Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A (Mt 1,18-24)

Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A (Mt 1,18-24)

Chúa nhật 4 mùa Vọng năm A (Mt 1,18-24)

Đức Giê-su sinh làm con bà Ma-ri-a.
Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít.

Bài đọc 1: Is 7, 10-14

Này đây người trinh nữ sẽ mang thai.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

10 Khi ấy, Đức Chúa sai ngôn sứ I-sai-a nói với vua A-khát rằng:

11“Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu
dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”

12Vua A-khát trả lời:
“Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.”

13Ông I-sai-a bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít,
các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,
mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?

14Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.”

 

Đáp ca: Tv 23, 1-2.3-4ab.5-6 (Đ. x. c.7c và 10b)

Đ.Chúa sẽ ngự vào: chính Người là Đức Vua vinh hiển.

1Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
2Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.

Đ.Chúa sẽ ngự vào: chính Người là Đức Vua vinh hiển.

3Ai được lên núi Chúa?
Ai được ở trong đền thánh của Người?
4abĐó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng.

Đ.Chúa sẽ ngự vào: chính Người là Đức Vua vinh hiển.

5Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
6Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.

Đ.Chúa sẽ ngự vào: chính Người là Đức Vua vinh hiển.

 

Bài đọc 2: Rm 1, 1-7

Xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa.

Khởi đầu thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin mừng của Thiên Chúa. 2 Tin mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. 3 Đó là Tin mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. 4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.

5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin mừng hầu danh Người được rạng rỡ. 6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.

7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.

Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

 

Tin mừng: Mt 1, 18-24

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Maria thụ thai không theo cách thức của người trần, nhưng được sự can thiệp do quyền năng Thánh Thần. Ðiều đó cho thấy: thai nhi có nguồn gốc là Thiên Chúa. Ðức Giêsu là Thiên Chúa thật, nhưng đồng thời Ngài cũng là con người thật như chúng ta. Ngài được cưu mang và được sinh ra. Dấu hiệu Người Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con là dấu chứng tỏ: đó chính là Ðấng muôn dân trông đợi, là Ðấng ở giữa nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì yêu nhân loại chúng con, Chúa đã muốn trở nên giống chúng con mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã muốn làm người để chúng con trở thành con Thiên Chúa. Ôi cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu! Chúng con xin thờ lạy và tạ ơn Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

- Ngôn sứ Isaia báo cho vua Achaz về một nhân vật mệnh danh là Emmanuel (Bài đọc I)

- Tv 23 bày tỏ niềm tin tưởng Thiên Chúa sẽ đến như một vị Vua vinh hiển (Đáp ca)

- Đức Giêsu chính là Emmanuel mà Isaia đã tiên báo (Tin Mừng)

- Thánh Phaolô khẳng định Đức Giêsu thực hiện những lời tiên tri xưa (Bài đọc II)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta mong chờ Đức Giêsu đến. Nhưng chúng ta mong chờ Ngài mang gì đến cho chúng ta: Tiền bạc chăng ? Thành công chăng ? Sức khoẻ chăng ?

Lời Chúa hôm nay trả lời rằng: Ngài mang đến cho chúng ta chính bản thân Ngài, bởi vì Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là điều quý báu nhất và bao gồm tất cả mọi điều báu.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy nguyện “ở với” Chúa cũng như Ngài đã “ở với” chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Đức Giêsu đã bỏ trời xuống thế để ở với loài người chúng ta. Nhưng lắm khi chúng ta quên mất Ngài, không hề nhớ tới Ngài.

- Đức Giêsu ngự trong Nhà Tạm để chúng ta dễ đến với Ngài. Nhưng rất ít khi chúng ta đến đó để gặp Ngài.

- Chúng ta không “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 7, 10-14):

Khi ấy vương quốc Giuđa đang bị đế quốc Assyria đe dọa. Ngôn sứ Isaia khuyên vua Achaz đừng sợ, hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng vua Achaz hoài nghi. Để khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ: “Này đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta”.

Lời tiên tri này trước tiên ứng vào hoàn cảnh của vua Achaz: Quả thực sau đó hoàng hậu vợ vua Achaz (“phụ nữ”) đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Việc sinh ra thái tử là dấu chỉ chứng minh rằng Thiên Chúa sẵn sàng phù hộ cho vua Achaz nếu ông thực lòng trông cậy nơi Ngài (“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”).

Về sau người ta đã hiểu rộng hơn và coi đây là lời tiên tri về Đấng Messia sẽ đến. Người ta còn tin rằng Đấng Messia ấy sẽ do một trinh nữ sinh ra. Vì thế bản dịch 70 bằng tiếng hy lạp đã dùng chữ “trinh nữ” thay vì chữ “phụ nữ”.

2. Đáp ca (Tv 23):

Tv 23 được dùng trong những cuộc hành hương lên đền thờ Giêrusalem. Người ta ý thức rằng Thiên Chúa chính là Vua vinh hiển ; và chỉ những ai có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch mới xứng đáng đến trước nhan Ngài.

Quan niệm này đúng. Nhưng đến thời Tân Ước (như bài Tin Mừng sẽ cho ta thấy), Thiên Chúa sẽ ưu ái loài người đến nỗi bỏ qua đòi hỏi trên: chẳng những không đòi những người muốn đến với Ngài phải có tay sạch lòng thanh, Ngài còn hạ cố xuống với loài người để thành Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

3. Tin Mừng (Mt 1, 18-24):

Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh ra, làm một con người như mọi người: có mẹ là một người nữ mang tên Maria, cha là một bác thợ mộc tên là Giuse.

Nhưng thiên thần Gabriel cho thánh Giuse biết những đặc tính thiêng linh của Đức Giêsu: Ngài được thụ thai là “bởi phép Chúa Thánh Thần”, Ngài đến trần gian là “để cứu dân mình khỏi tội”.

Thánh Matthêu hiểu rằng việc này làm ứng nghiệm lời tiên tri của ngôn sứ Isaia: Đức Giêsu chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

4. Bài đọc II (Rm 1, 1-7):

Thánh Phaolô muốn tín hữu Rôma hiểu rõ về Đức Giêsu: Tuy Ngài đã sinh ra “theo huyết nhục”, nhưng nguồn gốc của Ngài rất cao sang vì Ngài “bởi dòng Đavít”, “đã được tiền định là Con Thiên Chúa”, và “đã sống lại từ cõi chết”.

Từ ý thức đó, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy sung sướng vì được thuộc về một Đấng cao sang như thế: “Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, đồng thời cũng hãy sung sướng với ơn gọi của mình: “Anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi”.

V. GỢI Ý GIẢNG

1. Chỉ cần một so sánh tầm thường

Đức Giêsu là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chỉ cần một so sánh rất tầm thường, chúng ta sẽ thấy đó là một ơn rất to lớn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta:

Tôi có một người bạn vừa tốt vừa đa tài đa năng. Mỗi khi có chuyện gì cần, tôi gọi thì anh đến và anh giúp tôi giải quyết rất tốt đẹp. Tôi sung sướng lắm. Nhưng nhiều khi tôi đang cần mà anh lại đang đi vắng xa nên không giúp gì cho tôi được. Khi đó tôi ao ước: phải chi người bạn ấy luôn ở với tôi!

Chúa Giêsu hơn người bạn ấy rất nhiều: Ngài không chỉ là một con người mà còn là Thiên Chúa. Ngài không chỉ đa tài đa năng mà còn là toàn tài toàn năng. Ngài nói “Này Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đúng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Còn gì quý hơn!

2. Thế nào là một Tin Mừng ?

Một tin chỉ là Tin Mừng khi nó đáp ứng một ước mong mà người ta chờ đợi. Thí dụ chén cơm là tin mừng cho người đang đói, mùa gặt bội thu là tin mừng cho người nông dân đã khổ công cấy cày. Nếu không ước mong đợi chờ thì chẳng có tin mừng: chén cơm không phải là tin mừng cho người đã no, mùa gặt cũng chẳng là tin mừng cho người không làm ruộng.

Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma rằng ngài mang đến cho họ một Tin Mừng, đó là Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho loài người. Và tín hữu Rôma đã vui mừng vì họ có được một Đức Chúa cao cả quyền năng hơn các thần thánh nhan nhãn trong các đền thờ ở Rôma.

Lẽ ra sống trong Mùa Vọng thì phải mong chờ Chúa. Nếu ta không mong chờ Chúa thì việc Chúa Giáng sinh không là Tin Mừng cho ta gì cả.

3. Chúa ở cùng chúng con

Lạy Chúa, tên Chúa là Emmanuel, Chúa ở cùng chúng con.

Nhưng đã có biết bao người lấy danh thánh Chúa khắc vào dây lưng, hùng hùng hổ hổ xông ra trận để chém giết anh em đồng loại! Biết bao người đã đi tàn sát nhân danh Chúa, tuy họ không xâm tên Chúa vào ngực hay khắc vào dây nịt.

Chúa ở với chúng con để kéo chúng con ra khỏi tội lỗi, chứ không phải làm cớ cho chúng con bênh vực mình, bênh vực những hành vi tội lỗi của mình.

Chúa ở với chúng con để giúp chúng con vượt qua những chướng ngại trên con đường đi tìm công lý và tình huynh đệ, chứ không phải để dẫn chúng con đến những quần đảo thoát ly.

Chúa hãy ở với chúng con những khi vì sợ hãi, chúng con ngừng bước hay lui bước. Chúa hãy ở với chúng con khi vì lơ đễnh chúng con đi lạc đàng chính nẻo ngay.

Thân lạy Emmanuel, xin Chúa hãy luôn ở cùng chúng con! (Trích Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt giáng sinh 1998)

4. Chuẩn bị Lễ Giáng sinh

Ngày nay thói quen mừng lễ Giáng sinh có thể nói là rất phổ biến: hầu hết mọi người trên thế giới, dù là người có đạo hay không có đạo, cũng đều quen mừng lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, hầu như ai ai cũng coi đây là một dịp lễ vui, có nhiều hoa đèn, nhiều tiếng thánh ca. Trong dịp lễ Giáng sinh người ta cũng sáng tác nhiều tiêu phẩm văn nghệ rất cảm động nhưng qua đó ta thấy được khía cạnh mỉa mai là lễ Giáng sinh đã không được mừng đúng ý nghĩa. Có một tiểu phẩm kể chuyện một em bé gái nghèo, đêm Giáng sinh phải co ro lặn lội trong sương tuyết để bán từng hộp que diêm, trong khi đó thì xa xa vọng lại tiếng hát thánh ca réo rắt ; một tiểu phẩm khác kể chuyện một tên ăn trộm coi lễ Giáng sinh là dịp tốt để hành nghề, nó biết đêm đó nhà giàu nào cũng có nhiều bánh trái, cho nên nó đợi đến lúc người ta di dự lễ ở nhà thờ để lẻn vào ăn trộm, và xa xa vọng lại cũng những hồi chuông giáng sinh rộn rã.

Cũng có một tác phẩm tuy không nói về lễ Giáng sinh nhưng cũng mang cùng một ý nghĩa. Đây là một chuyện phim tưởng tượng. Đạo diễn tưởng tượng có một Đức Giáo hoàng vì chán cảnh lễ nghi rườm rà trong Tòa Thánh Vatican nên nhân một dịp đi lạc khỏi Tòa Thánh, đã đi luôn vào sống ở một ngôi làng nghèo. Làng này đang bị bệnh dịch hoành hành nên bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, lương thực khan hiếm. Trong làng có một cái cối dùng sức gió để cung cấp nước, nhưng cối gió đã hư và không ai sửa. Nếp sống quá khổ cực khiến người ta không đến nhà thờ nữa, nhà thờ bị hoang phế, và chính vị Linh mục coi sóc nhà thờ đó cũng chán nản hồi tục đi làm nghề chăn cừu. Đức Giáo hoàng đã cùng với dân làng đi moi đống rác, tiếp xúc với những trẻ em lang thang bụi đời, và động viên người ta cùng Ngài sửa lại cái cối xay nước. Sau một thời gian làm việc vất vả với rất nhiều khó khăn, cái cối xay gió ấy đã được sửa chữa và hoạt động lại. Cho tới lúc đó dân làng mới biết Ngài chính là Giáo hoàng. Và Ngài giã từ họ trở về Tòa Thánh. Cuốn phim kết thúc với cảnh Đức Giáo hoàng chủ tọa một Thánh lễ có rất đông người tham dự, đặc biệt trong số đó có dân chúng của cái làng nghèo khổ kia và cả vị Linh mục nữa, vị Linh mục này đã trở về với đoàn chiên giáo dân của mình. Chắc chúng ta hiểu được ngụ ý của đạo diễn: Nếu giáo hội chỉ thu mình trong các lễ nghi ở nhà thờ thì dần dần Giáo hội sẽ xa lìa quần chúng và quần chúng cũng xa lìa Giáo hội. Còn Giáo hội dấn thân phục vụ những nhu cầu thiết thực của quần chúng thì quần chúng sẽ đến vây quanh Giáo hội.

Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Giáo Hội cũng phải là Emmanuel. Và mỗi tín hữu cũng phải là Emmanuel.

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

EMMANUEL

Ông Giuse là nhân vật nổi bật trong bài Tin Mừng.

Cuộc hôn nhân của ông với Maria gặp trục trặc lớn.

Ông đã làm đám hỏi với Maria,

chỉ chờ ngày đón Maria về chung sống.

Không rõ bởi đâu mà ông biết Maria đang mang thai,

khi chưa về chung sống với ông như vợ chồng.

Đây là tin sét đánh, làm ông choáng váng,

vì ông biết rõ vị hôn thê của ông là người đức hạnh.

Ông tự hỏi phải làm gì bây giờ?

Là người công chính, Giuse phải giữ Luật Môse.

Ông không thể lấy Maria về làm vợ nữa,

và cũng không muốn công khai tố giác Maria

để Maria phải chịu hình phạt (Đnl 22,23-24).

Lòng nhân của ông đưa ông tới quyết định này,

đó là chia tay Maria một cách âm thầm kín đáo,

để Maria được tự do định đoạt đời mình.

Nhưng Thiên Chúa lại nghĩ khác.

Ngài cần Maria để làm mẹ cho Con Một của mình,

và Ngài cũng cần một người cha nuôi cho Người Con.

Thiên Chúa cần Giuse để làm nóc cho ngôi nhà,

và để Con Ngài thuộc dòng tộc Đavít (Mt 1,20).

Thiên sứ của Chúa được sai đến gặp Giuse khi ông ngủ.

Thiên sứ vén mở bí mật mà Giuse không biết hỏi ai.

Thai nhi trong bụng của Maria là do Thánh Thần.

Đây sẽ là người cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ,

là món quà bất ngờ Thiên Chúa tặng ban,

là điều vượt quá mọi chờ mong của Dân Chúa.

Thiên sứ xin Giuse đổi ý, xin ông đừng chia tay,

nhưng hãy rước dâu và làm đám cưới với Maria.

Hãy nhận thai nhi trong bụng mẹ làm con của mình,

bằng cách đặt tên cho con trẻ là Giêsu (Mt 1,20-21).

Hãy làm chồng của Maria và làm cha đứa trẻ.

Chắc Giuse không hiểu hết những lời thiên sứ nói.

Làm sao ông hiểu được chuyện chưa xảy ra bao giờ,

Ông thấy mình như được kéo vào một mầu nhiệm,

và được mời gọi tích cực tham dự vào mầu nhiệm ấy.

Những điều thiên sứ nói đảo lộn mọi dự tính của ông.

Người phụ nữ ông muốn lấy làm vợ, lại là người của Chúa.

Thai nhi không phải của ông, ông lại phải coi như con.

Bây giờ ông được mời gọi đón nhận cả mẹ lẫn con,

thay vì viết giấy chia tay trước mặt hai nhân chứng.

“Đừng sợ!” thiên sứ trấn an ông.

Kế hoạch của Thiên Chúa thì vượt quá mọi dự tính.

Thiên Chúa cần sự ưng thuận của Giuse, như của Maria.

Khi tỉnh giấc, Giuse đã nghe lời nhắn nhủ của thiên sứ.

Ông chẳng nói gì, chỉ làm điều thiên sứ dạy.

Chẳng bao lâu sau, ông đã đón Maria về nhà cha ông,

đã đặt tên cho cậu con trai là Giêsu.

Con Thiên Chúa được sống trong mái nhà có cha có mẹ.

“Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai,

người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (LXX, Is 7,14).

Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về sự sinh ra của một hoàng tử,

dưới thời vua A-khát, hơn 700 năm trước công nguyên.

Ngôn sứ này không ngờ rằng lời sấm của mình

sau đó sẽ được ứng nghiệm một cách vượt bực.

Trinh nữ Maria sẽ thụ thai và sinh con trai.

Ngài có tên là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ,

là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Giêsu không chỉ là con vua, mà là Con Một Thiên Chúa.

Kế hoạch của Thiên Chúa thường làm chúng ta bối rối.

Cả Maria lẫn Giuse đều ngỡ ngàng khi được Chúa ngỏ lời.

Chấp nhận xin vâng là để cho đời mình bị xáo trộn.

Chẳng thể xin vâng nếu không buông bỏ hoàn toàn.

Nếu muốn sinh Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay,

ta phải trải qua kinh nghiệm của Maria và Giuse:

liều lĩnh buông bỏ và can đảm tiến bước,

vì biết Thiên Chúa làm được mọi sự (Lc 1,37).

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã nói: “Mẹ của tôi là những ai

thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời.”

 Như thế ai trong chúng con

cũng được mời gọi để trở nên mẹ của Chúa.

Mẹ Maria đã cưu mang Chúa trong thân xác và trái tim,

chúng con cũng phải cưu mang Chúa trong tâm hồn,

để Chúa từ từ lớn lên trong chúng con,

qua những hy sinh nhọc nhằn từ bỏ.

Mẹ Maria đã sinh ra Chúa trên đất Israel,

dưỡng nuôi Chúa trưởng thành giữa bao thiếu thốn.

Chúng con cũng phải sinh ra Chúa một cách thiêng liêng

 trong tim con người hôm nay, ở mọi nơi chúng con sống,

để sự hiện diện của Chúa tràn ngập khắp nơi.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã đến làm người, cư ngụ trên trái đất này

để đem lại ánh sáng và bình an, tình yêu và công lý.

Chúa muốn Mầu nhiệm Nhập Thể kéo dài mãi,

ngày nào thế giới còn chiến tranh, hận thù, bất công.

Chúa muốn chúng con sinh ra Chúa

nơi những ngõ ngách tối tăm,

nơi những xung đột đẫm máu,

nơi những người nghèo, bị hất hủi bỏ rơi.

Để chỗ nào có chúng con,

 nơi đó có nụ cười tươi tắn, có tình huynh đệ sẻ chia,

 có sự cảm thông tha thứ.

 Nhưng trước hết, lạy Chúa Giêsu,

 xin hãy sinh ra trong lòng chúng con mỗi ngày. Amen.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ)

Câu chuyện

Tổ phụ Giuse trong Cựu ước mơ thấy bó lúa của các anh em cúi xuống thần phục bó lúa của mình; và trong một giấc mơ khác ông thấy mặt trời, mặt trăng, và 11 ngôi sao cúi mình trước mặt ông (x. St 37,5-9) ông đã kể lại với anh em và bị họ chế nhạo là “kẻ mơ màng”.Giấc mơ của Giuse là mạc khải của Thiên Chúa về tương lai: Giuse là người được Thiên Chúa tuyển chọn, trở thành tể tướng của nước Ai Cập, để cứu nước Ai Cập và gia đình của ông khỏi nạn đói. Bản thân Giuse là người công chính, luôn biết kính sợ Chúa, nên tâm hồn nhạy cảm dễ đón nhận mặc khải của Thiên Chúa. Ngoài ra, ông còn giải mã được những giấc mơ của người khác (x. St 40,1-20), đặc biệt hơn cho chính vua Ai Cập (x. St 41,1-36), sự giải mã những giấc mơ này là một phần của con đường Thiên ý: ông sẽ trở nên tể tướng bao bọc sự sống còn của cả dân tộc Ai Cập và gia đình ông. Chính ông đã nên hình ảnh báo trước về Giuse thời Tân ước.

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Giuse thời Tân ước được báo mộng trong giấc mơ về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc hôn nhân giữa ông và Maria, việc nàng có thai không phải ý của phàm nhân nhưng dưới tác động của Thiên Chúa. Vì thế ông đã đón Maria về nhà mình theo sự báo mộng của Thiên thần thay vì có ý định ruồng bỏ nàng lúc phát hiện người bạn đời có thai (không phải của mình). Giấc mơ của Giuse đã thành hiện thực bởi sự tín trung vào Thiên Chúa với báo mộng về lời phán truyền của Ngôn sứ Isaia về Đấng Thiên Sai sẽ thành hiện thực ở nơi gia đình ông (x. Is 7,14-16). Chính con trẻ này trở nên ơn cứu độ và bao bọc cho cả nhân loại.

Sự huyền bí về giấc mơ của Giuse đưa chúng ta suy tư về hành trình của Thiên ý trong cuộc đời, mỗi người đi từ giấc mộng của niềm tin mà mỗi chúng ta đều mơ thấy qua Bí tích Rửa tội đến hiện thực của hôm nay và ngày mai: Chúng ta trở nên con Thiên Chúa và sống niềm tin chờ đợi để chính Ngài đón chúng ta vào Thiên quốc trong ngày Ngài quang lâm. Đó là giấc mơ của hôm nay đang sống trong chờ đợi, vào tương lai nơi Thiên Chúa hằng sống sẽ đến đón mọi người. Giấc mơ của Mùa Vọng đang được thực hiện trong bình an Giáng sinh, ngày Chúa giáng trần của hôm nay khi chúng ta cử hành kỷ niệm biến cố ấy và của ngày mai được Thiên Chúa đón rước vào vương quốc Ngài.Giấc mơ của Giuse - cha nuôi của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta lòng tin tưởng vào Chúa quan phòng và sống vững tin chờ đợi: Giuse luôn sống trong thánh ý của Thiên Chúa. Ông luôn trung tín với Thiên ý dù sự việc diễn ra thật khó hiểu, đôi lúc không thể tin được như: Con Thiên Chúa Giáng sinh trong khó nghèo, chính Con Vua Trời lại trốn tránh dưới cơn bách hại của người phàm... Nhưng Giuse vẫn đi trong thánh ý và bước theo niềm tin vào lời báo trong mộng. Ông trung tín vào Thiên ý khi luôn săn sóc, bảo vệ gia đình Thánh gia: Con Thiên Chúa và Mẹ Người. Sự trung tín trong thánh ý đã khiến Giuse trở nên nhân vật tiêu biểu cho Mùa Vọng của mọi thời. Vì thế giấc mộng mà ông thị kiến, trở thành hiện thực không chỉ cho niềm ngóng trông của ông mà cho cả nhân loại như tên con trẻ “Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.Trong giấc mộng của Mùa Vọng, chúng ta được chiêm ngắm hình ảnh tương lai vào Đấng Emmanuel. Vì thế chúng ta không cảm thấy cô đơn, chán nản, thất vọng, bi quan trong đau khổ, vì được nhìn thấy trong giấc mộng Thiên ý: Đức Kitô - Đấng Emmanuel đang đi cùng với chúng ta, để biến những đau khổ của nhân loại thành một ý nghĩa cứu độ trên thập giá.

Chúng ta vui vì giấc mộng của Mùa Vọng sẽ được thành hiện thực. Ước gì tôi và bạn vẫn luôn tin và bước theo Chúa như Giuse bước đi từ giấc mộng đến hiện thực...

Ý lực sống

“Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14-16; Mt 1,23).

 

5. Suy niệm (song ngữ)

4th Sunday of Advent
Reading I: Isaiah 7:10-14
Reading II: Romans 1:1-7
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng
Bài đọc I: Isaia 7:10-14
Bài đọc II: Rôma 1:1-7

Gospel
Matthew 1:18-24

18 Now this is how the birth of Jesus Christ came about. When his mother Mary was betrothed to Joseph, but before they lived together, she was found with child through the holy Spirit.

19 Joseph her husband, since he was a righteous man, yet unwilling to expose her to shame, decided to divorce her quietly.

20 Such was his intention when, behold, the angel of the Lord appeared to him in a dream and said, “Joseph, son of David, do not be afraid to take Mary your wife into your home. For it is through the holy Spirit that this child has been conceived in her.

21 She will bear a son and you are to name him Jesus, because he will save his people from their sins.”

22 All this took place to fulfill what the Lord had said through the prophet:

23 “Behold, the virgin shall be with child and bear a son, and they shall name him Emmanuel,” which means “God is with us.”

24 When Joseph awoke, he did as the angel of the Lord had commanded him and took his wife into his home.

Phúc Âm

Mátthêu 1:18-24

18 Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

19 Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:

23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Interesting Details

  • Context: The beginning of the Matthew (Mt 1:1-17) gives the “genesis” (birth record) of Jesus from King David. The reading today is the genesis from the Holy Spirit.
  • (v.18) Engagement was arranged by elders and had legal consequences for young people as early as twelve for girls and thirteen for boys. The girl stayed with her father until the marriage several years later. During that time if she had a sexual relationship with another man, both could be stoned to death (Dt 22:23-27). An alternative was for the husband to sign a divorce warrant with two witnesses and the wife could be free to marry someone else.
  • (v.20) “Angel of the Lord” is a familiar Old Testament figure who is the Lord or the Lord's messenger making known the will of God at crucial historical moments. “Dream” was another familiar way to find God's will, such as by Jacob and Joseph in Genesis (28:10-17 and 37:5-11).
  • While Luke's central character was Mary, Joseph here emerged as a major figure through his connection to King David, and his development from confusion to trust and enlightenment. Through this story Matthew declared that Jesus was the Son of God from conception.

Chi Tiết Hay

  • Phúc âm thánh Matthêu bắt đầu bằng một “genesis”. Chữ này có nhiều nghiã. Một nghĩa ở dây là gia phả. Một nghiã khác, như trong sách Sáng Thế Ký, có nghiã là khởi nguyên. Bài đọc hôm nay cũng là một khởi nguyên từ Chúa Thánh Thần.
  • (c.18) Thời đó những người lớn tuổi trong dân Do Thái sắp đặt chuyện đính hôn cho các cô từ 12 trở lên và các cậu từ 13 trở lên. Đính hôn có giá trị trước pháp luật. Sau khi đính hôn, các cô tiếp tục ở với bố mẹ thêm vài năm trước khi về nhà chồng. Trong thời gian chờ đợi đó, nếu cô ta ăn nằm với chàng nào khác thì cả hai có thể bị ném đá chết, theo sách Đệ Nhị Luật 22:23-27. Thay vì hình phạt đó, chàng rể tương lai có thể ký giấy ly dị trước hai nhân chứng và người phụ nữ đã đính hôn có quyền lấy người khác.
  • (c. 20) Trong Cựu Ước thiên thần Chúa hay hiện ra để cho biết ý Chúa trong những giây phút quan trọng trong lịch sử. Báo mộng là một cách khác mà Chúa dùng, như với Jacob và Giuse trong Sáng Thế Ký (28:10-17 và 37:5-11).
  • Phúc âm thánh Luca nhấn mạnh tới Đức Mẹ, còn Matthêu nói nhiều hơn về Giuse vì ông ta là giòng dõi vua Đa-vít, và vì ông ta trưởng thành dần trong Chúa, đi từ chỗ thắc mắc khó khăn tới chỗ tin tưởng và được Chúa soi sáng. Qua câu chuyện này, thánh Matthêu cho thấy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ngay từ đầu.

One Main Point

Our King, Jesus, Son of God, comes to dwell among us through such simple, struggling and heroic figures as Joseph and Mary.

Một Điểm Chính

Chúa Giêsu, là Vua và là Con Thiên Chúa, xuống thế và sống giữa chúng ta, với những nhân vật đơn sơ nhưng anh hùng như Giuse và Maria.

Reflections

  1. What do I plan to do to prepare for the arrival of Jesus into my home and my soul this Christmas, coming in a few days?
  2. Have I grown from confusion to trust and enlightenment like Joseph, or to despair and withdrawal?
  3. How do I find the will of the Lord?

Suy Niệm

  1. Tôi muốn sưả soạn tâm hồn tôi như thế nào để đón Chúa Hài Đồng?
  2. Tôi có trưởng thành dần trong Chúa, đi tới chỗ tin tưởng và được soi sáng, hay rút lui dần vào chỗ thất vọng?
  3. Làm sao tôi biết được ý Chúa?

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top