Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Khánh nhật Truyền giáo (Mc 16,15-20)

Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Khánh nhật Truyền giáo (Mc 16,15-20)

Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Khánh nhật Truyền giáo (Mc 16,15-20)

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15)

Bài Ðọc I: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

 

Tin mừng: Mc 16, 15-20

15 Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội.

17 Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, 18 Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe”.

19 Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Giêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 30 Thường niên năm B

WHĐ (25/10/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 30 Thường niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 547-550: Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia

Số 1814-1816: Đức tin, hồng ân của Thiên Chúa

Số 2734-2737: Lòng tin tưởng của người con thảo vào việc cầu nguyện

Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9

Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6

Phúc Âm: Mc 10, 46-52

 

Số 547-550: Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia

Số 547. Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chúng chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đã được tiên báo[1].

Số 548. Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[2]. Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người[3]. Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[4]. Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[5]. Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[6]. Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người loại bỏ[7], thậm chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ[8].

Số 549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[9], bất công[10], bệnh tật và cái chết[11], Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này[12], nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[13], thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.

Số 550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[14]: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[15]. Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[16]. Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[17].

 

Số 1814-1816: Đức tin, hồng ân của Thiên Chúa

Số 1814. Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mạc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là Chân lý. Nhờ đức tin, “con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa”[18]. Vì vậy ai tin, người đó cố gắng nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17). Đức tin sống động “hành động nhờ đức mến” (Gl 5,6).

Số 1815. Hồng ân đức tin tồn tại trong người không phạm tội nghịch với đức tin[19]. Nhưng “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Nếu thiếu đức cậy và đức mến, đức tin sẽ không kết hợp đầy đủ tín hữu với Đức Kitô và không làm cho họ trở nên chi thể sống động của Thân Thể Người.

Số 1816. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống bởi đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu … phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn luôn gặp phải”[20]. Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

 

Số 2734-2737: Lòng tin tưởng của người con thảo vào việc cầu nguyện

Số 2734. Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo bị thử thách - và được chứng thực - khi gặp gian truân[21]. Khó khăn lớn nhất liên quan đến việc cầu xin, cho bản thân hay cho kẻ khác. Có người thôi không cầu nguyện nữa, vì nghĩ rằng lời xin của mình không được nhậm lời. Ở đây, có hai vấn nạn được đặt ra: Tại sao chúng ta nghĩ rằng lời cầu xin của chúng ta không được nhậm lời? Làm thế nào để lời cầu xin của chúng ta được nhậm lời, “mang lại hiệu quả”?

Tại sao chúng ta phàn nàn vì không được nhậm lời?

Số 2735. Trước hết, có một nhận xét này đáng làm chúng ta ngạc nhiên. Khi ngợi khen Thiên Chúa hay tạ ơn Ngài vì các ơn lành Ngài ban, chúng ta ít lo tìm hiểu xem lời cầu nguyện của chúng ta có đẹp lòng Chúa hay không. Trái lại, khi cầu nguyện xin ơn, chúng ta đòi thấy hiệu quả của lời cầu xin đó. Vậy hình ảnh nào về Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta cầu nguyện? Một phương tiện để chúng ta sử dụng, hoặc Đấng là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta?

Số 2736. Chúng ta có xác tín điều này không: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26)? Chúng ta có xin Thiên Chúa “những điều thích hợp” không? Cha trên trời biết rõ điều chúng ta cần, trước khi chúng ta xin Ngài[22]; nhưng Ngài chờ đợi lời cầu xin của chúng ta bởi vì phẩm giá của con cái Ngài là ở nơi sự tự do của họ. Vì vậy phải cầu nguyện, với Thần Khí tự do của Ngài, để chúng ta có thể thật sự biết được ước muốn của Ngài[23].

Số 2737. “Anh em không có là vì anh em không xin. Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,2-3)[24]. Nếu chúng ta cầu xin với một trái tim bị chia sẻ, “ngoại tình”[25], thì Thiên Chúa không thể nhậm lời chúng ta, bởi vì Ngài muốn điều tốt lành cho chúng ta, muốn chúng ta được sống. “Hay anh em nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta ước muốn đến phát ghen lên?” (Gc 4,5). Thiên Chúa “phát ghen” vì chúng ta, đó là dấu chỉ cho thấy Ngài thật lòng yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy ước muốn theo Thần Khí của Ngài và chúng ta sẽ được nhậm lời:

“Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin; vì Ngài muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn nữa, nhờ bạn kiên trì trong cầu nguyện”[26].

“Ngài muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện, để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Ngài sẵn lòng ban”[27].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 30 Thường Niên năm B

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 30 Thường Niên năm B.

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (24/10/2021) - Lời cầu xin với cả con tim

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (28/10/2018) - Lắng nghe, gần gũi và làm chứng

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (25/10/2015) - Lòng thương xót của Thiên Chúa

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (28/10/2012) – Bartimê, con ông Timê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ðức Giêsu đã trao cho các môn đệ nhiệm vụ trọng đại: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”

Trước khi xa nhau, người ta thường trao tặng nhau những lời nói, nhưng kỷ niệm thân thương và quý trọng nhất. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng được lãnh nhận từ Cha, giờ đây trước khi về cùng Cha. Ðức Giêsu lại trao gởi nơi những môn đệ thân tín để tiếp nối sứ vụ của Ngài: đem tình yêu đem sự sống đến cho mọi loài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, là những Kitô hữu, là những môn đệ của Ngài nhưng có bao giờ chúng con ý thức được nhiệm vụ Chúa trao cho chúng con là cần kíp đâu ? Cuộc sống của chúng con cứ xoay quanh: cơm - áo - bạc- tiền. Còn việc rao giảng Tin Mừng, con tưởng là nhiệm vụ của hàng Giám Mục và các Tu Sĩ. Xin cho chúng con ý thức lại cuộc sống và việc làm của chúng con, là những phương cách hữu hiệu nhất đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Ước gì mỗi ngày cuộc sống của chúng con là chứng từ sống động nhất đem tình yêu của Chúa đến với tha nhân. Amen.

Ghi nhớ: “Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người một cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi rao giảng tin mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là đem yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.

Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.

Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời bằng việc rao giảng Tin Mừng ngang qua lời nói, gương sáng và những việc làm cụ thể.

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

NGƯỜI GỌI ANH- ANH THEO NGƯỜI

Tin Mừng Máccô kể chuyện Đức Giêsu chữa hai người mù.

Một người ở Bếtsaiđa, khi Ngài và các môn đệ

bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem (Mc 8,22-26).

Người kia, ở cuối cuộc hành trình này (Mc 10,46-52),

khi Ngài ra khỏi Giêricô để chuẩn bị vào Giêrusalem.

Anh mù ở Bếtsaiđa được người ta dẫn tới xin chữa.

Còn anh mù Ba-ti-mê trong bài Tin Mừng ta vừa nghe

thì ngồi ăn xin bên vệ đường ở Giêricô để kiếm sống.

Chắc anh nghĩ  hôm nay sẽ là một ngày như mọi ngày.

Anh sống nhờ lòng tốt của những khách hành hương

lên đền thờ Giêrusalem qua ngả Giêricô.

Bỗng anh nghe những bước chân của một đám đông lớn,

và anh vui khi nghe biết có Đức Giêsu trong đoàn người.

Anh đã biết tiếng của vị ngôn sứ ở vùng Nadarét này.

Ngài có thể chữa bệnh, trừ quỷ và hoàn sinh kẻ chết.

Ngài đã dùng mấy ổ bánh để nuôi cả đám đông.

Từ lâu anh mong có dịp gặp Ngài,

hy vọng Ngài cho đôi mắt anh được sáng.

Bây giờ Ngài đang đi ngang, trước mặt anh.

Cơ hội cho một cuộc hạnh ngộ đã đến gần,

dù Ngài không thấy anh, và anh cũng không thấy Ngài.

Làm sao báo cho Ngài biết là anh đang chờ Ngài?

Anh chỉ có một thứ vũ khí là tiếng kêu.

Anh tin rằng chỉ cần Ngài nghe được tiếng kêu của anh

là Ngài biết có một người đang cần trợ giúp.

Anh đã cố kêu thật to, gọi tên riêng của Ngài,

tuyên xưng Ngài là Đấng Mêsia, Con vua Đavít.

Anh chẳng xin gì, chỉ xin Ngài dủ tình thương xót.

Tiếng kêu thống thiết của anh chứa niềm tin và hy vọng.

Càng bắt anh im đi, anh càng kêu to hơn.

Tiếng kêu kiên trì đã chạm đến trái tim Đức Giêsu,

làm Ngài dừng chân, khiến cả nhóm cũng dừng chân.

Anh mù đã gọi Đức Giêsu, bây giờ đến lượt Ngài gọi anh.

Rõ ràng Ngài muốn gặp anh, dù chưa biết anh là ai.

Khi nghe biết Đức Giêsu gọi mình, anh vội vã đứng dậy,

vất lại chiếc áo choàng vướng víu để đến với Ngài.

Đức Giêsu biết anh cần gì,

nhưng vẫn hỏi câu Ngài từng hỏi Giacôbê và Gioan:

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,36).                                                                                                                                                                                                         

Anh không xin được ngồi ghế cao trong vinh quang,

anh chỉ xin được thấy, đôi mắt thoát cảnh mù lòa,

để khỏi phải sống bằng tiền bố thí.

Không thấy nói Đức Giêsu đã làm gì để chữa mắt anh.

Chỉ biết anh nhìn thấy được, ngay sau khi Ngài nói:

“Anh hãy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”

“Anh hãy đi!”: Đức Giêsu đã nói như thế với anh nhà giàu.

Anh hãy đi, bán, cho, rồi trở lại và theo tôi (Mc 10,21).

Ngài mời anh nhà giàu theo Ngài làm môn đệ,

nhưng anh không buông bỏ được của cải để theo.

Giờ đây Đức Giêsu cũng bảo anh mù hãy đi,

nhưng không thấy Ngài mời anh theo làm môn đệ.

Vậy mà ngay sau khi được sáng mắt,

anh đã đi theo Ngài lên Giêrusalem.

Anh không ngồi ở vệ đường nữa,

nhưng nhập với đám đông theo Ngài trên đường.

Có một cuộc đổi đời chỉ sau một lần gặp gỡ.

Không rõ sau này anh có vào nhóm  của Thầy không,

có theo Thầy Giêsu đến hết cuộc Khổ nạn không.

Điều quý nơi anh là lòng khao khát muốn gặp Thầy.

Xưa nay chẳng ai gặp được Thầy mà không cần nỗ lực.

Ông Dakêu đã phải chạy và phải leo lên cây.

Anh mù phải kêu to, át tiếng đám người quát nạt.

Xin cho mắt và lòng tôi bừng sáng, nhờ gặp được Giêsu.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Ai trong chúng con cũng có những điểm mù,

những vùng tối, nơi chúng con không thấy về mình,

nhưng người khác lại thấy rõ.

Chính vì thế chúng con cần nhau để ra khỏi sự mù lòa,

cần lắng nghe để biết về mình nhờ người khác,

cần cởi mở để cho người khác biết về mình.

Lạy Chúa Giêsu là Ánh sáng,

Chẳng ai trong chúng con muốn mình bị khiếm thị,

nhưng chúng con vẫn hay ở lại trong bóng tối,

vì bóng tối cho chúng con sự yên ổn,

và che giấu điều chúng con không muốn thấy nơi mình.

Xin cho chúng con dám mở ra để gặp ánh sáng

nơi những người khác ý kiến, khác lập trường,

nhờ đó những góc khuất được vén mở.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con khát mong ánh sáng của sự thật

hơn người mù mong sáng mắt.

Xin cho chúng con cùng nhau tìm kiếm ánh sáng Chúa

với trọn cả tâm hồn,

để ánh sáng Chúa giải phóng chúng con.

Top