Chúa nhật 24 Thường niên năm C (Lc 15,1- 32)

Chúa nhật 24 Thường niên năm C (Lc 15,1- 32)

Chúa nhật 24 Thường niên năm C (Lc 15,1- 32)

Trên trời ai nấy sẽ vui mừng,
vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.

Bài đọc 1: Xh 32, 7-11.13-14

Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

Bài trích sách Xuất hành.

7 Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. 8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập’.” 9 Đức Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. 10 Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”

11 Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? 13 Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” 14 Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

 

Đáp ca: Tv 50, 3-4.12-13.17 và 19 (Đ. x. Lc 15, 18)

Đ.Tôi sẽ trỗi dậy, trở về với cha tôi.

3Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Đ.Tôi sẽ trỗi dậy, trở về với cha tôi.

12Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Đ.Tôi sẽ trỗi dậy, trở về với cha tôi.

17Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
19Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Đ.Tôi sẽ trỗi dậy, trở về với cha tôi.

 

Bài đọc 2: 1 Tm 1, 12-17

Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

12 Anh thân mến, tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. 13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. 14 Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. 15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. 16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. 17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

 

Tin mừng: Lc 15, 1-32

1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.

2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”

3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.

6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’

7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?

9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’

10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai.

12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con.

13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.

16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.

17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!

18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’

20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.

21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...’

22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!

24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.

27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’

28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.

29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.

30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.

32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Trước những lời chỉ trích của nhóm Pharisêu về thái độ của Ðức Giêsu đối với người tội lỗi. Ðức Giêsu cho thấy Thiên Chúa nhân hậu tìm kiếm người lầm lạc và hân hoan đón nhận họ trở về. Ðức Giêsu cũng kêu mời chúng ta chia sẻ niềm vui với Thiên Chúa, biết mở rộng tâm hồn và đón tiếp những người tội lỗi sám hối ăn năn.

Cầu nguyện: Lạy Cha, qua dụ ngôn trên đây, Ðức Giêsu đã cho chúng con thấy lòng nhân hậu của Cha lớn lao hơn nhiều so với sự ăn năn của con người. Ân sủng của Cha cũng rộng rãi hơn nhiều so với suy nghĩ hạn hẹp của con người. Xin cho chúng con mỗi khi yếu đuối biết tin tưởng quay về với Cha vì lòng yêu mến chứ không vì sợ hãi. Xin cũng dạy chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha, quảng đại tha thứ và đón nhận anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Khung cảnh: thấy Chúa Giêsu gần gũi với những người tội lỗi đến gần, nhóm Pharisêu và Kinh sư trách Ngài. Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Thật cảm động thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên đi lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh trên thiên đàng: ”Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.

2. ... hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn”: Những kẻ thấy mình ”không cần phải sám hối ăn năn” là những người nghĩ rằng mình ”công chính”, nhưng thực ra họ không phải là người “công chính” thật. 99 người như thế không đáng là gì cả so với một người biết mình tội lỗi nên ăn năn sám hối.

3. Một trong những hiện tượng tiêu cực rất phổ biến, đó là dù ở đâu và thời nào, tâm lý con người cũng giống nhau: ai cũng tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài luôn cảm thông và tha thứ mọi yếu hèn của con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ mà Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình thánh thiện để tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa: chỉ một mình Ngài mới có quyền xét xử. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)

4. Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất.” (Lc 15, 6)

Vui với tôi bạn nhé, tôi lại tìm thấy được tình yêu. Đôi mắt tôi không còn nhìn anh em với những thành kiến hẹp hòi. Lời nói tôi thôi làm bạn đau đớn. Tai tôi biết lắng nghe bạn trân trọng, cảm thông. Bàn tay tôi trong tay bạn, ấm nóng yêu thương nhiệt thành. Và tôi đến với bạn với cả tấm lòng của kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Người đặt tình yêu của mình trong hình ảnh bạn và trong mắt tôi.

Tạ ơn Chúa đã cho con hạnh phúc của người tìm lại được tình yêu bị lãng quên. Xin Chúa cho con luôn biết gìn giữ, trân trọng tình yêu của người. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ

A. DẪN NHẬP

Chủ đề của ba bài đọc hôm nay là Thiên Chúa thương xót những người tội lỗi. Trong bài đọc 1, chúng ta thấy ngay sau khi dân Do thái ký Giao ước với Thiên Chúa đã quay ra phản bội, họ đã bỏ Chúa mà đi tìm một thần tượng khác làm hộ mạng, tức là thờ lạy con bê vàng. Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ định tiêu diệt dân này để lập một dân lớn hơn, trung thành hơn, nhưng nhờ lời cầu xin của ông Maisen, Thiên Chúa đã nguôi giận và tha tội cho dân. Thực ra, sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho chúng ta qua bài đọc 1 này là Thiên Chúa rộng lòng thương xót sẵn lòng tha thứ cho những kẻ tội lỗi.

Lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể trong Đức Giêsu Kitô. Sự kiện Đức Giêsu đã đón tiếp và cùng ăn với những người tội lỗi làm cho những người biệt phái phẫn nộ. Họ là những người “biệt phái” tránh né mọi tiếp xúc với những người tội lỗi. Họ cho rằng những kẻ tội lỗi là những đồ bỏ đi. Phản ứng lại những lời chỉ trích của nhóm họ, Đức Giêsu đã chỉ ra cho họ một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung, Ngài sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của con người, bằng cách đưa ra ba dụ ngôn: con chiên đi lạc, đồng tiền bị mất và đứa con hoang đàng. Cả ba dụ ngôn đều nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa quan tâm đến một người hư mất và niềm vui của Ngài khi tìm lại được một người hư mất.

Theo gương Đức Giêsu, chúng ta phải thay đổi cách nhìn của chúng ta đối với người tội lỗi. Họ không phải là những hạng người bỏ đi như người biệt phái vẫn nghĩ thế; trái lại, họ là một con người, một con người cao quý trước mặt Chúa không thể để hư mất. Nếu họ hư đi thì phải nỗ lực đi tìm kiếm như người chăn chiên bỏ 99 con mà đi tìm con chiên lạc, đem về cùng chung vui vì một người tội lỗi đã trở lại.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Xh 32, 7-11.13-14

Ngay sau khi Thiên Chúa ký Giao ước với dân Israel, họ đã vi phạm Giao ước. Vì ông Maisen ở lâu trên núi, nên dân đâm ra sợ hãi và tự tạo cho mình một thần tượng để hộ mạng. Đó là dân đã đúc con bê vàng và thờ lạy trước tượng đó. Sự bất tín này làm Thiên Chúa nổi giận và muốn tiêu diệt dân, đồng thời Ngài lại hứa với Maisen như xưa đã hứa với Abraham là sẽ làm cho ông nên tổ phụ của một dân tộc lớn. Nhưng ông Maisen đã khẩn khoản xin Chúa tha tội cho dân, và cuối cùng Thiên Chúa nguôi giận không giữ ý định tiêu diệt Israel nữa.

Mặc dầu Thiên Chúa hứa tạo cho ông một dân tộc mới, ông đã không lìa bỏ dân tộc mình, vẫn liên đới gắn bó với dân như trước. Chính ông van xin Thiên Chúa tha thứ và được Ngài nhận lời, vì Thiên Chúa kiên nhẫn và trung tín.

+ Bài đọc 2: 1Tm 1, 12-17

Trước khi nói cùng ông Timôthê yêu dấu, thánh Phaolô muốn nhắc lại cách Thiên Chúa đối xử với loài người. Nếu không có điều ấy, ơn gọi của chính ngài khó mà giải thích được: Thiên Chúa tha thứ. Ngài tạ ơn Chúa vì lòng nhân từ thương xót của Chúa.

Trước kia, ngài là người bắt đạo và ngạo ngược nhưng đã được Chúa xót thương. Sự trở lại của ngài là một thí dụ điển hình về ơn tha thứ Thiên Chúa dành cho mọi người.

+ Bài Tin mừng: Lc 15, 1-32

Thấy Đức Giêsu hay gần gũi với những người tội lỗi, nhóm biệt phái và luật sĩ tỏ ra rất khó chịu, lẩm bẩm với Ngài. Nhân dịp này Đức Giêsu đưa ra ba dụ ngôn nói lên lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân: con chiên bị lạc, đồng tiền bị mất và đứa con hoang đàng. Tất cả đều nói lên Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.

Để ý nhận xét, đồng tiền là một vật nhỏ nhất mà cũng mất công tìm tòi kỹ lưỡng, điều này nói lên sự quan tâm rất mực của Thiên Chúa đối với tội nhân. Dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về càng làm nổi bật lòng nhân hậu, thứ tha của Thiên Chúa, Ngài là người Cha không bao giờ bỏ rơi con cái bạc bẽo. Chi tiết này càng làm cho người tội lỗi vững tâm trở về cùng Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tấm lòng nhân hậu của người cha

I. THIÊN CHÚA KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI

1. Hoàn cảnh đưa đến dụ ngôn

Đối với Đức Giêsu, người ta có hai thái độ trái ngược nhau: đối với những người biệt phái và luật sĩ, họ cho mình là người công chính nên khinh thường và tẩy chay Ngài. Còn những người tội lỗi thì lại đến gần Ngài, nghe Ngài giảng và sửa đổi con người của mình. Người Do thái rất khó chịu khi thấy Đức Giêsu giao du với những người tội lỗi và lại còn đồng bàn với họ nữa. Người ta khó chịu với Đức Giêsu, vì họ thấy Ngài cư xử ngược với quan niệm của họ.

Đạo sĩ Do thái đã xếp tất cả những ai không tuân giữ lưật pháp vào chung một hạng, họ gọi những người đó là “Dân của đất”. Có một hàng rào ngăn cách dứt khoát giữa những đạo sĩ Do thái và người “Dân của đất”. Gả con gái cho một người dân của đất thì chẳng khác gì trói cô gái ấy nộp cho sư tử. Luật của đạo sĩ Do thái dạy rằng: “Khi có một người là dân của đất, thì đừng trao tiền cho nó, đừng lấy chứng của nó, đừng nói điều bí mật cho nó, đừng đặt nó coi kẻ mồ côi, đừng để nó giữ của bố thí, đừng đi đường với nó”.

Có luật cấm đạo sĩ Do thái không được mời một người dân của đất đến dùng bữa, cũng không được nhận lời mời của ai trong hạng người đó. Luật cấm đạo sĩ Do thái không được giao dịch thông thường với họ, không được mua gì của họ hoặc bán gì cho họ. Các đạo sĩ Do thái quyết tâm tránh hẳn mọi liên hệ với đám dân của đất, tức là những người không giữ đủ các chi tiết tỉ mỉ trong luật pháp.

Trước thái độ kỳ thị ra mặt của các đạo sĩ Do thái đối với người bị coi là tội lỗi, Đức Giêsu mới kể cho họ ba dụ ngôn để nói về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, Ngài muốn tìm kiếm và cứu vớt những gì đã lạc mất.

2. Ba dụ ngôn của Đức Giêsu

a) Dụ ngôn con chiên đi lạc

Trước tiên ta cần lưu ý là hình ảnh người chăn chiên và bầy chiên là chủ đề cổ điển trong Cựu ước nói lên tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài (St 48, 15: Lc 12.32). Dụ ngôn này cũng có trong Tin mừng Mátthêu, nhưng trong lúc Mátthêu áp dụng vào trách nhiệm những vị lãnh đạo Giáo hội, còn Luca nói lên việc Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi.

Trong dụ ngôn này, người mục tử đã bỏ 99 con kia, dĩ nhiên là được canh giữ cẩn thận, để đi tìm con chiên lạc. Con chiên lạc này mất vì lý do nào đó không được nêu ra trong dụ ngôn. Nhưng có một điều chắc chắn là nó đang sống những giây phút khốn cực, cần sự giúp đỡ của chủ chăn. Chủ chăn đã phải bỏ 99 con trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc. Một con sánh với 99 con còn lại thì chỉ như số không, không đáng gì, đâu có làm cho ông nghèo đi chút nào. Việc làm của ông chứng tỏ hùng hồn rằng: bất cứ giá nào, ông cũng không để mất, dù một con. Một con đây cho giá trị như 99 con. Ý nghĩa này nói lên tầm mức quan trọng và tự do sự trở về của tội nhân: Quan trọng đến nỗi bất cứ giá nào, người tội lỗi đó cũng phải được trở về, điều đó chứng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Còn một chi tiết làm cho chúng ta cảm động “vác con chiên trên đôi vai”, vì khi con chiên đi lang thang nhiều giờ hay nhiều ngày xa đàn chiên, nó kiệt sức và nằm xuống. Thật ra phải vác nó lên thôi. Và một con chiên nặng đấy! Nhất là khi người chăn chiên cũng đã chạy nhiều giờ trên những ngọn đồi đầy sỏi đá dưới ánh nắng mặt trời… Chính người chăn chiên cũng rất mệt nhọc! Nhưng, Đức Giêsu nói hoàn toàn vui mừng, người đó quên đi sự mệt nhọc của mình, bế nó lên tay và vác nó trên vai.

Chính Thiên Chúa giới thiệu với chúng ta như thế! Vả lại hình ảnh ấy không mới mẻ. Toàn thể Thánh kinh đã thể hiện Thiên Chúa dưới những đường nét của “người chăn chiên” (Is 40, 11-49, 10… (Quesson).

b) Dụ ngôn đồng tiền bị mất

Đức Giêsu lại tiếp nối tư tưởng bằng một dụ ngôn khác. Đồng tiền nói ở đây là một đồng tiền nhỏ, dễ bị mất trong nhà dân quê xứ Palestina, và có khi phải mất rất nhiều thì giờ mới tìm lại được. Nhà của người Do thái thường tối om, vì chỉ có một cửa sổ tròn đường kính khoảng 45 phân. Nền nhà thì bằng đất nện được phủ bằng những tấm liếp sậy và cành cây khô. Tìm kiếm một đồng bạc trên một nền nhà như thế khác nào tìm một cây kim trong đống rác. Nhưng người đàn bà quét đi quét lại, tìm cho bằng được.

Một đồng bạc ở đây có giá trị tương đương với một ngày làm công (Mt 20, 2). Ở đây muốn nói lên sự mất mát, dù chỉ có một đồng cũng là điều quan trọng khiến cho chủ cũng phải tốn công tìm kiếm. Điều này cũng muốn ám chỉ lòng thương yêu của Thiên Chúa không muốn để ai bị hư đi, nhưng muốn cứu vớt mọi người.

Ngoài lý do vì nhu cầu cần tìm đồng tiền bị mất, lại còn có một lý do khác thơ mộng hơn. Tại Palestina, dấu hiệu của người đàn bà có chồng là một chiếc vành trên đầu làm bằng 10 đồng tiền nhỏ bằng bạc xâu lại với nhau bằng một sợ dây bạc. Trong nhiều năm, một cô gái làm lụng và để dành cho đủ 10 đồng tiền nhỏ đó. Bởi vì cái chuỗi trên đầu của nàng cũng đáng giá gần bằng chiếc nhẫn cưới. Khi nàng đã sắm được nó thì trở nên của riêng nàng, đặc biệt đến nỗi người khác không thể đoạt lấy của nàng món nữ trang đó để trừ nợ. Có thể người đàn bà trong dụ ngôn đánh mất một đồng bạc thuộc loại đó, và bà ta đã tìm kiếm nó như bất cứ người nào khác cũng làm như thế khi đánh mất cái nhẫn cưới vậy.

Vì thế, chúng ta dễ hiểu nỗi vui mừng của người đàn bà, khi tìm lại được đồng bạc bị mất. Đức Giêsu cho biết: cũng thế, Thiên Chúa và các thiên sứ vui mừng khi một người ăn năn trở về, như khi một gia đình vui mừng tìm lại được đồng bạc quyết định cái no hay cái đói của họ, hay cũng giống người đàn bà đánh mất một tài sản có giá trị hơn tiền bạc rồi lại tìm lại được.

c) Dụ ngôn đứa con hoang đàng

Niềm vui lạ lùng này được sáng tỏ hơn trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Ông chủ chỉ có hai người con trai, tưởng rằng được sống bình yên trong tuổi già với hai con. Nhưng người con thứ tính phóng khoáng, thích tụ tập, muốn xin cha chia gia tài cho anh.

Theo luật Do thái, người cha không được chia gia tài tuỳ ý mình thích, đứa con cả đương nhiên được hưởng 2/3, đứa con thứ được 1/3 gia tài (x. Đnl 21, 17). Không phải là một việc lạ khi một người cha phân chia gia tài ngay khi còn sống, nếu ông muốn được nghỉ ngơi khỏi bận tâm buôn bán làm ăn. Nhưng có một sự trơ tráo nơi đứa con thứ khi chính nó đề xuất việc chia gia tài. Khi nó nói với cha nó: “Cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng lãnh được sau khi cha chết, và hãy để tôi ra khỏi nhà này”. Người cha không tranh luận gì, ông hiểu rằng nếu con ông cần một bài học thì nó sẽ có một bài học đắt giá, và ông đã chia gia tài cho nó. Tức khắc đứa con lấy phần dành cho nó và bỏ nhà ra đi.

Tuy nhiên, việc xin chia gia tài này có hợp lý không, thì không rõ, chỉ biết rằng sau này chính người con thứ đã hối hận vì hành động trên.

Đi xa nhà một thời gian, nó đã nhanh chóng xài hết tiền, và kết thúc bằng việc chăn heo, một công việc đáng nguyền rủa của người Do thái… Trong cảnh khốn cùng, nó hồi tâm suy nghĩ lại và quyết định ra đi về với cha nó, mà chỉ xin được coi như một đứa đầy tớ thôi, chứ không dám nhận là con nữa. Nó trở về, cha nó chạy ra ôm chằm lấy mà hôn. Cha nó không để nó kịp mở miệng xin làm đầy tớ, ông đã lên tiếng trước. Ông đã phục hồi địa vị làm con cho nó bằng những cử chỉ đầy ý nghĩa:

. Xỏ giầy vào chân cậu: Xỏ giầy vào chân chứng tỏ ông đã tha thứ hoàn toàn cho cậu. Vào thời Kinh thánh thuở xưa, mang giầy là dấu chỉ của một người tự do, còn đám nô lệ thì đi chân trần. Xỏ giầy vào đôi chân trần của cậu con tức là xoá đi dấu hiệu thằng con ấy từng là nô lệ của một người nào đó, và đồng thời trả lại cho cậu ta dấu chỉ cậu là đứa con trai trong gia đình.

. Trao nhẫn cho cậu: Gắn nhẫn vào ngón tay cậu chứng tỏ ông bố phục hồi trọn vẹn cho cậu tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi. Đeo nó vào đồng nghĩa với được quyền hành xử như một thành viên trong gia đình.

Và như thế, khi choàng tay ôm, xỏ giầy, đeo nhẫn cho đứa con trai, người bố đã cho thấy ông hoàn toàn nồng nhiệt tiếp đón cậu ta, tha thứ hoàn toàn và phục hồi cho cậu ta trọn vẹn tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi.

Truyện: Vải trắng trên cây táo

Richard Pindell có viết một chuyện ngắn nhan đề “Đứa con trai của một người nào đó” (Somebody’s son). Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời. Vì khó quá, không chịu nổi, cậu bèn viết một lá thư gửi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hủ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại. Lá thư như sau: “Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta”.

Vài ngày sau, David lên xe lửa đi về. Trong lúc tầu hoả lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ chớp loè liên tục hiện ra trong trí cậu ta. Khi thì trên cây có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng có một miếng vải trắng nào. Xe lửa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn. Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra nơi khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới, vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cái cây. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng không nhé”.

Khi chiếc xe lửa rầm rầm lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước. Đoạn run run giọng cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng treo ở một cây nào đó không?” Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ, này cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có cột một miếng vải trắng cả” (Mark Link).

II. THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ

1. Tấm lòng của người cha

Người cha trong dụ ngôn phải là một ông chủ giầu sang, đầy quyền lực và oai nghi đúng với đặc điểm của một phú ông miền Đông phương. Đứng trước sự ngông cuồng của người con thứ, người cha đã chia gia tài cho các con, không phải vì ông nhu nhược mà vì ông tôn trọng quyền tự do của con. Ngày người con thứ ra đi cũng chính là ngày ông bắt đầu ngóng chờ với niềm tin sẽ có ngày con ông trở về. Quả đúng như vậy. Mặc dù tuổi già sức yếu, người cha vẫn nhìn ra người con từ rất xa. Có thể nói chính ông đã phá tan dáng vẻ oai nghi đường bệ của một phú ông Đông phương, để hồ hởi chạy ra với người con tựa như trẻ thơ mong mẹ về.

Nỗi mừng vui cũng như hàng loạt mệnh lệnh dồn dập của người cha làm cho chúng ta có cảm nghĩ: hẳn ông đang chuẩn bị tiếp đón một nhân vật quan trọng. Mà không quan trọng sao được khi ý nghĩa của những mệnh lệnh trên hàm chứa một tình yêu vô bờ bến ông dành cho người con “phá gia” trở về mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.

Chiếc áo mới nhất mà ông mặc cho người con hẳn phải là chiếc áo dành cho ngày Đại lễ. Bởi chỉ có ngày Đại lễ, dịp lễ hội, người ta mới mặc áo mới, mới có dịp để chưng diện mà thôi. Chưa dừng lại ở đó. Chúng ta biết rằng đối với người Do thái, chiếc nhẫn không chỉ là kỷ vật, là món đồ trang sức, không chỉ là biểu trưng của tình yêu mà nó còn là cái ấn đóng dấu nhằm xác nhận tư cách của một người con và đồng thời cũng xác nhận tư cách của một người được thừa hưởng quyền kế thừa tài sản.

Như thế, bằng việc xỏ nhẫn và xỏ dép vào tay chân của người con, người cha trong Tin mừng đã sát nhập mối tương quan cha-con, đồng thời cũng sát nhập quyền thừa kế và trả lại quyền tự do cho nó – điều mà người con thứ không bao giờ nghĩ tới.

Chưa hết, người cha còn ra lệnh giết bê đã vỗ béo để ăn mừng cho sự trở về này. Như thế đã rõ, bê chỉ vỗ béo để chờ dịp Đại lễ. Ngày người con trở về và người cha đã hạ bê béo để ăn mừng chẳng phải là dịp Đại lễ mà từ lâu ông hằng ôm ấp mong chờ để có được ngày hôm nay sao?

Truyện: Thiền sư Sengai

Có rất nhiều đệ tử đang tu luyện thiền học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Trong số đó có một đệ tử thường hay thức dậy ban đêm, lẻn trốn một mình trèo tường ra phố rong chơi dạo mát cho thoả thích. Và một đêm kia, thiền sư Sengai đi kiểm tra phòng ngủ các đệ tử, thấy vắng mặt một người và cũng khám phá ra chiếc ghế đẩu mà anh ta thường dùng để leo qua tường ra ngoài. Sau khi suy nghĩ, thiền sư Sengai liền dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Một lát sau, anh chàng ham rong chơi trở về không biết rằng thầy mình là chiếc ghế, cứ thản nhiên đặt chân vào đầu thầy mình để nhảy xuống đất. Đúng lúc đó mới khám ra sự thể động trời của mình, anh ta hoảng hốt sợ đến ngất xỉu. Nhưng thiền sư Sengai nhỏ nhẹ bảo anh: “Sáng sớm trời lạnh lắm, con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy”. Và từ đó, người đệ tử hoang đàng ấy không bao giờ dám ra ngoài chơi ban đêm nữa.

2. Tình thương tha thứ của Thiên Chúa

Thiên Chúa được Đức Giêsu mạc khải là một người cha. Cha nào mà chẳng thương yêu con bằng một tình thương tự nhiên, vô điều kiện, nghĩa là bất chấp con cái tốt xấu, hay dở, có lợi hay gây hại cho mình, bất chấp cả việc chúng đối xử với mình tệ bạc đến đâu. Tình thương đích thực luôn luôn tự động biểu lộ thành hành động. Bản chất của tình thương là như thế, nếu không như thế thì không phải là tình thương đích thực. Tình thương không biểu lộ bằng hành động chỉ là tình thương ngoài môi miệng (x. Gc 2, 16.26). Và hai cách biểu lộ rõ rệt nhất của tình thương là sự tha thứ vô điều kiện và sẵn sàng chấp nhận sự đau khổ hoặc chết cho người mình yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người đã được biểu lộ qua hai cách ấy nơi con người Đức Kitô: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”.

Trở lại dụ ngôn đứa con hoang đàng, ta hỏi động lực nào đã làm cho đứa con quay trở về nhà mình? Chắc chắn không phải vì thương cha mình, mà vì sự khốn khổ nó đang phải chịu do sự ngu xuẩn và bất hiếu của nó. Tóm lại, nó về là vì nó thương bản thân nó hơn là thương cha. Chắc chắn khi thấy nó trở về với “thân tàn ma dại”, cha nó biết nó về với động lực gì. Nhưng đối với ông, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là nó đã trở về, vì nó tưởng như “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Động lực khiến người cha tha thứ và vui mừng đón nhận nó trở về hoàn toàn vì yêu thương con, vì muốn cho nó hạnh phúc, bất chấp quá khứ lầm lỗi của nó. Đó cũng chính là tâm tình của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Chỉ cần người tội lỗi quay trở về với Chúa trong sự hối hận về đời sống quá khứ của mình.

Truyện: Tình mẹ tha thứ

Ở Batna, có một gia đình nằm vào địa điểm hẻo lánh, gồm bà mẹ với các con, mà thằng con lớn phản bội vô số kể, tên là Sidi Melkassen, ưa a tùng với côn đồ du đãng, bị mẹ khiển trách hằng ngày. Mất tự do, thằng đó bực tức, nhất định hai mẹ con không đội trời chung. Liền bắt mẹ đem giam cầm vào một nhà cô tịch tăm tối. Lấy sợi xiềng xích lớn mà xiềng hai chân mẹ nó lại, đoạn đục vách tường gắn móc khoá lại và giữ chìa khoá trong túi. Đành lòng đóng cửa lại trước những tiếng kêu la, khóc lóc, van nài của mẹ.

Trên ba năm trời tồi túng, nóng nực, lạnh lẽo. Không mền, không chiếu, bữa đói bữa no, người mẹ than khóc đã khô nước mắt, kêu không ai nghe, buồn không một lời an ủi.

Chiều nọ, một nàng dâu thảo giật được chìa khoá và mở cửa, tháo xiềng giải thoát cho người mẹ vô phúc. Bà đi ra giữa thanh thiên bạch nhật, không còn hình tượng người nữa, ai nấy đều thương hại. Việc này thấu đến tai nhà chức trách, thằng con bất hiếu bị bắt và kêu án sáu tháng tù ở. Ai nấy đều vỗ tay ca tụng công lý. Chỉ có bà mẹ quên tội của con, cất tiếng lên vừa than khóc vừa xin toà đừng tống giam con mình tội nghiệp.

Ôi, tình mẹ bao la!

3. Có sự nghịch lý trong ba dụ ngôn chăng?

Bài Tin mừng hôm nay gồm tới 3 dụ ngôn. Dụ ngôn đầu xem ra không hợp lý: ai lại bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc? Dụ ngôn thứ hai cũng chẳng có tính thuyết phục bao nhiêu: một đồng xu có đáng là bao so với công sức mà người đàn bà kia bỏ ra để tìm lại nó? Nhưng rồi tất cả đều trở nên hợp lý khi ta đọc dụ ngôn thứ ba: Ý của Chúa Giêsu không nhằm tới con chiên, cũng không nói tới tiền bạc mà nói tới con người. Trước mặt Thiên Chúa, mỗi một con người đều có giá trị vô cùng, bởi vì mỗi một con người, dù là tội lỗi, cũng đều là con của Ngài.

Tuy nhiên có mấy ai chia sẻ tâm ý của Chúa? Những người biệt phái và luật sĩ thấy Chúa Giêsu bỏ công lui tới với những người tội lỗi thì họ cho là mất công vô ích nên xầm xì phản đối. Đối với họ, việc làm của Chúa Giêsu là không đáng, bởi vì những kẻ tội lỗi là hạng đáng vất đi. Nhưng đối với Chúa Giêsu, đó là những con người, những giá trị. Một đồng xu quí giá thế nào đối với người đàn bà nghèo khổ, một người con quí giá thế nào đối với tấm lòng người cha, thì một người tội lỗi cũng đáng giá thế ấy đối với tấm lòng của Thiên Chúa.

Thế còn việc bỏ 99 con chiên trong đàn để đi tìm con chiên lạc thì sao? Vì con chiên ấy cần được săn sóc hơn 99 con kia: nó cô đơn, nó bơ vơ, nó đói khát hơn, nó bị nguy hiểm nhiều hơn. Vì thế nên người mục tử nhân lành không thể ở yên mà chờ nó tìm được đường về, mà phải đích thân ra đi tìm nó. Đức Giêsu đã làm như người mục tử ấy: Ngài không chờ đợi kẻ tội lỗi đến với mình, nhưng được bước trước đến với họ. Ngài kết thân với họ trong tình trạng của họ còn đang là tội nhân, còn đang lầm lạc. Chính đó là cách đối xử khác những người biệt phái và luật sĩ, và chính đó là lý do khiến họ xầm xì phản đối. Nhưng chính cái đối xử này đã hoán cải được một người biệt phái nổi tiếng là thánh Phaolô (Trích Carôlô, Sợi chỉ đỏ A, tr 710-711).

III. CHÚNG TA CŨNG PHẢI CƯ XỬ NHƯ VẬY

1. Phải thay đổi cách cư xử

Giáo hội là Mẹ của chúng ta đã từng có cách cư xử như Đức Giêsu, tạo điều kiện để lôi kéo những con chiên lạc đàn trở về với Chúa. Chẳng hạn, Augustinô, một thanh niên đã từng sống truỵ lạc, ăn chơi, và có những đứa con rơi rớt không kém gì đứa con hoang đàng trong Tin mừng. Thế mà khi trở về với Giáo hội, Giáo hội đã mở rộng vòng tay đón nhận. Sự đón nhận trở nên hoàn toàn khi Giáo hội chấp nhận chàng vào tu viện, và khi thấy chàng xứng đáng, đã phong chức Giám mục cho chàng. Nhờ sự tha thứ quảng đại ấy của Giáo hội, Augustinô đã trở nên một vị thánh.

Chúng ta cũng phải bắt chước Giáo hội mà phải thay đổi cách nhận định và thái độ cư xử đối với tội nhân. Nghĩa là đừng quá quan trọng hoá nết xấu, lỗi lầm của anh em, đừng nuôi lòng thích thú khi thấy anh em sa ngã, lỡ lầm, đừng giả đò thương hại khi đưa lỗi lầm của anh em ra bàn tán và đừng bao giờ tỏ vẻ khinh khi, ruồng bỏ anh em bằng lời ăn tiếng nói, bằng cử chỉ ánh mắt, nhưng hãy bắt chước Chúa biết thông cảm với nỗi khổ tâm của anh em, biết thao thức lo lắng giúp anh em sửa mình, biết tôn trọng, bênh vực anh em, biết cầu nguyện cho anh em.

2. Ý thức mình cũng là tội nhân được tha thứ

Có những con chiên xa đàn lạc lối, nhưng cũng có những con đang sống trong đàn mà chẳng phải là chiên. Có đứa con bỏ nhà xa cha, nhưng cũng có đứa con tuy sống gần cha mà lòng dường như đi hoang từ lâu. Nó coi cha không khác gì ông chủ hà khắc keo kiệt, chẳng hề bố thí cho một con bê để vui vầy với chúng bạn. Như vậy, có thứ lạc đàn thể lý và cũng có thứ lạc đàn tâm linh. Có những người không đi nhà thờ vì lòng họ xa Chúa, song cũng có những người không bỏ nhà thờ nhưng lòng họ chẳng gần Chúa hơn được bao nhiêu. Có lẽ vì tâm trí họ đang đi lạc trong khu rừng có nhiều tiếng ca của danh vọng, hương sắc của đồng tiền, hung khí của hận thù, giọng ríu tít đầy lôi cuốn của xác thịt.

Vậy chúng ta có phải là con chiên đích thực không hay chỉ là hữu danh vô thực? Chắc chắn không ai trong chúng ta dám xưng mình là người công chính như luật sĩ và biệt phái, chúng ta vẫn xưng mình là kẻ có tội, và nếu đã biết mình có tội thì phải có lối cư xử với người khác bằng tình thương yêu.

Nếu Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu và tha thứ cho chúng ta, thì Ngài muốn chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau như người cha nhân hậu xin ông anh cả tha thứ cho đứa em lỗi lầm.

Người ta chỉ có thể dễ dàng tha thứ cho kẻ khác, khi ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình. Có nhận ra mình hay lầm lỗi, con người mới dễ cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của anh em. Đừng bắt người có tội phải bị trừng phạt mới hả dạ. Đừng đòi hỏi cho được sự công bằng mới thôi, vì Martin Luther King có viết: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người trở nên mù loà”

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

PHẢI ĂN MỪNG

Bài Tin Mừng hôm nay là một chùm gồm ba dụ ngôn.

đẹp và quý như những viên ngọc trong Tân Ước.

Người chăn có một trăm con chiên, lạc mất một con.

Người phụ nữ có mười quan tiền, mất một đồng.

Cả hai đều đi tìm cho đến khi tìm thấy mới thôi.

Nhưng trong dụ ngôn thứ ba, người cha không đi tìm.

Ông đã chia một phần ba gia tài cho con thứ,

dù không ai bắt ông phải làm như vậy.

Với phần gia tài đó, đứa con út bỏ nhà ra đi.

Ông không đi kiếm nó vì tôn trọng tự do của nó,

và vì ông tin sớm muộn nó cũng về.

Bởi vậy, ông chỉ kiên nhẫn chờ thôi, và ngóng con.

Quả thực, khi nó về, người ngoài không dễ nhận ra.

Nhưng người cha thì nhận ra ngay dáng con từ xa:

còm cõi, nhếch nhác, xấu hổ, sợ sệt.

Trái tim ông xót xa khi nhìn thấy con tiều tụy.

Ông chạy lại, ôm lấy cổ đứa con thứ mà hôn.

Không để nó nói hết lời ăn năn, ông đã trả lại cho nó

những gì nó có từ đầu: áo sang nhất, nhẫn, và giày.

Lập tức ông ra lệnh mở đại tiệc, giết bê béo ăn mừng.

Ông vui như người chăn chiên tìm được chiên lạc,

như người phụ nữ quét nhà tìm lại được đồng quan.

Chúng ta có thể học được đôi điều từ anh con thứ.

Có người bảo rằng anh ấy trở về nhà cha chỉ vì miếng ăn,

vì muốn được no như những người làm công cho cha.

Đúng là anh con thứ sợ chết đói,

nhưng không thể phủ nhận chuyện anh thực sự ăn năn.

Anh đã hồi tâm và quyết định đứng lên, đi về với cha.

Ngay sau đó anh đã thực hiện quyết định này (Lc 15, 18-20).

Anh đã chuẩn bị một lời xin lỗi nghiêm chỉnh,

và anh nhận mình không xứng đáng trở lại làm con.

Đây không phải là một lời nói đãi bôi, ngoài môi mép,

bởi lẽ ngay khi ở trong vòng tay trìu mến của cha,

anh vẫn muốn nói cho hết những lời anh đã chuẩn bị.

Quyết định trở về của anh con thứ không hề dễ dàng,

vì anh không biết chắc cha có tha thứ cho mình không.

Cũng không chắc người anh cả chấp nhận đứa em trở về

sau khi đã tiêu sạch một phần ba tài sản.

Trở về trong tình trạng tồi tệ như thế này

chắc chắn sẽ khiến anh phải chịu xấu hổ với làng xóm.

Dù sao anh đã can đảm và liều lĩnh trở về.

Anh trở nên mẫu gương cho những ai muốn hoán cải.

Người con cả thường được coi là có hiếu hơn.

Anh không bỏ nhà ra đi, chăm chỉ làm việc ở ngoài đồng.

Chỉ tiếc là anh không vui được niềm vui của cha.

Khi cha mở đại tiệc ăn mừng người con thứ trở về,

anh đã cương quyết đứng ngoài, không vào dự.

Anh không thể chấp nhận được thái độ vui vẻ của cha,

khi tiếp đón một đứa con hư hỏng như thế.

Anh đáp lại sự năn nỉ của cha bằng câu nói đầy ganh tỵ,

Anh đòi được cha trả công về việc hầu hạ cha (Lc 15, 29).

như thế anh đã sống như đứa đầy tớ, chứ không như con.

Khác với đứa em đi hoang (Lc 15, 12.18.21),

người con cả chẳng bao giờ gọi cha là cha,

và cũng chẳng nhận đứa em là em của mình (Lc 15, 30).

Chấp nhận vào nhà dự tiệc với cha và em là điều rất khó.

Chào hỏi và ngồi ăn với đứa em hoang đàng thật không dễ.

Làm sao chuyển từ trạng thái tức giận vì bị đối xử bất công

sang chung vui với người cha và đứa em hoán cải.

Cuối cùng không rõ anh con cả có vào nhà không.

Anh có tin tất cả gia tài của cha là của anh không? (Lc 15, 31).

Giáo Hội hôm nay là Giáo Hội hiệp hành, cùng đi với nhau.

Để cùng đi với nhau cần đến với nhau.

Để đến với nhau cần phải bỏ cái tôi.

Người cha bỏ cái tôi khi “chạy ra”

và “đi ra” để gặp hai con ở ngoài nhà (Lc 15, 20.28).

Con thứ bỏ cái tôi khi dám liều “đi về với cha” (Lc 15, 18.20).

Con cả cần bỏ cái tôi nếu muốn “vào nhà” (Lc 15, 28),

bỏ tất cả những gì anh tự hào và hãnh diện (Lc 15, 29).

Bữa tiệc của Giáo Hội chỉ vui trọn vẹn

nếu chúng ta dám đến với nhau, bất chấp quá khứ.

Bàn tiệc thiên quốc chỉ trọn vẹn khi ta quây quần bên nhau,

cả người đã mất nay lại thấy, đã chết nay lại sống (Lc 14, 32).

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Khi đi rao giảng Tin Mừng,

Chúa đã hiệp hành với những người bị coi khinh

bởi tôn giáo và xã hội.

Chúa đã đón tiếp trẻ em, coi trọng phụ nữ,

chạm đến người phong và đến nhà người thu thuế.

Chúa đã ca ngợi lòng tin của dân ngoại

và tiên báo bữa tiệc Nước Trời

sẽ gồm những khách mời từ khắp tứ phương.

Chúa đã sống tinh thần hiệp hành

và mơ ước Giáo Hội của Chúa là Giáo Hội hiệp hành.

Xin Chúa giúp chúng con thực hiện giấc mơ của Chúa,

để tinh thần hiệp hành thấm vào mọi cơ chế của chúng con.

Xin cho những ai đã chịu Thánh Tẩy, đã nhận Thánh Thần,

biết cùng đi với nhau, cùng làm việc với nhau,

để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.

Xin dạy chúng con biết lắng nghe và đối thoại,

biết cầu nguyện và phân định để tìm thấy ý Chúa

biết cùng nhau chịu trách nhiệm về sự sống của Giáo Hội,

và ở lại với Giáo Hội trong sự hiệp thông sâu xa.

Lạy Chúa Giêsu,

Để hiệp hành, chúng con cần ra khỏi chỗ đứng của mình,

khiêm tốn trước những người kém cỏi, không có tiếng nói,

và tin Thánh Thần vẫn hoạt động nơi họ.

Xin cho giấc mơ của Chúa từ hai ngàn năm

sớm được thành tựu viên mãn.

 

5. Suy niệm (song ngữ)

Bài Đọc I: Xuất Hành 32:7-11, 13-14
II: 1 Timôthê 1:12-17

24st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Exodus 32:7-11, 13-14
II: 1 Tm 1:12-17

Gospel
Luke 15:1-32

1 The tax collectors and sinners were all drawing near to listen to him,

2 but the Pharisees and scribes began to complain, saying, “This man welcomes sinners and eats with them.

3 So to them he addressed this parable.

What man among you having a hundred sheep and losing one of them would not leave the ninety-nine in the desert and go after the lost one until he finds it?

5 And when he does find it, he sets it on his shoulders with great joy

6 and, upon his arrival home, he calls together his friends and neighbors and says to them, ‘Rejoice with me because I have found my lost sheep.

7 I tell you, in just the same way there will be more joy in heaven over one sinner who repents than over ninety-nine righteous people who have no need of repentance.

Or what woman having ten coins and losing one would not light a lamp and sweep the house, searching carefully until she finds it?

9 And when she does find it, she calls together her friends and neighbors and says to them, ‘Rejoice with me because I have found the coin that I lost.

10 In just the same way, I tell you, there will be rejoicing among the angels of God over one sinner who repents.

11 Then he said, “A man had two sons,

12 and the younger son said to his father, ‘Father, give me the share of your estate that should come to me. So the father divided the property between them.

13 After a few days, the younger son collected all his belongings and set off to a distant country where he squandered his inheritance on a life of dissipation.

14 When he had freely spent everything, a severe famine struck that country, and he found himself in dire need.

15 So he hired himself out to one of the local citizens who sent him to his farm to tend the swine.

16 And he longed to eat his fill of the pods on which the swine fed, but nobody gave him any.

17 Coming to his senses he thought, ‘How many of my fathers hired workers have more than enough food to eat, but here am I, dying from hunger.

18 I shall get up and go to my father and I shall say to him, “Father, I have sinned against heaven and against you.

19 I no longer deserve to be called your son; treat me as you would treat one of your hired workers.”‘

20 So he got up and went back to his father. While he was still a long way off, his father caught sight of him, and was filled with compassion. He ran to his son, embraced him and kissed him.

21 His son said to him, ‘Father, I have sinned against heaven and against you; I no longer deserve to be called your son.

22 But his father ordered his servants, ‘Quickly bring the finest robe and put it on him; put a ring on his finger and sandals on his feet.

23 Take the fattened calf and slaughter it. Then let us celebrate with a feast,

24 because this son of mine was dead, and has come to life again; he was lost, and has been found. Then the celebration began.

25 Now the older son had been out in the field and, on his way back, as he neared the house, he heard the sound of music and dancing.

26 He called one of the servants and asked what this might mean.

27 The servant said to him, ‘Your brother has returned and your father has slaughtered the fattened calf because he has him back safe and sound.

28 He became angry, and when he refused to enter the house, his father came out and pleaded with him.

29 He said to his father in reply, ‘Look, all these years I served you and not once did I disobey your orders; yet you never gave me even a young goat to feast on with my friends.

30 But when your son returns who swallowed up your property with prostitutes, for him you slaughter the fattened calf.

31 He said to him, ‘My son, you are here with me always; everything I have is yours.

32 But now we must celebrate and rejoice, because your brother was dead and has come to life again; he was lost and has been found.’“

Phúc Âm
Luca 15:1-32

1 Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Chúa Giêsu mà nghe Người.

2 Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.

3 Chúa Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.

6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.

7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?

9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.

10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.

11 Rồi Chúa Giêsu nói tiếp: Một người kia có hai con trai.

12 Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.

13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,

15 nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.

16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.

17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!

18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,

19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.

20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để.

21 Bấy giời người con nói rằng: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...

22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,

23 Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!

24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,

26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.

27 Người ấy trả lời: Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe.

28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.

29 Cậu trả lời cha: Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.

30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

31 Nhưng người cha nói với anh ta: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.

32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỵ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy.

Interesting Details

(v.1) Listen: This clearly shows that this group of tax collectors & sinners responds to Jesus invitation in the previous chapter (14:35). Listen is a sign of conversion, of repentance.

(v.2) Complain: While tax collectors and sinners listen to Jesus, the Pharisees and the scribes complain about him. Complain is a clear indication of rejection.

(v.6) Rejoice. The lost sheep and the coin are not worth much in comparison to the ninety-nine or the nine. Yet, when found both the shepherd and the woman rejoice: Nothing and no one is insignificant to God.

(v.15) To tend the swine of a Gentile is about as alienated as a Jew could imagine being.

(v.20) Ran: This is an undignified behavior for an elderly Oriental gentleman. This is to shows how eager God is to forgive us when we repent.

(v.22) The fathers forgiveness of his prodigal son is well displayed: a ceremonial robe; a signet ring; and sandals. These indicate the status of free people.

(v.28) By refusing to come into the house the elder son is acting like those who stand outside the heavenly banquet while many others enter in. (13:28-30)

(v.29) I served you: Here, the elder son repudiates his sonship and distances himself as a servant.

(v.30) Your son instead of my brother. The elder son does not want to accept his dead brother as alive and as his brother.

(v.30) Prostitutes: The elder son exaggerates his brothers sin which the narrative itself does not mention. His language is remarkably revealing of his anger.

(v.32) The fathers use of your brother represents a subtle correction of your son.

Chi Tiết Hay

(c 1) Bằng thái độ lắng nghe, những người thu thuế và những người tội lỗi chứng tỏ rằng họ đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu trong đoạn trước (14:35). Nghe là dấu chỉ đã biết sám hối, ăn năn.

(c 2) Trong khi những người thu thuế và tội lỗi nghe Chúa Giêsu thì các người Pharisêu và kinh sư lẩm bẩm phê phán. Lẩm bẩm là dấu chỉ của sự chống đối.

(c 6) Con chiên lạc và đồng quan bị mất không giá trị bằng chín mươi chín con chiên, hoặc chín đồng quan còn lại. Tuy nhiên khi tìm lại được thì cả người chăn chiên lẫn người phụ nữ cùng vui mừng. Không có gì và không có ai là vô giá trị đối với Thiên Chúa.

(c 15) Một người Do Thái mà phải đi chăn heo cho một người ngoại ở phương xa chứng tỏ một sự lạc lõng trầm trọng.

(c 20) chạy là một thái độ không phù hợp với phong cách của một bậc lão thành ở Đông phương. Đây cũng cho thấy sự mong mõi của Thiên Chúa, luôn sẵn sàng tha và đón nhận chúng ta trở về khi chúng ta thật lòng hoán cải.

(c 22) Sự tha thứ của người cha cho đứa con hoang đàng được chứng tỏ qua hành động và dấu chỉ bên ngoài: áo đẹp nhất, nhẫn và dép. Đây là những biểu tượng của quyền bính dành cho người có tự do.

(c 28) Khi từ chối vào nhà người anh có cùng thái độ với những người được mời dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (13:28-30) nhưng không đáp ứng.

(c 29) Con hầu hạ cha: Người con cả chối từ địa vị làm con của mình khi tự coi mình là kẻ hầu người hạ.

(c 30) Thằng con của cha thay vì gọi là em của con. Người con cả không muốn chấp nhận em của mình, đã chết nay lại sống.

(c 30) với bọn điếm. Người con cả đã bi thảm hóa tội lỗi của em mình với những chi tiết mà ngay trong đoạn văn ở trên không hề nói tới.

(c 32) Người cha nói em con đây để khéo léo chỉnh lại cách nói thằng con của cha mà người con cả đã thốt ra một cách giận dữ ở trên.

One Main Point

Jesus uses three different images to portray the compassion and love of God. Nothing and no one is insignificant to God.

Một Điểm Chính

Chúa Giêsu dùng ba hình ảnh của người chăn chiên, người phụ nữ và người cha trong các dụ ngôn để nói lên lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Không có gì và không có ai là vô giá trị đối với Thiên Chúa.

Reflections

1. When, or in what area of life, do I feel worthless, inconsequential, helpless, or defeated? What does God say to me and the second son then?

2. Have I felt being treated unjustly, and not wanting to consider the offender my brother or sister? What does God say to me and the older son then?

3. Different people have different problems, but God loves, consoles, and helps each one. Do I experience this unconditional love as I go through different phases of life?

Suy Niệm

1. Trong lúc nào và trong hoàn cảnh nào tôi cảm thấy thất bại, nản chí, bị đời hất hủi? Chúa nói gì với tôi, cũng như với cậu con hoang đàng?

2. Tôi có từng cảm thấy bị đối xử bất công, và không thể coi kẻ xử tệ mình như anh chị em mình? Khi đó Chúa nói gì với tôi, cũng như với cậu con cả?

3. Con cả hay con thứ đều có vấn đề, nhưng ai Chúa cũng thương yêu, an uỉ, nâng đỡ. Tôi có cảm nhận được tình thương vô điều kiện của Chúa trong những lúc thăng trầm của cuộc đời không?

Top