Bài 35: Lời cầu nguyện “Abba! Cha ơi!”

Bài 35: Lời cầu nguyện “Abba! Cha ơi!”

Bài 35: Lời cầu nguyện “Abba! Cha ơi!”

WHĐ (01.07.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 23.05.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 35: Lời cầu nguyện “Abba! Cha ơi!”. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 23 tháng 05 năm 2012

Tôi muốn tiếp tục chủ đề cầu nguyện theo các Thư của thánh Phaolô. Thánh Phaolô là bậc thầy vĩ đại về cầu nguyện, dạy chúng ta hướng tới Thiên Chúa với các từ ngữ trìu mến của con cái, bằng cách gọi Thiên Chúa là “Abba! Cha ơi!”. Đó chính là điều Đức Giêsu đã làm; ngay cả trong lúc bi thảm nhất của cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, với sự thân tình của người Con yêu dấu, Người đã không bao giờ đánh mất sự tín thác nơi Chúa Cha, và đã luôn luôn khẩn nài Chúa Cha. Trong vườn Cây Dầu, khi cảm thấy sự âu lo của cái chết, Người đã cầu nguyện rằng: “Abba! Cha ơi! Mọi sự đều có thể, xin cất chén này xa con! Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Ngay từ những bước đầu trên hành trình của mình, Giáo hội tiếp nhận lời khẩn cầu này làm của mình, nhất là trong Kinh Lạy Cha, trong đó chúng ta nói lên hằng ngày: “Lạy Cha chúng con ở trên trời... ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10).

Chúng ta tìm thấy các lời “Abba, Cha ơi” hai lần trong các Thư của thánh Phaolô. Trong Thư gửi tín hữu Galát, ngài viết: “Để chứng thực anh em là con cái. Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Abba! Cha ơi!” (Gl 4,6). Ở giữa bài ca chúc tụng Thần Khí, trong Thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô khẳng định: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15).

Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sự sợ hãi, mà là tôn giáo của lòng tin tưởng và của tình yêu thương đối với Chúa Cha, Đấng luôn yêu thương ta. Hai khẳng định sâu sắc trên đây nói với chúng ta về việc gửi và nhận lãnh Thánh Thần, ân huệ của Chúa Phục Sinh, khiến cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, trong Đức Kitô, nơi người Con duy nhất, và đặt để chúng ta vào trong một tương quan thân thiết của tình con thảo với Thiên Chúa, tương quan của lòng tin tưởng sâu xa, như của những đứa trẻ; một tương quan giống với tương quan của Đức Giêsu, ngay cả khi có nguồn gốc và bề dày khác nhau: Đức Giêsu là người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người, trái lại, chúng ta trở thành “những người con trong Con”, trong thời gian, qua đức tin, qua các Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nhờ đó chúng ta được chìm ngập trong Mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là ân huệ cao quý và cần thiết khiến cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, Đấng thực hiện việc nhận làm nghĩa tử, mà tất cả là loài người chúng ta được mời gọi, như thánh Phaolô khẳng định trong Thư gửi tín hữu Êphêxô rằng: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thành nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,4-5),

Có lẽ con người ngày nay không nhận thức ra vẻ đẹp, sự cao cả, và niềm an ủi sâu xa chứa đựng trong từ “cha” mà chúng ta dùng để thưa lên với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, bởi vì gương mặt người cha ngày nay thường không hiện diện đủ, và thường không tích cực trong cuộc sống thường ngày. Sự thiếu vắng người cha, vấn đề của một người cha không hiện diện trong cuộc sống của trẻ em, là một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, vì thế khó mà hiểu được trong sự sâu thẳm của nó, đối với chúng ta, Thiên Chúa là Cha có nghĩa là gì. Từ chính Đức Giêsu, trong tương quan tình con thảo của Người đối với Chúa Cha, chúng ta có thể học được chữ “cha” có nghĩa gì, đâu là bản chất đích thực của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.

Các nhà phê bình tôn giáo đã nói rằng. để nói về Chúa Cha, về Thiên Chúa, là một sự phóng chiếu về những người cha nhân loại thành những thực tại trên thiên đàng. Nhưng điều ngược lại mới đúng: trong Tin Mừng, Đức Kitô cho chúng ta thấy một người cha là ai, và một người cha đích thực thì như thế nào, nhờ đó chúng ta có thể hiểu được tình phụ tử đích thực, đồng thời học biết được vai trò làm cha đích thực. Chúng ta hãy nghĩ tới lời Đức Giêsu dạy trong Bài giảng trên Núi: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45). Chính tình yêu của Đức Giêsu, Con duy nhất, Đấng đã tự hiến mình trên Thập giá, mặc khải cho chúng ta thấy bản tính đích thực của Chúa Cha. Thiên Chúa là Tình Yêu, và cả chúng ta nữa, trong lời cầu nguyện của con cái, chúng ta cũng được bước vào trong quỹ đạo tình yêu này của Thiên Chúa, Đấng thanh tẩy khát vọng của ta, thanh tẩy những thái độ bị đánh dấu bởi sự khép kín, tự mãn và ích kỷ của con người cũ.

Chúng ta có thể nói rằng, nơi Thiên Chúa, việc làm Cha mang hai chiều kích. Trước hết, Thiên Chúa là Cha chúng ta, bởi vì Người là Đấng Hóa Công. Mỗi người trong chúng ta, mỗi người nam và người nữ, là một phép lạ của Thiên Chúa, được Người muốn, và được Người hiểu biết một cách riêng tư cá nhân. Trong sách Sáng Thế, khi nói rằng con người đã được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27), là người ta muốn diễn tả chính thực tại này: Thiên Chúa là Cha chúng ta, đối với Người chúng ta không phải là những kẻ vô danh, không bản vị, nhưng chúng ta có một tên gọi. Có một lời trong Thánh vịnh luôn đánh động tôi, khi tôi cầu nguyện, đó là: “Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng, xin mở trí cho con học biết mệnh lệnh Ngài” (Tv 119,73). Trong những lời này, mỗi người trong chúng ta có thể diễn tả tương quan riêng tư cá nhân của mình với Thiên Chúa. “Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng. Chúa đã nghĩ tới con, đã tạo dựng nên con, và muốn con được hiện hữu”.

Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Thần Khí của Đức Kitô còn mở ra cho chúng ta một chiều kích thứ hai trong thiên chức làm Cha nơi Thiên Chúa nữa, vượt xa hơn sự tạo dựng, bởi vì Đức Giêsu là “Con” theo nghĩa tròn đầy, của “chính bản tính Chúa Cha”, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Khi trở thành người như chúng ta, đến lượt Người, qua việc Nhập Thể, chết và Phục Sinh, Đức Giêsu tiếp nhận chúng ta trong nhân tính của Người, và trong chính thiên chức làm Con của Người, và như thế chúng ta cũng có thể bước vào trong việc đặc biệt tùy thuộc Thiên Chúa. Chắc chắn việc chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, không có cùng sự tròn đầy của Đức Giêsu: chúng ta phải ngày càng trở thành con nhiều hơn, trong suốt hành trình cuộc sống Kitô hữu của mình, bằng cách lớn lên trong hành trình theo Đức Kitô, trong sự hiệp thông với Người, để ngày càng bước sâu một cách thân tình hơn vào trong tương quan tình yêu với Chúa Cha, Đấng nâng đỡ cuộc sống chúng ta. Thực tại nền tảng này được mở ra cho chúng ta, khi chúng ta rộng mở chính mình cho Chúa Thánh Thần, và Người khiến cho chúng ta hướng về Thiên Chúa bằng cách thưa với Người rằng: “Abba! Cha ơi!”

Trong Thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô khẳng định rằng, Thần Khí kêu lên trong chúng ta “Abba! Cha ơi!”. Còn trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thần Khí nói rằng chúng ta kêu lên “Abba! Cha ơi!”. Qua đó thánh Phaolô muốn cho chúng ta hiểu rằng, lời cầu nguyện Kitô giáo không bao giờ xảy ra chỉ trong một chiều từ nơi chúng ta tới Thiên Chúa mà thôi, nó không phải là một hành động của riêng chúng ta, mà diễn tả một tương quan hai chiều, trong đó chính Thiên Chúa tác động trước: chính Thánh Thần kêu lên trong chúng ta, và như thế, chúng ta có thể kêu lên, bởi vì có sự thúc đẩy trước, đến từ chính Chúa Thánh Thần.

Chúng ta không thể cầu nguyện khát khao Thiên Chúa, nếu như bản chất làm con cái Thiên Chúa không được khắc ghi trong nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta. Từ khi con người khôn ngoan (homo sapiens) hiện hữu, nó đã luôn kiếm tìm Thiên Chúa và nói chuyện với Người, bởi vì Thiên Chúa đã khắc ghi chính Người trong tâm khảm chúng ta. Như thế sáng kiến đầu tiên là của Thiên Chúa, rồi với phép Rửa, Thiên Chúa lại tác động trong chúng ta và Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, và là người đâu tiên cầu nguyện để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Abba! Cha ơi! Bởi vậy, sự hiện diện của Ngài hướng việc cầu nguyện của chúng ta và đời sống chúng ta, hướng về những chân trời của Ba Ngôi và của Giáo Hội.

Hơn nữa, đây là điểm thứ hai, chúng ta nhận thức rằng việc cầu nguyện của Thần Khí Đức Kitô trong chúng ta và của chúng ta trong Người, không phải chỉ là một tác động riêng tư; trái lại, nó là một tác động của toàn thể Giáo Hội. Trong việc cầu nguyện, lòng chúng ta mở ra, chúng ta tiến vào mối hiệp thông không chỉ với Thiên Chúa, mà còn với tất cả mọi người con cái của Thiên Chúa nữa, vì chúng ta là một. Khi chúng ta hướng tới Chúa Cha trong căn phòng nội tâm, trong thinh lặng và cầm trí, chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình. Ai nói chuyện với Thiên Chúa không bao giờ lẻ loi. Chúng ta đang ở trong lời cầu nguyện lớn của Giáo hội, chúng ta là phần của một bản hòa tấu vĩ đại, mà cộng đoàn Kitô hữu sống rải rác khắp nơi trên thế giới tấu lên Thiên Chúa. Chắc chắn là các nhạc công và các nhạc cụ khác nhau - và đây là một yếu tố của sự phong phú - nhưng tấu khúc ca tụng là một và trong sự hòa hợp. Như thế mỗi lần chúng ta kêu lên “Abba! Cha ơi!” là toàn Giáo hội, toàn sự hiệp thông của những người cầu nguyện nâng đỡ lời khẩn cầu của chúng ta, và lời khẩn cầu của chúng ta là lời khẩn cầu của toàn Giáo hội. Điều này cũng được phản ánh nơi tính chất phong phú của các đặc sủng, của các thừa tác vụ, của các công việc làm, được chúng ta thi hành trong cộng đồng. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô rằng: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cr 12,4-6). Việc cầu nguyện được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, giúp chúng ta kêu lên “Abba! Cha ơi!” cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, đưa chúng ta vào một bức tranh ghép mosaic tuyệt vời của gia đình Thiên Chúa, nơi mà mỗi người trong chúng ta đều có một vị trí và vai trò quan trọng trong mối hiệp thông sâu xa với toàn khối.

Một ghi nhận sau cùng là chúng ta cũng học biết để cùng với Mẹ Maria kêu lên: “Abba! Cha ơi!”, Mẹ của Con Thiên Chúa. Việc thời gian viên trọn đến được thánh Phaolô nói tới trong Thư gửi tín hữu Galát (x. Gl 4,4) xảy ra vào lúc Mẹ Maria cất tiếng “xin vâng”, vào lúc Mẹ hoàn toàn gắn bó với thánh ý Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ Chúa” (Lc 1,38).

Anh chị em thân mến, trong việc cầu nguyện, chúng ta hãy biết nếm cảm vẻ đẹp trở thành bạn hữu, trở thành con cái của Thiên Chúa, có thể kêu lên Người với một niềm cậy trông và tín thác của một đứa con thơ đối với cha mẹ mình, những người luôn yêu thương nó. Chúng ta hãy hướng việc cầu nguyện cho Thánh Thần tác động, nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể kêu lên cùng Thiên Chúa rằng: “Abba! Cha ơi!”, và để lời cầu nguyện có thể thay đổi và liên lỉ cải biến cách thức suy nghĩ và hành động của ta, để ngày càng kết hợp với lời cầu nguyện của người Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top