Chia tay hoàng hôn
Chia ly là điều buồn, càng xa và càng khó gặp nhau thì nỗi buồn càng tăng. Buồn khôn tả. Buồn đến chết được. Còn gì buồn hơn lời “chia tay hoàng hôn”? Giây phút chia ly càng gần thì nỗi lưu luyến càng tăng. Có người nói trong nghẹn ngào nước mắt, có người không nói nên lời, chỉ biết nước mắt thay lời muốn nói. Nhưng sinh ly tử biệt là điệu ru buồn thảm nhất!
Chúa Giêsu không chỉ trong cảnh sinh ly tử biệt bình thường mà còn đối mặt với nhục hình và cái chết thảm thương. Người ta vui mừng thì Ngài đau khổ. Nhưng khi người ta khóc thì Ngài rất “cứng rắn”. Sau khi chịu nhiều đau khổ cùng cực, cả tinh thần và thể lý, Ngài vẫn bình thản nói những lời cuối đầy yêu thương tha thiết – gọi là “bảy viên ngọc quý”, hoặc thường quen gọi là “bảy lời cuối” của Chúa Giêsu trên Thập giá.
1. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không hiểu việc họ làm” (Lc 23,24).
Cả đời Chúa Giêsu dạy yêu thương. Yêu thương thì phải tha thứ. Nói yêu thương mà không tha thứ là nói dối, tự lừa dối chính mình. Ngài đã không dạy suông mà Ngài còn làm gương: Không phê phán người phụ nữ ngoại tình, thăm hỏi phụ nữ Samari, vui với trẻ em, không đòi hỏi được phục vụ, chữa khỏi nhiều bệnh tật, nâng đỡ người yếu kém, cho người đói được ăn no, giúp đỡ người nghèo hèn, hạ mình rửa chân cho người khác, tha thứ kẻ lầm lỗi, tha thứ cho chính những kẻ đã đang tâm bán đứng Ngài và giết chết Ngài.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương tha nhân vô điều kiện, không chỉ mở rộng tấm lòng mà còn mở rộng cả đôi tay, biết NÓI và biết LÀM như Ngài. Đây đó còn biết bao người khốn khổ về tinh thần và thể lý, thiếu thốn ngay cả những điều kiện sống cơ bản nhất, xin Chúa thương xót họ cách đặc biệt.
2. “Ngay hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng cùng Tôi” (Lc 23,43).
Không ai may mắn và hạnh phúc như tử tội Dimas, kẻ chịu đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Dima là một tội-nhân-thánh-thiện, là người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ và được đặt chân vào Thiên quốc. Sớm muộn gì thì ai cũng “lĩnh lương” đồng đều: Một đồng, nhưng là một đồng vô giá.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết quên mình, bằng lòng với những gì mình có để không ghen tương đố kỵ người khác, và biết chân nhận rằng tất cả đều là hồng ân Chúa ban, ngay cả những gì chúng con sở hữu cũng có liên đới người khác: Vật chất, điều tốt và điều xấu, thậm chí là tội lỗi.
3. “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ” (Ga 19,26).
Tình Mẫu Tử luôn thiêng liêng mặc vẻ bí ẩn, không dễ gì hiểu hết. Nhóm Mười Hai chỉ còn Gioan sát cánh bên Mẹ và cùng Mẹ đứng ngậm ngùi dưới chân Thập tự chứng kiến Chúa Giêsu hấp hối. Mẹ thương con mà không thể làm gì hơn, nhìn con mà Mẹ chết lặng. Con cũng thương Mẹ lắm, vì “lá xanh rụng trước” mà chữ hiếu chưa tròn. Ngài không muốn Mẹ buồn nhiều nên xin Mẹ nhận Gioan làm con để thay Ngài an ủi và chăm sóc Mẹ. Lòng Mẹ và lòng Con đều trăm mối tơ vò, đều tan nát. Thánh Gioan thật diễm phúc, nhưng trọng trách rất cao.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết quan tâm và sống chan hòa với mọi người trong đại gia đình nhân loại, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp, địa vị. Xin giúp chúng con luôn biết sẵn sàng chia sẻ mọi sự với mọi người, nhất là những người gặp khó khăn nhất.
4. “Cha ơi! Sao Cha bỏ rơi con?” (Mt 27,46).
Khi vui người vỗ tay vào, khi buồn chẳng thấy ma nào hỏi han! Đó là chuyện thường tình trong thế giới loài người. Chúa Giêsu cũng đồng cam số phận như chúng ta. Paul Claudel nhận định: “Chúa xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau”. Ở Chúa Giêsu, tất cả những nỗi đau khổ, nhục nhã, cô đơn,… đều tới mức tột đỉnh. Chúng ta không thể nào chịu nổi, và Ngài biết rõ như vậy. Lời Ngài thốt lên tưởng chừng tuyệt vọng đó lại chính là lời động viên chúng ta phải nỗ lực không ngừng, như thánh Phaolô khuyên: “Dù hoang mang nhưng đừng tuyệt vọng” (x. 2 Cr 4,8).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con kiên vững đức tin trong mọi hoàn cảnh, không nản chí sờn lòng, luôn cầu nguyện thành tâm và liên lỉ. Xin giúp chúng con giữ vững hy vọng ngay trong những lúc thất vọng nhất để đồng lao cộng khổ với Ngài, lập công cho chính chúng con và cứu rỗi các linh hồn.
5. “Tôi khát” (Ga 19,28).
Nhịn ăn nhịn uống từ sau Bữa Tiệc Ly tối hôm trước cho đến chiều hôm sau, sức kiệt hơi tàn, Chúa Giêsu kêu “khát” thì người ta lại cho Ngài nếm giấm chua! Ngài khát đến kiệt sức về thể lý, nhưng điều khiến Ngài “khát” đến tột cùng là động thái đáp lại Tình Ngài đã dành cho chúng ta một cách trọn vẹn và vô điều kiện, ngay khi chúng ta hoàn toàn bất xứng: Tội nhân!
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sẵn sàng và mau mắn theo tiếng gọi của trái tim là yêu mến Ngài hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Xin giúp chúng con biết khao khát yêu thương và thể hiện tình yêu ấy qua tha nhân.
6. “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Có khởi đầu thì có kết thúc. Mọi sự đều qua đi, chỉ có tình yêu là bền vững. Ngay chính ba đức đối thần (tin, cậy, mến) thì cuối cùng cũng chỉ còn đức mến. Yêu mến hoặc yêu thương không chỉ quan yếu ở đời này mà còn quan yếu cả trên Nước Trời, khi tất cả chúng ta đã thuộc trọn về Chúa. Chúa Giêsu hoàn tất công trình cứu độ, Ngài cũng muốn chúng ta hoàn tất công việc thường nhật, dù là những việc nhỏ nhất, việc đạo hay việc đời, hoàn tất trong ý thức trách nhiệm chứ không làm chiếu lệ cho qua lần. Đó là bổn phận sống với chính mình và với tha nhân. Lm Pierre xác định: “Con người chỉ được cứu độ khi trở thành người cứu độ”.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống đúng bổn phận từng ngày và hoàn tất bằng chính nỗ lực của chính mình chứ không ỷ lại mà cậy vào người khác, nhất là đừng bao giờ lợi dụng công sức của người khác để nhận là công lao của mình.
7. “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Giây phút cuối còn trên cõi đời, Chúa Giêsu không hề lưu luyến thế gian, Ngài tín thác và hạnh phúc trao phó linh hồn cho Chúa Cha. Ngài thanh thản về cùng Chúa Cha sau khi sứ vụ cứu độ đã được Ngài hoàn tất vẻ vang. Đó là bài học Ngài dạy chúng ta về niềm tín thác nơi Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, tín thác trong mọi sự, tín thác vô điều kiện, tín thác như Abraham ra đi theo tiếng Chúa gọi dù tay trắng và sẵn sàng hiến tế chính đứa con yêu dấu của mình. Chắc chắn rằng “ai tín thác vào Ngài sẽ không phải thất vọng” (x. Rm 10,11; 1 Pr 2,16).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tín thác và dấn thân phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân, không ngần ngại “vác tù và hàng tổng” vì Danh Chúa, để Ngài càng LỚN lên thì chúng con càng NHỎ lại.
Chúng con thật lòng cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng con nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, cảm tạ Đức Kitô đã đến, đã chịu chết và phục sinh “để cho chúng con được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10), và cảm tạ Chúa Thánh Thần đã soi lòng mở trí chúng con. Amen.
Tam nhật Vượt Qua – 2011
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu
-
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ