Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong công nghị phong 14 Hồng y
Trong bài giảng trong nghi lễ phong Hồng y, ĐTC nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng hoán cải nội tâm và cải tổ, ngưng chăm lo tư lợi và hãy quan tâm đến lợi ích của Chúa Cha, đó chính là chìa khóa truyền giáo.
Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC:
“Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người đi trước họ” (Mc 10,32).
Khởi đầu của đoạn Tin mừng đặc trưng của thánh Maccô luôn giúp chúng ta nhận ra cách thế mà Chúa chăm sóc cho dân Người với một phương pháp sư phạm của chính Người. Trên hành trình tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu cẩn thận đi trước, dẫn đường cho các môn đệ của mình.
Giêrusalem tượng trưng cho giờ khắc ý nghĩa và quyết định của cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta biết rằng, trong những thời khắc quan trọng và quyết định của cuộc sống, trái tim có thể lên tiếng nói và bày tỏ những ý định và căng thẳng trong con người chúng ta. Những thời khắc then chốt, bước ngoặt của cuộc sống thách đố chúng ta; chúng đưa ra những câu hỏi và mong muốn mà không phải lúc nào cũng minh bạch đối với tâm hồn con người chúng ta. Đó là những điều mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, với sự đơn giản và hiện thực, trình bày. Đứng trước lời loan báo lần thứ ba về cuộc Thương khó, gây băn khoăn đau đớn hơn, thánh sử Máccô không sợ tiết lộ những bí mật đang có trong trái tim của các môn đệ: đó là tìm kiếm những chỗ nhất, ghen tuông, ganh tị, mưu mô, điều đình và thỏa hiệp. Kiểu lý luận suy nghĩ này không chỉ bào mòn và hủy hoại các mối quan hệ giữa họ, mà còn nhốt kín họ và bao bọc họ trong các cuộc thảo luận vô dụng và không quan trọng. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở điều này, nhưng Người đi trước họ và tiếp tục tiến bước. Và Người nói với họ cách mạnh mẽ: “Nhưng đối với anh em thì không phải như vậy; bất cứ ai muốn làm lớn giữa anh em thì hãy là đầy tớ của anh em ”(Mc 10,43). Bằng cách này, Chúa Giêsu tìm cách định hướng lại cái nhìn và con tim của các môn đệ của mình, không để cho các cuộc thảo luận không có ích lợi và tự quy chiếu về mình hiện diện trong cộng đoàn. Có lợi ích gì nếu được cả thế giới mà nội bộ chúng ta bị suy mòn? Được cả thế gian thì lợi ích gì nếu chúng ta sống trong một bầu khí ngột ngạt của những âm mưu, là những thứ làm cho trái tim trở nên khô héo và ngăn cản sứ vụ nảy sinh kết quả? Trong tình huống này - như một số người đã quan sát – chúng ta có thể nghĩ đến những âm mưu trong các cung cấm và ngay cả trong các cơ quan của giáo hội.
“Nhưng giữa các con thì không như thế”: trên tất cả, câu trả lời của Chúa Giêsu là một lời mời gọi và một thách đố đối với các môn đệ để phục hồi phần tốt hơn trong họ và như thế tâm hồn họ không bị hư hỏng và cầm tù bởi các lý luận kiểu thế gian và làm chọ họ không còn nhận ra được điều gì là quan trọng. “Giữa các con thì không như thế”: là tiếng nói của Chúa cứu cộng đoàn khỏi cái nhìn quy kỷ, chỉ nhìn về mình, thay vì hướng cái nhìn, sự quan tâm, mong đợi và trái tim đến điều quan trọng duy nhất: sứ vụ.
Và như thế Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng hoán cải, biến đổi trái tim và canh tân Giáo hội là và sẽ luôn là chìa khóa truyền giáo, nó đòi hỏi người ta không còn nhìn thấy và quan tâm đến các lợi ích riêng tư, để tìm kiếm và chăm lo cho những lợi ích của Chúa Cha. Sự hoán cải từ tội lỗi của chúng ta, từ sự ích kỷ của chúng ta sẽ không và sẽ không bao giờ là một kết thúc nơi chính mình, nhưng luôn là cách để phát triển trong sự trung thành và sẵn sàng nhận lãnh lấy sứ vụ. Vào thời khắc của sự thật, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn của anh chị em chúng ta, chúng ta được chuẩn bị tốt và sẵn sàng đồng hành và chào đón mỗi người và tất cả mọi người. Theo cách này, chúng ta không biến mình thành những “vật cản đường”, những rào chắn hiệu quả, hoặc là vì chúng ta có cái nhìn hẹp hòi, hoặc tệ hơn nữa, bởi vì chúng ta đang thảo luận và suy nghĩ xem giữa chúng ta ai là người quan trọng nhất. Khi chúng ta quên đi sứ vụ, khi chúng ta không nhìn thấy những gương mặt cụ thể của anh chị em chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta bị đóng kín trong việc theo đuổi lợi ích riêng và sự an toàn của bản thân chúng ta. Và như thế, sự oán giận, buồn phiền và ghê tởm bắt đầu phát triển. Từng tí một, dần dần chỗ dành cho người khác, cho cộng đồng giáo hội, cho người nghèo, để lắng nghe tiếng nói của Chúa, ngày càng trở nên ít hơn. Vì vậy, niềm vui bị mất đi và trái tim cuối cùng trở nên khô cằn (x. Tông huấn Niềm vui Phúc âm, 2).
“Giữa các con thì không như thế”; - Chúa nói như thế - […] ai muốn là người đứng đầu trong các con thì hãy là đầy tớ của tất cả” (Mc 10,43.44). Đó là mối phúc và lời tạ ơn mà chúng ta được mời gọi hát lên mỗi ngày. Đó là lời mời mà Chúa nói với chúng ta để chúng ta không quên rằng quyền bính trong Giáo hội phát triển với khả năng bảo vệ phẩm giá của người khác, xức dầu cho họ để chữa lành các vết thương và niềm hy vọng nhiều khi bị tan vỡ. Nó có nghĩa là nhắc rằng chúng ta ở đây bởi vì chúng ta được mời gọi “mang Tin mừng cho người nghèo”, loan báo ơn giải thoát cho người bị giam cầm và cho người mù được nhìn thấy; để giải phóng người bị áp bức, tuyên bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Các anh em Hồng y và các tân Hồng y quý mến! Trong hành trình lên Giêrusalem của chúng ta, Chúa đi trước chúng ta để nhắc nhở chúng ta thêm một lần nữa rằng hình thức duy nhất có thể tin được của quyền bính là quyền bính xuất phát từ việc đặt mình ở dưới chân người khác để phục vụ Chúa Kitô. Đó là quyền bính đến từ việc không bao giờ quên rằng Chúa Giêsu, trước khi gục đầu trên Thánh giá, đã không ngần ngại hạ mình trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Đây là vinh dự cao nhất mà chúng ta có thể nhận lãnh, sự thăng tiến lớn nhất mà chúng ta có thể được tưởng thưởng: phục vụ Chúa Kitô trong dân tộc trung thành của Thiên Chúa, nơi người đói khát, người bị bỏ rơi, người bị tù đầy, người đau yếu, người nghiện ngâp, người bị bỏ rơi, trong những con người cụ thể với lịch sử và hy vọng của họ, với những chờ mong và thất vọng của họ, với những nỗi đau và vết thương của họ. Chỉ như thế, quyền bính của Mục tử mới có hương vị của Tin mừng và sẽ không giống như “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.” (1 Cor 13,1). Không có ai trong chúng ta được cảm thấy mình cao trọng hơn người khác. Không có ai trong chúng ta được nhìn người khác như người ở vị thế cao nhìn người thấp hèn. Chúng ta có thể nhìn một người như thể chỉ khi chúng ta giúp họ nâng chính mình lên.
Tôi muốn chia sẻ với anh em một phần trong chúc thư tinh thần của thánh Gioan XXIII. K hi đang tiến bước trên hành trình ngài có thể nói: “Sinh ra nghèo khổ, nhưng bởi những người được kính trọng và khiêm nhường, tôi đặc biệt vui lòng chết nghèo, khi đã phân phát theo các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống đơn giản và thanh bần của tôi, để phục vụ cho người nghèo và Giáo hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì tôi có – thật ít ỏi – trong những năm linh mục và giám mục của tôi. Vẻ ngoài giàu có thường che đậy những cái gai ẩn dấu của sự nghèo khổ khó chịu và ngăn cản tôi luôn luôn trao tặng cho người khác cách quảng đại như tôi mong muốn. Tôi cám ơn Chúa về ơn nghèo khó này, điều mà tôi đã khấn hứa trung thành trong tuổi trẻ của tôi; sự nghèo khó trong tinh thần, như một linh mục của Thánh Tâm, và sự nghèo khó thật sự, điều đã củng cố quyết tâm của tôi, là không bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì – chức vị, tiền bạc, sự ủng hộ – không bao giờ, cho bản thân tôi hoặc cho bà con và bạn bè của tôi.” (29 giugno 1954). (Rei 28/06/2018)
(Nguồn: WHĐ - Theo vietvatican.net)
bài liên quan mới nhất
- Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng
-
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô