Bài ca Công nghị và tác giả Nguyễn Duy
WGPSG -- “Xin đổi mới lòng con, xin đổi mới chúng con, xin đổi mới Giáo phận chúng con theo hình ảnh Chúa, Chúa ơi!”
Miệng cất vang lời bài hát chủ đạo của Công nghị Giáo phận, tâm hồn các đại biểu dự Công nghị lâng lâng một khát khao chờ mong một sự đổi mới, đổi mới bản thân, đổi mới cộng đoàn, đổi mới Giáo phận để diễn tả hình ảnh Thiên Chúa là tình yêu cho con người ngày hôm nay.
(Xin xem Kinh, Bài hát và Logo Công nghị Giáo phận TPHCM)
Không ít đại biểu đến hỏi ban tổ chức để xin bài hát này để nghe hằng ngày trong gia đình! Họ còn mong mỏi được gặp gỡ và chụp hình với tác giả bài hát này.
Nhạc sĩ nào mà được nhiều người quan tâm đến vậy?
Thưa rằng, người ấy chính là linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy, Trưởng Ban Thánh nhạc của Tổng Giáo phận Sài Gòn, Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Duy không còn xa lạ đối với đa số người Việt Nam Công giáo chúng ta. Tác giả sống được trong lòng người hâm mộ cũng chỉ vì tác phẩm của nhạc sĩ đã đáp ứng được nỗi lòng của họ.
Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy “sống” trong trí nhớ của nhiều người cũng vì số lượng nhạc phẩm đồ sộ của ngài (khoảng 1000 bài hát), mà gần một nửa trong số đó hằng ngày được ngân vang trong cộng đoàn những người Việt Nam Công giáo.
Nhạc sĩ Nguyễn Duy khởi đầu sự nghiệp sáng tác của mình không phải bằng một bài hát, mà là một bài thơ. Nói đúng hơn, ngài đã là thi sĩ trước khi là nhạc sĩ.
Nàng thơ đã dẫn dắt chàng trai Nguyễn Kim Duy vào khu vườn nghệ thuật của ngôn từ khi chàng mới 16 tuổi. Chàng đã say mê đọc thơ, sáng tác thơ để bay bổng với những con chữ.
Một ngày nọ, người chú của chàng khiến chàng giật mình mà nghĩ lại. Người chú nói: “Làm thơ, nếu hay thì cũng chỉ một số rất ít người đọc và nhớ những vần thơ đó. Giả như sáng tác được một vài bài hát, chẳng may mà được đón nhận, thì sẽ có nhiều người nhớ và hát chúng trong thời gian lâu dài hơn!”
Giật mình, nhưng không chia tay nàng thơ, chàng trai trẻ Nguyễn Kim Duy đã chắp cho nàng thơ đôi cánh Giai điệu và Tiết tấu để nàng bay cao mãi, ngân vang mãi trên môi miệng người yêu ca hát. Từ đó chúng ta có nhạc sĩ Nguyễn Duy.
Từ thi sĩ trở thành nhạc sĩ, Nguyễn Duy đã có nhiều sáng tác bất hủ, mà hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm này có thể viết thành những giai thoại rất thú vị.
Ai đã từng nghe nhạc phẩm “Phó Thác”, chắc hẳn nghĩ ngay rằng: tác phẩm phải được ra đời khi tác giả đang quỳ bên tượng chịu nạn mà ngây ngất, xuất thần chiêm ngưỡng cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Nào ai dám nghĩ tới việc nhạc phẩm đã ra đời trên… yên xích lô, dưới cơn mưa tầm tã, trong khi tác giả “thân gầy guộc” oằn lưng chở hai vị khách mập mạp vượt dốc cầu Kiệu?
Cuộc sống khó khăn về kinh tế khiến tác giả phải bươn chải mưu sinh trên chiếc xích lô, không những thế hy vọng được gọi vào Đại Chủng Viện tiếp tục ơn gọi tu trì dường như ngày càng giảm, trong khi tuổi đời ngày càng tăng khiến tác giả đồng cảm với nỗi cô đơn của Thầy Giêsu trên thập giá năm xưa. Những trở ngại đó, cộng với những phút suy tư cầu nguyện với Lời Chúa đã làm nên bài thánh ca khiến rung động trái tim biết bao người Công giáo, làm rơi không biết bao nhiêu giọt lệ thương cảm của người tín hữu dành cho Chúa Giêsu.
Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đã ly kỳ, sức tác động của tác phẩm đối với số phận một số thính giả còn ly kỳ gấp bội.
Chuyện kể rằng, có một chàng trai đang say men tình yêu và ngụp lặn trong hạnh phúc của viễn cảnh một mái ấm gia đình bên vợ đẹp con ngoan thì đột nhiên quyết định rời khỏi thuyền tình mà dấn thân vào con đường theo Thầy Giêsu. Bởi đâu? Thưa chỉ vì nghe lời hát rằng: “Khi con nghe tiếng kêu mời, gọi con đi gieo niềm tin mới…” trong nhạc phẩm “Chứng nhân tình yêu”! Chàng trai bị đánh động mãnh liệt với lý tưởng dấn thân xây dựng Nước Trời, phục vụ mọi người, và hôm nay chúng ta có một linh mục thánh thiện, nhiệt thành, đang nắm giữ một trong những chức vụ chuyên môn của Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Ca từ một bài hát đã ươm mầm cho một ơn gọi linh mục, và lời một bài hát khác cũng của nhạc sĩ Nguyễn Duy đã nuôi dưỡng ơn gọi của một… Giám mục.
Những năm thập niên 70-80 của thế kỷ trước, có một chủng sinh gặp hoàn cảnh khó khăn giống như tác giả Nguyễn Duy: Chủng Viện không mở cửa đón nhận sinh viên, phải lăn lộn với đủ thứ nghề từ đạp xích lô đến buôn bán hàng rong để mưu sinh,… Vất vả trăm bề đã nhiều lúc làm nản lòng người chủng sinh nọ. Thế nhưng, khi nghe “Con vẫn trông cậy Chúa, dù …” người chủng sinh nọ đã vững mạnh hơn, can đảm hơn, phó thác vào tình Chúa để sống cho Chúa, sống cho mọi người. Đến khi gặp được tác giả bài hát, chủng sinh nọ đã ôm chầm lấy và thốt lên: “Nếu không có bài hát đó, cậu (nhạc sĩ Nguyễn Duy) sẽ không thể gọi tớ là Đức Cha!” và cả hai cùng xúc động mà cười vang!
Lại có một tu sĩ dòng Tên giữ vững được ơn gọi của mình cũng nhờ một bài hát của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy. Tu sĩ đó kể lại: khi mới qua định cư bên Mỹ, biết bao khó khăn ập đến, lạ người lạ cảnh, chẳng một người thân, đã khiến tu sĩ thất vọng và dường như chẳng còn tin vào Thiên Chúa nữa. Cho đến một hôm, vô tình được nghe một giọng hát vẳng ra từ một ngôi thánh đường: “Con tưởng rằng con vững tin,…” tu sĩ giật mình mà nhận ra Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với mình, chỉ có điều là mình có đồng ý kết bạn trăm năm với Người hay không mà thôi! Cho đến nay, mỗi khi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Duy, tu sĩ nọ không cầm được những giọt nước mắt của hạnh phúc, của lòng tri ân!
Kể như thế, để nhận ra nhạc sĩ Nguyễn Duy đã sáng tác với tất cả cái tâm của mình, đã chăm chút từng từ từng chữ từng nốt nhạc mà tạo nên những bản nhạc đi vào lòng người. Nhạc sĩ đã sáng tác những khúc hát cho giới cao niên, cho thanh thiếu niên, cho các em thiếu nhi.
Thao thức với công việc mục vụ Thiếu nhi, làm sao để trẻ em tiếp cận với Lời Chúa cách dễ dàng, hấp dẫn hơn, nhạc sĩ dành hẳn cho thiếu nhi một sự ưu ái lớn khi sáng tác tuyển tập Ca Vang Tin Mừng, gồm: “những bài hát có tính cách giáo lý (giai điệu đơn sơ, ngắn gọn và đôi bài dựa theo các làn điệu dân ca hay những bài hát nổi tiếng). Nội dung chính là bài Tin Mừng của thánh lễ…” (xem Lời thưa trong tập Ca Vang Tin Mừng, nxb Tôn Giáo, 2007).
Hòa cùng nhịp đập ưu tư với việc loan Tin Mừng cho các em thiếu nhi, mỗi tuần lễ trong năm Phụng vụ B này, chúng tôi hân hạnh được giới thiệu đến quý vị những khúc hát thấm đượm Tin Mừng trong tuyển tập Ca Vang Tin Mừng của linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy.
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm C
-
Bài hát cộng đồng Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm C -
Bài hát cộng đồng Lễ Chúa Kitô Vua năm B - 2024 -
Bài hát cộng đồng Chúa nhật 32 Thường Niên năm B -
Bài hát cộng đồng Chúa nhật 31 Thường Niên năm B -
Tuyển tập Thánh ca Việt Nam quyển 2 -
Bài hát cộng đồng Lễ cầu cho các linh hồn (02/11/2024) -
Bài hát cộng đồng Lễ các thánh nam nữ (01/11/2024) -
Bài hát cộng đồng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B -
Bài hát cộng đồng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Thánh lễ và Thánh nhạc: Phần thường lễ & phần riêng của Thánh lễ
-
Bài hát (với audio) “Xin Chữa Lành Chúng Con”: cầu nguyện trong mùa dịch bệnh -
58 playlist Thánh Ca tiếng Anh trên Youtube dành cho Phụng Vụ -
LM Rôcô Nguyễn Duy: 40 năm viết Thánh ca -
Các ca đoàn phụng vụ sau Công đồng Vatican II -
Đức Thánh Cha mời gọi các ca viên phục vụ với niềm vui, khiêm tốn và tinh thần cầu nguyện -
Ủy ban Thánh nhạc: Việc chuẩn nhận các bài Thánh ca (Imprimatur) -
Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc -
Thư mời Hội Thảo Thánh Nhạc lần thứ 47 và Đêm Ca Nguyện Kính Thánh Giuse -
Thiệp mời nghệ sĩ tĩnh tâm Mùa Chay 2019 vào tối thứ Năm 4-4-2019 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn