Chúa nhật IV Mùa Chay A
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A
Lời Chúa: 1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
MỤC LỤC
1. Người mù
2. Ngọn đèn đức tin – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Thầy là ánh sáng thế gian
4. Đón nhận chân lý – Achille Degeest
5. Ai mù? Ai sáng? – R. Veritas
6. Suy niệm của André Sève
7. Đức tin
8. Cửa sổ tâm hồn
9. Người mù
10. Ánh sáng
SUY NIỆM
Có những người mắt sáng nhưng lại nhìn sự vật qua lăng kính của những tư tưởng sai lầm, do đó đã trở thành mù. Một sự mù quáng còn trầm trọng và tai hại hơn cả cái mù nơi thể xác, vì nó khép kín tâm hồn trước tình thương và ơn sủng của Chúa. Đó là trường hợp của bọn Biệt phái trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay.
Thực vậy, đầu mối câu chuyện chỉ vì Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người mù vào đúng ngày nghỉ lễ. Luật về ngày nghỉ lễ do bọn Biệt phái chủ trương cấm làm những việc Chúa Giêsu đã làm. Thế nhưng Chúa Giêsu đã làm điều cấm ấy, cho nên Ngài chỉ là một kẻ tội lỗi. Mà đã tội lỗi, thì không thể nào là người bởi Thiên Chúa, do đó không thể làm được phép lạ.
Cái lý luận chặt chẽ ấy đã che mắt họ, không cho họ nhận biết điều lạ lùng đang xảy ra. Được đặt trước sự thực, nhưng họ lại tìm cách chối bỏ sự thực ấy: Kẻ được chữa lành không phải là người mù họ thường thấy, nhưng chỉ là một người giống như hắn. Họ đã muốn phủ nhận ngay chính người được chữa lành. Họ hạch hỏi và làm khó dễ cả người cha lẫn người mẹ. Bản thân anh cũng bị tra hỏi, tất cả như muốn anh chối bỏ chính cái ơn huệ, chính cái thực tế diễn ra nơi con người anh.
Thế nhưng cuộc hạch hỏi này lại cho chúng ta thấy người sáng suốt lại chính là anh mù. Còn kẻ mù lại là bọn Biệt phái, vốn tự nhận mình là thông suốt đạo lý và lề luật. Anh mù đã muốn đi từ thực tế không thể chối cãi được, tìm hiểu về con người đã làm phép lạ, để rồi cuối cùng anh không phải chỉ được chữa để nhìn thấy sự vật chung quanh, mà còn được nhận biết ánh sáng của niềm tin, nhìn nhận Chúa Giêsu chính là Đấng từ trời đến, để thông chia cho mọi người sự sống Thiên Chúa.
Trong khi đó bọn Biệt phái lại muốn đi từ một cách hiểu về đạo giáo của họ để phán xét sự thật. Vì họ đã sai lầm trong cách hiểu và lý luận của mình, nên họ đã bị bưng bít, không thể nhận ra được sự thật, cũng như ý nghĩa của sự thật ấy.
Chúa Giêsu đã đảo ngược các hoàn cảnh. Người mù tin ở Ngài thì được khỏi và được dẫn đến chỗ nhìn nhận mạc khải của Chúa. Trái lại những kẻ vẫn tự khoe là thông thái và sáng suốt thì lại không thấy được Đấng đem ánh sáng cứu rỗi đến cho con người. Họ tự giam mình trong tối tăm của sự chết.
Đây cũng là hoàn cảnh của chúng ta. Thực vậy, một cản trở không nhỏ trên con đường đến với Chúa và nhận ra tiếng Ngài trong những biến cố của cuộc sống đó là cứ bám víu vào những tiên kiến và tự mãn với những điều chúng ta đã biết, bằng sự rập khuôn và óc câu nệ. Tất cả tạo nên một thứ hàng rào kiên cố ngăn cản chúng ta tiếp cận với sự thật để được cứu rỗi. Những người thủ cựu và cố chấp giống như những kẻ đeo cặp kính màu xám, thì nhìn cái gì cũng hoá ra xám. Họ giống như những anh mù sờ voi, phùng má trợn mắt bảo vệ lập trường của mình, mà chẳng ai nắm được sự thật.
Bọn Biệt phái đã căm thù Chúa Giêsu và cuối cùng đã tìm cách thủ tiêu Ngài chỉ vì không chấp nhận để Ngài phá vỡ cái hàng rào này của họ. Chúng ta cũng sẽ chỉ có ánh sáng của lòng tin khi nhìn nhận Chúa Giêsu chính là Đấng đem lại cho chúng ta ơn cứu rỗi mà thôi.
2. Ngọn đèn đức tin – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Ta nhìn thấy được là nhờ có ánh sáng. Đôi mắt là ánh sáng của thân thể. Nếu mắt hư hỏng, thì dù bên ngoài trời có sáng trưng, ta vẫn không thấy gì hết. Người bị hư mắt sống hoàn toàn trong đêm tối.
Có nhiều thứ đêm tối. Cũng như có nhiều loại mắt.
• Có thứ đêm tối u mê dốt nát. Ánh sáng văn hoá có đó. Sách vở chữ nghĩa có đó. Nhưng ta không đọc được. Vì ta mù chữ. Trí tuệ ta thiếu đôi mắt. Nên ta chìm trong đêm tối u mê.
• Có thứ đêm tối phàm phu. Thiên nhiên có biết bao cảnh đẹp. Nhìn cảnh hoàng hôn, bình minh, người hoạ sĩ có thể xúc cảm vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Ta không cảm được vẻ đẹp của đất trời vì ta không có cặp mắt hoạ sĩ. Nghe chim ca, nhìn lá rụng, thi sĩ có thể viết nên những vần thơ. Còn ta, ta không nghe được sứ điệp của chim, không cảm được nỗi buồn của lá, vì ta không có tâm hồn, ánh mắt nhạy cảm của nhà thơ.
• Có thứ đêm tối đức tin. Cuộc sống thần linh có đó. Thiên Chúa hiện hữu đó. Nhưng ta không thấy được nếu ta không có đức tin.
Đức tin là ánh sáng soi rọi vào thế giới vô hình, cho ta thấy được những điều mà người không tin không thấy. Đức tin là ngọn đèn soi cho ta bước đi trên con đường tiến về cuộc sống vĩnh cửu. Ngọn đèn ấy chỉ đủ sáng cho ta bước từng bước nhỏ. Trong khi bầu trời vẫn tối đen để ta phải phó thác tin yêu.
• Tin là một thái độ dấn thân. Người mù đi ra giếng Silôê rửa theo lời dạy của Chúa Giêsu vì anh tin. Anh có thể nghi ngờ: Rửa nước giếng có gì tốt đâu? Nhưng anh đã đi vì anh tin lời Chúa. Tin rồi anh không ngồi lì một chỗ nhưng dấn thân, lên đường và hành động theo lời Chúa dạy.
• Tin là một hành trình ngày càng gian khổ. Đức tin cần phải có thử thách. Thử thách như những bài học ngày càng cao, càng khó bắt người tin phải có thái độ lựa chọn ngày càng dứt khoát hơn. Ta hãy dõi theo hành trình của anh thanh niên bị mù.
Thoạt tiên, việc dẫn thân của anh khá dễ dàng. Anh chỉ việc đi ra giếng Silôê rửa bùn đất mà Chúa Giêsu đã đắp lên mắt anh. Kế đó anh phải đối phó với một tình hình phức tạp hơn: Người ta nghi ngờ anh. Người ta tò mò xoi mói anh. Nhưng anh đã vững vàng vượt qua thử thách đó. Anh dõng dạc tuyên bố: Chính tôi là người mù đã ăn xin tại cổng thành.
Tình hình phức tạp hơn khi gia đình anh tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Anh khá đau lòng và cảm thấy cô đơn. Anh được sáng mắt. Anh có niềm tin. Đó là một biến cố quan trọng thay đổi toàn bộ đời anh. Thế mà những người thân thiết nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình vẫn thờ ơ, lãnh đạm. Để vững niềm tin vào Chúa, anh đành chấp nhận hành trình đơn độc. Vì tin Chúa anh đành cam chịu sự thờ ơ lãnh đạm của những người thân. Trung thành với niềm tin đã làm trái tim anh rướm máu.
Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi anh phải đối đầu với quyền lực tôn giáo. Họ mạt sát anh là sinh ra trong tội lỗi. Họ tố cáo Chúa Giêsu đã lỗi phạm luật nghỉ ngày Sabbat. Và sau cùng, họ khai trừ anh khỏi hội đường. Đây là hình phạt nặng nề nhục nhã nhất đối với người Do Thái. Bị gia đình từ bỏ. Giờ đây lại bị xã hội chối từ. Anh trở thành người cô đơn nhất. Đây là thử thách lớn lao nhất. Nhưng anh vẫn vững vàng vượt qua. Lựa chọn của anh giờ đây là dứt khoát. Mất tất cả chỉ để trung tín với niềm tin của mình.
Đúng lúc đau đớn nhất Chúa Giêsu lại xuất hiện. Như để khen thưởng cho đức tin kiên vững của anh. Chúa Giêsu tỏ cho anh biết Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Lập tức anh quỳ sấp mặt xuống thờ lạy Người. Hành trình niềm tin gian khổ thế là chấm dứt. Anh đã gặp được Chúa Kitô.
Như thế niềm tin tăng dần theo với thử thách. Thử thách càng cao, đức tin càng mạnh. Thoạt tiên, anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: “Một người tên là Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi”. Những câu hỏi của đám đông, những tra vấn của Pharisêu khiến anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng: “Ngài thật là vị tiên tri”. Khó khăn bắt bớ của giới chức tôn giáo thời đó lại khiến anh khẳng định: “Người từ Thiên Chúa mà đến”. Và sau cùng anh đã nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
Đức tin giống như hạt ngọc bị lớp đất bụi che phủ. Những khó khăn thử thách giống như chiếc dũa, dũa sạch bụi đá. Càng dũa nhiều, ngọc càng sáng. Đức tin giống như ngọn đèn. Thử thách gian khổ là dầu. Càng có nhiều dầu gian khổ, đèn đức tin càng toả sáng, càng toả nóng.
Hành trình đức tin của anh thanh niên mù chính là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Anh thanh niên mù đã chiến đấu với những bóng tối vây phủ đức tin của anh. Anh đã kiên trì và đã chiến thắng. Anh đã ra khỏi tối tăm, gặp được Chúa Kitô nguồn ánh sáng. Đời anh từ nay tràn ngập ánh sáng niềm tin. Còn tôi, tôi đã chiến đấu thế nào với những thế lực bóng tối đe doạ đức tin của tôi? Những bóng tối nghi kỵ, những bóng tối thù hận, những bóng tối độc ác, những bóng tối tự mãn kiêu căng, những bóng tối dục vọng tội lỗi. Tôi có can đảm chiến đấu để phá tan những bóng tối đó không?
Anh thanh niên mù đã giữ ngọn đèn đức tin khỏi mọi bão gió, lại còn đổ dầu đầy bình, giữ cho đèn cháy sáng cho đến khi gặp Chúa Kitô. Ngày Rửa Tội, Chúa đã trao cho tôi ngọn đèn đức tin. Biết bao ngọn gió đã thổi ngang đời tôi, muốn dập tắt ngọn đèn đức tin của tôi. Liệu tôi có giữ được ngọn đèn đức tin cháy sáng cho đến ngày ra gặp mặt Chúa?
Mùa Chay chính là cơ hội cho tôi khêu ngọn đèn đức tin cho sáng, đổ dầu đầy bình cho ngọn đèn đức tin cháy mãi. Dầu, đó là sự ăn chay, cầu nguyện, là thống hối, là hoà giải, là chia sẻ cho người túng thiếu. Xin Chúa Kitô là ánh sáng trần gian dẫn con đi suốt hành trình đức tin để con thoát mọi bóng tối, đến gặp Người là ánh sáng tinh tuyền, ánh sáng vĩnh cửu.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn đã từng bị thử thách về đức tin chưa? Bạn đã thắng vượt như thế nào?
2) Từ khi được Rửa Tội đến nay, bạn có “biết” Chúa ngày càng rõ hơn không?
3) Chúa đã tỏ mình ra cho bạn thế nào qua những thử thách trong cuộc đời?
4) Anh thanh niên mù đã trải qua những khó khăn nào trong hành trình đến gặp Chúa Giêsu?
3. Thầy là ánh sáng thế gian (Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Đức Giêsu đã chữa một người mù từ lúc mới sinh, một người lớn lên trong bóng đêm dầy đặc. Ngài cho anh được thấy ánh mặt trời lần đầu tiên, thấy khuôn mặt của những người thân thuộc. Nhưng quan trọng hơn, anh đã thấy và tin vào Đức Giêsu, Đấng là Ánh Sáng của thế giới. Sau khi được sáng mắt, anh đã bước vào một cuộc hành trình đức tin đầy cam go.
Lúc đầu, Đức Giêsu chỉ là một người mà anh không rõ. Sau đó, anh dám khẳng định trước mặt mọi người Ngài là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến. Cuối cùng, anh đã sấp mình để bày tỏ lòng tin vào Ngài. Đức tin của anh lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa. Ngược với thái độ hồn nhiên và bình an của anh là thái độ bối rối bất an của giới lãnh đạo. Họ cứ hỏi đi hỏi lại về cách thức anh được chữa lành.
Cha mẹ của anh cũng được điều tra cẩn thận. Trước những lập luận vững vàng của anh, họ chỉ biết chê anh là dốt nát và tội lỗi.
Dựa vào một quan niệm hẹp hòi về việc giữ ngày sa bát, họ khẳng định Đức Giêsu đã phạm tội khi chữa bệnh, tuy họ vẫn không hiểu tại sao một người tội lỗi lại có thể mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Giới lãnh đạo Do thái giáo không muốn coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, vì điều đó đòi họ phải thay đổi lối nghĩ và lối sống đạo, thay đổi bộ mặt tôn giáo của cha ông, nhất là đòi họ phải tin và theo Ngài. Họ tự hào mình hiểu biết và đạo đức. Chính niềm tự hào này đã khiến họ khép lại, không có can đảm chấp nhận mình sai lầm, và cố chấp ở lại trong bóng tối.
Mù không phải là một tội.
Cố ý không muốn thấy mới là tội đáng kể. Chúng ta ai cũng sợ bị mù, nhưng lắm khi ta lại tự làm cho mình nên mù lòa, khi không chấp nhận thực tế về bản thân, khi né tránh sự thật và không muốn nghe ai.
Như những người mù xem voi, mỗi người chúng ta chỉ thấy một phần của thực tại, một phần nhỏ của chân lý. Cần khiêm tốn để nhận mình mù, mù về chính mình, mù về lãnh vực mình thông thạo, vì điều mình biết chỉ là phần nổi của tảng băng, vì con voi không giống như cái cột nhà hay cái quạt. Thay vì cãi nhau do có cái nhìn khác nhau, chúng ta có thể bổ túc cho nhau, để dần dần đến gần chân lý trọn vẹn.
Gợi Ý Chia Sẻ
• Chúng ta đều ít nhiều mù lòa về chính mình. Theo ý bạn, làm sao chúng ta có thể ra khỏi sự mù lòa đó?
• Tự ái, tự hào, tự cao, tự mãn... theo ý bạn, đây có phải là những thái độ khiến chúng ta khó đón nhận những góp ý nghiêm túc của người khác không?
Cầu Nguyện
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát, xin cho con trở nên mù lòa vì ánh sáng chói chang của Chúa, để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
- Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con phải hoán cải.
- Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con.
- Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
- Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con được tự do.
4. Đón nhận chân lý – Achille Degeest. (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Câu chuyện hôm nay đặt ra trước mầu nhiệm khôn lường của sự từ khước ánh sáng. Phái Pharisêu không tự truy vấn mình, kiểm thảo mình, lại từ chối sự thật hiển nhiên bằng cách khai trừ người mù được chữa lành. Để hiểu rõ hai chi tiết trong bài, nên lưu ý điều này là, theo quan niệm thông thường, nước miếng có sức chữa lành. Ta hiểu tại sao Chúa Giêsu đã làm bùn xức vào mắt người mù. Đức Giêsu thường ghép hành động thần thiêng của Người vào trong các thực tại tự nhiên khiêm tốn nhất. Đàng khác, sở dĩ người Pharisêu tố cáo người mù đã sinh ra trong tội, là vì theo đạo lý họ, bệnh tật là hình phạt về một lỗi phạm –ở đây là lỗi phạm của cha mẹ- Đó là điều Chúa phản đối. Câu chuyện về người mù đặt ra một cách gay cấn vấn đề đón nhận chân lý như thấy hiện ra khắp nơi trong các bản văn của thánh Gioan. Ở đây ta đứng lên trên cả vấn đề phép lạ và hiệu năng của phép lạ xét như dấu hiệu; ta đứng trước một sự mù quáng tinh thần không chịu nhìn xem chính cái dấu hiệu nữa. Lòng thù ghét có sức tạo nên một trạng thái tâm lý làm cho con người nên đui mù. Khi tâm hồn bị đóng kín lại, nó không còn thấy điều hiển nhiên nữa. Cả đến sự thật bên ngoài khách quan về việc người mù đã lành bệnh, ai ai cũng biết hết, thế mà người Pharisêu vẫn từ chối, vẫn bài bác. Có lần Chúa Giêsu đã phải nói với người Do Thái rằng dù một phép lạ xảy ra trên trời (gây chấn động mạnh mẽ) cũng khó cho họ nhìn nhận.
Thái độ từ khước ánh sáng có nhiều đặc điểm. Sau đây là hai đặc điểm:
1) Người ta lấy một khía cạnh của sự thật, cô lập nó, dựng nó lên thành tuyệt đối, mà quên rằng nó tuỳ thuộc vào những yếu tố khác quan hệ hơn của sự thật ấy. Kiêng việc xác ngày lễ nghỉ là một điều luật. Giữ luật ấy là việc tốt. Nhưng nó lệ thuộc vào luật bác ái, luật này cao trọng hơn. Vậy mà người Do Thái xem nó là một điều tuyệt đối. Nhân danh ngày “lễ nghỉ”, họ từ khước lòng bác ái. Lối suy nghĩ này là đầu giây mối nhợ của bao nhiêu vụ tranh luận, cãi cọ mà họ kéo Chúa Giêsu vào.
Trong Giáo Hội hiện nay cũng có nhiều hiện tượng thuộc loại này. Ví dụ: người ta tách riêng một ít trong Phúc Âm, coi đó là tuyệt đối, rồi sử dụng để biện minh cho bạo lực nhân danh Tin Mừng.
2) Người ta ngồi vào trong một hệ thống ý tưởng mà họ quyết đoán là đúng. Họ làm như thế có thể là vì trí không hướng nhiều về dường ấy, vì một lợi ích nào, vì tình liên đới với phe nhóm v.v… Nét tiêu biểu là ở chỗ họ coi mình là người biết, người sáng suốt, người hiểu rõ, Chúa Giêsu trách bọn Pharisêu vì họ nói: “Chúng tôi thấy”. Trước một não trạng như thế, khi chân lý xuất hiện một cách khác thường, nó sẽ không được nhìn nhận. Mà trong đời sống con người, chân lý của Chúa thường mặc những hình thức bất ngờ và gây khó chịu cho thói quen của ta. Chân lý ấy làm nổ tung mọi hệ thống tư tưởng và mọi chương trình hành động. Người Kitô hữu khi suy nghĩ cũng như lúc hành động phải chăm chú nhìn những dấu hiệu của Chúa.
5. Ai mù? Ai sáng? – R. Veritas (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong tập truyện có tựa đề: “Một trăm lẻ một giai thoại về Thiền”, tác giả Xen-da-ki có ghi lại câu chuyện sau đây: Thời xa xưa, mỗi lần ra khỏi nhà trong đêm tối, người Nhật Bản thường dùng những chiếc lồng đèn. Một đêm kia, một người mù đến thăm một người bạn. Lúc ra về thấy người mù đi hai tay không người bạn mới lấy một chiếc lồng đèn trao cho anh ta. Nhưng người mù từ chối và hỏi:
- Đối với một người mù như tôi thì cầm chiếc lồng đèn để làm gì? Bóng đêm hay ánh sáng đối với tôi đều như nhau cả.
Người bạn trả lời:
- Tôi vẫn biết rằng anh không cần lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không cầm trong tay thì kẻ khác sẽ không thấy anh và như vậy có thể sẽ đụng vào anh.
Nghe thế, người mù đành cầm lấy lồng đèn ra về. Đi được một đoạn đường, người mù bị một kẻ đi đường tông vào mình. Không tự chế được, người mù quát tháo inh ỏi:
- bộ đui sao? Không thầy chiếc lồng đèn tôi đang cầm đây sao?
Người kia bình tĩnh phân trần:
- Này ông bạn, ông bạn đang cầm lồng đèn. Nhưng ngọn đèn bên trong đã tắt rồi.
Thế là người mù cầm đèn cũng không thấy đường. Còn người sáng mắt lại không thấy đèn của người mù. Vậy ai mới thật là người mù?
Thưa anh chị em,
Người mù là người đáng thương nhất. Người ấy sáng trong tăm tối và như bị giam trong tù ngục: không thấy đường đi, nơi ở, không thấy trời cao, cảnh đẹp, không thấy người mình yêu thương… Nhưng khổ hơn nữa là mù tinh thần: Sống mà không biết cuộc sống sẽ đi về đâu? Tại sao phải sống? Sống cho ai và sống để làm gì?
Chúa Giêsu đã nói, sau khi người mù được thấy “Tôi đến thế gian để cho người không xem thấy được thấy và kẻ thấy lại nên đui mù”. Chúa Giêsu đã làm cho người mù được thấy. Ngài không chỉ tái lập người mù trong thế giới của giác quan mà còn đưa anh ta vào thế giới của niềm tin. Anh không chỉ thấy bằng mắt mà còn thấy bằng cặp mắt đức tin. Đức tin là một giác quan mới mà Thiên Chúa ban cho con người, nhờ đó con người có thể thấy được những thực tại vô hình, thấy được Thiên Chúa trong Đức Giêsu, thấy được sự sống, ánh sáng bên kia những mất mát, thất bại, khổ đau trong cuộc sống.
Chúa Kitô là ánh sáng cho trần gian. Ngài đến để soi sáng cho mọi người được nhận biết Thiên Chúa là tình thương cứu độ. Ngài đem ánh sáng đến cho đôi mắt của anh mù, đem ánh sáng đức tin đến cho anh để anh vừa được thấy Chúa và nhận được Ngài là Đức Kitô, là Chúa Cứu Thế. Ngược lại, những người Biệt Phái Pharisiêu, mắt vẫn mở và trông thấy Chúa Giêsu tỏ tường, nhưng lòng họ vẫn đóng kín, không nhận ra Chúa trong tình thương cứu chữa. Họ đã từ khước ánh sáng, không tin nhận Đức Kitô. Thì ra họ mở mắt mà không thấy. Thầy mà như mù. Được nghe lời Chúa giảng dạy, được chứng kiến các việc Chúa làm mà vẫn cố chấp không tin Ngài, đó là một tình trạng mù tinh thần, chính Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo họ: “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn!”.
Thưa anh chị em,
Điều kiện tiên quyết cho những ai muốn bước đi trong ánh sáng, đó là phải nhận biết bóng tối mùa lòa của chính mình. Chỉ những ai biết mình mù tối mới khát khao sự sáng và mới chân thành đón nhận ánh sáng. Ai đã thấy Chúa Kitô, đã biết Ngài mà không đón nhận và hiệp thông với Ngài, thì thực sự là chưa thấy, chưa biết Ngài. Do đó, vẫn đi trong tối tăm. Ngược lại, ai đã tin, đã đón nhận và hiệp thông với Chúa Kitô là đã đi trong ánh sáng.
Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô đã nhắc chúng ta điều đó khi ngài nói: “Trước kia, khi chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta chưa biết Chúa Kitô, chưa tin nhận Chúa Kitô. Chúng ta còn tối tăm. Nhưng ngày nay, qua bí tích Rửa Tội trong Chúa Kitô, chúng ta đã thuộc về ánh sáng, đã là ánh sáng rồi. Vì vậy chúng ta phải đi trong ánh sáng, phải làm những việc tốt lành, công chính, chân thật, bác ái. Ngài kêu gọi những ai còn ngủ mê trong tối tăm tội lỗi, hãy tỉnh thức, hãy ra khỏi cõi chết để được ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh chiếu soi” (x. Ep 5,8-14).
Như thế, sống tinh thần Mùa Chay là bước đi trong ánh sáng của Chúa Kitô, là làm bừng sáng lên ánh sáng của Tin Mừng trong cuộc đời chúng ta bằng những hành động cụ thể thiết thực, như Ngôn sứ Isaia đã kêu gọi chúng ta ngay từ đầu Mùa Chay: “Hãy xóa bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi thứ gông cùm, chia cơm bánh cho người đó, tiếp rước kẻ phiêu bạt không nhà, cung cấp áo quần cho ai rách nát, không né tránh trước đồng bào cốt nhục… Lúc đó, ánh sáng của anh em sẽ bừng lên như hừng đông” (Is 58,6-8).
Bởi vì, thưa anh chị em,
Tin vào Chúa Giêsu, như anh mù được chữa lành trong Tin Mừng hôm nay là phải gắn liền đời mình với việc làm chứng cho Ngài, là phải đồng số phận với Ngài. Anh mù bị lôi ra để điều tra xét hỏi, bị xỉ vả, nhục mạ, nhưng anh đã đứng về phía Chúa Giêsu và trở thành người làm chứng cho Ngài, kể cả bị loại bỏ khỏi Hội đường Do Thái giáo. Bằng mọi giá, anh luôn trung thực với lời chứng của anh, đó là: “Đức Giêsu là người bởi Thiên Chúa mà đến”.
Cho thấy, anh mù là người đã được thấy sự thật và làm chứng cho sự thật. Còn những người Biệt Phái Pharisiêu là những người có mắt mà không thấy. Họ mới thật là những người mù.
Anh chị em thân mến,
Hãy cảm tạ Chúa, vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng suốt của đức ti, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời, thấy được con đường chúng ta phải đi và những việc chúng ta phải làm để đạt đến hạnh phúc thật. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12).
6. Suy niệm của André Sève
XIN CHO CON NHỮNG CON MẮT ĐỂ ĐƯỢC THẤY NGÀI
Đây là bài tường thuật một phép lạ hay sao? Không phải, Gioan nói lên điều này trong hai chi tiết trong câu 41. Ngài thuật lại bước đường đức tin với đầy đủ chi tiết. Đầu tiên, tất cả đều là những người mù. Cuối cùng, một người được sáng mắt và nhiều người bị mù. Chúng ta gặp gỡ với bóng đêm và với Giêsu – Ánh sáng.
Đó là bóng đêm sự dữ và tội lỗi. Đứng trước người mù từ khi mới sinh ra, các môn đệ muốn tìm hiểu.
- Làm sao người ta lại bị mù từ lúc mới sinh, lỗi tại ai?
Chúa Giêsu gạt bỏ một cách nhìn sai về sự vật: thiết lập quan hệ giữa người tàn tật và tội lỗi. Nhưng Ngài không đưa ra một lối giải thích khác, Ngài chỉ muốn là ánh sáng để chúng ta có thể sống điều chúng ta phải sống.
Điều ác kinh khủng nhất, màn đêm ghê gớm nhất, chính là thiếu vắng sự gặp gỡ này với ánh sáng: “Màn đêm tối, và Ta là ánh sáng”. Phép lạ sẽ là dấu hiệu lớn lao này: Chúa Giêsu ban cho con mắt để được thấy. Nhưng từ chính dấu hiệu này, người mù hoàn toàn đạt được mục đích khi gặp gỡ Chúa Giêsu – Ánh sáng, và những “Người Do thái” (những người chống đối) thì bị thất bại. Người mù ra khỏi bóng đêm: “Lạy Chúa, tôi tin Ngài”. Còn người Do thái thì dấn mình vào bóng đêm: “Ông Giêsu này là người tội lỗi”.
Người mù tuyệt vời! Bổn mạng của những người tìm kiếm ánh sáng. Người mù một mực hướng tới mầu nhiệm Giêsu mà không để mình bị những “người thông thái” khủng bố, và thậm chí nói khôi hài khi mọi người run sợ. Ở đây Gioan viết một trang hết sức sống động, xen kẽ những câu hỏi và những thái độ tức giận: Người ấy là ai? Người ấy đã làm gì cho anh? Người ấy ở đâu? Người ấy là ai vậy? Và anh, anh bảo người ấy là ai? Người này không từ Thiên Chúa mà đến! Nhưng nếu thế thì làm sao người âý có thể làm được những điều như thế? Anh là môn đệ của người đó sao? Anh là kẻ sinh ra trong tội lỗi! Họ nói “chúng tôi, chúng tôi là những người thông thài, thếmà họ không thấy gì. Người mù trả lời “tôi không biết gì hết”, và anh ta dần dần thấy ánh sáng. Anh nói: “người ấy”, rồi sau đó lại bảo “Ngài đến từ Thiên Chúa”, và cuối cùng là “Lạy Chúa!”.
Người ta có thể đọc đi đọc lại Phúc Âm mà vẫn không thấy Đức Giêsu. Ngay từ đầu, Gioan không ngừng lặp lại điều đó: “Ánh sáng chiếu soi đêm tối, nhưng đêm tối không hiểu được ánh sáng” (Ga 1,5). Đứng trước người mù “thấy” được Ngài và những người Pharisêu nhìn Ngài mà không thấy Ngài, Chúa Giêsu bắt buộc phải nhận xét điều xảy ra khi Ngài xuất hiện: “Người mù trở nên sáng mắt và người sáng mắt trở nên mù”. Nhưng tôi biết, tôi thấy! Không, chúng ta đọc trang Phúc Âm này đến trang Phúc Âm khác, ngày này qua ngày khác, và chúng ta chỉ “ cố gắng” để thấy Ngài mà thôi. Chúng ta là những kẻ mù được Chúa Giêsu cho mắt hai lần: lần đầu để nhìn Ngài và lần sau để thấy Ngài. Chúng ta đừng ngần ngại lặp đi lặp lại lời cầu nguyện này cho tới giây phút cuối cuộc đời: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con những con mắt để được thấy Ngài”.
Mù lòa là một nỗi bất hạnh. Thà chết còn hơn bị mù. Người mù nhất là mù từ hồi bẩm sinh, không phải chỉ là một thiệt thòi cho đôi mắt, mà còn thiệt thòi cho toàn thể con người và cuộc đời. Thế giới xinh đẹp này đã chết đi trong lòng họ. Họ không có quan niệm gì về màu sắc, về hình dáng những người thân yêu. Ánh sáng và bóng tối cũng như văn minh tiến bộ cũng như không. Đã vậy, họ còn mang nặng mặc cảm tự ti, bất an, lệ thuộc và bị bỏ rơi.
Vì thế, chúng ta hiểu được nỗi khao khát được sáng, dù chỉ rất lờ mờ. Họ làm bất cứ chuyện gì để được sáng, như người mù bẩm sinh hôm nay đã vận dụng tới cả đức tin:
- Lạy Ngài con tin.
Đức tin của anh thật sáng giá. Anh tuyên xưng đức tin trước tòa án, trước công chúng và trước Chúa Giêsu, Đấng đã làm phép lạ cho anh. Vì tin vào Ngài mà anh bị cha mẹ tránh xa không bênh đỡ, bị hội đồng Do Thái trục xuất ra khỏi cộng đoàn, cắt đứt mọi liên hệ trong một thời gian dài vô hạn định. Người ta lên án anh:
- Toàn thân mày sinh ra trong đống tội lỗi.
Một mình anh cô đơn, đứng riêng một phe, tách biệt khỏi cộng đoàn chỉ vì đức tin. Đức tin làm cho chúng ta cũng phải “chia lìa” với cả những người thân yêu nhất trong gia đình, nhưng lại làm cho chúng ta gần gũi Thiên Chúa hơn cả.
Đức tin của người mù hôm nay cũng giúp chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình.
Có người đời sống đức tin lên xuống như nhiệt độ của kẻ bị sốt. Nhất là đối với tuổi trẻ mới lớn, đang đứng trước những khúc quanh của muôn giòng thác tư tưởng.
Có người trưởng thành mà đời sống đức tin vẫn cứ lên xuống bất tử, chỉ vì họ sống theo cảm xúc, lệ thuộc vào ngoại cảnh hay vào những người chung quanh. Một đời sống đức tin lung lay như vậy nhất định sẽ không thể nào nhận biết Chúa, sẽ không thể nào nắm vững được Chúa, chưa tin nhận Chúa là Đấng phải tin cậy. Chúa phán:
- Phải thờ lạy Chúa trong tinh thần và chân lý.
Điều đó có nghĩa là phải thờ lạy Chúa với tất cả tấm lòng chân thành vì Chúa nhìn thấy tự bên trong. Nhưng đồng thời còn phải thờ lạy Chúa trong chân lý.
Trên thế giới này biết bao nhiêu người sùng kính và trung thành với giáo chủ của họ hơn chúng ta, nhưng họ không có chân lý hướng dẫn, còn chúng ta, chúng ta có chân lý hướng dẫn, nhưng chúng ta lại không chịu làm theo.
Thực vậy, có những người đời sống đức tin luôn thay đổi theo cảm xúc và tùy theo hứng. Đó là điều rất tệ hại. Họ không giúp ích gì cho ai được, vì chính họ cũng đang chao đảo, ngả nghiêng.
Ngoài ra, có những người cuộc sống trở nên quá êm ả bình thản, không một chút lo âu, không một sự phấn đấu, đức tin của họ cũng sẽ mau phai tàn. Vì cuộc đời quá bình thản, quá dư thừa, khiến họ không còn chiến đấu và cầu nguyện nữa. Trước mặt Chúa chúng ta không có một chiến tuyến nào rõ rệt để phải xử dụng đến đức tin. Đức tin lúc đó như một viên ngọc lu mờ vì không được mài dũa. Chúng ta xin Chúa đánh thức chúng ta dậy đừng để chúng ta sống trong cảnh êm xuôi ru ngủ để rồi xa lìa Chúa.
Sau cùng có những người đời sống đức tin đang vững chắc nhưng lại gặp nhiều thử thách nặng nề của hiểu lầm, của tai ương và bệnh tật. Trong trường hợp này, chúng ta hãy thận trọng. Đừng nhìn vào quá khứ hay hiện tại, nhưng hãy vươn tới tương lai. Phải nhắm tới mục đích của những khó khăn thử thách. Một người càng kiên vững, thì đức tin càng bị tôi luyên cho đến lúc gặp được chính Thiên Chúa.
Đừng để cho nghịch cảnh làm chủ đời sống đức tin. Nhưng hãy noi gương anh mù, can đảm tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người vì đức tin đòi hỏi một lập trường công khai và quyết liệt.
Chuyện kể rằng, có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: “Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.
Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Tôma thành Cantorbery để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ong được nhận lời. Mắt ông liền mở ra. Cảnh vật tưng bừng reo vui trước mắt ông. Khi nỗi vui mừng đầu tiên trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện câu kết thúc: “Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.
Ông liền trở lại viếng mộ thánh, và xin được mù trở lại nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn ông. Thế là ông lại mù như trước.
Người đàn ông trong câu chuyện trên đây tuy bị mù về đôi mắt thể xác, nhưng lại ngời sáng về đôi mắt đức tin. Đôi mắt đức tin của ông bừng sáng khi ông bằng lòng hy sinh đôi mắt tinh anh của thể xác để đổi lấy đôi mắt trong vắt của linh hồn.
Người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng hôm nay quả là một tấm gương sáng chói cho mỗi người tín hữu chúng ta: Được chữa lành đôi mắt thể xác là một hồng ân cao cả. Nhưng còn tuyệt vời hơn nữa, chính Đức Giêsu đã khai mở đôi mắt đức tin cho anh, để anh nhận ra Người là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến, là Ánh sáng của trần gian.
Nhưng đâu phải một sớm một chiều mà anh có được đức tin ngời sáng. Sau khi được sáng đôi mắt thể xác, anh đã phải mò mẫm đi trong đêm tối của đức tin. Anh đã phải vượt qua một chặng đường dài đầy cam go thử thách của tôn giáo, của lề luật, của những người Pharisêu sáng mắt mà như mù lòa. Con đường đi tới đức tin của anh là con đường đầy chông gai, nguy hiểm. Hành trình đức tin của anh cứ bị khựng lại bởi những lời hạch sách, ngăn đe, dọa nạt của giới lãnh đạo tôn giáo.
Cuối cùng, thì anh đã vượt qua cuộc hành trình đầy cam go để đến với đức tin ngời sáng, như đôi mắt của anh vừa được chữa lành. Trong khi người ta phủ nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, thậm chí còn kết án Người chữa bệnh vào ngày Sabbat, thì chính anh, người mù từ lúc mới sinh, lại can đảm bênh vực cho Đức Giêsu và dõng dạc tuyên xưng niềm tin của mình: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Jn 9, 31-33).
Lý luận của anh mù đã làm xôn xao giới lãnh đạo Do thái giáo, vì nếu Đức Giêsu là người tội lỗi như họ kết án thì làm sao có thể mở mắt cho người mù được? Hóa ra, người mù thì lại sáng mà người tưởng mình sáng lại hóa ra mù.
• Họ mù quáng vì luôn cố chấp trong ý nghĩ lỗi thời, họ cho mình quyền nắm giữ đạo đức truyền thống, nên những gì đi ngược với truyền thống đều là sai lạc, phải loại trừ.
• Họ mù quáng vì họ tự cao tự đại, luôn cho mình là người tinh thông luật đạo, lại thánh thiện đức độ hơn người, nên họ không bao giờ nhận mình sai sót lầm lỗi.
• Họ mù quáng vì lòng họ chai đá, không cảm thông được nỗi bất hạnh của kẻ mù lòa, cũng chẳng chia sẻ được niềm vui của người được sáng mắt.
• Và nhất là họ mù vì họ đã không nhận ra người đã làm cho anh mù được sáng mắt, chính là Đức Giêsu Kitô: “Đấng là ánh sáng thế gian”. Phải sống nhỏ bé trước mặt Chúa cả khi người ta là vua Đavid.
Nguy hiểm biết bao khi luôn cho mình đã nhìn rõ. Trong bao cái chi li của đời sống làm sao chúng ta nhìn thấy hết mọi vấn đề. Cái nhìn vừa mênh mông vừa thiếu sót làm sao! Cái nhìn sai nào cũng gây bất công và đau khổ cho người khác. Tiêu chuẩn để khỏi phải hối hận vì gây đau khổ cho người khác là hãy nhìn bằng đôi mắt xót thương.
Mù lòa thể xác đã là một bất hạnh không ai mong đợi, nhưng mù lòa tâm hồn còn là một tai họa khủng khiếp nhất. Người ta có thể trở nên mù lòa khi cố chấp không đón nhận sự thật: Sự thật về cái yếu đuối bất toàn của mình, sự thật về một Đức Kitô bởi Thiên Chúa mà đến, Đấng là Ánh sáng thế gian. Chính người đã tuyên bố: “Sự thật sẽ giải thoát chúng con” (Jn 8, 32). Sự thật chính là Đức Kitô và những gì Người đã loan báo. Tin vào sự thật là tin rằng Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi mù lòa thiêng liêng. Tin vào sự thật là tin rằng Người là Ánh sáng thế gian. Tin vào sự thật là sẵn sàng bước theo Ánh sáng của Người.
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, tôi muốn chia sẻ hai điểm.
Điểm thứ nhất đó là thái độ của những người chung quanh đối với anh mù.
Nhìn thấy anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường, thay vì xót thương thì người ta lại cho là đáng kiếp. Kẻ thì bảo tình trạng mù lòa ấy là do tội lỗi của cha mẹ, bởi vì Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi của cha mẹ nơi con cái. Kẻ thì bảo Thiên Chúa thấy trước những tội lỗi, nên đã trừng phạt anh ta từ lúc mới sinh. Tựu trung lại chính tội lỗi và sự vi phạm giới luật Thiên Chúa đã dẫn tới tình trạng bi đát ấy.
Cuộc tranh luận không phân thắng bại và các môn đệ bèn phải thỉnh ý Chúa Giêsu. Các ông hỏi:
- Thưa Thầy, vậy thì ai đã phạm tội, anh hay cha mẹ của anh, để rồi bản thân anh bị mù lòa.
Chúa Giêsu, lúc bấy giờ có lẽ đã nhìn anh bằng một cái nhìn cảm thông. Con người ta thường tỏ ra cay độc khi xét đoán, nhưng Chúa thì khác, Ngài đã trả lời như sau:
- Không phải vì anh hay cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.
Chúng ta là những người đau khổ. Nào là đau khổ phần hồn, nào là đau khổ phần xác. Chẳng hạn như bệnh tật, nghèo túng, tang tóc. Đau khổ như một cái gì gắn liền với thân phận con người, như một đám mây đen che phủ cuộc đời chúng ta. Và nhiều khi, trong những giờ phút tăm tối ấy, chúng ta đã kêu lên:
- Tôi đã làm gì nên tội mà phải khổ thế này.
Chúng ta hãy bình tĩnh và suy nghĩ, đồng thời dưới ánh sáng đức tin, chúng ta thấy đau khổ không phải chỉ là hậu quả của tội lỗi, mà nó còn mang một ý nghĩa cao cả hơn nhiều, bởi vì những công việc của Chúa phải được thực hiện nơi bản thân chúng ta.
Thực vậy, nếu chúng ta biết can đảm chấp nhận những gian nguy thử thách, thì tình thương và ân sủng của Chúa sẽ được biểu lộ nơi chúng ta. Vì thế, đừng phàn nàn oán trách, đừng bực bội tức tối như những kẻ không có đức tin. Hãy mang lấy cây thập giá đời mình như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy.
Điểm thứ hai chúng ta cùng nhau chia sẻ, đó là phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện.
Phúc âm kể lại rằng: Ngài lấy nước bọt trộn lẫn với đất rồi bôi lên mắt anh và bảo:
- Hãy đi rửa ở giếng Siloe thì anh sẽ được khỏi.
Anh đã làm theo lời căn dặn của Chúa Giêsu và mắt anh đã được sáng. Trước phép lạ quá hiển nhiên ấy, người ta đâm nghi ngờ không biết có phải là chính anh hay không? Để rồi anh đã phải lên tiếng xác nhận và kể lại những sự việc đã xảy đến với mình.
Chúng ta chia sẻ nỗi bất hạnh khi anh bị mù, cũng như niềm vui khi anh được sáng. Niềm tin tưởng và cậy trông của anh đã được ân thưởng một cách xứng đáng. Theo lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu, anh đã đi rửa tại giếng Siloe và anh đã được khỏi. Từ đó chúng ta rút ra một kinh nghiệm sống, đó là ai tin tưởng vào Chúa, sẽ tìm thấy một nơi nương tựa còn vững hơn cả núi đá.
Đôi khi chúng ta than phiền về gánh nặng cuộc đời. Thiên Chúa biết cây thập giá chúng ta đang vác và với những hy sinh gian khổ. Ngài không bao giờ đặt trên vai chúng ta một gánh nặng vượt quá sức của chúng ta.
Hãy chấp nhận với lòng tin yêu để những hy sinh gian khổ đem lại lợi ích thiêng liêng cho chúng ta, bởi vì tất cả đều là hồng ân của Chúa.
Khi William Montague Dyke được 10 tuổi, cậu đã bị mù mắt trong một tai nạn. Mặc dù bị tàn tật, William đã tốt nghiệp đại học ở Anh Quốc với bằng danh dự ưu hạng. Khi còn ở nhà trường, anh đã yêu người con gái của một sĩ quan cao cấp của hải quân hoàng gia Anh, và họ đã hứa hôn với nhau. Không lâu trước đám cưới, William đã được giải phẫu với hy vọng có thể phục hồi lại thị giác, nếu cuộc giải phẫu thành công. Còn nếu thất bại, anh sẽ bị mù suốt đời. William đã muốn giữ nguyên những giải băng trên mặt cho đến ngày lễ cưới. Nếu cuộc giải phẫu thành công, anh muốn rằng người đầu tiên nhìn thấy sẽ là cô dâu.
Ngày đám cưới đã đến. Rất nhiều quan khách được mời, gồm cả hoàng gia, các thành phần trong nội các chính phủ, và nhiều vị thân hào nhân sĩ nổi tiếng trong xã hội. Tất cả đã qui tụ nhau lại để chứng kiến những lời đoan hứa của đôi tân hôn. Cha của chú rể, William Hart Dyke và ông bác sĩ giải phẫu mắt đứng bên cạnh chú rể với đôi mắt vẫn còn bị băng kín. Tiếng kèn trumpet từ chiếc đàn organ trỗi lên bắt đầu cho từng bước chân hồi hộp của cô dâu từ từ tiến bước trên nền vải trắng dẫn lên bàn thờ. Ngay khi cô dâu tới bàn thờ, bác sĩ giải phẫu lấy từ trong túi áo ra một cái kéo để cắt những miếng băng bịt mắt của William. Sự im lặng căng thẳng bao trùm lấy nguyện đường. Cả cộng đoàn nín thở chờ đợi xem William có thể nhìn thấy cô dâu đang đứng trước mặt chú rể hay không. Khi vừa đứng đối diện với cô dâu, những lời nói mừng rỡ của William vang lên khắp giáo đường: “Em đẹp hơn anh tưởng tượng nhiều!”
Tác giả đã kết luận câu chuyện bằng những hàng chữ như sau: “Một ngày nào đó những miếng băng che phủ con mắt của chúng ta sẽ được lấy đi. Khi chúng ta đối diện với Chúa Giêsu Kitô và nhìn thấy khuôn mặt của Ngài lần đầu tiên, vinh quang sáng ngời của Ngài sẽ chiếu sáng rực rỡ và huy hoàng hơn bất cứ cái gì chúng ta đã từng tưởng tượng ra trong cuộc đời này”.
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu chữa người mù sáng mắt. Ngài không chỉ mang lại thị giác cho người mù, nhưng còn mang lại ánh sáng đức tin nữa. Anh được khỏi mù cả về thể lý lẫn tinh thần. Tự bản chất, câu chuyện chữa lành anh mù là câu chuyện của đức tin. Khi anh tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, anh không chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu một cách thể lý, nhưng còn nhìn thấy Ngài là một Đấng được sai đến bởi Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Con Thiên Chúa, “ánh sáng các dân tộc” như Công đồng Vatican II đã viết:
“Chúa Kitô là ánh sáng các dân tộc: vậy, hội họp nhau đây trong Thánh Thần, thánh Công đồng nồng nàn ước nguyện rằng, bằng cách loan báo Tin mừng của Phúc âm cho tất cả các tạo vật, mình sẽ tỏa xuống trên mọi người sự sáng của Chúa Kitô đang chiếu sáng trên khuôn mặt của Giáo Hội” (Lumen Gentium, đoạn 1).
Augustinô là một người ngoại giáo trước khi gia nhập đạo Công giáo, trong khi mẹ của ngài, bà Monica lại là một người Công giáo rất đạo đức. Bà không ngừng cầu nguyện cho ngài. Ngay từ khi còn bé, cậu đã gây ra đủ mọi thứ vấn đề. Càng lớn càng trở nên tệ hơn, Augustinô đã bị dằn vặt bởi những nghi ngờ và sợ hãi. Đối với ngài, Thánh Kinh có vẻ như điên khùng! Cuộc đời của Augustinô đã bắt đầu thay đổi từ khi kiếm được việc dạy học ở thành phố Milan, nước Ý. Ở đây, ngài có cơ hội nghe những bài giảng thu hút của thánh Ambrose, tổng giám mục Milan. Chính những bài giảng này đã lôi cuốn ngài đến nhà thờ thường xuyên. Và sau cùng, thánh Ambrose đã rửa tội và đưa Augustinô gia nhập Giáo Hội.
Sau khi trở lại, Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, con đã yêu Chúa quá trễ. Tiếc thay sự đẹp đẽ của những ngày xa xưa… Con đã yêu Chúa quá trễ. Và kìa hãy xem Ngài đã ngự trị ở trong con, và con thì lại cứ kiếm tìm Ngài ở bên ngoài… Ngài đã ở với con, nhưng con lại không ở với Ngài… Ngài đã kêu gọi con, xuyên qua sự giả điếc làm ngơ của con. Ngài đã lóe sáng, chiếu soi và đánh tan sự mù lòa của con… Ngài đã đụng đến con và thiêu đốt con cháy lên trong sự an bình của Ngài”.
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024