Cái nhìn của Giáo Hội về người đồng tính và “hôn nhân” đồng giới

Cái nhìn của Giáo Hội về người đồng tính và “hôn nhân” đồng giới

Vài sự kiện dẫn nhập

Hiện nay, cho đến tháng Năm 2013, đã có mười bốn nước trên thế giới có hôn nhân đồng tính được luật pháp nhìn nhận là: Argentina, Bỉ, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Hòa Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nam Phi, Thụy Điển, Uruguay. Pháp là nước thứ mười bốn ngày 23.4 vừa qua đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi. Riêng ở Mỹ, hiện nay hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa tại 12 tiểu bang và quận Columbia (trong đó có Connecticut, Delaware, Iowa, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota (1/8/2013), New Hampshire, New York, Rhode Island (1/8/2013), Vermont and Washington). Ba mươi sáu tiểu bang đã có lệnh cấm hôn nhân đồng tính. Chính phủ liên bang không công nhận vấn đề hôn nhân đồng tính này.

Ngày 26.5.2013 hơn 1 triệu người Pháp xuống đường ở thủ đô Paris chống luật hôn nhân đồng tính. Luật hôn nhân đồng tính là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc tại nước Pháp, mặc dù được tổng thống Hollande ủng hộ.

Tại Hà Nội, ngày 17.05.2013 vừa qua các bạn trẻ cộng đồng LGBT (Les, Gay, Bisexual, Transgender) làm một đám cưới tập thể (dĩ nhiên là giả) 10 đôi uyên ương đồng giới, nhằm chào mừng ngày quốc tế chống kỳ thị người đồng tính (IDAHO), đã gây sự chú ý đặc biệt trong công luận Việt Nam.

Uỷ Ban Nhân Dân TP Hà Nội cho rằng thực tế hiện nay hiểu biết của xã hội Việt Nam về đồng tính còn rất hạn chế. Đa số đang hiểu sai ít hoặc nhiều về người đồng tính. Theo đó, UBND TP Hà Nội đề xuất luật nên quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam cũng như mục đích của việc kết hôn. Tương tự, báo cáo của Sở Tư pháp Thanh Hóa cũng cho rằng việc kết hôn giữa những người đồng giới là trái với quy luật phát triển bền vững của xã hội do không đảm bảo được chức năng của gia đình là duy trì nòi giống.

Còn người Công giáo có cái nhìn thế nào về những người đồng tính này, có quan điểm nào về sự kết hôn đồng giới có thể được luật hóa trong tương lai?

1. Có thể định nghĩa đồng tính như thế nào ?

Truyền thống thường mô tả đồng tính luyến ái (homosexuality) hay sự hấp dẫn đồng giới (same-sex attraction – SSA) như là một sự thu hút dai dẳng và nổi trội, về mặt tình dục hay sinh lí, từ phía những người cùng giới với mình. Chữ “dai dẳng” có ý muốn nói có lẽ đương sự ít cảm thấy thích thú hơn về tình dục đối với người khác phái.

Một định nghĩa truyền thống khác do tiến sĩ Gerard van den Aardweg : “Chúng tôi dùng chữ đồng tính ở đây để chỉ những ước muốn tình dục hướng tới những người cùng phái, đồng thời giảm đi sự thích thú tình dục đối với những người khác phái”[1].

2. Nguồn gốc

Từ một quan điểm khác, tiến sĩ Elizabeth Moberly cho rằng xu hướng đồng tính “không phụ thuộc vào sự thiếu cân bằng hoóc-môn có tính di truyền hoặc do các tiến trình tiếp thu bất bình thường, nhưng do từ những khó khăn trong mối quan hệ cha mẹ-con, nhất là trong những năm tháng của thời thơ ấu”[2].

Trong khi nhìn nhận tính phức tạp của hiện tượng đồng tính luyến ái, Moberly lưu ý một nguyên lí cơ bản, đó là: người nam hay người nữ đồng tính đã phải chịu một sự thiếu thốn nào đó trong mối quan hệ với người cha hay người mẹ cùng giới với mình, và có một xung năng tương ứng nhằm cải thiện sự thiếu thốn ấy nhờ mối quan hệ đồng giới hay đồng tính. Có thể tình trạng này là hậu quả của một chấn thương nào đó thời thơ ấu, đã hủy diệt sự quyến luyến đối với người cha hay mẹ đồng giới, để lại nơi đứa bé nhu cầu quyến luyến đồng giới không được thỏa nguyện. Điều này không hàm nghĩa người cha/mẹ đồng giới với em chủ tâm bỏ bê hay đối xử với em tàn tệ.

Moberly có ý muốn nói đồng tính (homosexuality) nói chung là một tình trạng lưỡng nan về đồng giới, nghĩa là, trước hết đó là một vấn đề về căn cước giới tính (gender-identity) hơn là vấn đề về tình dục-sinh dục[3]. Vì đứa bé kìm nén hay trấn áp giới tính của mình, nên xung năng đối trọng để khôi phục lại sự quyến luyến được củng cố mạnh thêm. Hậu quả của sự rời bỏ có tính phòng vệ đó là tình trạng lưỡng nan đồng giới[4].Quan điểm truyền thống về đồng tính tập chú vào ước muốn tình dục-sinh dục đối với một người đồng phái, trong khi định nghĩa của Moberly thì liên hệ đến sự lưỡng nan về căn cước giới tính của một người. Tình trạng này tồn tại trước, hay độc lập đối với bất kì một hoạt động tình dục nào. Điều quan trọng là, nhu cầu về căn cước giới tính của một người có thể  (và phải) được đáp ứng cách độc lập đối với bất kì một hoạt động tình dục nào[5].

3. Quan điểm của Hội thánh Công giáo về đồng tính

Trong Kinh thánh các đoạn văn liên quan đều kết án các hành động đồng tính. Thư gửi các đức Giám mục thuộc Hội Thánh Công Giáo về việc Chăm sóc Mục vụ cho những Người Đồng tính, do Bộ Giáo Lí Đức Tin ban hành năm 1986, đã trích dẫn những đoạn Kinh thánh sau đây : Sáng thế 19, 4-11 (liên hệ đến chuyện phá hủy thành Sơđôm và Gômôra vì đã thực hành đồng tính), và Lêvi 18, 22; 20, 13 (lên án chuyện ăn nằm giữa hai người đồng giới là điều ghê tởm), Rôma 1, 18-32 (lên án những hành vi đồng tính giữa người nam với nhau, và giữa người nữ với nhau)[6]. Trong bối cảnh mới Kitô giáo phải đối đầu với xã hội ngoại giáo thời bấy giờ, thánh Phaolô dùng kiểu sống đồng tính như một ví dụ cho tình trạng mù tối đang bao trùm trên nhân loại : xem 1Côrinthô 6, 9-10 (trong đó thánh Phaolô dạy rằng những kẻ làm những hành động đồng tính sẽ không được vào Nước Thiên Chúa) và 1 Timôthê 1, 9-10 (lặp lại những lời cảnh cáo trong 1 Côrinthô). Trong Rôma 1, 26, những thực hành đồng tính giữa nữ với nữ cũng bị lên án cách riêng.

Quan điểm dứt khoát của Hội thánh về đồng tính luyến ái được tuyên bố trong sách Giáo Lí Hội Thánh Công Giáo.

Dựa trên Kinh thánh, vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự”. Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng loại bỏ khỏi hành vi tính dục tặng phẩm sự sống. Chúng cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc cho nhau thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.[7]

Thật ra, lập luận chống hoạt động đồng tính luyến ái “xuất phát trực tiếp từ giáo huấn của mạc khải về hôn nhân, cụ thể dạy rằng hai mục đích của hành động tính dục con người là sự hợp nhất thường xuyên trong tình yêu giữa người chồng và người vợ và sinh sản con cái – hai mục đích này gắn liền với nhau không thể tách biệt. Vì hoạt động đồng tính luyến ái không thể thực hiện mục đích này cũng như mục đích kia, nên chắc chắn tự chính bản chất của nó là vô luân”[8]. Từ đó ta đi tới kết luận “không thể sánh ví đồng hàng giữa hôn nhân của hai người khác giới và thực hành tính dục ngoài hôn nhân, bao gồm trong đó cả những phối giao đồng tính”[9].

4. Bản chất của hôn nhân

Trong Kinh Thánh, hai chương đầu của sách Sáng thế có bao hàm những đoạn văn nền tảng về hôn nhân. Sáng thế 1,27-28 thuộc trình thuật sáng tạo thứ nhất tuyên bố «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”». Trong trình thuật sáng tạo thứ hai, Sáng thế 2,23-24, Thiên Chúa giới thiệu Eva và Ađam cho nhau, và Ađam hô lên «‘Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút tự đàn ông ra’. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt». Nên lưu ý hai bản văn này đã mô tả hai thân xác hiệp thông với nhau như thế nào cũng như từ đó một đứa con được sinh ra (xem Sáng thế 4,1 nói về sự sinh hạ Cain).

Trong Tân ước, Đức Giêsu tái xác nhận lề luật đã được tuyên bố trong sáng Sáng thế. Phúc âm thánh Mathêu 19,3-7 ghi lại câu chuyện những người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu người ta có được phép li dị vợ mình vì bất kì lí do gì hay không. Đức Giêsu trả lời: «Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’, và Ngài đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’ ? Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li».

Đoạn Thư Êphêsô chương 5 là một đoạn văn tuyệt vời trong đó người làm chồng được ví như Đức Kitô và người làm vợ như là Hội Thánh. Khi thánh Phaolô muốn diễn tả tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, ngài nhờ đến tình yêu nam-nữ giữa vợ chồng: «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa Hội Thánh... Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình» (Ep 5,25; 5,28). Thế rồi thánh Phaolô trích dẫn Sáng thế 2,24: «Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình» (Ep 5,31). Thế đó, luật của Sáng thế về sự kết hôn dị tính (giữa một nam và một nữ) và vĩnh hôn, được khẳng định lại.

5. Đối thoại với các nền văn hóa hiện nay

Không phải ai cũng tin vào mạc khải của Kitô giáo. Trong thực tế để đối thoại với những người không tin với các nền văn hóa hiện nay, người tín hữu Công giáo có thể dùng những lập luận rút ra từ luật luân lí tự nhiên. Luật luân lí tự nhiên là một luật trong phạm vi của con người bắt đầu có hiệu lực khi một đứa trẻ tới tuổi khôn. Đó là tiếng lương tâm giúp ta phân biệt phải hay trái. Đó là việc làm của một lí trí ngay thẳng. Thánh Phaolô nhắc tới luật tự nhiên này trong đoạn Thư Rôma 2,14-15 khi ngài nói rằng dân ngoại là những người không biết luật Môsê, nhưng họ có luật này được ghi khắc trong lòng họ.

Theo luật tự nhiên, phần đa số con người, nam cũng như nữ, có chịu sự thu hút về thể lí tự nhiên từ phía người khác giới, và sự thu hút đó có ý nghĩa để đưa tới một sự kết hợp thân mật vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ trong hôn nhân hướng tới việc sinh con cái. Chúng ta gọi điều này là tính bổ túc cho nhau giữa hai giới nam và nữ. Với tiên đề này chúng ta xem xét lập luận của triết gia Michael Pakaluk. Ông chống các hành động đồng tính luyến ái và lập luận từ ý nghĩa của hành vi giao hợp vợ chồng, “vốn là một tình trạng đặc thù khác với các hoạt động nhân linh khác. ... Chúng ta nói tính dục là đặc thù bởi vì nó là một dấu hiệu của sự kết hợp hai thân xác, và điều đó có ý nghĩa là một sự kết hợp hai nhân vị. Như thế, quả là đúng nếu ta nói khi một người đàn ông và một người đàn bà dấn mình vào tình dục, thì sự giao hợp hai thân xác họ (bodies) có nghĩa là sự hợp nhất hai bản vị của họ (selves)”[10]. Pakaluk còn nói thêm “sự giao hợp tình dục có một ý nghĩa độc lập nào đó của lựa chọn của ta; nó có nghĩa là một sự kết hợp bản vị. Vì thế, chúng ta không thể thay đổi ý nghĩa khách quan của sự giao hợp tình dục.

“Hơn nữa, vì giao hợp tình dục giữa một người nam và một người nữ mang tính chất hướng đến sinh sản, hành vi hướng đến việc sản sinh ra con cái, bản thân chúng vốn là sự kết hợp các đặc trưng của vợ và chồng, và như thế càng làm gia tăng sự hiệp nhất vợ chồng. Như chúng ta biết, giao hoan đồng tính thì không có được những sức mạnh đó”.

Có thể triển khai các lập luận khác. Không thể có một sự hiệp thông thân xác đích thực trong giao hoan đồng tính. Cách đây ít năm một người mẹ, là thành viên của nhóm hướng dẫn một cuộc gặp gỡ tĩnh tâm cho các cặp đính ước (Engagement Encounter), đến gặp riêng một vị linh mục đồng hành với Phong trào Courage, hỏi về hành vi đồng tính: “Họ làm ‘chuyện ấy’ như thế nào, hở cha?” Vị linh mục mô tả cách thức họ làm ‘chuyện ấy’, và bà ta cười phá lên và nói: “mấy cái bộ phận làm sao mà tra khớp vừa khít được!”

6. Mục vụ cho những người có sự thu hút đồng giới (SSA)

Cha John F. Harvey, O.S.F.S., kể từ những năm giữa thập niên 1980, đã tham vấn cho các bạn trẻ đồng tính trong khi dùng đến những kết quả của Moberly giúp họ nhận ra rằng họ có thể làm cái gì đó về tình trạng thu hút đồng giới này của họ. Khi một bạn trẻ bắt đầu hiểu ra rằng không ai chủ ý chọn cho mình loại cảm giác thu hút này và rằng anh (hay cô ta) có thể học để khống chế quyền lực của nó, anh (cô ta) thường muốn làm việc với cả nhà tham vấn tâm linh và nhà tâm lí trị liệu, để giúp mình giải quyết vấn đề. Bạn trẻ ấy sẽ rất vui khi nghe, theo như Moberly hiểu, rằng sự thu hút đồng giới không phải là một điều bệnh hoạn (xu hướng bị thu hút đồng giới thì khác với hành vi và lối sống đồng tính có giao hoan tình dục). Thật ra đó là xung năng để khôi phục lại những quyến luyến vốn đã bị đổ vỡ với “một suối nguồn yêu thương, vốn là chính người cha hay người mẹ cùng giới với bạn ấy” và như thế, đây “không phải là một vấn đề cho bằng là một nỗ lực giải đáp vấn đề”[11]. Vấn đề bệnh hoạn hay không là ở chỗ đứa trẻ bị tách li sớm khỏi người cha hay người mẹ cùng giới trong tình trạng đổ vỡ oán trách, tuy nhiên người ta có thể sửa chữa sự thiếu hụt do quá khứ ấy bằng sự vun đắp một tình bạn đồng giới thanh khiết[12]. Trong khi giúp đỡ những người chịu sự thu hút đồng giới (SSA) sống đức khiết tịnh (là mục tiêu chính yếu của Phong trào Courage [Can đảm]), cha John nhận thấy quan điểm của Moberly rất hữu ích[13]. Theo đuổi đức khiết tịnh là bước đầu tiên rời xa chứng thu hút đồng giới (SSA). Cá nhân người đồng tính có thể không hoàn toàn phục hồi trở về tình trạng xu hướng dị tính tự nhiên, nhưng người ấy đang đi trên con đường tâm linh đúng đắn. Nhờ ơn Chúa, người ấy không những sẽ tránh được sa ngã phạm tội tình dục đồng giới mà còn phát triển được một tâm hồn khiết tịnh. Trong tiến trình từ giai đoạn non nớt sống thiên về cảm xúc đến giai đoạn trưởng thành hơn về tình cảm (tình cảm được hướng theo một trật tự ngay chính) những bạn này phát triển từng ngày một nhân đức gọi cho chính xác là khiết tịnh hay tiết độ (continence). Người có nhân đức khiết tịnh, theo định nghĩa, phải thường xuyên sống cảm xúc của mình hòa hợp với lí trí. Chừng nào người ấy vẫn còn sống cái phản ứng tách li phòng vệ hoặc bị thu hút tình dục chủ yếu bởi những người đồng giới, thì vẫn còn một lỗ hổng lớn trong tương quan giữa lí trí và tình cảm.

Thái độ và cái nhìn của Kitô hữu về anh chị em có sự thu hút đồng giới

Nhiều vị mục tử và các nhà thần học mục vụ chuyên về lãnh vực này tránh dùng những nhãn hiệu như “gay” (đồng tính nam) và “lesbian” (đồng tính nữ) hay “bisexual” (song tính) xuất phát từ tầm nhìn nhân học đúng đắn của Kitô giáo vốn coi trọng nhân vị, hình ảnh của Thiên Chúa. Đối với họ, một con người hay một cá vị thì khác hẳn một xu hướng tình dục. Một cá nhân là một ngôi vị, là một thọ tạo được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, có trí hiểu và ý chí tự do, được tiền định để sống đời vĩnh cửu, và khi được rửa tội, lại là một người anh em hay chị em của Đức Kitô. Khi nói về người anh em hay chị em ấy như là kẻ “đồng tính” là ta đã giảm thiểu con người ấy (vốn là một nhân vị) thành chỉ như là một xu hướng tình dục. Một con người thì khác xa hơn nhiều do mầu nhiệm ngã vị tính của người ấy.

Những từ ngữ như “gay” hay “lesbian” thậm chí còn giảm trừ hơn nữa tính phức tạp kì diệu của mầu nhiệm ngôi vị. Gọi những người anh em / chị em ấy là “gay” hay là “lesbian” tức là xem xu hướng tình dục của họ như là điểm quan trọng nhất của căn tính con người họ. Sinh ra làm người theo cách như thế ấy hay không, đối với những cá nhân đó, không là vấn đề. Họ tuyên bố rằng: “Đó là cái cách thức mà tôi sống và sẽ luôn như thế. Tôi phải kết bạn với những người giống như tôi và để rồi sau cùng sẽ tìm thấy được một đối tác (bạn tình) lí tưởng mà tôi có thể kết giao trong một ‘quan hệ đơn nhất’ để ổn định cuộc sống. Tôi sẽ ra sức để kiến tạo nên một xã hội trong đó những người kết giao đồng tính có cùng quyền lợi như những người kết hôn dị tính”.

Cả ba hình thức xác định bản vị kiểu như thế (đồng tính luyến ái, gay, và lesbian) đều không thể mô tả một người hiện hữu như là một nhân vị. Không chỉ là một vấn đề lí thuyết, bạn nhìn chính mình như một nhân vị như thế nào liên quan chặt chẽ với cái nhìn về bản thân bạn và thiết lập những mục tiêu cá nhân của bạn cho tương lai thế nào. Hình ảnh về bản thân bạn như thế nào tác động rất lớn trên hành vi cuộc sống bạn.

Gọi người ấy là người có xu hướng bị “thu hút bởi người đồng giới” (“same-sex attraction”) (đối lại với cách gọi họ  “gay” hoặc “lesbian”) đặt trọng tâm trên tính duy nhất của ngôi vị hơn là trên một xu hướng (tendency) vốn ở thấp bên dưới lí trí và có thể thay đổi khi người ấy trưởng thành hơn. Trong ngôn ngữ của thời đại, người ta lại nói đến “hướng định” đồng tính (homosexual “orientation”). Thật không may, trong số nhiều người có xu hướng chịu “sự thu hút đồng giới”, từ ngữ trên mang một hàm nghĩa ấy là một xu hướng tất định, không thay đổi được. Nhưng đó không phải là trường hợp của nhiều cá nhân, cách riêng của những em tuổi teennghĩ mình là người đồng tính, nhưng chỉ sau ít năm lại đi yêu một người khác phái!

Nỗi khó khăn của việc ‘dán nhãn’ cho một ai đó, là: làm như thế là đã giới hạn người ấy vào một số tùy chọn và tầm nhìn giới hạn nhất định rồi. Bộ Giáo Lí Đức Tin phát hành văn kiện Về Chăm Sóc Mục Vụ cho Những Người Đồng Tính, nói rất rõ điểm này: «Ngày nay Hội Thánh đề nghị một cảnh vực hết sức cần thiết cho việc chăm sóc mục vụ con người, khi từ khước xem họ như là ‘người đồng tính’ (homosexual) hay như là ‘người dị tính’ (heterosexual), và luôn nhấn mạnh rằng mỗi người đều có một căn tính nền tảng. Họ là thụ tạo của Chúa, và nhờ ơn Chúa họ còn là con cái Chúa và được hưởng gia nghiệp đời đời»[14].

Vì thế, tình cảnh của một người có xu hướng đồng tính không lấy mất của người ấy phẩm giá thụ tạo được Chúa ban cho, cũng không làm thay đổi sự kiện một người đã rửa tội là anh em hay chị em của Đức Kitô với hi vọng được sống đời vĩnh cửu. Trên bình diện nhân bản, theo quan điểm của tiến sĩ Joseph Nicolosi, tác giả của Healing Homosexuality (Chữa lành Đồng tính), người ta nên nhìn bản thân mình như là một người vốn tự nhiên có xu hướng dị tính với vấn đề đồng tính[15].

Kết

Thiên Chúa không tạo dựng con người đồng tính; Ngài để cho con người chịu nỗi niềm riêng này là có những lí do bí nhiệm riêng của Ngài. Đừng ai để mình bị cám dỗ đi đến mức tự ghét bản thân, than thân trách phận, và oán trách Thiên Chúa vì một tin tưởng sai lầm rằng Ngài đã dựng nên mình đồng tính. Khinh bỉ bản thân mình vì mình là người có xu hướng chịu sự thu hút đồng giới (SSA) thật ra là một hình thái của chứng “sợ người đồng tính” (homophobia) và thậm chí thù ghét chính bản thân mình cách phi lí.

Ngày nay vẫn có nhiều người sợ một cách phi lí những người mang tiếng là đồng tính luyến ái bởi vì tình cảnh của những người ấy bị hiểu lẫn lộn với tình trạng của những người lạm dụng tình dục trẻ em (pedophilia), hoặc xem họ gắn liền với AIDS, hoặc cho là những người ấy đã tự chọn cách sống như thế. Thế nhưng, Hội thánh dạy chúng ta nên có một chương trình chăm sóc mục vụ đặc biệt cho những anh chị em có sự thu hút đồng giới, đồng thời đối xử với họ bằng thái độ yêu thương và kính trọng: «Phẩm giá của mỗi người phải luôn được kính trọng bằng lời nói, hành động, và bằng luật pháp»[16].

THƯ MỤC

1. BỘ GIÁO LÍ ĐƯC TIN, Thư gửi các đức Giám mục thuộc Hội Thánh Công Giáo về việc Chăm sóc Mục vụ cho những Người Đồng tính (1986)
2. MOBERLY, E. R., Homosexuality: A New Christian Ethic (Cambridge, England: James Clark, 1983)
3. MOBERLY, E. R., Psychogenesis: The Early Development of Gender Identity (London: Routledge and Kegan Paul, 1983)
4. HARVEY, J. F., O.S.F.S., The Homosexual Person (San Francisco: Ignatius Press, 1987)
5. HARVEY,
 J. F., O.S.F.S.The Truth about Homosexuality (San Francisco: Ignatius Press, 1996)
6. HARVEY, J. F., O.S.F.S., Homosexuality and The Catholic Church (Ascension Press, LLC, 2007)
7. AARDWEG, G. VAN DEN, On the Origins and Treatment of Homosexuality (New York: Praeger, 1986)
8. NICOLOSI, J., PH.D., Healing Homosexuality (Northvale, NJ: Jason Aronson, 1997)


[1] G. VAN DEN AARDWEG, On the Origins and Treatment of Homosexuality (New York: Praeger, 1986), p. 1.
[2] E. R. MOBERLY, Homosexuality: A New Christian Ethic (Cambridge, England: James Clark, 1983), p. 2.
[3] J. F. HARVEY, O.S.F.S., The Homosexual Person (San Francisco: Ignatius Press, 1987), p.28.
[4] E.R. MOBERLY, Homosexuality: A New Christian Ethic, được trích lại trong Harvey, The Homosexual Person, p.28.
[5] HARVEY, The Homosexual Person, p.28.
[6] BÔ GIÁO LÍ ĐƯC TIN, (Thư gửi các đức Giám mục thuộc Hội Thánh Công Giáo) Về việc Chăm sóc Mục vụ cho những Người Đồng tính (1986), ss. 6-8; cũng nên tham khảo Persona Humana, s.8.
[7] Sách GLHTCG,  2357.
[8] J. F. HARVEY, O.S.F.S., The Truth about Homosexuality (San Francisco: Ignatius Press, 1996)p.304.
[9] Ibid.,p.127.
[10] Ibid., p.133.
[11] E. R. MOBERLY, Psychogenesis: The Early Development of Gender Identity (London: Routledge and Kegan Paul, 1983), p. x.
[12] MOBERLY, Homosexuality, pp. 28-29.
[13] Để biết chi tiết hơn lí thuyết của Moberly xin tham khảo chương ba của HARVEY, The Homosexual Person, p.38-48.
[14] BÔ GIÁO LÍ ĐƯC TIN, Về Chăm Sóc Mục Vụ cho Những Người Đồng Tính (1986), 16.
[15] J. NICOLOSI, PH.D., Healing Homosexuality (Northvale, NJ: Jason Aronson, 1997).
[16] Về Chăm Sóc Mục Vụ cho Những Người Đồng Tính (CSMVĐT), 10.

Top