Bài Giáo Lý Cộng Đồng - Năm Đức Tin: Tháng 6/2013

Bài Giáo Lý Cộng Đồng - Năm Đức Tin: Tháng 6/2013

Tháng 6/2013

Thông thường trong tháng 6, Hội Thánh cử hành những ngày lễ trọng như lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vì thế, đây là thời gian giúp người Kitô hữu đào sâu mầu nhiệm Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ tiếp cận mầu nhiệm ấy qua 4 tuần lễ :

Tuần 1: Thiên Chúa duy nhất
Tuần 2: Thiên Chúa là chân lý và tình yêu
Tuần 3: Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần
Tuần 4: Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

TUẦN 1
THIÊN CHÚA DUY NHẤT

Khai triển nội dung

“Tôi tin kính một Thiên Chúa”, chúng ta bắt đầu kinh Tin Kính bằng lời tuyên xưng như thế. Cho nên niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là nền tảng và khởi nguyên của những lời tuyên xưng khác.

1. Niềm tin này đã được cắm rễ sâu trong Cựu Ước. Thiên Chúa tự mặc khải cho dân Israel rằng Ngài là Thiên Chúa duy nhất: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Các tiên tri tiếp tục nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất: “Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối và mở miệng thề rằng: Chỉ một mình Đức Chúa mới cứu độ và làm cho mạnh sức” (Isaia 45,22-24).

2. Chính Chúa Giêsu cũng đề cao niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Khi một kinh sư hỏi Người: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách lặp lại lời Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất” (Mc 12,29-30).

3. Nếu chúng ta thật sự tin vào Thiên Chúa duy nhất, thì phải có những tâm tình và thái độ thích hợp trong đời sống đức tin:

- Trước hết là nhận biết sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa, vì chỉ một mình Ngài là Chúa, ngoài Ngài ra, không một ai và điều gì có thể lớn lao hơn.

- Kế đến, phải sống trong tâm tình cảm tạ tri ân, vì tất cả những gì chúng ta có, và ngay cả bản thân chúng ta, mọi sự đều bởi Chúa: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho” (Tv 116,12).

- Ngoài ra, phải luôn vững tin vào Thiên Chúa, kể cả khi sống trong những khó khăn và nghịch cảnh: “Ai có Thiên Chúa, người ấy chẳng thiếu gì. Chỉ có Thiên Chúa là đã đủ” (Thánh Têrêxa Giêsu).

Để ghi nhớ (Sách Toát yếu GLHTCG)

Hỏi: Tại sao Kinh Tin Kính bắt đầu bằng câu “Tôi tin kính một Thiên Chúa”?

Thưa: Vì đây là xác quyết quan trọng nhất, là nguồn gốc của mọi chân lý khác về con người, về vũ trụ và về toàn bộ đời sống của những ai tin vào Thiên Chúa (số 36).

Hỏi: Tại sao chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất?

Thưa : Vì chính Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Chính Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta như thế (số 37).

Ý cầu nguyện:

Mọi sự đều sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa không thay đổi.
Kiên nhẫn sẽ được tất cả”

(Thánh Têrêxa Giêsu)

TUẦN 2
THIÊN CHÚA LÀ CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU

Khai triển nội dung

1. Thiên Chúa là Chân lý vì Lời của Ngài không thể sai lầm và vì những lời Thiên Chúa hứa luôn được thực hiện : ‘Căn nguyên lời Ngài là chân lý, mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm” (Tv 119,160). Sự khôn ngoan thượng trí của Chúa được thể hiện nơi công trình tạo dựng của Ngài cũng như trong sự quan phòng của Chúa. Chân lý của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, Đấng “đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật” (Ga 18,37). Vì Chúa là Chân lý nên chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng và làm theo Lời Chúa, Lời dẫn đưa chúng ta trên đường sự thật và sự sống. Tội của Ađam và Eva bắt nguồn từ chỗ nghe theo lời của tên cám dỗ, sinh ra nghi ngờ Lời Chúa, nghi ngờ lòng nhân hậu và sự trung tín của Chúa. Chúng ta cũng dễ bị cám dỗ như thế, nhất là khi gặp khó khăn thử thách.

2. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8.16). Kinh Thánh vận dụng nhiều hình ảnh để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa : người cha yêu con (Hôsê 11,1); người mẹ thương đứa con bà đã mang nặng đẻ đau (Isaia 49,14-15); người chồng yêu vợ (Isaia 62,4-5). Tình yêu ấy là tình yêu cho không, tình yêu chữa lành và giải thoát, tình yêu vượt trên cả sự bất trung của con người. Tình yêu ấy tồn tại đến muôn đời : “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót” (Giêrêmia 31,3). Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi hiến ban Con Một, để những ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Phải hiểu Thiên Chúa là Chân lý như thế nào?

Thưa: Thiên Chúa là chính Chân lý; do đó Ngài không thể lầm lẫn, cũng không thể lừa dối ai. Ngài là “Ánh sáng, nơi Ngài không có chút bóng tối nào” (1Ga 1,5). Chúa Giêsu là Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã được sai đi vào thế gian để làm chứng cho chân lý (số 41).

Hỏi: Thiên Chúa mặc khải Ngài là Tình Yêu như thế nào?

Thưa: Thiên Chúa mặc khải cho dân Israel rằng Ngài là Đấng có tình yêu mạnh mẽ hơn cả tình yêu cha mẹ đối với con cái hoặc của vợ chồng đối với nhau. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài cho thế gian, để nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu độ. Thiên Chúa chính là Tình Yêu và Ba Ngôi Thiên Chúa là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu (số 42).

Ý cầu nguyện:

Lạy Chúa,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Xin Chúa dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

TUẦN 3
THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

Khai triển nội dung

1. Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến trong nhiều tôn giáo. Trong Cựu Ước, dân Israel cũng gọi Thiên Chúa là Cha vì Ngài là Đấng tạo dựng trần gian, vì Ngài lập Giao ước với dân Israel, vì Ngài yêu thương người nghèo. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha, tiếng gọi này mang ý nghĩa đặc biệt, chưa từng có : từ đời đời, Thiên Chúa là Cha trong tương quan với Chúa Giêsu là Người Con duy nhất. Vì thế các Tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là Ngôi Lời “lúc khởi đầu, vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Tiếp nối truyền thống các Tông đồ, Hội Thánh tuyên xưng Chúa Con “đồng bản thể với Chúa Cha”, nghĩa là Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Cha.

2. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết Người sẽ sai đến một “Đấng Bào chữa khác” là Chúa Thánh Thần, để dạy bảo họ và dẫn họ tới sự thật toàn vẹn. Như thế, Chúa Thánh Thần được giới thiệu như một Ngôi vị thần linh khác. Ngài đã hoạt động trong công trình tạo dựng, đã dùng các tiên tri mà phán dạy, và Ngài tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh Chúa Kitô. Hội Thánh tuyên xưng Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”.

3. Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã cố gắng trình bày đức tin của mình một cách rõ ràng hơn, vừa để đào sâu sự hiểu biết đức tin, vừa để bảo vệ đức tin khỏi những học thuyết sai lầm. Từ những nỗ lực đó, tín điều về Ba Ngôi chí thánh dần dần được xác định như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính. Nội dung chính yếu của tín điều về Chúa Ba Ngôi là :

- Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, gọi là Tam Vị Nhất Thể.

- Các Ngôi Vị Thiên Chúa thật sự phân biệt với nhau qua các tương quan về nguồn gốc.

- Các Ngôi Vị Thiên Chúa có tương quan mật thiết với nhau.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Hội Thánh diễn tả đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào?

Thưa: Hội Thánh tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất và Ngài có Ba Ngôi : Cha, Con, và Thánh Thần. Ba Ngôi vị thần linh chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, vì mỗi Ngôi vị đều có trọn vẹn bản thể duy nhất và không thể phân chia của Thiên Chúa (số 48).

Hỏi: Các Ngôi vị Thiên Chúa hoạt động như thế nào?

Thưa: Ba Ngôi có cùng một hoạt động duy nhất. Tuy nhiên, trong hoạt động duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách riêng của mình trong Ba Ngôi (số 49).

Ý cầu nguyện

Lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin ban bình an cho linh hồn con, xin biến linh hồn con thành thiên đàng của Chúa, thành ngôi nhà và nơi nghỉ ngơi của Chúa.

TUẦN 4
SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

Khai triển nội dung

1. Người Kitô hữu không chỉ tuyên xưng mà còn cử hành và sống đức tin của mình. Đối với mầu nhiệm Ba Ngôi cực thánh cũng thế, sau khi tìm hiểu nội dung tín điều Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi cử hành và sống mầu nhiệm ấy.

2. Trong cử hành phụng vụ, luôn luôn có hai chiều: từ trên xuống và từ dưới lên. Một đàng, Chúa Cha đổ tràn phúc lành của Ngài xuống trên chúng ta qua Người Con nhập thể, đã chịu chết và sống lại vì chúng ta, và tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đàng khác, chúng ta chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn và cầu xin Chúa Cha ban hồng ân quý giá là Chúa Con và Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Vì thế, tham dự những cử hành phụng vụ cách tích cực và sống động là sự thể hiện niềm tin vào Chúa Ba Ngôi cách cụ thể và hữu ích nhất.

3. Sống mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh chính là sống yêu thương vì Thiên Chúa là Tình Yêu, và sự sống nội tại nơi Thiên Chúa chính là sự trao đổi yêu thương vĩnh hằng giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, vì thế càng sống yêu thương, chúng ta càng nên giống Thiên Chúa và càng sống trọn vẹn phẩm giá con người của mình : “Làm người có nghĩa là được mời gọi hiệp thông giữa người với người, vì được làm hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và giống Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là nền tảng cho toàn thể nền đạo đức của con người” (Giáo huấn xã hội, số 33).

Hơn thế nữa, tình yêu ấy còn là sức mạnh biến đổi thế giới và cả lịch sử này : “Yêu thương nhau chính là cách để chúng ta sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Giáo Hội, Nhiệm thể của Đức Kitô, và là cách để chúng ta làm thay đổi lịch sử cho đến khi lịch sử ấy hoàn thành trong Giêrusalem thiên quốc” (Giáo huấn xã hội, số 32).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Tại sao chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi trong cử hành phụng vụ?

Thưa: Vì trong phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn phúc lành của Ngài cho chúng ta trong Người Con nhập thể, đã chết và sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta (số 221).

Hỏi: Chúng ta phải làm gì để thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi?

Thưa: Chúng ta phải yêu thương nhau và yêu thương mọi người, vì Thiên Chúa là Tình Yêu và Chúa Giêsu đã lấy điều răn yêu thương làm điều răn mới, là sự viên mãn của Lề luật (số 388).

Ý cầu nguyện

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

Top