Chiêm ngưỡng vết thương cạnh sườn Chúa Kitô (bài 3)

Chiêm ngưỡng vết thương cạnh sườn Chúa Kitô (bài 3)

Chiêm ngưỡng vết thương cạnh sườn Chúa Kitô (bài 3)

TGPSG / Aleteia -- Căn cứ trên sự sùng kính mà đích thân Chúa Kitô muốn có, mời gọi chúng ta tôn kính những vết thương của Người, chúng ta hãy đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu đó mỗi ngày trong Tuần Thánh này. Vì chính khi chiêm ngắm vai, đầu, cạnh sườn, tay và trái tim rỉ máu của Người mà chúng ta mới ý thức được Đức Kitô đã phải chịu đau đớn thế nào vì chúng ta và Người yêu thương chúng ta đến đâu.

Vết thương ở cạnh sườn, cùng với những vết thương ở chân và tay do bị đóng đinh, đã tạo thành "5 dấu thánh" của Chúa theo sự sùng kính truyền thống. Năm "vết sẹo tình yêu, trang điểm cho hai bàn tay, hai bàn chân và cạnh sườn Người như những viên đá quý", thánh Nicôla Cabasilas, nhà thần học chính thống giáo thế kỷ 14 đã nói như thế. Vết thương sâu hoắm bên cạnh sườn Chúa Giêsu do một mũi giáo của một người lính Rôma quá mẫn cán tên là Longin gây ra, trong lúc Đức Kitô đã chết.

"Khi họ đến gần Chúa Giêsu, thấy Người đã chết, họ không đánh gãy chân Người nữa, nhưng một trong những người lính đã dùng giáo đâm vào cạnh sườn Người; và tức thì máu và nước từ đó tuôn ra." (Gioan 19, 33)

Một vết thương vô ích, chẳng để làm gì, biểu trưng cho tính kiêu ngạo của loài người. Một cú giáng cuối cùng vào Đức Maria, để tròn lời tiên tri của Simêon: "Còn bà, tâm hồn bà sẽ bị ngọn giáo xuyên qua" (Lc 2,35). Một vết thương hở, được trình bày trên các họa phẩm và trên các thánh giá, nhắc nhớ thường trực đến tình yêu của Đức Kitô dành cho loài người, được đẩy lên đến tận hy tế thập giá. Cũng chính vết thương đó, mở rộng và dễ thấy, đã hoán cải thánh Tôma sau khi Chúa sống lại.

Từ cạnh sườn Người, máu và nước tuôn ra. Hai nguyên tố đó sớm được các vị giáo phụ diễn giải như biểu trưng của hai bí tích căn bản của Kitô giáo: Rửa Tội (nước, tượng trưng cho sự sống, sự sống lại, sự thanh tẩy) và Thánh Thể (máu, tượng trưng cho sự hiến tế).

Thánh Josémaria Escrivá, người sáng lập phong trào Opus Dei, đã rất sùng kính những vết thương của Chúa Kitô. Do đó, năm 1933 ngài viết: "Mỗi ngày, hãy đi vào một vết thương của Chúa Giêsu" (Ghi chú cá nhân). Và ngài đặc biệt mẫn cảm với vết thương ở cạnh sườn Chúa: "Mỗi ngày, tôi ở lại trong vết thương cạnh sườn Chúa, để thực hiện một quyết định đã có từ lâu." Phải chăng ngài đã làm điều này để đáp lại lời mời gọi của đích thân Chúa Kitô dành cho Tôma, và thông qua thánh nhân đến toàn nhân loại: "Hãy đặt ngón tay con vào đây và nhìn tay Thầy; hãy đưa tay con đây và đặt nó vào cạnh sườn Thầy" (Gioan 20,27) Chúa Kitô phục sinh đã kêu mời như thế.

Ngôn ngữ của những vết thương

Đức cha Dominique Le Tourneau đã phân tích trong cun Những Vết Thương của Đức Kitô (NXB Artège): "Đích thân Chúa Giêsu Kitô đã dạy tông đồ Tôma về ngôn ngữ của những vết thương. Hãy đưa tay con đây và nhìn vào tay Ta, đừng chỉ đụng vào mà hãy nhìn thật chăm chú, thật chi tiết, những vết thương đó đã thành sẹo rồi nhưng vẫn thấy rõ lắm. Rồi hãy đưa tay ra và đặt nó vào cạnh sườn Ta. Nó đã không khép lại. Nó sẽ không bao giờ khép lại, vì từ trái tim Ta, sẽ tuôn ra tình yêu điên cuồng, sự tha thứ và lòng thương xót của Ta."

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại trong bài giảng lễ ngày 12/04/2015: "Chúa cho ta thấy những thương tích của Người qua Tin Mừng. Thương tích của Chúa Giêsu là những vết thương của lòng thương xót. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chiêm ngắm những vết thương đó, Người mời chúng ta chạm vào chúng, như Người đã mời Tôma, để chữa lành sự cứng tin của chúng ta. Nhất là Người muốn mời chúng ta đi vào mầu nhiệm của những vết thương ấy, đó là mầu nhiệm tình yêu thương xót của Người."

Vết thương cạnh sườn đúng là vết thương của lòng thương xót, nhưng cũng còn là vết thương của sự hoán cải. Đối với Tôma cứng lòng tin, vết thương đó là dấu hiệu không thể bàn cãi của sự sống lại. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã chết thật và sống lại thật vì tội lỗi chúng ta. Đức Giáo hoàng đã dạy rằng: "Những vết thương của Chúa Giêsu vừa là tai tiếng vừa là phép thử cho đức tin. Đó là lý do tại sao trong thân xác Chúa phục sinh, những vết thương không biến đi, mà cứ tồn tại mãi, vì chúng là dấu chỉ thường trực cho tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, và chúng rất cần cho niềm tin vào Thiên Chúa - không phải để tin rằng rằng Chúa hiện hữu mà để tin rằng Chúa là tình yêu, lòng thương xót, lòng trung thành" (Bài giảng lễ ngày 27/04/2014)

Lời kinh của Thánh Clara trước vết thương cạnh sườn của Chúa

Thánh nữ Clara Assisi đã soạn một kinh nguyện có tên là "Kinh Năm Dấu cực thánh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta". Sau đây là phần liên quan đến vết thương cạnh sườn:

Vì vết thương cực thánh cạnh sườn Người, xin ca tụng và tôn vinh Chúa, lạy Chúa Giêsu Kitô rất nhân lành,

Nhờ vết thương rất thánh này, nhờ tình yêu bao la mà Người đã tỏ bày, cho tên lính Login ngày xưa, và giờ đây còn tỏ bày cho tất cả chúng con, nhờ cạnh sườn rộng mở của Người, con van nài Người, lạy Chúa Giêsu nhân lành, Người đã xóa sạch những vết nhơ tội nguyên tổ của con nhờ bí tích Rửa Tội, xin giải thoát con khỏi mọi sự dữ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nhờ Máu cực trọng của Người vẫn đổ ra ngày nay trên toàn thể trái đất.

Vì cái chết rất cay đắng của Người, xin ban cho con ơn Đức Tin ngay lành, Đức Cậy vững vàng và Đức Ái hoàn hảo. Xin cho con biết yêu Chúa hết tâm, hết lòng, hết sức; xin giúp con mạnh mẽ làm điều lành, kiên trì vững vàng phục vChúa, để con có thể làm vui lòng Chúa cách hoàn hảo bây giờ và luôn mãi. Amen.

Mathilde de Robien (Aleteia) / Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top