Cầu nguyện cùng Thánh Giuse về đức khiết tịnh
Thánh Giuse luôn được tôn kính một cách đặc biệt trong phụng vụ của Giáo Hội bởi vì Thánh Giuse là một trong 3 nhân tố tạo thành Thánh Gia. Mẹ Maria và Chúa Giêsu ở các thời điểm nhất định phải cậy nhờ đến sự chắc chắn của Ngài trong khoảng thời gian trên trần thế. Các sách thánh khi đề cập đến Thánh Giuse thường xem Ngài như là một mẫu mực của con người công chính, trầm lặng, bao dung, yêu lao động và nổi bật với đức khiết tịnh.
Thuật ngữ khiết tịnh được dùng phổ biến với Công giáo trong khi một thuật ngữ tương đương khác được thường thấy trong đời thường là sự trong sạch. Khiết tịnh là một nhân đức được kêu gọi cho tất cả các Kitô hữu không phân biệt giáo dân hay tu sĩ. Phụ thuộc vào vai trò của mỗi người trong cộng đồng mà sự thể hiện, yêu cầu về nhân đức này là khác nhau. Trong hôn nhân, đức khiết tịnh được định nghĩa là sự hủy bỏ những lạc thú nhục dục bị cấm, biết sử dụng quyền hôn nhân cách vừa phải. Trong khi đó, với các bậc tu sĩ khiết tịnh là một trong ba lời khấn bắt buộc và được xem là lời khấn quan trọng nhất. Khiết tịnh với họ là một sự lựa chọn tự do nhằm dành trọn tâm nguyện hướng tới Chúa, đến tha nhân và đạt đến quan hệ mật thiết với Thiên Chúa - Đấng Chí Thánh.
Một vấn đề đặt ra tại sao đức khiết tịnh là một yêu cầu quan trọng của đạo Công giáo? Có bốn nguyên nhân chính sau: 1. Bởi vì thân thể của con người chính là đền thờ, mà chính ta mời gọi Chúa Giêsu ngự vào, nhất là sau khi đón nhận bí tích Thánh Thể. 2. Trong bảy mối tội đầu - tội của mọi thứ tội - mê dâm dục được đứng thứ ba. 3. Trong tám mối phúc thật mà Chúa truyền dạy, sự trong sạch đứng hàng thứ sáu: "Phúc cho những kẻ tinh sạch trong lòng vì họ sẽ thấy Thiên Chúa" (Mt 5, 8). 4. Chiến thắng được bản thân sẽ giúp con người tăng cường sự mạnh mẽ về bản lĩnh, ý chí. Chúng là các tính cách quan trọng giúp con người dễ thành công cũng như vượt qua các thử thách nghiệt ngã khác.
Dù biết đức khiết tịnh là quan trọng với mọi Kitô hữu, nhưng để chiến thắng được những đam mê xác thịt có tính bản năng, con người phải có các phương sách thích ứng. Thượng sách là biết khiêm cung, liên lỉ cầu xin tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống. Ăn chay được coi là phương sách thứ hai. Ăn chay giúp ta tiết chế và điều khiển các ham muốn liên quan đến xác thịt khá hữu hiệu. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu cũng đã nói 2 phương thuốc hữu hiệu này dùng để chiến thắng thần ô uế ở Macco 9, 29 "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay". Chúng ta biết tự nhủ rằng tinh thần có thể mau mắn nhưng thân xác thì luôn nặng nề. Nếu chúng ta biết rằng Chúa Giêsu sẽ rất đau buồn khi chứng kiến người con của Ngài là kẻ bại trận trong cuộc chiến đam mê này, chúng ta sẽ rất cảnh giác vượt qua ranh giới phạm tội mong manh ấy. Chúng ta không thể để một Người Cha yêu mến chúng ta đến tận cùng cứ tiếp tục đau khổ vì những đam mê phù vân của những người con. Và Ngài sẽ vui mừng khi chứng kiến sự chiến thắng của những học trò Ngài.
Phân tích nhân đức này ở một chiều kích khác - kẻ thù của đức khiết tịnh là ai? Trên hết và trước hết chính là thân xác rất yếu đuối của con người, là những thỏa hiệp, các chọn lựa dễ dãi cho bản thân và là sự lạm dụng tình yêu bao la của Thiên Chúa. Kế đến là các phương tiện truyền thông, những người bạn xấu quanh ta.
Đức khiết tịnh là hồng ân của Thiên Chúa và sự nỗ lực của con người vì tình yêu đối với Ngài. Sống khiết tịnh giữa cuộc sống trần thế có thể là sự điên rồ nhưng lại là khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và chỉ có Ngài mới thấu hiểu vì sao chúng ta chọn con đường hẹp có tên khiết tịnh để dấn bước. Tin Mừng Mathêu 19, 11 nêu rõ: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu".
Lạy Thánh Giuse, chúng con là những phận người mang trong mình một thân xác rất yếu đuối và đầy tội lỗi, xin Ngài giúp đỡ để chúng con đủ dũng khí bỏ qua các đam mê tầm thường và tìm thấy niềm vui theo bước chân Cha. Xin luôn bên cạnh nhắc nhở để chúng con biết rằng thân xác chúng con là đền thờ Chúa Thánh Thần và chúng con biết tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi