Chúa nhật 4 Thường niên năm B - Trừ quỷ (Mc 1,21-28)

Chúa nhật 4 Thường niên năm B - Trừ quỷ (Mc 1,21-28)

Chúa nhật 4 Thường niên năm B - Trừ quỷ (Mc 1,21-28)

“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông
mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?” (Mc 1,23)

BÀI ĐỌC I: Đnl 18, 15-20

“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các ngươi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Đáp.

2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Đáp.

3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 7, 32-35

“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mc 1,21-28

21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.

22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: 24 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”

25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”

26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.

27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”

28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

 

Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 4 Thường niên năm B:

WHĐ (24.01.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 547-550: Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu thực hiện những phép lạ

Số 447, 438, 550: Quyền năng của Chúa Giêsu thống trị trên ma quỷ

Số 64, 762, 2595: Vai trò của ngôn sứ

Số 922, 1618-1620: Trinh khiết vì Nước Trời

Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20

Bài Ðọc II: 1Cr 7, 32-35

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

Số 547-550: Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu thực hiện những phép lạ

547. Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chúng chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đã được tiên báo[1].

548. Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[2]. Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người[3]. Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[4]. Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[5]. Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[6]. Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người loại bỏ[7], thậm chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ[8].

549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[9], bất công[10], bệnh tật và cái chết[11], Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này[12], nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[13], thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.

550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[14]: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[15]. Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[16]. Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[17].

Số 447, 438, 550: Quyền năng của Chúa Giêsu thống trị trên ma quỷ

447. Chính Chúa Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110[18], nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên[19]. Trong suốt cuộc đời công khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.

438. Việc được thánh hiến làm Đấng Messia của Chúa Giêsu biểu lộ sứ vụ thần linh của Người. “Trong danh hiệu ‘Kitô’ bao gồm Đấng xức dầu, Đấng được xức dầu, và chính việc xức dầu: Đấng xức dầu là Chúa Cha, Đấng được xức dầu là Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, Đấng là Việc xức dầu”[20]. Việc xức dầu thánh hiến vĩnh cửu của Chúa Giêsu được mạc khải trong cuộc đời trần thế của Người khi Người chịu phép rửa bởi ông Gioan, khi “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38) “để Người được tỏ ra cho dân Israel” (Ga l,3l) trong tư cách là Đấng Messia của Thiên Chúa. Những việc Người làm và những lời Người dạy giúp cho chúng ta nhận biết Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”[21].

550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[22]: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[23]. Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[24]. Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[25].

Số 64, 762, 2595: Vai trò của ngôn sứ

64. Qua các tiên tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng ơn cứu độ, trong sự mong đợi Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[26], Giao ước đó sẽ được ghi khắc trong các trái tim[27]. Các Tiên tri loan báo ơn cứu chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy khỏi mọi bất trung của họ[28], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm tất cả các dân tộc[29]. Đặc biệt những người nghèo khó và khiêm nhu của Chúa[30] sẽ ấp ủ niềm hy vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam, Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức Maria[31].

762. Việc chuẩn bị xa cho cuộc tập họp dân Thiên Chúa bắt đầu bằng ơn gọi của ông Abraham, Thiên Chúa hứa cho ông trở thành cha tương lai của một dân tộc vĩ đại[32]. Việc chuẩn bị gần bắt đầu bằng việc tuyển chọn Israel làm dân Thiên Chúa[33]. Nhờ việc được tuyển chọn, Israel phải là dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc[34]. Nhưng các Tiên tri tố cáo Israel đã phản bội Giao ước và đã hành xử như một gái điếm[35]. Các ngài loan báo một Giao Ước mới và vĩnh cửu[36]. “Giao ước mới này, chính Đức Kitô đã thiết lập”[37].

2595. Các tiên tri kêu gọi dân hối cải tâm hồn và, trong khi nhiệt thành tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa, như tiên tri Êlia, các ngài chuyển cầu cho dân.

Số 922, 1618-1620: Trinh khiết vì Nước Trời

922. Từ thời các Tông Đồ, đã có những trinh nữ[38] và góa phụ Kitô hữu[39] được Chúa kêu gọi để gắn bó với Người một cách không chia sẻ trong sự tự do hơn của trái tim, thể xác và tinh thần, họ đã quyết định, và được Hội Thánh phê chuẩn, sống trong bậc đồng trinh hoặc tiết dục vĩnh viễn “vì Nước Trời” (Mt 19,12).

1618. Đức Kitô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Dây liên kết với Người chiếm vị trí hàng đầu so với mọi dây liên kết khác về gia đình hay xã hội[40]. Ngay thuở ban đầu của Hội Thánh, đã có những người nam và người nữ từ bỏ lợi ích lớn lao của hôn nhân để theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào Người đi[41], để chuyên lo việc của Chúa, để tìm cách làm đẹp lòng Người[42], và để đi đón Tân Lang đang đến[43]. Chính Đức Kitô đã mời gọi một số người đi theo Người trong cách sống này, cách sống mà Người luôn là mẫu mực:

“Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12).

1619. Trinh khiết vì Nước Trời là sự triển khai ân sủng bí tích Rửa Tội, là dấu chỉ nổi bật cho sự ưu tiên tuyệt đối của mối liên kết với Đức Kitô và cho sự sốt sắng mong chờ Người lại đến, và cũng là một dấu chỉ nhắc nhở rằng hôn nhân là một thực tại của thế giới hiện tại đang qua đi[44].

1620. Cả hai, bí tích Hôn nhân và đời sống trinh khiết vì Nước Thiên Chúa, đều phát xuất từ chính Chúa. Chính Ngài ban cho cả hai, ý nghĩa và ân sủng cần thiết để sống theo thánh ý Ngài[45]. Việc đánh giá sự trinh khiết vì Nước Trời[46] và ý nghĩa Kitô giáo của Hôn nhân là không thể tách rời nhau và hỗ trợ cho nhau:

“Ai hạ giá hôn nhân, thì người đó cũng hạ giá sự vinh quang của đức trinh khiết; ai ca ngợi hôn nhân, thì người đó càng khâm phục đức trinh khiết. Bởi vì điều gì còn phải so sánh với một điều xấu hơn mới thấy là tốt, thì đó chưa phải là hoàn toàn tốt; còn điều gì tốt hơn những cái mọi người cho là tốt, thì đó mới là điều tốt tuyệt hảo”[47].

 

 

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 4 Thường niên năm B:

Đức Phanxicô:

28.01.2024 – Hãy để Chúa Giêsu chữa lành nội tâm của chúng ta

31.01.2021 – Nói và hành động với thẩm quyền của Thiên Chúa

28.01.2018 – Thiên Chúa quyền năng và tốt lành

01.02.2015 – Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống

Đức Bênêđictô XVI:

29.01.2012 – Quyền bính có nghĩa là phục vụ, yêu thương

01.02.2009 – Bí mật Đấng Mêsia

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ðức Giêsu vào hội đường giảng dạy, người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài. Giáo huấn của Ðức Giêsu mới mẻ vì biểu lộ tình yêu thương vô vị lợi. Ngài dạy dỗ như Ðấng có uy quyền: Vì lời Ngài có sức biến đổi, có sức tiêu diệt thần ô uế. Sự hiện diện của Ðức Giêsu làm thần ô uế phải tru trếu lên. Mặc dù đối kháng với Thiên Chúa, nhưng ma quỷ cũng phải tuyên xưng. Ngài là Ðấng Thánh của Thiên Chúa và Ngài đã chiến thắng nó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mà quỷ cũng phải tuyên xưng danh Ngài. Xin cho chúng con cũng biết quyên xưng danh Chúa bằng chính cuộc sống của chúng con. Xin quyền năng Lời Chúa giải thoát chúng con khỏi cám dỗ của ác thần, để chúng con sống và chỉ sống cho Chúa mà thôi. Amen.

Ghi nhớ: “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

1. Đoạn Tin mừng này mở đầu cho một đơn vị văn chương trải dài từ câu 21 đến câu 34, được gọi là “Một ngày ở Caphácnaum”, trong đó Mc liệt kê và mô tả những việc làm tiêu biểu của Chúa Giêsu trong một ngày. Việc thứ nhất là giảng dạy, việc thứ hai là trừ quỷ. Đáng chú ý là Chúa Giêsu làm cả hai việc một cách rất uy quyền.

2. “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”: Khi giảng dạy, các rabbi do thái phải dựa theo truyền thống cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.

3. Và cũng bằng uy quyền đặc biệt ấy, Đức Giêsu làm một hành động phi thường, là buộc quỷ xuất khỏi một người bị nó ám.

4. Phản ứng của dân chúng: “Mọi người sửng sốt và bảo nhau thế nghĩa là gì”: Họ hỏi nhau về nét mới mẻ trong lời giảng của Ngài và về uy quyền đặc biệt của Ngài trên cả tà thần. Câu hỏi này cũng tương đương với câu hỏi “Ông là ai ?”, là câu hỏi sẽ được lập đi lập lại mãi trong tác phẩm.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Mở đầu hoạt động công khai của mình, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhằm thuyết phục người ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, quyền năng trong lời giảng dạy và trong hoạt động. Thái độ đầu tiên là phải có đối với Chúa Giêsu cũng là phải tin tưởng vào quyền năng của Ngài.

2. Nhưng tin tưởng không phải là tin suông và còn phải dám phó thác cho Ngài, đừng như câu chuyện sau:

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày khi trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và chỉ nghe được tiếng dội của người kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu qủa thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa”. Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dội cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế.” “Không, Lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.” Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.” Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bô Chúa tưởng tôi điên sao!” (Trích “Món quà Giáng sinh”)

3. Một bé trai hỏi bố:

- Quỷ lớn hơn con không ?

- Lớn hơn.

- Quỷ lớn hơn bố không ?

- Lớn hơn.

- Quỷ lớn hơn Chúa Giêsu không ?

- Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn Quỷ.

Chú bé thinh lặng rồi mỉm cười: “Vậy con không sợ Quỷ” (Góp nhặt)


 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

HÃY TIN THEO ĐỨC GIÊSU

A. DẪN NHẬP

Ngày xưa, Thiên Chúa đã dùng các tổ phụ và các tiên tri để tuyên sấm lời Chúa, nhắc nhở cho dân Do thái biết thi hành những nhiệm vụ của họ. Nhưng thời sau cùng, Thiên Chúa không dùng các ông nữa mà dùng chính Con của Ngài mà dạy dỗ. Đó là Đức Giêsu Kitô. Ngài là một Tiên tri tuyệt hảo của Thiên Chúa mà Maisen đã loan báo như trong bài đọc 1 hôm nay.

Ngài trực tiếp đến dạy dỗ loài người như một Đấng uy quyền chứ không như các luật sĩ chỉ nhắc lại những lời dạy của người xưa, không thêm không bớt một chữ. Đức Giêsu đến dạy một giáo lý mới mẻ cùng với phép lạ như trừ quỷ, làm cho dân chúng hết sức kinh ngạc. Ngài dạy giáo lý riêng của Ngài, có khi loại bỏ, có khi sửa chữa, có khi hoàn chỉnh những lời dạy của người xưa, khi Ngài nói: “Còn Ta, Ta dạy rằng...”.

Chúng ta đã được biết Ngài qua đức tin, đã được học biết giáo lý của Ngài nên chúng ta phải quyết tâm theo Ngài, vì chỉ mới Ngài mới có lời ban sự sống đời đời. Chính Ngài là thủ lãnh của đời ta, là thần tượng của sự chọn lựa của chúng ta, nên chúng ta phải quyết tâm tin theo Ngài và phụng sự Ngài cách triệt để trong mỗi hoàn cảnh sống của mỗi người.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Đnl 18,15-20

Để đi về đất hứa, dân Do thái đã phải trải qua một thời gian dài 40 năm trong sa mạc. Trước khi vượt qua sông Giođan để vào đất hứa mà Chúa đã hứa với cha ông họ, ông Maisen thấy mình không được vào đất hứa và thấy mình đã gần đất xa trời, ông yên ủi dân chúng, khuyên họ đừng buồn tiếc về việc ông ra đi. Đàng khác, ông nói tiên tri cho họ rằng: Thiên Chúa sẽ cho nổi lên một vị Tiên tri tài danh nhất trong lịch sử, không những không kém gì ông mà còn trổi vượt hơn ông để dẫn dắt họ. Đấng Tiên tri tuyệt hảo đó sẽ là Đấng Kitô, Đấng Trung gian toàn hảo vì Ngài vừa là Con Thiên Chúa và vừa là con loài người.

+ Bài đọc 2: 1Cr 7,32-35

Thánh Phaolô bày tỏ quan niệm riêng của Ngài về vấn đề hôn nhân và độc thân. Ngài giải thích lý do tại sao ngài thích bậc độc thân hơn vì nó cho phép người ta chuyên lo “việc Chúa” trong lúc ngày tận thế đã gần kề và nhân loại không cần sinh sôi nữa. Trong hoàn cảnh như thế, tốt hơn hết là gắn bó “trọn vẹn” với Chúa.

Một lần nữa, chúng ta thấy vị Tông đồ phán đoán mọi sự vào một sự tuyệt đối duy nhất. Và ngài cũng không hề hạ giá hôn nhân: khi nói đến hôn nhân, ngài cũng sẽ quy chiếu nó về tình yêu của Chúa (x. Ep 5,21-33).

+ Bài Tin mừng: Mc 1,21-28

Trong đoạn này, thánh Marcô cho thấy Đức Giêsu Kitô là một Tiên tri ngoại hạng mà Maisen đã tiên báo. Ngài là một Tiên tri có uy quyền trong lời nói và hành động.

* Uy quyền trong lời nói: Trong khi những luật sĩ kèn cựa bàn cãi không dứt về những đoạn văn của Kinh thánh, thì Đức Giêsu khẳng định: Ngài không lặp lại học thuyết của người khác, mà trình bày học thuyết của Ngài, ví dụ Ngài nói: “Còn Ta, Ta dạy rằng...”.

* Uy quyền trong hành động: Ngài chỉ cần nói một lời thì quỷ ô uế phải xuất khỏi người bị nó nhập, đến nỗi khán thính giả phải thốt lên: “Ngài dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tin theo Đấng có uy quyền

I. ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG RẤT UY QUYỀN

Ngay sau khi tới Capharnaum, ngày hưu lễ tiếp theo đó, Đức Giêsu không để mất thì giờ, Ngài hoạt động liền. Hồi bấy giờ xứ Palestine có nhiều hội đường. Những thành phố nhỏ cũng có.

1. Cách tổ chức hội đường

Hội đường khác với Đền thờ. Hội đường thì có nhiều, còn đền thờ thì chỉ có một ở Giêrusalem. Một buổi họp lại ở hội đường chỉ gồm 3 việc: cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng giải lời ấy. Không có cử nhạc, hát xướng, cũng không có dâng của lễ. Có thể nói: Đền thờ là nơi thờ phượng và dâng của lễ, còn hội đường là nơi dạy dỗ chỉ bảo.

Luật pháp quy định rằng bất cứ nơi nào có 10 gia đình Do thái, thì phải có một hội đường. Do đó, bất kỳ nơi nào một nhóm người Do thái định cư thì có một hội đường. Nếu ai đó có một thông điệp mới muốn truyền đạt thì hội đường đúng là nơi thuận tiện cho người ấy trình bày. Đức Giêsu cũng biết lợi dụng tập tục này để giới thiệu giáo thuyết của mình.

2. Sinh hoạt trong hội đường

Việc phụng vụ trong hội đường chia làm hai phần: phần đầu là phần phụng vụ thực sự. Trong phần này, người ta hát các bài chúc tụng Chúa. Phần thứ hai là phần giáo huấn, người ta đọc sách Luật hoặc các tiên tri. Đọc rồi, ông hội trưởng hoặc chính ông mời vị nào có tiếng, cắt nghĩa đoạn văn đó.

Khi mọi người họp lại trong hội đường và buổi họp bắt đầu thì ông trưởng hội đường có nhiệm vụ chỉ định người có trách nhiệm giảng giải, trình bày kinh điển hay một thông điệp mới. Không có người chuyên nghiệp làm việc này. Chính vì thế, Đức Giêsu có thể lợi dụng dịp thuận tiện này để trình bày thông điệp mới mẻ của mình.

Khi Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường, cả phương pháp lẫn bầu khí giảng dạy của Ngài đều như một sự mặc khải mới mẻ. Ngài không dạy như các luật sĩ là các chuyên viên về luật pháp. Các luật sĩ này là ai ? Theo người Do thái, điều thiêng liêng nhất trên đời là Luật pháp và kinh Torah. Trái tim của luật pháp là Mười điều răn, nhưng người Do thái hiểu luật pháp là 5 quyển đầu của Cựu ước mà ta gọi là Ngũ kinh (Pantateuch). Theo người Do thái, luật pháp ấy đến hoàn toàn từ Thiên Chúa. Họ tin rằng luật pháp vốn được Thiên Chúa trực tiếp trao cho Maisen, nó hoàn toàn thánh khiết và có tính cách ràng buộc tuyệt đối.

3. Đức Giêsu giảng dạy tại hội đường

Ngày hưu lễ hôm đó, Đức Giêsu được mời chú giải đoạn văn vừa đọc, có lẽ cũng là đoạn văn Ngài đã chú giải ở Nazareth, thánh Luca kể lại (Lc 4,16-22). Ngài đã làm kinh ngạc mọi thính giả.

Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền. Thính giả mỗi ngày một đông, gồm đủ thành phần. Nhưng ai nấy đều nhận định rằng: Ngài không dạy như các luật sĩ. Các ông này thường nại đến thế giá những người xưa. Lý tưởng các ông là trao lại nguyên vẹn giáo lý họ đã lãnh nhận, không thêm mà cũng không bớt. Trái lại, về mọi vấn đề, Đức Giêsu có sẵn mọi cái để giải quyết. Ngài cũng chẳng ngần ngại dạy những điều đi ngược với người xưa, hoặc sửa lại cho hoàn hảo. “Đã nói cho người xưa rằng... Phần Ta, Ta bảo các ngươi” (Mt 5,21t).

Nói tóm lại, các luật sĩ là tiếng nói của tập truyền, còn Đức Giêsu là tiếng nói riêng của Ngài. Ngài có cả quyền chuẩn y hoặc khước từ hoặc sửa sai tập truyền nữa. Lẽ dĩ nhiên kẻ cho mình cái quyền này, trong thời gian mà các luật sĩ và biệt phái dành cho mình độc quyền thiêng liêng, thì tất nhiên là con người hành động “như có uy quyền”.

4. Đức Giêsu chữa người bị quỉ nhập

Đức Giêsu tỏ ra có uy quyền trong lãnh vực giáo thuyết, Ngài còn tỏ ra có uy quyền trên lãnh vực hành động và biểu lộ quyền năng ấy bằng phép lạ chữa khỏi người bị thần ô uế ám để chứng minh giáo lý Ngài.

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại: “Trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?” Thần ô uế đây là ma quỷ: chữ “ô uế” trong Tân ước gắn liền với chữ “quỷ” tới 23 lần. Ma quỷ tỏ ra khổ cực và khiếp đảm khi gặp Đức Giêsu và Ngài đến để tiêu diệt quyền lực của ma quỷ, giải thoát nhân loại khỏi quyền lực ấy. Chính vì vậy, mà ma quỷ kêu lên như thầm xin với Ngài để mặc chúng. Quỷ đang tuyên xưng danh Ngài thì Ngài quát mắng nó: “Câm đi, và ra khỏi người này”. Nó liền vật ngã người đó xuống, thét lên một tiếng rồi xuất ra.

Những khán thính giả đã được nghe và chứng kiến về giáo lý và việc trừ quỷ của Đức Giêsu đều kinh ngạc, vì họ nhận ra một cái gì mới mẻ nơi Đức Giêsu. Cái mới mẻ đó dẫn được họ tin nhận Chúa là Đấng Cứu thế. Chính vì cái mới mẻ đó mà danh tiếng của Đức Giêsu được lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Đức Giêsu đã thực sự trừ quỷ trước mặt mọi khán thính giả. Thiết tưởng cũng cần phải phân biệt ma và quỷ. Đây là hai loại khác nhau chứ không phải là một mà người Việt Nam chúng ta thường gọi chung với nhau là “ma quỷ”.

Ma, theo lối hiểu thông thường, là hồn người chết hiện về để ám ảnh, đe dọa hoặc liên hệ gì đó với người sống. Còn quỷ là loại thiên thần hư hỏng, đã bị Thiên Chúa đày xuống hỏa ngục.

Như vậy, ma có không ? Nhiều người tin mà cũng nhiều người không tin. Nếu hiểu là một loài vô hình như ma xó, ma trơi hay ma này ma nọ... thì không có. Còn nếu hiểu là hồn người chết hiện về thì có, nhưng cũng chỉ xảy ra trong một số trường hợp rất hoạ hiếm, do sự cho phép đặc biệt của Thiên Chúa, để đương sự nhắn nhủ một điều gì đó với người sống, như thỉnh thoảng nghe nói linh hồn này hay linh hồn kia trở về dương gian trong một vài tích truyện. Còn quỷ thì sao ? Phải công nhận là có, vì Kinh thánh đã nói đến nguồn gốc của chúng. Chúng được nhắc đến nhiều lần trong Tin mừng. Chính Đức Giêsu cũng đã bị chúng cám dỗ (Lm. Phạm Văn Phượng, Chia sẻ TM Chúa nhật B, tr 52).

II. THEO ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CÓ UY QUYỀN

1. Hai vương quốc, hai thủ lãnh

Trong hội đường hôm nay, khi trông thấy Đức Giêsu đầy uy quyền, ma quỉ đã phải thốt lên: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này”. Điều đó chứng tỏ Đức Giêsu có quyền trên ma quỷ, và vương quốc Đức Giêsu thiết lập trên trần gian này cũng trổi vượt trên vương quốc của ma quỷ.

Trong cuốn “Linh thao” của thánh Ignatiô Loyôla, thánh nhân có hướng dẫn suy niệm về hai cờ hiệu (étandard): cờ hiệu của Đức Kitô, vị chỉ huy tối cao và Chúa chúng ta; cờ hiệu của Lucifer kẻ tử thù của bản tính loài người chúng ta. Đức Kitô kêu gọi và muốn cho mọi người ở dưới bóng cờ Ngài; và ngược lại, Lucifer (cũng gọi và muốn cho mọi người) ở dưới cờ của nó. Như vậy là có cuộc chiến khốc liệt giữa vương quốc của Đức Kitô và của ma quỉ.

Việc Đức Giêsu trừ quỉ nói lên rằng: vương quốc của Satan từng kìm kẹp nhân loại dưới vòng nô lệ từ khi Adong phạm tội, giờ đây đang nhường chỗ cho vương quốc của Thiên Chúa.

Điều này gợi lên cho chúng ta một vấn nạn: Nếu Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa 2000 năm trước, thế thì tại sao đến ngày hôm nay điều ác vẫn còn lan rộng ? Hoặc nói cách khác: Nếu Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa khi Ngài còn sinh thời, thì tại sao vương quốc Satan vẫn còn tác oai tác quái trong thời đại chúng ta ngày nay ?

Dĩ nhiên câu trả lời sẽ như sau: Vương quốc Thiên Chúa không đến tức khắc. Đó là một bước tiến từ từ. Nó không phải là biến cố xảy đến chỉ trong một lúc, mà là một chuyển động liên tục suốt dòng lịch sử. Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa, nhưng Ngài giao phó cho chúng ta công việc hoàn tất. Đó là lý do tại sao trong lời kinh Lạy Cha chúng ta vẫn cầu khẩn: “Xin cho Nước Cha trị đến”. Chúng ta có thể sánh ví vương quốc Thiên Chúa như một cây non. Đức Giêsu trồng cây ấy, tức vương quốc, vào trong đất, nhưng Ngài giao cho chúng ta nhiệm vụ vun xới, bón phân, tưới nước cho nó. Nhiệm vụ chúng ta là chăm sóc làm sao cho vương quốc ấy sinh hoa kết trái theo ý định Thiên Chúa (M. Link, Giảng lễ CN năm B, tr 191).

2. Theo Đức Giêsu là thủ lãnh

Giới trẻ ngày nay thích tìm những thần tượng để suy tôn, để bắt chước. Thần tượng của họ chỉ là những diễn viên, minh tinh màn bạc, cầu thủ bóng đá, ca sĩ nhạc trẻ hoặc một nhà chính trị lừng danh. Nhưng những thần tượng đó chỉ nhất thời và cũng không đủ tiêu chuẩn để hướng dẫn đời họ, chỉ có một thần tượng tuyệt hảo là Đức Giêsu, có đủ mọi tiêu chuẩn để hướng dẫn cuộc sống của chúng ta một cách bảo đảm.

- Đức Giêsu là thủ lãnh trên đường đời của ta. Một thủ lãnh lôi cuốn bằng đời sống gương mẫu. Tin mừng hôm nay kể ma quỷ khen Đức Giêsu qua miệng của đứa nó ám vào: Tôi biết ông là ai, là Đấng thánh của Thiên Chúa. Khen là Đấng thánh của Thiên Chúa thì chẳng còn cách nói nào khác hơn để ca tụng. Đời sống Chúa còn hoàn toàn hơn lời Ngài dạy. Thánh kinh nói: “Chúa bắt đầu làm rồi mới dạy” (TĐCV 1,1).

- Một thủ lãnh dạy một chủ thuyết đưa tới đời sống ấy. Tin mừng hôm nay nói: “Người ta kinh ngạc về giáo lý của Ngài, vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như luật sĩ” (Mc 1,22).

- Một thủ lãnh cho sức mạnh để thực hiện đầy đủ đời sống ấy. Tin mừng kể Chúa làm phép đuổi quỷ. Việc ấy chứng tỏ Ngài có quyền năng của Thiên Chúa.

Truyện: Theo anh là thủ lãnh

Một nhà thám hiểm xứ Soudan đã tháo xiềng xích cho một tên nô lệ 12 tuổi. Rồi săn sóc dạy dỗ như con, thằng nhỏ đem lòng mến phục vị đại ân nhân.

Giờ thực hiện cuộc mạo hiểm đầy gian nguy đã đến. Nhà thám hiểm không muốn cưỡng bách em bé theo mình. Ông nói:

- Này em, anh sắp lên đường đến miền xa lạ. Cuộc hành trình rất mực cam go: Đường đi xa xôi, hành lý nặng nề, nước uống đồ ăn thiếu thốn, những mũi tên tẩm thuốc độc vù vù bên tai, rừng nhiều thú dữ... Em ở lại hay theo anh ? Nếu em theo anh, chúng ta cùng nhau cực nhọc, khi thiếu nước thiếu ăn, anh cũng chịu khát, nhịn đói như em, việc em vẫn nhẹ hơn việc anh. Bây giờ tuỳ em định đoạt.

Em bé nhìn sâu vào mắt nhà thám hiểm, lúc này đã thành người anh, người bạn và nói:

- Theo anh là thủ lãnh của em.

Thế là em nhỏ theo anh lên đường. Những quãng đường dài cực nhọc, những ngày nắng không nước, em bé lần lượt nếm cả, chân nứt nẻ máu me, nhưng không coi sao, vì lòng vẫn hăng hái khi thấy người thủ lãnh sốt rét bị thương mà vẫn đi hàng đầu. Sức chịu đựng của con người có giới hạn, mà nguy hiểm vất vả lại cứ tăng, nhiều bạn đồng hành bỏ cuộc. Nhà thám hiểm vừa thương hại, vừa để thử lòng, hỏi em bé:

- Em có bỏ không ?

Lời thưa đầy hăng hái rằng:

- Em đã chẳng hứa với anh sao ?

Sáu tháng trời qua đi, cuộc thám hiểm thành công rực rỡ. Đàng sau người thủ lãnh tươi như hoa nở, em nhỏ đứng hiên ngang đón nhận những lời hoan hô vang dội.

3. Phục vụ cho thủ lãnh của mình

Sau khi đã tìm ra Đức Giêsu là thủ lãnh của đời ta, chắc chắn chúng ta phải tin theo Ngài, làm môn đệ của Ngài cũng như giới thiệu Ngài cho những người khác. Chúng ta theo gương các Tông đồ mà phục vụ Chúa Giêsu và phục vụ cho Nước Ngài lan rộng khắp nơi. Thánh Ignatiô đã dạy chúng ta cầu nguyện để có tinh thần đó:

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho con biết quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không cần an nghỉ, biết tận lực mà không chờ phần thưởng nào khác, ngoài sự nhận biết là con đã làm theo thánh ý Chúa thôi”. Amen.

Thánh nữ Têrêsa Hài đồng yêu Chúa rất nồng nàn, thánh nữ chỉ biết yêu trong việc phụng sự Chúa. Không gì làm cho thánh nữ buồn sầu, tất cả những gian lao thử thách chỉ làm cho ngài thêm yêu Chúa. Những ý tưởng ấy được thánh nữ gói ghém trong câu thơ sau đây:

Vâng, con sẽ hát, con còn hát mãi,

Dù trăm gai con vẫn hái hoa hồng.

Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong

Gai càng dài, lời ca càng thánh thót.

                                      Truyện: Phụng sự cho ai ?

Trong kho tàng truyền thuyết của Giáo hội, ta thấy cũng có một câu chuyện dụ ngôn về một chàng khổng lồ muốn đi tìm một người mạnh mẽ nhất để phục vụ.

Truyện kể rằng: Có một người khổng lồ sống tại vùng đất Canaan chán cuộc sống đơn điệu buồn tẻ, chàng muốn phiêu lưu và quyết tìm cho được một người nào mạnh nhất để phục vụ.

Thoạt đầu chàng nghĩ chẳng ai mạnh bằng tướng cướp, nên xin đi theo hộ vệ cho tướng cướp. Nhưng mỗi lần sắp đi cướp, viên tướng cướp này phải nhờ đến thầy phù thuỷ làm phép xuất quân, thế là chàng rời bỏ tướng cướp mà đi theo thầy phù thuỷ.

Một hôm, thầy phù thuỷ đang đi bỗng gặp một cây Thánh giá thì sợ hãi dừng lại không dám đi tiếp. Thế là chàng khổng lồ bỏ rơi thầy phù thuỷ đến đứng bên cạnh Thánh giá, để chờ chủ nhân đó đến mà xin đi theo. Chàng cứ đứng đó chờ mãi mà chẳng thấy chủ nhân cây Thánh giá.

Tình cờ anh nghe có tiếng gọi thật nhẹ nhàng. Anh quay lại bắt gặp một cậu bé với đôi má phúng phính và mái tóc óng ánh. Cậu bé nhờ anh chàng này đưa cậu qua khúc sống gần đó. Nhận lời, nhắc cậu bé lên vai, người khổng lồ lội xuống dòng sông đang chảy xiết. Nhưng kỳ lạ nước mỗi lúc một dâng cao và chảy mạnh. Cậu bé mỗi lúc một đè nặng trên vai, chống chọi với sông nước để cuối cùng đem cậu bé lên bờ bên kia. Người khổng lồ mới thốt lên:

- Này cậu bé, cậu nặng đến độ tôi tưởng chừng mang cả vũ trụ trên vai.

Cậu bé mỉm cười đáp:

- Ngươi mang Đấng còn hơn cả vũ trụ nữa. Bởi vì chính tôi đã tạo nên trời và đất.

Cậu bé còn cho biết thêm mình chính là chủ nhân của cây Thánh giá.

Thế là chàng khổng lồ kia xin phò tá vị Chúa Tể trời đất. Chúa dạy rằng: muốn phụng sự Ta, ngươi cứ đứng ở khúc sông này, mỗi lần có ai muốn sang sông thì ngươi hãy cõng người ấy sang.

Chàng khổng lồ tuân theo. Từ đó trở đi, người ta gọi tên chàng là Christophe, nghĩa là người mang Chúa Kitô trên vai.

Chúng ta đã chọn Đức Kitô là thủ lãnh của đời ta, chúng ta hãy tin theo và phục vụ Ngài. Nếu chúng ta muốn phụng sự Đức Kitô, chúng ta hãy theo gương thánh Christophe, bởi vì trên đời này không còn ai xứng đáng hơn ngoài Đức Kitô để cho ta đi theo phụng sự.

 

Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

CHÚNG PHẢI TUÂN LỆNH

Có quỷ không ? Quỷ bởi đâu mà ra ? Quỷ có đáng sợ không ?

Đây là những câu hỏi mà các kitô hữu thường đặt ra.

Sách Giáo lý Công giáo cho ta câu trả lời (GLCG 2538).

Quỷ vốn là những thụ tạo tốt đẹp do Thiên Chúa dựng nên.

Sau khi phạm tội bất phục tùng, các thiên thần trở thành quỷ.

Quỷ luôn chống lại Thiên Chúa, và cám dỗ con người xa Chúa.

Quỷ vừa ranh ma, vừa lắm quyền năng.

Nhưng may thay Thiên Chúa lại mạnh hơn quỷ gấp bội.

Từ nay cho đến tận thế, cuộc chiến giữa hai bên vẫn kéo dài.

Thiên Chúa là Đấng có thể thắng quỷ và bảo vệ chúng ta.

Tin Mừng Máccô hay kể chuyện những người bị quỷ ám

được Đức Giêsu chữa lành (Mc 1,21-28; 5,1-20; 7,24-30; 9,17-29).

Trong tất cả những truyện này, quỷ luôn được gọi là thần ô uế.

Nó nhập vào con người, làm con người mất tự chủ, tự do,

và biến con người thành con rối trong tay nó.

Người bị quỷ nhập phải sống trong đau khổ (Mc 5,3-5; 9,32).

Đối với Đức Giêsu, trừ quỷ đơn giản là đuổi nó ra,

vĩnh viễn không cho nó còn quyền gì trên con người.

Sau khi được trừ quỷ, người đó có lại sự bình an

và trở lại cuộc sống bình thường (Mc 5,15; 7,30; 9,27).

Có người nghĩ rằng người bị quỷ ám

chẳng qua là người mắc bệnh tâm thần,

vì dấu hiệu bên ngoài của đôi bên không khác nhau là mấy.

Nhưng Đức Giêsu đã thực sự đuổi thần ô uế ra khỏi con người.

Thần này không chịu ra khỏi căn nhà nó chiếm hữu.

Chỉ Đấng có sức mạnh vượt trội mới tống được nó ra.

Đức Giêsu không trừ quỷ chỉ nhằm mục đích chữa bệnh.

Ngài trừ quỷ để làm chứng về lời mình loan báo:

“Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15).

Sự sụp đổ của nước của quỷ vương Bê-en-dê-bun (Mc 3,22)

là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến.

Đức Giêsu đã thắng Xatan cám dỗ Ngài ở hoang địa (Mc 1,13).

Cả sứ vụ của Ngài sau này cũng kéo dài chiến thắng đó.

Phép lạ đầu tiên của Tin Mừng Máccô là phép lạ trừ quỷ.

Phép lạ này xảy ra vào ngày sabát nơi hội đường Caphácnaum.

Đức Giêsu được ông trưởng hội đường mời đọc Sách Thánh,

và sau đó đứng giải thích đoạn sách vừa đọc.

Thính giả sững sờ vì Ngài dạy như người tự mình có uy quyền,

khác hẳn với lối giảng dạy của các kinh sư,

vì các kinh sư hay dựa vào uy thế của truyền thống.

Chính lời giảng dạy đầy uy quyền này đã làm thần ô uế khiếp sợ.

Nó biết Đức Giêsu là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Sự thánh thiện của Ngài đối nghịch với sự ô uế của nó.

Bởi đó, dù Đức Giêsu chưa ra tay, nó đã thấy mình bị đe dọa.

Không phải chỉ mình nó, mà tất cả đồng bọn của nó.

“Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao ?” (Mc 1,24).

Nó biết mục tiêu của sự hiện diện và sứ mạng của Ngài.

Đức Giêsu đã dạy bằng lời đầy uy quyền,

Ngài cũng trừ quỷ bằng một lời: “Xuất ra khỏi người này!”

Thần ô uế thét to và xuất ra một cách khó khăn,

vì nó không hề muốn bị trục xuất khỏi nơi êm ấm.

Lời của Đức Giêsu có quyền bắt các thần ô uế phải vâng lệnh.

Người Công giáo sống trong một thế giới mà người ta nói đến

bùa ngải, thư ếm, bói toán, lên đồng, cầu cơ…

Có những giáo phái thờ Xatan ở nước ngoài.

Người bình dân tin cô hồn nhập vào hay quấy phá người sống.

Dù sao theo Giáo lý Công giáo quỷ là có thật.

Nước của Xatan cũng có thật và đang hoành hành trên địa cầu.

Đức Giêsu đã bị nó cám dỗ và đã đối mặt với nó.

Trong Kinh Lạy Cha, Ngài dạy ta: “xin cứu chúng con khỏi Ác thần”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần nhắc đến nó.

Mỗi giáo phận có một vị được đức giám mục giao nhiệm vụ trừ quỷ.

Chúng ta không hoảng hốt vì đôi khi thấy quỷ tấn công mình.

Chỉ mong chúng ta giữ lời đã hứa khi chịu Phép Rửa:

“từ bỏ Xatan và những việc làm của nó”

và vững tin vào Đấng mạnh hơn quỷ là Đấng Thánh mang tên Giêsu.

CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,

chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép.

Cả những chuyện xấu xa tồi tệ mà con người làm cho nhau.

Cả sự dữ đang hoành hành do Xatan gây ra trên mặt đất.

Nhiều khi chúng con không hiểu được

tại sao Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế.

Nhưng chúng con tin rằng, đối với ai yêu mến Chúa,

mọi sự đều đem lại điều tốt cho họ.

Chúng con tin rằng những gì Chúa cho phép xảy ra

đều vì yêu thương chúng con

và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.

Chúa đau đớn khi phải dùng roi mà sửa dạy

như người cha sửa dạy con mình để mong con nên người.

Xin cho chúng con nhận ra điều Chúa muốn nhắc nhở,

để cải hóa bản thân và điều chỉnh đời mình cho hợp với ý Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái,

trên đường về quê trời,

Chúa muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,

như bệnh tật, khổ đau và cái chết,

để chúng con nên cứng cáp và trưởng thành.

Xin cho chúng con đừng nổi loạn trước thử thách,

nhưng biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá,

để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,

kể cả khi thấy Thiên Chúa vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.

Ước gì dịch bệnh làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,

để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Chúa.

Ước gì khi Chúa cho chúng con khỏi bệnh,

chúng con lại thấy sự sống của Chúa chiến thắng vinh quang.

 

Suy niệm (song ngữ)

4th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Deuteronomy 18:15-20
Reading II: 1 Cor 7:32-35

Chúa Nhật 4 Thường Niên
Bài Đọc I: Đệ Nhị Luật 18:15-20
Bài Đọc II: 1 Cr 7:32-35

Gospel
Mark 1:21-28

21 And they went into Caper’na-um; and immediately on the sabbath he entered the synagogue and taught.
22 And they were astonished at his teaching, for he taught them as one who had authority, and not as the scribes.
23 And immediately there was in their synagogue a man with an unclean spirit;
24 and he cried out, “What have you to do with us, Jesus of Nazareth? Have you come to destroy us? I know who you are, the Holy One of God.”
25 But Jesus rebuked him, saying, “Be silent, and come out of him!”
26 And the unclean spirit, convulsing him and crying with a loud voice, came out of him.
27 And they were all amazed, so that they questioned among themselves, saying, “What is this? A new teaching! With authority he commands even the unclean spirits, and they obey him.”
28 And at once his fame spread everywhere throughout all the surrounding region of Galilee.

Phúc Âm
Maccô 1:21-28

21 Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy.
22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên
24 rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
25 Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó:”Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”
26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.
27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”
28 Lập tức danh tiếng Ngươi đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

Interesting Details

  • Context of the 4th Sunday to the 9th Sunday (Mk 1:21-3:6). Jesus started his ministry, as a healer-teacher. The reading today describes the first half of the hectic first 24 hours (1:21-38) of Jesus’ urgent ministry.
  • At first people responded with enthusiasm (4th through 6th Sunday, “Every one is searching for you, “ Mk 1:37), but controversies quickly arose (7th through 9th Sunday) to the points that the leaders plotted to kill him (Mk 3:6), just like John the Baptist was killed immediately before Jesus started his ministry (3rd Sunday).
  • (v.21) The synagogue service includes prayers, readings from the Law and Prophets, and commentaries. The readers can be learned members or visitors, so it was not unusual that Jesus could come in and read and preach.
  • (v.22) What was astonishingly unusual was the way he preached, with his own “authority” (v.22 & 27) not legalistic like the scribes. Jesus teaches that “the kingdom of God has drawn near” (1:15). In order for the kingdom to come to the people, they need to let Jesus heal and exorcise them. Thus Jesus’ words and deeds are two sides of the same ministry. The evil in people, in sin, in human suffering must be cleaned out to make room for God.
  • (v.24) It is ironic that the devil recognized Jesus but his followers constantly failed to do likewise. However, the devil also failed to comprehend the deeper part of Jesus’ mystery, namely his suffering and death. That was why Jesus repeatedly ordered the devil to “be silent” (v.25).

Chi Tiết Hay

  • Từ Chúa Nhật thứ 4 đến Chúa Nhật thứ 9 thường niên, Tin Mừng theo Thánh Maccô (1:21-3:6) kể lại lúc Đức Giêsu bắt đầu đời mục vụ, vừa là thày dạy vừa là thày thuốc. Bài tin mừng hôm nay kể lại phần đầu của ngày mục vụ đầu rất bận rộn. Bận vì sứ mệnh của Ngài rất khẩn thiết.
  • Lúc đầu, dân chúng vui mừng đóng Ngài (tuần 4 tới 6). Nhưng sau đó, một số bắt đầu chất vấn, và sau đó tính giết Ngài (3:6), như thánh Gioan tiền hô vừ bị giết trước khi Chúa bắt đầu mục vụ, và như các môn đệ của Chúa cũng sẽ bị bách hại sau này.
  • (c.21) Trong hội đường dân chúng thường cầu nguyện và đọc kinh thánh, sau đó có bài dẫn giải. Một thành việ có học hay một vị khách nổi tiếng được mời đọc và giảng bài kinh thánh, như Đức Giêsu đã làm.
  • (c. 22) Cách Chúa giảng làm dân chúng ngạc nhiên. Thường họ chỉ nghe về luật lệ. Còn lời giảng của Chúa có “uy quyền.” Chúa dạy là Nước Trời đã gần đến (1:15) và để vào Nước Trời, dân chúng cần được chữa lành, được trừ tà. Như vậy lời Chúa giảng và việc Chúa chữa lành là hai khía cạnh của cùng một mục vụ. Những sự dữ và tội lỗi làm người ta đau khổ cần được đánh tan để có chỗ cho nước Chúa.
  • (c.24) Truyện tréo cẵng ngỗng vì quỵ nhận ra Chúa, còn các môn đệ thì cứ hiểu lầm Chúa hoài. Nhưng thật ra quỵ cũng không thật sự hiểu nổi mầu nhiệm của Chúa, trong đó có đau khổ và sự chết. Vì quỵ không hiểu nổi Chúa, nên Chúa hay bắt quỵ phải “im đi” (c.25)

One Main Point

Jesus teaches and heals us so that we can enter the new Kingdom of God.

Một Điểm Chính

Đức Giêsu giảng dạy và chữa lành chúng ta để chúng ta có thể vào Nước Trời.

Reflections

1. What are some of my evil spots that Jesus needs to heal with his words and deeds?

2. How do I react to Jesus: with astonishment, with excitement because he can heal me, or with the fear that I have to change my somewhat comfortable old life?

3. Am I still astonished by Jesus’ words and deeds that truly touch my life? Can I recall a recent example of that astonishment?

Suy Niệm

1. Chúa cần giảng và chữa gì trong tôi?

2. Tôi phản ứng thế nào? Tôi vui mừng vì được Chúa dạy bảo và chữa lành, hay ngại ngùng vì sợ phải thay đổi?

3. Tôi có “kinh ngạc về giáo lý của Người” không? Giáo lý đó có ảnh hưởng gì đế tôi không? Thí dụ như trong trường hợp nào tô đã “kinh ngạc” về giáo lý của Người?

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top