Chiêm ngắm những vết thương trên hai bàn tay của Đức Kitô (bài 5)
TGPSG / Aleteia -- Những vết thương ở hai bàn tay Chúa Giêsu, cùng với những vết thương ở chân và cạnh sườn, đã tạo thành "5 dấu thánh" chính yếu trong truyền thống đạo đức sùng kính. Theo truyền thống này thì vết thương ở tay phải khác với vết thương ở tay trái. Những vết thương ở những bàn tay - mà Chúa Giêsu đã cho các môn đệ xem sau khi sống lại - đều do đinh đóng xuyên lòng bàn tay vào thập tự.
Trong sách Thánh Vịnh, vua Đavít đã nói theo lời của Chúa:
"Chúng đâm con thủng cả chân tay,
xương con đếm được vắn dài;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn." (TV 21,18-19)
Những bàn tay từ ái
Chiêm ngắm những bàn tay Chúa Kitô là nhớ lại mọi điều lành tay Chúa đã làm trên thế gian trước khi bị đóng vào thập tự một cách bất công. Tay của Đức Kitô, trước hết đó là bàn tay ban phước lành và ưu tiên cho trẻ em :
"Người ta đưa các em bé đến với Chúa Giêsu để Chúa đặt tay lên các em và cầu nguyện (...) Chúa đặt tay lên các em, rồi rời khỏi nơi đó." (Mt 19,13)
Đó là bàn tay đã chữa lành các bệnh nhân:
"Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Và Đức Giêsu đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ." (Lc 4,40)
Bàn tay đã mang lại ánh sáng cho người mù:
"Rồi Chúa Giêsu lại đặt tay trên mắt người ấy, anh trông thấy rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự." (Mc 8,25)
Đó là bàn tay nuôi dưỡng, theo nghĩa đen, đặc biệt là trong phép lạ hóa bánh ra nhiều:
"Cầm lấy 7 chiếc bánh và đọc lời tạ ơn, Người bẻ bánh ra và đưa cho các môn đệ để họ đem đi phân phát; và họ phân phát bánh ấy cho đám đông dân chúng." (Mc 8,6)
Cuối cùng, đó là bàn tay đem lại sự sống:
"Người lại gần và chạm vào áo quan; những người khiêng hòm ngừng lại và Chúa Giêsu nói: "Chàng trai, Ta ra lệnh cho anh: hãy đứng lên." Ngay lúc đó, người chết đứng dậy và bắt đầu nói chuyện" (Lc 7,15)
Đôi bàn tay đã làm những phép lạ thời Chúa Giêsu và ngày nay vẫn đang tiếp tục làm những công việc tốt lành như thế.
Đức cha Le Tourneau nhấn mạnh trong cuốn ‘Những vết thương của Đức Kitô’ (NXB Artège):
"Đôi bàn tay đã làm bao điều kỳ diệu, đã đem lại biết bao điều lành, bây giờ lại bị đục thủng. Ôi, đây lại là phép lạ mới mẻ và bất ngờ, hai tay vẫn tiếp tục công việc lành thánh. Hai lỗ nơi hai bàn tay đã thành hai miệng núi lửa, từ đó tuôn trào luồng nham thạch tình yêu đỏ rực như một dải ruy băng trải rộng ra ngày càng xa".
Một vết thương rỉ ra nhiều tình yêu đến nỗi đã làm cho thánh Josémaria Escrivá, người sáng lập phong trào Opus Dei, xúc động mạnh vào một buổi sáng tháng Sáu năm 1938. Suốt cuộc đời, ngài cổ động lòng tôn sùng sâu đậm những vết thương của Đức Kitô, nhưng niềm tôn kính này lại xuất phát từ lúc bất chợt khám phá ra vết thương ở bàn tay phải của Chúa, vào một sáng tháng Sáu, khi ngài đang đi đến tu viện "Las Huelgas". Ngài mô tả lần được soi sáng này qua bức thư gởi cho Juan Jimenez ngay ngày hôm đó:
"Sáng nay, đang trên đường đến Las Huelgas để cầu nguyện, tôi như đã phát hiện ra một châu Mỹ (hoặc một Địa Trung Hải):
đó là dấu thánh trên bàn tay phải của Chúa tôi.
Và hãy xem, hiện tôi ra sao: cả ngày chìm đắm với những cái hôn và thờ phượng.
Sao mà Nhân tính thánh thiện của Chúa chúng ta đáng yêu đến thế!
Hãy xin Người ban cho ta Tình Yêu đích thực của Người và mọi niềm luyến ái khác của ta nhờ đó sẽ trở nên thanh khiết.
Không cần phải nói, trên Thánh Giá ấy chính là tình yêu của tôi,
vì nếu chỉ một Vết thương của Chúa Kitô cũng đã thanh tẩy, chữa lành, xoa dịu, củng cố, đốt cháy và đong đầy tình yêu đến như thế,
thì 5 Vết thương mở rộng trên gỗ cây thập tự còn làm được đến đâu nữa?"
Dấu ấn tình yêu của Đức Kitô
Khi Chúa hiện ra giữa các môn đệ sau khi sống lại, việc đầu tiên Chúa làm là cho các ông thấy những vết thương. Người nói với các ông: "Bình an cho các con!" rồi cho các ông xem hai tay và cạnh sườn.
Phản ứng của các môn đệ Người thật đáng ghi nhận. Không phải là sợ hãi, thương cảm hay xấu hổ vì đã bỏ rơi Chúa Giêsu, nhưng là sự bình an và vui mừng : "Các môn đệ lòng đầy mừng rỡ khi nhìn thấy Chúa" (Gioan 20,20). Như kiểu các ông nhìn thấy dấu ấn của tình yêu của Chúa trong những dấu vết đinh.
Thánh Bernard de Clairvaux cũng nhìn thấy trong những chiếc đinh, các chìa khóa để định lượng lòng thương xót vô bờ của Chúa:
"Những chiếc đinh đâm thủng thân xác Chúa đối với tôi đã trở thành những chìa khóa mở ra kho báu các bí ẩn của Người và cho thấy ý định của Chúa. Và tại sao tôi lại không thấy ý Chúa qua các vết thương? Những chiếc đinh và những vết thương của Người là biểu hiện rõ ràng rằng Thiên Chúa ở trong Đức Giêsu Kitô, và đã hòa giải thế gian với Chúa" (Những bài giảng về Diễm Tình ca).
Vượt lên trên sự bình an và vui mừng mà các môn đệ Chúa cảm nhận, thánh Bernard, về phần mình, đã làm chứng cho sự êm ái toát ra từ những vết thương của Chúa:
"Họ đã đâm thủng hai bàn tay, hai bàn chân và cạnh sườn Người; qua những cái lỗ rộng hoác này, tôi có thể hút được chất mật ong của đá tảng này và chất dầu từ loại đá rất cứng này, nghĩa là đã thấy và đã nếm được sự dịu ngọt của Chúa" (Những bài giảng về Diễm Tình ca).
Kinh của thánh nữ Clara trước vết thương ở bàn tay phải
Thánh nữ Clara Assisi đã soạn một kinh có tên "Kinh Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu Kitô". Sau đây là lời kinh về vết thương ở bàn tay phải:
"Vì Vết thương rất thánh trên tay phải của Chúa, xin ca ngợi và tôn vinh Người, lạy Chúa Giêsu Kitô,
Vì vết thương thánh thiện này, xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi con đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm,
hoặc đã chểnh mảng việc phục vụ Chúa, hay đã ham mê nhục dục lúc ngủ cũng như lúc thức.
Nhờ cuộc Thương Khó của Chúa, xin dạy con biết cử hành cách xứng đáng
khi tưởng nhớ Cái Chết vì tình yêu của Người cùng những Vết thương của Người;
và xin tạ ơn Chúa vì Người đã giúp con biết hãm mình.
Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024