Bài 39: Hãy vui luôn trong Chúa
WHĐ (05.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 27.06.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 39: Hãy vui luôn trong Chúa. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 27 tháng 06 năm 2012
Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, lời cầu nguyện của chúng ta bao gồm những lúc thinh lặng và những lời kinh nguyện, các bài thánh ca và những cử điệu liên quan đến toàn thể con người: từ ngoài miệng đến tâm trí, từ con tim đến toàn thể con người. Đó là một đặc tính mà chúng ta tìm thấy trong cầu nguyện của người Do Thái, đặc biệt là trong các Thánh vịnh. Hôm nay tôi muốn nói về một trong những thánh ca và thánh thi cổ xưa nhất trong truyền thống Kitô giáo, mà thánh Phaolô đặt trước chúng ta, trong đó, theo một nghĩa nào đó, là di chúc tinh thần của ngài: Thư gửi tín hữu Philípphê. Thực sự thư này là một thư mà thánh Tông đồ đã đọc cho viết khi ngài bị giam cầm, có lẽ ở Rôma. Ngài cảm thấy cái chết đã gần, vì ngài nói rằng cuộc sống của ngài sẽ được hiến dâng như là một hy lễ (x. Pl 2,17).
Bất chấp tình trạng nguy hiểm liên quan đến sự an toàn về thể lý của ngài, trong toàn thể bản văn, Thánh Phaolô diễn tả niềm vui được làm một môn đệ Đức Kitô và có thể đi gặp Người, vì vậy mà ngài coi cái chết không phải là một sự mất mát nhưng là một mối lợi. Ở chương cuối cùng của Thư, có một lời mời gọi vui mừng mãnh liệt, một đặc tính căn bản của việc làm Kitô hữu và việc cầu nguyện của chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4). Nhưng làm sao một người có thể vui mừng được khi đang đối diện với một án tử hình sắp xảy ra? Từ đâu, hoặc đúng hơn, từ ai mà thánh Phaolô rút ra được sự thanh thản, sức mạnh và lòng can đảm để đương đầu với việc tử vì đạo và đổ máu của mình?
Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở trọng tâm của Thư gửi tín hữu Philípphê, ở điều mà truyền thống Kitô giáo gọi là bài thánh thi dành cho Đức Kitô, [carmen Christo], hoặc thông thường hơn, “bài thánh thi Kitô học”; một bài thánh thi trong đó tất cả mọi chú ý đều tập trung vào “những tâm tình” của Đức Kitô; đó là, về cách suy nghĩ của và thái độ cụ thề và sống của Người. Kinh nguyện này bắt đầu với lời kêu gọi: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Giêsu Kitô” (Pl 2,5). Những tâm tình này được trình bày trong các câu tiếp theo: tình yêu, lòng đại lượng, khiêm tốn, vâng phục Thiên Chúa, món quà tự hiến. Không phải chỉ là vấn đề đơn thuần theo gương Đức Giêsu, như là một điều gì vền đạo đức luân lý, nhưng là uốn nắn toàn thể cuộc đời của mình theo cách suy nghĩ và hành động của Đức Giêsu. Cầu nguyện phải đưa đến một sự hiểu biết và một sự kết hợp trong một tình yêu sâu xa hơn bao giờ hết với Chúa, để có thể suy nghĩ, hành động và yêu thương như Người, trong Người và cho Người. Thực hành này, việc học tâm tình của Đức Kitô, là con đường của đời sống Kitô hữu.
Giờ đây tôi muốn vắn tắt bàn đến một số yếu tố của bài thánh thi cô đọng này, là bài thánh thi tóm tắt toàn thể hành trình Thiên Chúa và con người của Con Thiên Chúa cùng bao gồm toàn bộ lịch sử nhân loại: từ tình trạng là Thiên Chúa, đến việc Nhập Thể, cho đến cái chết trên Thập giá và việc được tôn vinh trong vinh quang Chúa Cha, hành vi của Ađam và của con người từ ban đầu cũng được nói đến. Bài thánh thi dành cho Đức Kitô bắt đầu với việc Người ở trong hình dạng Thiên Chúa [en morphe tou Theou], theo bản văn Hy Lạp, có nghĩa là, từ trong hình dạng Thiên Chúa, hay trong tình trạng của Thiên Chúa. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, đã không sống tình trạng của mình “như Thiên Chúa” để thắng thế hoặc áp đặt uy quyền tối cao của mình; Người không coi điều đó như một vật sở hữu, một đặc quyền, hoặc một kho báu phải được bảo vệ hết mình.
Thật vậy, Người “trút bỏ” chính mình, Người tự tước bỏ chính mình – mặc lấy điều mà bản văn Hy Lạp gọi là mặc lấy thân nô lệ, “hình dạng của một kẻ nô lệ” [morphe doulos], tức là thực trạng của con người, được ghi dấu bằng sự nghèo nàn, khổ đau và phải chết. Đức Kitô đã hoàn toàn đồng hóa mình với loài người, ngoại trừ tội lỗi, để hoạt động như một người tôi tớ hiến thân phục vụ tha nhân. Về điều này, vào thế kỷ thứ tư, tác giả Êudêbiô Xêdarê đã nói: “Người tự mình gánh trên vai những khó khăn của các thành viên đau khổ. Người đã biến các bệnh tật hèn mọn của chúng ta thành của Người. Người đã chịu đau khổ và vất vả vì chúng ta: điều này phù hợp với tình yêu tuyệt vời của Người dành cho nhân loại”[1].
Thánh Phaolô tiếp tục bằng cách họa lại cốt truyện “lịch sử”, trong đó việc Đức Giêsu tự hạ mình được thực hiện: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8). Con Thiên Chúa thật sự trở thành người phàm và bước một con đường hoàn toàn vâng lời và trung thành với thánh ý Chúa Cha, ngay cả đến hy sinh tột cùng là hiến cuộc đời mình. Còn hơn nữa, như Thánh Tông đồ nói rõ, “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Trên Thập giá, Đức Giêsu Kitô đã đạt đến mức nhục nhã lớn nhất, vì bị đóng đinh là hình phạt dành cho những kẻ nô lệ chứ không phải cho những người tự do, như Cicero đã viết: cái chết trên thập giá chính là cái chết nhục nhã nhất [mors turpissima crucis][2].
Trên Thập giá của Đức Kitô, con người được cứu độ và kinh nghiệm của Ađam bị đảo ngược: Ađam, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, tìm cách giống Thiên Chúa bằng sức riêng của mình, để tự đặt mình lên địa vị Thiên Chúa, và do đó đã đánh mất phẩm giá nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ngược lại, Đức Giêsu, đang ở trong “tình trạng của Thiên Chúa”, lại tự hạ mình, dìm mình vào tình trạng con người, trong việc hoàn toàn trung thành với Chúa Cha, để chuộc lại cái Ađam trong chúng ta và để phục hồi cho con người phẩm giá mà họ đã mất. Các Giáo phụ đã nhấn mạnh rằng Người đã trở nên vâng phục, do đó, qua nhân tính và sự vâng phục của Người, Người phục hồi cho bản tính con người những gì đã bị mất vì sự bất phục tùng của Ađam.
Trong cầu nguyện, trong mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta mở trí khôn, tâm hồn và ý chí của mình ra cho tác động của Chúa Thánh Thần để bước vào cùng một động lực này của cuộc đời. Như thánh Cyrilô thành Alexandria đã khẳng định: “Công việc của Chúa Thánh Thần là tìm cách biến đổi chúng ta bằng ân sủng để thành bản sao hoàn hảo của sự nhục nhã của Người”[3].
Lý luận của con người thường tìm cách tự cường bằng quyền lực, sự thống trị, và những phương tiện quyền thế. Con người tiếp tục muốn xây dựng tháp Babel bằng sức riêng của mình, để trở thành Thiên Chúa mà không cần ai trợ giúp, để nên giống Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập Thể và Thập giá nhắc nhở chúng ta rằng việc trở nên trọn vẹn hệ tại ở việc uốn nắn ý muốn của con người theo thánh ý Chúa Cha, ở việc trút bỏ tính ích kỷ để được lấp đầy bằng tình yêu, bằng tình yêu của Thiên Chúa, và như thế trở nên thực sự có khả năng yêu thương tha nhân.
Con người không tìm được chính mình bằng cách tự mình đóng kín cửa lòng, bằng cách tự chuẩn y. Con người chỉ tìm được bản thân khi dám bước ra khỏi chính mình, chúng ta chỉ tìm được bản thân nếu chúng ta dám ra khỏi chính mình mà thôi. Nếu Ađam muốn bắt chước Thiên Chúa, điều này tự nó không là điều xấu, nhưng ông đã sai lầm trong ý tưởng của mình về Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ muốn những gì vĩ đại. Thiên Chúa là tình yêu, Đấng tự hiến mình trước trong Ba Ngôi, và sau đó trong thụ tạo. Và bắt chước Thiên Chúa có nghĩa là bước ra khỏi chính mình, có nghĩa là tự hiến mình trong yêu thương.
Chủ đề được thay đổi trong phần thứ hai của “bài thánh thi Kitô học” trong Thư gửi tín hữu Philípphê; nó không còn là Đức Kitô, mà là Chúa Cha. Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng chính vì sự vâng phục thánh ý Chúa Cha mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và đã ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9). Đấng đã tự hạ mình một cách thẳm sâu bằng cách thông phần vào tình trạng của một kẻ nô lệ được tôn vinh rất cao, Người được Chúa Cha nâng lên trên tất cả mọi sự, và Thiên Chúa đã ban cho Người danh hiệu “Chúa” [Kyrios], tức là phẩm giá và chủ quyền cao trọng nhất. Quả thật, trước danh hiệu mới này, chính là danh hiệu của Thiên Chúa trong Cựu Ước, “và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,10-11).
Đức Giêsu, Đấng được tôn vinh cũng là Đấng đã hiện diện trong Bữa Tiệc Ly, Đấng cởi áo ngoài của mình, thắt lưng bằng một chiếc khăn, cúi mình xuống để rửa chân cho các môn đệ và hỏi các ông rằng: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14). Phải luôn nhớ lại điều này trong cầu nguyện và trong đời sống chúng ta: “Việc đi lên với Thiên Chúa xảy ra chính trong việc đi xuống của phục vụ khiêm tốn, trong việc đi xuống của tình yêu, vì tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, và do đó, là quyền năng đích thực để thanh tẩy con người và cho phép họ nhận thức được Thiên Chúa và thấy Người”[4].
Bài thánh thi trích từ Thư gửi tín hữu Philípphê ở đây cung cấp cho chúng ta hai bài học quan trọng về việc cầu nguyện của chúng ta. Bài học thứ nhất là việc dùng danh hiệu “Chúa” [Kyrios], để gọi Đức Giêsu Kitô, đang ngự bên hữu Chúa Cha: Đức Giêsu chính là Chúa duy nhất của cuộc đời chúng ta, giữa nhiều “nhà cai trị” đang muốn chỉ đạo và hướng dẫn nó. Vì thế, chúng ta cần phải có một bậc thang giá trị, trong đó bậc cao nhất phải dành cho Thiên Chúa, để cùng với thánh Phaolô, chúng ta khẳng định rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Việc gặp gỡ Đấng Phục Sinh đã làm cho Phaolô hiểu rằng, Đức Kitô là kho báu duy nhất đáng cho người ta mua bằng toàn thể cuộc sống của mình.
Bài học thứ hai là việc phủ phục, “muôn vật phải bái quỳ” trên trời và dưới đất, nhắc lại cách diễn tả của ngôn sứ Isaia, trong đó ám chỉ việc tôn thờ mà mọi thụ tạo phải dành cho Thiên Chúa (x. Is 45,23). Việc bái gối trước Bí tích cực trọng hoặc quỳ gối trong khi cầu nguyện diễn tả chính thái độ thờ lạy trước mặt Thiên Chúa, cùng với thân mình. Do đó, tầm quan trọng của cử chỉ này không phải vì sự thúc đẩy của thói quen hoặc vội vàng, nhưng vì ý thức sâu xa. Khi chúng ta quỳ xuống trước mặt Chúa chúng ta tuyên xưng đức tin của mình nơi Người, chúng ta xác nhận rằng Người là Chúa duy nhất của cuộc đời của chúng ta.
Anh chị em thân mến, trong việc cầu nguyện của mình, chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đinh; chúng ta hãy ở lại tôn thờ thường xuyên hơn trước Thánh Thể để cho cuộc sống của chúng ta được nhập vào tình yêu của Thiên Chúa, Đấng khiêm tốn hạ mình để nâng chúng ta lên với Người. Ở đầu chương này, chúng ta đã tự hỏi tại sao thánh Phaolô có thể vui mừng khi đối diện với việc tử vì đạo và đổ máu sắp xảy ra của mình. Điều này chỉ có thể được bởi vì thánh Tông đồ không bao giờ rời mắt khỏi Đức Kitô, đến nỗi trở nên đồng hình đồng dạng với Người ngay cả trong cái chết, để “với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,11). Như thánh Phanxicô trước Thập giá, chúng ta cũng thưa: “Ôi lạy Thiên Chúa Tối Cao và vinh quang, xin chiếu ánh sáng vào nơi tăm tối của tâm hồn con. Xin ban cho con một đức tin chân chính, một đức cậy vững chắc và một đức mến hoàn hảo, ơn biết phân định và ơn thông hiểu để con có thể thực thi thánh ý chân thật và thánh thiện của Ngài. Amen”[5].
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
[1] Eusebius of Caesarea, Demonstratio Evangelica [Proof of the Gospel], 10, 1, 22.
[2] cf. In Verrem, V, 64, 165.
[3] Festal Letter, 10, 4.
[4] Jesus of Nazareth, Doubleday, New York, 2007, p. 95.
[5] cf. Prayer before the Crucifix at San Damiano: ff, [276]
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 150 – Thánh lễ Chúa nhật
-
“Học mà vui, vui mà học” -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 149 - Thao thức với Giáo hội -
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 148 - Vị thánh tương lai -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông