Bài 33: Thánh Phêrô
WHĐ (29.06.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 09.05.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 33: Thánh Phêrô. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 09 tháng 05 năm 2012
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn bàn về bối cảnh cuối cùng của cuộc đời thánh Phêrô được kể trong Sách Công vụ Tông đồ: việc giam cầm của thánh nhân theo lệnh của vua Hêrôđê Ác-ríp-pa I, và việc thánh nhân được giải thoát qua sự can thiệp kỳ diệu của sứ thần Chúa, trong đêm trước cuộc xử án ngài ở Giêrusalem (x. Cv 12,1-17).
Một lần nữa, trình thuật được đánh dấu bằng lời cầu nguyện của Giáo hội. Quả thật, thánh Luca đã viết: “Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12,5). Và sau khi được dẫn ra khỏi nhà tù một cách kỳ diệu, dịp ngài đến thăm nhà bà Maria, mẹ của Gioan Máccô, thánh Luca quả quyết rằng “ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện” (Cv 12,12). Việc thánh Phêrô bị giam cầm và được giải thoát, là việc kéo dài suốt đêm, được đặt giữa hai chú thích quan trọng này, cho thấy thái độ của cộng đoàn Kitô hữu khi phải đối diện với bắt bớ hiểm nguy. Sức mạnh lời cầu nguyện không ngừng của Giáo hội lên đến Thiên Chúa và Chúa nghe cùng thực hiện một cuộc giải thoát bất ngờ và không thể tưởng tượng nổi, bằng cách gửi thiên sứ của Người tới.
Câu chuyện nhắc lại các yếu tố chính của việc giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì nó đã xảy ra trong biến cố căn bản này, ở đây cũng là hành động chính được thực hiện bởi thiên sứ của Chúa, là vị đã giải thoát thánh Phêrô. Và chính các hành động của vị Tông đồ, người được yêu cầu vội vã đứng lên, cột dây đai và thắt lưng, phản ảnh hành động của dân được tuyển chọn, trong đêm được giải thoát nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa khi họ được mời vội vàng ăn thịt chiên, cột dây thắt lưng, chân đi giày, tay cầm gậy, sẵn sàng rời khỏi Ai Cập (x. Xh 12,11). Như vậy, thánh Phêrô có thể kêu lên: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê” (Cv 12,11). Nhưng thiên sứ không những chỉ nhắc lại việc giải thoát dân Israel khỏi tay Ai Cập, mà còn là sự phục sinh của Đức Kitô. Quả thật, Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết: “Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo: “Đứng dậy mau đi!”. Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông” (Cv 12,7). Ánh sáng chiếu đầy phòng giam, chính hành động đánh thức vị Tông đồ, nhắc lại ánh sáng giải phóng của Lễ Vượt Qua của Chúa, là ánh sáng xua tan bóng tối của đêm đen và sự dữ. Sau cùng, lời mời gọi: “Khoác áo choàng vào và đi theo tôi!” (Cv 12,8), vang lên trong tâm hồn chúng ta lời mời gọi ban đầu của Đức Giêsu (x. Mc 1,17), được lặp lại sau khi phục sinh ở biển hồ Tibêria, nơi Chúa hai lần nói với thánh Phêrô rằng: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19-22). Đây là một lời mời gọi khẩn trương để “đi theo”: vì chỉ nhờ thoát ra khỏi chính mình để bắt đầu cuộc hành trình với Chúa và làm theo thánh ý Người, mà chúng ta mới bước vào sự tự do đích thực.
Tôi muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác, nơi thái độ của thánh Phêrô trong tù. Quả thật, trong khi cộng đoàn Kitô hữu kiên trì cầu nguyện cho thánh Phêrô thì thánh nhân lại “đang ngủ” (Cv 12,6). Trong bối cảnh hiểm nguy cấp thời và nghiêm trọng như vậy, đó là một thái độ có vẻ kỳ cục, nhưng quả thật, thái độ này chứng tỏ sự an tâm, tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa, thánh nhân biết mình được bao bọc bằng sự liên đới cầu nguyện của dân chúng, và thánh nhân đã hoàn toàn tín thác trong tay Chúa. Như vậy, lời cầu nguyện của chúng ta phải chuyên cần, trong tình liên đới với tha nhân, hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng biết chúng ta một cách mật thiết và chăm sóc cho chúng ta như Đức Giêsu đã dạy rằng: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ…” (Mt 10,30-31). Thánh Phêrô coi đêm bị giam cầm và được giải thoát khỏi nhà tù của mình như giây phút riêng để “đi theo” Chúa, Đấng đã xua tan bóng tối của đêm đen cùng tháo tung xiềng xích nô lệ và hiểm nguy của sự chết. Đây là một cuộc giải thoát phi thường, được kể lại bằng một vài đoạn diễn tả một cách chính xác: được thiên sứ hướng dẫn, bất chấp các lính canh gác, đi qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người (x. Cv 12,10). Thánh Phêrô và thiên sứ của Chúa cùng nhau đi một đoạn đường dài, đến khi hoàn hồn, vị Tông đồ mới nhận ra rằng Chúa thực sự đã giải thoát ông, và ý thức được như vậy, Phêrô đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Máccô, là nơi nhiều môn đệ tụ họp cầu nguyện; một lần nữa, phản ứng của cộng đoàn khi gặp khó khăn và nguy hiểm là tín thác vào Thiên Chúa, làm cho mối liên hệ của mình với Chúa thêm mãnh liệt hơn.
Ở đây tôi thấy có vẻ hữu ích để nhắc lại một hoàn cảnh khó khăn khác mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã trải qua. Thánh Giacôbê cho chúng ta biết trong thư của ngài. Đây là một cộng đoàn đang bị khủng hoảng, khó khăn, không phải vì bị bắt bớ nhưng vì có sự ghen tương và tranh chấp nội bộ (x. Gc 3,14-16). Và thánh Tông đồ thắc mắc tại sao có tình trạng này. Ngài tìm thấy hai lý do chính: thứ nhất là người ta để cho mình bị thống trị bởi những đam mê, bởi sự độc tài của ý muốn của họ, và bởi ích kỷ (x. Gc 4,1-2a), thứ hai là thiếu cầu nguyện – “anh em đã không xin” (Gc 4,2b) – hoặc sự hiện diện của một lời cầu nguyện mà không thể định nghĩa được như: “Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,3). Theo thánh Giacôbê thì tình trạng này sẽ thay đổi nếu toàn thể cộng đoàn đồng lòng khi thưa chuyện với Thiên Chúa, nếu họ cầu nguyện chăm chỉ và đồng tâm. Quả thật, ngay cả những thảo luận về Thiên Chúa cũng có thể mất đi sức mạnh bên trong của nó, và việc làm nhân chứng cũng trở thành khô héo, nếu không được linh hoạt, nâng đỡ và đi kèm bởi cầu nguyện, bởi một cuộc đối thoại sống động liên tục với Chúa. Đây là một nhắc nhở quan trọng đối với chúng ta và cộng đoàn của chúng ta, dù nhỏ như gia đình, hoặc lớn hơn, như giáo xứ, giáo phận, và toàn thể Giáo hội. Điều này làm cho tôi nghĩ rằng trong cộng đoàn của thánh Giacôbê, họ đã cầu nguyện, nhưng cầu nguyện sai, vì họ đã chỉ cầu xin cho những ham muốn của họ. Chúng ta phải không ngừng học phải cầu nguyện thế nào, cầu nguyện thực sự, để hướng chúng ta về Thiên Chúa mà không hướng về những gì có lợi cho mình.
Trái lại, cộng đoàn đồng hành với thánh Phêrô khi ngài ở trong tù thật sự là một cộng đoàn hợp nhất cầu nguyện suốt đêm. Và một niềm vui không gì có thể ngăn cản nổi đã tràn ngập tâm hồn tất cả mọi người khi vị Tông đồ bất ngờ gõ cửa. Đó là niềm vui và sự kinh ngạc trước hành động của Thiên Chúa là Đấng nghe họ. Như vậy, lời cầu nguyện cho thánh Phêrô dâng lên từ Giáo hội và thánh nhân trở về trong Giáo hội để kể lại việc “sứ thần Chúa đã dẫn mình ra khỏi nhà tù thế nào” (Cv 12,17). Trong Giáo hội này, nơi mà ngài được đặt như một đá tảng (x. Mt 16,18), thánh Phêrô kể lại việc giải thoát trong “Lễ Phục Sinh” của ngài: ngài cảm nghiệm được rằng chính vì đi theo Đức Giêsu mà chúng ta tìm thấy tự do thật, chúng ta được bao bọc bởi ánh sáng Phục Sinh, và chính nhờ điều này mà chúng ta có thể làm nhân chứng, đến nỗi tử vì đạo, rằng Chúa là Đấng Phục Sinh, cùng thực sự “đã sai thiên sứ của Người và cứu thoát tôi khỏi tay Hêrôđê” (Cv 12,11). Việc tử đạo mà sau đó thánh Phêrô chịu ở Rôma sẽ kết hợp thánh nhân với Đức Kitô một cách vĩnh viễn, Đấng đã nói với Phêrô: khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn, để ám chỉ Phêrô phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 21,18-19).
Anh chị em thân mến, câu chuyện về việc thánh Phêrô được giải thoát, mà thánh Luca kể lại, cho chúng ta biết rằng Giáo hội, cũng như mỗi người chúng ta, phải trải qua đêm đen thử thách, nhưng việc tỉnh thức cầu nguyện không ngừng sẽ nâng đỡ chúng ta. Tôi cũng thế, từ giây phút đầu tiên được chọn làm người kế vị thánh Phêrô, tôi luôn luôn cảm thấy được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của anh chị em, lời cầu nguyện của Giáo hội, đặc biệt là trong những lúc khó khăn. Tôi hết lòng cảm ơn anh chị em. Nhờ trung thành cầu nguyện liên lỉ, Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích, hướng dẫn chúng ta qua mỗi đêm tối bị giam cầm, đêm tối có thể làm hao mòn tâm hồn chúng ta. Người ban cho chúng ta bình an trong tâm hồn để đối diện với những khó khăn của cuộc sống, ngay cả việc bị chối bỏ, bị chống đối và bị bách hại. Câu chuyện của thánh Phêrô cho thấy sức mạnh của lời cầu nguyện. Mặc dù bị xiềng xích, thánh nhân vẫn cảm thấy an tâm tin tưởng với xác tín rằng mình không bao giờ cô độc: cộng đoàn đang cầu nguyện cho mình, Chúa đang ở gần mình; hay đúng hơn thánh nhân biết rằng “sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9). Đồng tâm nhất trí cầu nguyện liên lỉ là một công cụ quý giá để khắc phục những thử thách có thể nảy sinh trên đường đời, bởi vì chính việc kết hợp cách mật thiết với Thiên Chúa cũng cho phép chúng ta được kết hợp mật thiết với tha nhân.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
bài liên quan mới nhất
- Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện -
Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Hiền Thê (23/10/2024): Bài 10 - Chúa Thánh Thần và bí tích hôn nhân -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 10/2024: Nuôi dưỡng tinh thần chiêm niệm -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 141 - Tại sao người Công giáo tôn kính Đức Mẹ? -
Kiên cường trong đức tin: Quan điểm thần học và mục vụ -
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 140 - Truyền thông sự sống
bài liên quan đọc nhiều
- Ban Giáo lý & Toàn bộ Giáo trình Giáo lý Hiệp Thông
-
Bộ Giáo lý Đức tin - Tuyên ngôn Fiducia Supplicans về ý nghĩa mục vụ của các chúc lành -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai? -
Chương trình đào tạo Giáo lý viên niên khóa 2022-2023 -
Tìm hiểu về linh đạo Giáo Lý Viên -
Bộ Giáo lý Đức tin: Tuyên ngôn tín lý mở ra khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc -
Ban Mục vụ Giáo lý TGP Sài Gòn: giới thiệu bộ sách Giáo lý Hiệp thông 2020 -
Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của giáo lý viên -
Tuần lễ Giáo lý - Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa -
Phỏng vấn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền về Bộ Giáo Lý Hiệp Thông