Canh tân - đổi mới

Canh tân - đổi mới

Chủ đề Lời Chủ Chăn tháng 7-2010 của Đức Hồng Y Gioan Baotixita là “Việc cần làm: canh tân ngôi nhà Giáo Hội” [1]. Trong Thư mục vụ đầu Xuân 2011 [2], ngài lại chọn chủ đề “Lời kêu gọi canh tân, đổi mới”, thêm thuật từ “đổi mới”, và ngài nói: “Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 kêu gọi mọi người Công Giáo Việt Nam hãy canh tân đời sống, đổi mới nếp nghĩ, lối ứng xử và cách làm, nhằm xây mới sự hiệp thông trong Giáo Hội”. Vậy canh tân và đổi mới có giống nhau không?

1. Nghĩa của những chữ canh, tân, đổi, mới.

1.1. Canh có nhiều chữ Hán: 更, 羹, 羮, 耕, 畊, 庚, 賡 (赓), 埂, 埄, 鶊 (鹒), 秔, 粇, 稉, 粳, 浭, trường hợp này là chữ更, nghĩa là: dt. (1) Đơn vị cổ chỉ thời gian bằng 1/5 của đêm: Đêm năm canh, ngày sáu khắc. (2) Họ Canh. đt. (3) Đổi khác, sửa đổi: Canh bộc (đổi người khác thay mặt mình); canh tân (đổi mới). (4) Từng trải: Thiếu canh bất sự (nhỏ chẳng trải việc, ít tuổi chưa từng trải mấy).

Nghĩa Nôm: đt. (1) Chăm nom: Canh coi. (2) Nấu lâu cho thêm nồng độ: Canh thuốc. (3) Mang bên lòng: Canh cánh nào nguôi.

1.2. Tân có 13 chữ Hán: 新, 濱, 津, 滨, 賓(宾), 薪, 辛, 鋅 (锌), 檳 (槟), 莘, 繽 (缤), 獱, 蠙. Ở đây chúng ta bàn về chữ新, nghĩa là dt. (1) Mới: Thôi trần xuất tân (đẩy cũ ra mới, trừ cái cũ đi, đem cái mới ra). (2) Quốc hiệu của Vương Mãng sau khi cướp ngôi nhà Hán (năm 8-22). (3) Tên viết tắt của tỉnh Tân Cương. (4) Họ Tân. (5) Phiên âm: Tân gia ba (Singapore). đt. (6) Cải tiến: Nhật tân hựu tân (ngày càng đổi mới). (7) Trong sạch: Cải quá tự tân (đổi lỗi cũ để tự sửa cho mình trong sạch, chừa bỏ điều lỗi, sửa lại mình). tt. (8) Mới: Tân niên (năm mới). (9) Những gì thuộc về mới cưới: Tân lang (chú rể), tân phòng (phòng của vợ chồng mới cưới)…

Nghĩa Nôm: dt. (1) Xử nữ: Gái tân. (2) Màng trinh: Còn tân.

1.3 Đổi (Nôm), nghĩa là đt. (1) Biến dạng: Đổi trắng thay đen. (2) Đưa cái mình có để lấy cái người khác có, theo thoả thuận giữa hai bên: Đổi tiền lẻ. (2) Thay bằng cái khác: Đổi địa chỉ, đổi tên, đổi ngôi. (3) Biến chuyển từ trạng thái, tính chất này sang trạng thái, tính chất khác: Tình thế đã đổi khác, đổi tính nết. (4) Chuyển đi làm việc ở một nơi khác: Đổi đi công tác khác.

1.4 Mới (Nôm), nghĩa là: dt. (1) Người gõ mõ, rao mõ trong làng, theo cách gọi thông tục: thằng mới. tt. (2) Vừa làm xong mà chưa dùng hoặc chưa lâu, chưa cũ: Bộ quần áo mới, ngôi nhà mới. (3) Vừa có, chưa lâu: Học sinh mới, người bạn mới. (4) Tiến bộ, thích hợp với thời đại: Cách làm ăn mới, tư tưởng mới. pht. (5) Với thời gian chưa lâu: Nó mới đến, mới năm ngoái thôi. (6) Còn quá sớm, chưa nhiều thời gian: Họ mới gặp nhau được vài lần. (7) Mãi đến thời gian nào đó, không sớm hơn: Đến trưa mới xong. trt. (8) Từ nhấn mạnh mức độ, tỏ ra hết sức ngạc nhiên: Nó nói mới thú vị làm sao! (9) Chỉ có thể thực hiện được, biết được (khi có điều kiện gì): Có thực mới vực được đạo (tng.), thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người có nhân (tng.).

2. Nghĩa của thuật từ đổi mới và canh tân:

Đổi mới là thay cái mình đang có bằng cái khác tiến bộ, thích hợp hơn. Canh tân là thay cái cũ đổi lấy cái mới.

Đồng nghĩa thay đổi với chữ canh còn có chữ cải (改) và chữ cách (革):

- Cải 改: đt. (1) Thay đổi: Cải lão hoàn đồng, cải dạng. (2) Sửa cho tốt hơn, thay ác ra thiện. xấu ra tốt, sai thành đúng: Cải cách, cải trang (lắp đặt lại). (3) Lại lần nữa: Cải giá. (4) Cái khác: Cải nhật (ngày khác). (5) Cụm từ: Cải chùy (lưỡi vặn ốc).

- Cách革: đt. (1) Thay đổi, đổi cũ ra mới: Cải cách, cách mạng; (2) Tước, bỏ đi, không dùng nữa: Cách chức, bị cách; dt. (3) Da thú, da thuộc: Cách lý (giầy da).

Đổi mới, cải tân, cách tân hay canh tân đều có nghĩa là thay cái cũ đổi lấy cái mới, riêng thuật từ cách tân thường được dùng nói về văn hóa. Các thuật từ này đồng nghĩa với nhau, chỉ có khác biệt ở chỗ cải tân, cách tân và canh tân là tiếng Hán Việt, còn đổi mới là tiếng Nôm.

Trong Thánh Kinh, Nhóm CGKPV dùng từ “đổi mới” để dịch chữ innovatus (Go 29, 20; Tv 51, 12; Kn 7,27; Ac 5, 21) và renovatus (Tv 104, 30; Rm 12, 2; 2Cr 4, 16; Ep 4, 23; Cl 3, 10; Tt 3, 5; Dt 6, 6). Trong tiếng Latin, innovatus: Đổi mới, cách tân; renovatus: Nâng cấp, cải tiến, đổi mới; sửa chữa lại, hồi phục lại. Tiếp đầu ngữ in-: trong, vào trong; re-: tái lại, một lần nữa; novus: mới.

3. Những thuật từ này được Thánh Phaolô giảng dạy một cách cụ thể và dễ hiểu: “Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá” (Cl 3, 9-10), đây chính là ý nghĩa của “canh tân”.

Theo ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận: “Canh tân không phải chỉ đổi nước mã bên ngoài, đổi một số nghi thức cho “ngoạn mục”, đổi tên các uỷ ban cho “kêu” hơn, đập đổ cơ cấu cũ, dựng nên một số tổ chức mới, hội nghị, tuyên ngôn... Canh tân là trở về nguồn, là thích nghi Phúc Âm với thế giới hôm nay. Thánh Phaolô nói rõ: “Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xưa kia... Hãy để Thần Khí đổi mới anh em thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã tạo dựng nên theo Thiên Chúa...” (Ep 4,22-24). Công thức canh tân: Làm cho người Công Giáo trở lại đạo Công Giáo. Làm cho người Kitô hữu trở lại với Chúa Kitô. Động lực và tác giả mọi cuộc canh tân trong Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, "Đấng canh tân mặt đất". Con không thể canh tân ngoài Chúa Thánh Thần (x. Đường Hy Vọng, số 634-662).

Cha Anthony de Mello trong cuốn “The Song Of The Bird” viết câu truyện về Sufi Bayazid, ông nói về chính mình như sau: Tôi là nhà cách mạng, khi tôi còn trẻ và tất cả lời cầu nguyện của tôi với Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.” Khi tôi tới tuổi trung tuần và nhận thấy rằng nửa đời người đã qua đi mà không đổi thay được một tâm hồn nào. Tôi đã thay đổi lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi những người liên hệ và gặp gỡ con, như gia đình và bạn bè của con và con sẽ được an lòng”. Bây giờ, tôi đã già và ngày giờ sắp hết, lời cầu của tôi: “Lạy Chúa, xin cho con ân sủng để thay đổi chính con”. Nếu tôi cầu nguyện điều này ngay từ khởi đầu, tôi đã không phí uổng cuộc đời của mình. (Change the world by changing me, trang 40).

4. Kết luận.

Trong Mùa Chay, Hội Thánh kêu gọi các tín hữu canh tân cuộc sống, từ bỏ lối sống cũ, con người cũ, những gì không tốt, để sống đời sống mới, công chính và thiện hảo hơn: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới” (Cl 3, 1-2). Mùa chay là thời gian thuận tiện để đổi mới con người và cuộc sống.

Nhưng không chỉ trong Mùa Chay mà là thường xuyên, Kitô hữu phải từ bỏ những gì không tốt và tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa: “Giáo Hội, Mẹ hiền không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, cũng như khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để dấu ấn của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội” (GH 15). Đó chính là “canh tân” hay “đổi mới” của Kitô hữu vậy.

______________________________________________________

Ghi chú:

[1] http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100703/5603
[2]http://hdgmvietnam.org/thu-muc-vu-dau-xuan-2011-cua-duc-hong-y-tong-giam- muc-tgp-tp-hcm/2557.124.3.aspx

Top