pasteur đã sinh ra. Hôm ấy, trong bài đáp từ cao thượng, nhà bác học trứ danh đã để lòng trào ra trên nỗi biết ơn cha mẹ:
‘Ôi! Hỡi cha con, mẹ con! Ôi, hỡi những người thân yêu đã chết! Các ngài đã sống bình dị quá trong căn nhà nhỏ bé này, con đã chịu ơn tất cả bởi các ngài. Những nhiệt tình của người, hỡi mẹ can đảm của con, mẹ đã chuyển nó cho con. Nếu con bao giờ cũng đã nối kết vinh quang khoa học vào vinh quang tổ quốc, chính là vì con đã thấm nhuần những cảm tình mà mẹ phấn khích ở trong con. Và còn người, hỡi cha thân yêu, mà đời sống cũng nặng nhọc như nghề nghiệp, cha đã tỏ cho con biết đức kiên nhẫn trong cố gắng lâu dài có thể làm được những gì… Con chúc tụng cả hai, hỡi cha mẹ thân yêu, cho cuộc sống con người, và xin để cho con hướng về các ngài cái vinh hạnh mà người ta hiến lên căn nhà này ngày hôm nay” (Bùi Đức, Vinh quang bà mẹ, 1959, tr 59-60).
IV. TRUNG THÀNH TRONG HÔN NHÂN
Còn một vấn đề rất quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân mà ngày nay người ta đã coi thường, đó là trung thành trong đời sống hôn nhân. Ngày xưa người ta chỉ chú trọng vào sự chung thuỷ của người phụ nữ mà không đề cập đến đàn ông. Người ta đã có một cái nhìn thiên lệch về phụ nữ với quan niệm “chồng chúa vợ tôi”. Người đàn bà trong lễ giáo Khổng Mạnh phải tuyệt đối chung thuỷ với chồng mình. Họ phải giữ cái đạo “Tam tòng”:
Tại gia tòng phụ
Xuất giá tòng phu
Phu tử tòng tử.
Nghĩa là: người con gái ở nhà thì theo cha, đi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con.
Chữ “chung thuỷ” của người xưa thật đáng ca tụng, nhưng tôi thấy nó rất thiên lệch và không công bằng. Lễ giáo của Khổng Mạnh đã áp đặt chặt chẽ trên người đàn bà, trong khi đó thì người đàn ông được thả lỏng:
Trai thì năm thê bảy thiếp.
Trong khi đó thì: Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Và nếu có một vợ một chồng thì theo sự diễn tả một cách châm biếm, đó là:
Nhất phu nhất phụ
Mỗi mụ mỗi nơi.
Còn thời nay thì sao? Đối với xã hội Tây phương thì chữ “chung thuỷ” thời nay đã biến mất. Người ta thay vợ đổi chồng như thay áo theo phương châm “Hay thì ở, dở thì đi”. Có nơi số đôi hôn phối ly dị lên tới 50% hay hơn nữa. Các hôn ước không còn giá trị nữa. Chính vì thế mà gia đình bị lung lay tận nền tảng, tận gốc rễ để rồi đi đến chỗ đổ vỡ vì những lý do không đâu.
Truyện: Trên chuyến xe đò
Có một lần trên chuyến xe đò đi Sài Gòn, tôi được nghe mẩu tâm sự vụn giữa mấy bà mấy cô với nhau. Bà thì than rằng chồng của mình bê bối. Bà thì bực tức thấy ông nhà đèo bòng mà chẳng làm gì được. Nói ra thì xấu thiếp hổ chàng, còn để vậy thì ấm ức trong lòng. Sau cùng, có một bà kết luận: chỉ có mấy bà công giáo là sướng. Đạo của họ cấm chỉ việc lang bang. Dù sao chăng nữa, thì họ cũng vẫn một lòng một dạ với nhau.
Nghe mẩu tâm sự ấy, tôi cũng thấy mừng, vì từ xưa và cho đến nay, sự chung thuỷ, một vợ một chồng vốn dĩ đã là nét son của hôn nhân công giáo. Vì ai cũng biết hôn nhân công giáo là một khế ước song phương được ký kết giữa hai người nam và nữ. Do đó, hôn nhân của công giáo có hai đặc tính là “đơn nhất và vĩnh viễn”. Không ai có thể huỷ bỏ hôn ước khi cả hai người còn sống vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
Nếu chúng ta đòi buộc người bạn đời phải tuyệt đối trung thành với mình, thì chúng ta cũng phải có bổn phận phải tuyệt đối trung thành với người bạn đời như thế. Chúng ta không thể nào chấp nhận những chia sẻ trộm vụng của người bạn đời, thì chúng ta cũng không được chia sẻ tình yêu một cách thầm lén cho kẻ khác không phải là bạn đời của mình. Nếu như hành vi thầm lén vụng trộm của chúng ta bị đổ bể, bởi vì “đi đêm lắm có ngày gặp ma”… thì lúc bấy giờ chắc chắn dư luận sẽ không buông tha chúng ta và gia đình ta chắc chắn sẽ gặp nhiều sóng gió.
Để kết luận, chúng ta hãy dâng lên Thánh gia lời cầu xin cho các gia đình:
Lạy Chúa Giêsu,/ chúng con xác tín rằng:/ Hôn nhân và gia đình là công trình sáng tạo của Thiên Chúa,/ công trình của yêu thương,/ khôn ngoan và thánh thiện./ Chúng con tin rằng,/ Chúa muốn và Chúa luôn ban ơn,/ để hôn nhân được hạnh phúc,/ trong sự duy nhất và bền bỉ,/ trong việc truyền sinh và phát huy sự sống.
Lạy Chúa,/ Chúa đã yêu thương mà nâng hôn nhân lên hàng Bí tích./ Xin Chúa cho các đôi vợ chồng sống trung thành với nhau,/ cho cha mẹ biết ý thức trách nhiệm giáo dục con cái,/ cho con cái biết vâng phục và yêu mến cha mẹ./ Xin Chúa làm cho các thế hệ trẻ,/ tìm được nơi gia đình sự nâng đỡ chắc chắn cho giá trị làm người của họ,/ và được trưởng thành trong Chân lý và Tình thương.
Lạy Thánh gia Nazareth,/ là gương mẫu của đời sống thánh thiện,/ công bình và yêu thương./ Xin cho gia đình chúng con,/ trở nên nơi đào tạo nhân đức,/ trong hiền hoà,/ phục vụ và cầu nguyện./ Xin cho chúng con xây dựng gia đình thành mối an ủi cho cuộc đời đầy thử thách./ Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình,/ đều được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội,/ và cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
CON PHẢI Ở NHÀ CỦA CHA CON
Khi nghĩ đến Thánh Gia, ta thường nghĩ đến một gia đình
hết sức bình yên, đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc.
Một gia đình có Chúa như gia đình Thánh Gia
dĩ nhiên không thể nào sóng gió chạm đến được.
Bài Tin Mừng hôm nay lại cho ta thấy một sự cố xảy ra,
một chuyện không vui, kéo theo nhiều âu lo và nước mắt.
Mà chuyện ấy lại xảy ra sau những ngày lễ rất vui.
Đó là tuần lễ Vượt Qua, lễ lớn nhất của dân Do-thái.
Cả gia đình gồm thánh Giuse, Mẹ Maria và Cậu Giêsu
vượt đoạn đường xa để lên Đền thờ Giêrusalem mừng lễ.
Họ vui vẻ đi chung với các đoàn hành hương.
Khi lễ kết thúc, hai ông bà trở về Nadarét,
Nghĩ rằng cậu con trai mười hai tuổi của mình đi với bà con,
sau một ngày đàng hai ông bà mới đi tìm nhưng không thấy.
Hẳn cả hai đã rơi vào tình trạng hốt hoảng, lo sợ.
Họ không biết điều gì đã xảy ra cho con mình,
đứa con được Thiên Chúa ban như một quà tặng.
Hai ông bà tìm kiếm trong tuyệt vọng và nước mắt,
gặp ai cũng hỏi, nhưng chẳng ai thấy bóng cậu bé Giêsu.
Những ngày lễ vui bỗng trở thành u ám, buồn thảm.
Vòng trở lại Đền thờ để tiếp tục tìm kiếm,
cuối cùng họ sửng sốt khi tìm thấy con ngồi rất bình yên,
như đang trò chuyện với các bậc thầy ở đó.
Chẳng nói thì ai cũng biết hai ông bà vui đến thế nào.
Họ đã mất ba ngày tìm kiếm con rồi mới tìm thấy.
Nhưng người Mẹ không thể không buông lời trách con:
“Tại sao con lại làm như vậy? Cha mẹ đã khổ tâm tìm con!”
Như Đức Maria, chúng ta cũng ngạc nhiên về Cậu Giêsu.
Cậu đã mười hai tuổi, hẳn đã biết cách cư xử với cha mẹ.
Cậu có thể ở lại Đền thờ, sao Cậu không nói một lời,
như thế tránh được bao là khổ đau và nước mắt.
Nhưng điều làm ta bị sốc lại là câu trả lời của Cậu.
Cậu trả lời câu hỏi tại sao bằng một câu hỏi tại sao khác:
“Tại sao cha mẹ tìm con?
Cha mẹ không biết con phải ở nhà của Cha con sao?”
Có người con nào dám nói với mẹ mình câu đó không,
khi nước mắt người mẹ chưa kịp khô?
Dĩ nhiên cả hai ông bà đều không hiểu lời của Cậu (Lc 2,50).
Mẹ Maria có thói quen của một tâm hồn chiêm niệm.
Khi Mẹ không hiểu thì Mẹ không bực bội gạt đi,
nhưng giữ kỹ mọi chuyện trong trái tim Mẹ (Lc 2,51).
Nhờ đó Mẹ từ từ đi sâu vào mầu nhiệm của Con mình,
từ từ hiểu hơn những gì trước đây Mẹ không hiểu.
Hành động và lời nói của Cậu Giêsu trong biến cố này
không phải là dấu hiệu nổi loạn của tuổi mới lớn,
muốn tự khẳng định mình trước quyền uy của mẹ cha.
Nhưng đây là dấu hiệu trưởng thành đầu tiên của Cậu Giêsu.
Cậu ý thức mình không những phải vâng phục cha mẹ,
mà nhất là phải vâng phục Thiên Chúa,
Đấng mà Cậu bắt đầu có tương quan thân thiết,
Đấng mà Cậu trìu mến gọi là “Cha của con” (Lc 2,49; Ga 2,16).
Khi nhận ra Cha muốn mình “phải” ở lại nhà Cha,
Cậu đã làm một quyết định khó khăn, khiến cha mẹ buồn.
Điều này cho thấy Cậu có một sự độc lập nào đó với cha mẹ,
và cho thấy sự tùy thuộc hoàn toàn của Cậu vào Thiên Chúa.
Khi nghĩ đến Mầu nhiệm Nhập Thể,
ta thường nghĩ tới Hài Nhi Giêsu sinh ra ở Bêlem.
Thật ra Con Thiên Chúa đã lớn lên khi mười hai tuổi,
và tiếp tục lớn lên quân bình về thể lý, trí tuệ và tâm linh,
cho đến khi đi sứ vụ cho Cha ở tuổi ba mươi (Lc 2,40.52).
Đây là mầu nhiệm của sự tăng trưởng không ngừng.
Mẹ Maria và Thánh Giuse đã đón nhận mầu nhiệm ấy,
dù gia đình cũng có lúc căng thẳng vì không hiểu nhau.
Mỗi thành viên trong nhà là một mầu nhiệm.
Tin Mừng hôm nay mời cha mẹ lắng nghe con cái,
và giúp chúng tự do đi đúng con đường Chúa mời gọi.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giê su,
sau hơn ba mươi năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác,
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những người trẻ khôn ngoan, khỏe mạnh,
và tràn đầy ơn nghĩa Chúa.
bài liên quan mới nhất
- 30 tháng 12: Ngày thứ 6 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Mẫu người thánh thiện (Lc 2,36-40)
-
Ngày 28 tháng 12: Ngày thứ 4 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Kính Các thánh Anh hài (Mt 2,13-18) -
Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22) -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66) -
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)