Bài 40: Lời cầu nguyện của Anphongsô
WHĐ (06.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 01.08.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 40: Lời cầu nguyện của Anphongsô. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 01 tháng 08 năm 2012
Thánh Anphongsô Liguori là Giám mục, Tiến sĩ Giáo hội, là đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, bổn mạng của các học giả nghiên cứu thần học luân lý và của các cha giải tội. Thánh Anphongsô là một trong các vị thánh bình dân nhất của thế kỷ XVIII, vì cách sống đơn sơ và chính trực, và vì giáo lý liên quan tới bí tích Thống hối của ngài. Trong một thời kỳ duy nhiệm nhặt [rigorism], vì ảnh hưởng của phái Jansenist, thánh nhân xin các cha giải tội ban Bí tích này bằng cách biểu lộ vòng tay tươi vui của Chúa Cha, là Đấng không biết mệt mỏi tiếp đón người con sám hối trong tình thương xót vô biên của Người.
Chúng ta có dịp dừng lại suy tư về những giáo huấn quý báu và đầy cảm hứng thiêng liêng sâu sắc của thánh Anphongsô liên quan tới lời cầu nguyện. Khảo luận “Phương thế lớn lao của lời cầu nguyện”, mà thánh nhân coi là ích lợi nhất trong các tác phẩm của mình, được biên soạn năm 1759. Quả thật, khảo luận này miêu tả rằng, lời cầu nguyện như là “một phương thế cần thiết và chắc chắn để đạt tới ơn cứu độ và tất cả các ơn thánh mà chúng ta cần có để đạt tới cứu độ”[1]. Câu này tóm lược cách thức thánh nhân hiểu về lời cầu nguyện.
Khi nói rằng lời cầu nguyện là một phương thế, là nhắc tới mục đích cần đạt tới: Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta vì yêu thương để có thể trao ban cho chúng ta sự sống đầy tràn. Nhưng như chúng ta đều biết, vì tội lỗi gây ra mà cuộc sống tràn đầy ấy đã bị mai một đi, và chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta đạt tới được mà thôi. Để giúp hiểu chân lý nền tảng này và hiểu ngay lập tức sự kiện con người có nguy cơ đánh mất chính mình như thế nào, thánh Anphongsô đã chế ra một câu châm ngôn nổi tiếng rất đơn sơ rằng: “Ai cầu nguyện thì sẽ được cứu rỗi, ai không cầu nguyện thì sẽ bị kết án”.
Để bình luận câu nói ngắn gọn này, thánh nhân thêm: “Việc được cứu rỗi mà không cầu nguyện thì rất khó, hầu như không thể đạt được... nhưng khi cầu nguyện, việc được cứu rỗi là điều chắc chắn và rất dễ dàng”[2]. Thánh nhân còn nói thêm rằng: Nếu chúng ta không cầu nguyện, thì không thể bào chữa được, vì ơn cầu nguyện được ban cho mọi người... nếu chúng ta không được cứu rỗi, thì đó là hoàn toàn do lỗi của chúng ta, vì chúng ta đã không cầu nguyện”[3].
Như thế, khi nói rằng lời cầu nguyện là một phương thế cần thiết, thánh Anphongsô muốn cho chúng ta hiểu rằng, cần phải cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, đặc biệt trong lúc gặp thử thách và trong những lúc khó khăn. Chúng ta phải luôn luôn gõ cửa nhà Chúa với lòng tin tưởng, vì biết rằng Chúa lo lắng cho con cái Người trong mọi sự. Vì thế, chúng ta được mời gọi đừng sợ hãi chạy đến với Chúa, hãy tin tưởng trình bày với Chúa về những ơn xin của chúng ta, trong sự xác tín rằng, sẽ nhận được điều chúng ta cần.
Các bạn thân mến, đây là vấn đề cốt yếu: cái gì thực sự cần thiết cho cuộc sống chúng ta? Cùng với thánh Anphongsô, tôi xin trả lời: “Sức khỏe và tất cả mọi ân sủng mà chúng ta cần có”[4]. Dĩ nhiên, thánh nhân hiểu rằng, không phải chỉ có sức khỏe của thân xác mà thôi, nhưng trước hết, là sức khỏe của linh hồn, mà Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta. Trên tất cả mọi điều khác, chúng ta cần sự hiện diện giải thoát của Chúa, khiến cho sự hiện hữu của chúng ta trở thành thực sự nhân bản hơn, và vì thế, được tràn đầy niềm vui. Chỉ ngang qua việc cầu nguyện, chúng ta mới có thể tiếp nhận Chúa và ân sủng của Chúa mà thôi. Ân sủng của Chúa soi sáng chúng ta trong mọi hoàn cảnh, và làm cho chúng ta phân định sự thiện đích thực; và khi củng cố, nó cũng khiến cho ý chí của chúng ta được hữu hiệu, nghĩa là khiến cho nó thực thi sự thiện một cách có hiểu biết. Chúng ta thường nhận ra những gì là tốt lành nhưng chúng ta không thể thực hiện được. Với lời cầu nguyện, chúng ta sẽ được thành công trong việc thực hiện những tốt lành đó. Người môn đệ của Chúa biết rằng mình luôn luôn hứng chịu cám đỗ và phải xin Thiên Chúa trợ giúp trong lời cầu nguyện để chiến thắng mọi cám dỗ.
Thánh Anphongsô kể lại mẫu gương của thánh Philípphê Nêri rằng, ngay từ khi buổi sáng mới thức dậy, thánh Philípphê Nêri đã thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, hôm nay xin Chúa hãy đặt tay trên Philípphê tôi tớ của Chúa đây nhé, bằng không thì Philípphê này sẽ phản bội Chúa mất thôi”[5]. Chúng ta cũng thế, ý thức được sự mỏng dòn yếu đuối của mình, chúng ta phải cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp với lòng khiếm tốn, chỉ tín thác nơi lòng thương xót vô biên của Chúa. Thánh Anphongsô còn nói trong một đoạn khác rằng: “Chúng ta nghèo nàn về tất cả, nhưng nếu chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ không còn nghèo nữa. Nếu chúng ta nghèo, thì Thiên Chúa giàu có, sẽ ban cho”[6]. Và theo vết chân thánh Augustinô, thánh Anphongsô mời gọi mọi một Kitô hữu đừng sợ kín múc nơi Thiên Chúa, với lời cầu nguyện, sức mạnh mà mình không có, và cần có để làm việc thiện, trong xác tín rằng, Chúa không từ chối sự trợ giúp của Người đối với những ai cầu khấn Người với lòng khiêm tốn[7].
Các bạn thân mến, thánh Anphongsô nhắc cho chúng ta biết rằng, tiếp xúc với Thiên Chúa là điều cốt yếu trong cuộc sống chúng ta. Không có tiếp xúc với Thiên Chúa, thì thiếu tương quan nền tảng, và tương quan với Thiên Chúa được thực hiện trong việc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện hằng ngày, và với việc tham dự các bí tích. Và như thế, tương quan này có thể lớn lên nơi chúng ta, có thể làm tăng trưởng trong chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa, là Đấng hướng dẫn hành trình của chúng ta, soi sáng nó và khiến cho nó được chắc chắn và an bình, ngay cả giữa những khó khăn và hiểm nguy.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
[1] Saint Anphonsus Mary Liguori, The Great Means of Prayer, 1759, Introduction.
[2] ibid., II, Conclusion.
[3] Ibid., II,.
[4] Ibid.
[5] ibid., III, 3.
[6] ibid., II,4.
[7] cf. ibid., III,3.
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông