Bài 47: Giáo hội hữu hình

Bài 47: Giáo hội hữu hình

Bài 47: Giáo hội hữu hình

WHĐ (14.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 03.10.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 45: Giáo hội hữu hình. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 03 tháng 10 năm 2012

Trong chương trước, tôi đã bắt đầu nói về một trong những nguồn đặc biệt của lời cầu nguyện Kitô giáo, đó là phụng vụ thánh, như Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy rằng: “Phụng vụ còn là sự tham dự vào kinh nguyện của Đức Kitô dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Mọi kinh nguyện Kitô đều bắt nguồn và kết thúc trong phụng vụ” [Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1073]. Giờ đây tôi muốn chúng ta tự hỏi rằng: trong đời sống của tôi, tôi có dành một chỗ đầy đủ cho việc cầu nguyện hay không, và nhất là kinh nguyện phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, có chỗ nào trong tương quan của mình với Thiên Chúa, cũng như việc tham dự vào kinh nguyện chung của Thân Mình Đức Kitô, tức là Giáo hội hay chưa?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải nhớ rằng, cầu nguyện là mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha vô cùng nhân hậu của mình, với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, và với Chúa Thánh Thần [x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2565]. Vì thế, đời sống cầu nguyện hệ tại việc sống thường xuyên trước hiện diện của Thiên Chúa, và ý thức điều đó, để sống trong mối tương quan với Thiên Chúa như sống các mối liên hệ thông thường của đời ta, với những người thân yêu nhất của gia đình, với bạn hữu chân thành, và quả thật, tương quan với Thiên Chúa chính là mối tương quan soi sáng cho tất cả các mối tương quan khác của ta. Đời sống hiệp thông này với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi là điều khả dĩ, bởi vì, nhờ phép rửa, chúng ta đã được mặc lấy Đức Kitô, chúng ta bắt đầu trở nên một với Người (x. Rm 6,5).

Quả thật, chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới có thể đối thoại với Thiên Chúa là Cha như những người con, chẳng vậy thì không thể nào được, nhưng trong sự hiệp thông với Chúa Con, chúng ta cũng có thể thưa như Người đã thưa lên rằng: “Abba! Cha ơi!”. Trong sự hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa như người Cha đích thực của mình (x. Mt 11,27). Vì thế, lời cầu nguyện Kitô giáo hệ tại việc thường xuyên chiêm ngắm Đức Kitô một cách luôn mới mẻ, đàm đạo với Người, thinh lặng với Người, lắng nghe, hoạt động và chịu đau khổ với Đức Kitô. Các Kitô hữu tái khám phá ra căn tính đích thực của mình trong Đức Kitô, “là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo”, để “tất cả đều tồn tại trong Người” (x. Cl 1,15tt). Khi đồng hóa với Đức Kitô, và nên một với Người, tôi tái khám phá ra căn tính riêng của mình, căn tính là người con đích thực, nhìn nhận Thiên Chúa như một người Cha đầy tình yêu thương.

Chúng ta đừng quên rằng, chúng ta khám phá Đức Kitô, nhận biết Người như một Ngôi Vị sống động trong Giáo hội. Giáo hội là “Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Tính chất xác thể này có thể được hiểu từ những lời Sách Thánh nói về người nam và người nữ: cả hai sẽ nên một xương một thịt (x. St 2,24; Ep 5,30tt; 1Cr 6,16tt). Sự liên kết bất khả phân ly giữa Đức Kitô và Giáo hội, nhờ sức mạnh hiệp nhất của tình yêu, không thể hủy bỏ nhân vị của mỗi người, trái lại thăng hoa, làm cho các nhân vị đó được hiệp nhất sâu xa hơn. Tìm ra căn tính của mình trong Đức Kitô có nghĩa là đạt tới một sự hiệp thông với Người, một sự hiệp thông không hủy diệt tôi, nhưng nâng tôi lên một phẩm giá cao cả hơn, phẩm giá làm con Thiên Chúa trong Đức Kitô: “Một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và loài người chứa đựng trong chính sự kiện, là sự hiệp thông ý chí này tăng trưởng trong sự hiệp thông ý nghĩ và tình cảm, qua đó ý chí chúng ta và thánh ý Thiên Chúa càng ngày càng trùng hợp với nhau” [Thông điệp Deus Caritas Est, n. 17]. Cầu nguyện có nghĩa là nâng mình lên nơi cao cùng Thiên Chúa, bằng một sự biến đổi tiệm tiến và cần thiết nơi con người chúng ta.

Vì vậy, khi tham dự phụng vụ, chúng ta hãy biến ngôn ngữ của Mẹ Giáo hội thành ngôn ngữ của mình, chúng ta học cách nói trong Giáo hội và cho Giáo hội. Dĩ nhiên, như tôi đã nói, điều này xảy ra một cách tiệm tiến, từng bước từng bước một. Tôi phải từng bước dìm mình trong những lời của Giáo hội, với lời cầu nguyện của tôi, với cuộc sống của tôi, sự đau khổ, niềm vui và những tư tưởng của tôi. Đó là một hành trình biến đổi đời ta.

Vì thế, tôi nghĩ rằng những suy tư này cho phép chúng ta trả lời câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra ngay từ đầu chương này rằng: tôi học cầu nguyện thế nào, tôi đã thăng tiến trong việc cầu nguyện ra sao? Khi nhìn vào khuôn mẫu mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta, trong Kinh Lạy Cha [Pater Noster], chúng ta thấy rằng chữ đầu tiên là chữ “Cha - Pater”, và chữ thứ hai là chữ “chúng con - Noster”. Như thế câu trả lời rõ ràng rằng: tôi học cầu nguyện, tôi nuôi dưỡng việc cầu nguyện của tôi bằng cách thân thưa với Thiên Chúa như người Cha và cầu nguyện cùng với những người khác, cầu nguyện cùng với Giáo hội, đón nhận những lời của Giáo hội như một quà tặng, những lời sẽ từng bước trở thành quen thuộc đối với tôi, và có ý nghĩa phong phú hơn. Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa thiết lập với mỗi người chúng ta, và chúng ta với Chúa trong cầu nguyện, luôn luôn bao gồm một liên từ “với”. Chúng ta không thể cầu nguyện với Thiên Chúa theo chủ nghĩa cá nhân. Trong kinh nguyện phụng vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, và được hình thành bởi phụng vụ, trong mọi kinh nguyện, chúng ta không chỉ thân thưa một mình như những cá nhân, nhưng trái lại, chúng ta bước vào “cái chúng ta” của một Giáo hội nguyện cầu. Và chúng ta cần phải biến đổi từ “cái tôi” của mình bằng cách đi vào trong “cái chúng ta” triển nở này.

Tôi muốn nhắc lại một khía cạnh quan trọng khác. Trong Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, chúng ta đọc thấy rằng: “Trong phụng vụ của Giao Ước Mới, mọi hoạt động phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành thánh lễ và các bí tích, đều là cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và Giáo hội” [Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1097]. Vì thế, đó chính là “Đức Kitô toàn thể”, toàn thể Cộng đoàn chính là Nhiệm Thể Đức Kitô hiệp nhất với Đầu của mình, mà cử hành phụng vụ. Như thế phụng vụ không phải là một thứ “tự biểu lộ” của một cộng đoàn, trái lại, đó là một sự thoát ly khỏi việc đơn thuần “chỉ là mình”, khỏi việc khép kín nơi chính mình, và bước vào bữa tiệc cao cả, vào cộng đoàn sống động vĩ đại, nơi đó Thiên Chúa dưỡng nuôi chúng ta. Phụng vụ liên quan đến tính phổ quát này, và đặc tính phổ quát này phải luôn luôn thấm nhập vào ý thức của mọi người một cách mới mẻ. Phụng vụ Kitô giáo là việc thờ phượng đền thờ phổ quát là Đức Kitô phục sinh, mà cánh tay Người đã dang ra trên Thập giá để lôi kéo tất cả mọi người vào vòng tay ấp yêu nơi tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đó chính việc thờ phượng trên trời được rộng mở. Phụng vụ không bao giờ chỉ là sinh hoạt của một cộng đoàn riêng rẽ trong thời gian và không gian. Điều quan trọng là mỗi Kitô hữu cảm thấy và thực sự được tháp nhập vào “cái chúng ta” phổ quát này, là nơi cung cấp nền tảng và nơi nương tựa cho bản thân tôi trong Thân Mình Chúa Kitô là Giáo hội.

Về điểm này, chúng ta phải luôn luôn ý thức và chấp nhận tính logic của một Thiên Chúa nhập thể: Người đã trở nên gần gũi và hiện diện với chúng ta khi bước vào lịch sử và mặc lấy bản tính con người, bằng cách trở nên một con người trong chúng ta. Và sự hiện diện này vẫn tiếp tục nơi Giáo hội, là Thân Mình Chúa Kitô. Như thế, phụng vụ không phải là một việc tưởng niệm những sự kiện trong quá khứ, nhưng là sự hiện diện sống động Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, Đấng siêu việt và hiệp nhất mọi thời gian với không gian. Nếu như tính trọng tâm của Đức Kitô không trổi vượt trong khi cử hành phụng vụ, thì chúng ta sẽ không có phụng vụ Kitô giáo, là điều hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa và được nâng đỡ nhờ sự hiện diện sáng tạo của Người. Thiên Chúa hoạt động qua Đức Kitô và chúng ta không thể làm được gì nếu không nhờ Người và trong Người. Mỗi ngày cần xác tín rằng phụng vụ không phải là của chúng ta, không phải là “hành động” của tôi, nhưng là hoạt động của chính Thiên Chúa, phải lớn lên trong chúng ta và với chúng ta.

Vì thế, không phải cá nhân, linh mục hay tín hữu, cũng không phải nhóm cử hành phụng vụ, nhưng phụng vụ chủ yếu là hoạt động của Thiên Chúa ngang qua Giáo hội, là Giáo hội có lịch sử riêng của mình, có truyền thống phong phú và sáng kiến của mình. Tính phổ quát và cởi mở căn bản này, là điều thích hợp cho toàn bộ nền phụng vụ, là một trong những lý do tại sao phụng vụ không thể được chế tác hoặc sửa đổi bởi những cộng đoàn riêng rẽ, hoặc bởi những chuyên gia, nhưng phải trung thành với những khuôn mẫu của Giáo hội hoàn vũ.

Toàn thể Giáo hội vẫn luôn hiện diện ngay cả trong phụng vụ của những cộng đoàn nhỏ bé nhất. Vì thế, không có “những người xa lạ” trong cộng đoàn phụng vụ. Trong mọi buổi cử hành phụng vụ, toàn thể Giáo hội, trời và đất, Thiên Chúa và loài người cùng nhau tham dự. Ngay cả khi được cử hành ở một địa điểm và một không gian cụ thể, và diễn tả lời “xin vâng” của một cộng đoàn riêng biệt, vì bản chất Công giáo, thì phụng vụ Kitô giáo đều đến từ toàn thể và dẫn tới toàn thể, trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, các Giám mục, cùng các tín hữu của mọi thời và mọi nơi. Một buổi cử hành phụng vụ càng được nâng cao bởi nhận thức về điều này, thì ý nghĩa đích thực của phụng vụ sẽ càng được thể hiện một cách hiệu quả hơn nữa.

Các bạn thân mến, Giáo hội được trở nên hữu hình bằng nhiều cách: nơi các hoạt động bác ái từ thiện, nơi các chương trình truyền giáo, nơi việc Tông đồ cá nhân, mà mọi Kitô hữu phải thực hiện trong môi trường của mình. Tuy nhiên, nơi mà Giáo hội tự cảm nghiệm trọn vẹn như Giáo hội chính là phụng vụ. Phụng vụ chính là hành vi mà trong đó ta tin rằng Thiên Chúa đi vào thực tại của mình, và ta có thể gặp gỡ Chúa, được đụng chạm đến Người. Phụng vụ là hành vi mà trong đó chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa. Người đến với chúng ta và chúng ta được Người soi sáng. Vì thế, khi chúng ta chỉ chú ý vào việc làm thế nào để cho phụng vụ hấp dẫn, thích thú, tốt đẹp, thì chúng ta có nguy cơ quên mất điều cốt yếu: phụng vụ được cử hành cho Thiên Chúa chứ không phải cho chúng ta; Chúa chính là chủ thể; chúng ta cần biết mở lòng ra cho Chúa, hãy để cho Chúa và Giáo hội, là Nhiệm Thể của Chúa, hướng dẫn chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để mỗi ngày học cách sống phụng vụ, đặc biệt là việc Cử hành Thánh Thể, bằng cách cầu nguyện trong “cái chúng ta” phổ quát của Giáo hội, không phải hướng cái nhìn về phía mình, nhưng hướng về Thiên Chúa, với cảm thức thuộc về chi thể sống động của Giáo hội ở mọi thời và mọi nơi.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top