Ấn Độ: Các lãnh đạo Giáo hội đang lo lắng nạn gia tăng buôn bán phụ nữ

Ấn Độ: Các lãnh đạo Giáo hội đang lo lắng nạn gia tăng buôn bán phụ nữ

BHUBANESWAR, Ấn Độ (UCAN) – Các lãnh đạo Giáo hội trong bang Orissa đang lo lắng nạn gia tăng buôn bán phụ nữ ở quận Kandhamal, tâm điểm của vụ bạo lực chống Kitô hữu trong năm 2008.

Giáo hội thấy một “làn sóng rất lớn” nạn buôn bán “thiếu nữ” thuộc quận bị bạo lực này, theo Đức Giám mục Sarat Chandra Nayak của Berhampure.

Đức cha Nayak nói nạn nhân của bạo lực do những kẻ cực đoan Ấn giáo gây ra đang sống rất nghèo khổ vì họ không có việc làm và không thể trồng trọt trên đất đai của họ.

Các gia đình đang “tìm cách kéo dài sự sống”. Khi “an toàn tính mạng và lương thực” bị đe dọa, các cô gái trở thành mồi ngon trước những lời hứa tìm việc làm, lương cao và chỗ ăn ở tốt giả dối của những kẻ buôn bán người, theo đức cha.

Ngài nói các cô gái bỏ học vì bố mẹ không thể trả tiền học phí góp phần làm trầm trọng vấn đề. Giới trẻ sẵn sàng hy sinh cho gia đình, ngài nói thêm.

Đức Tổng Giám mục Raphael Cheenath, đứng đầu Giáo hội Công giáo trong bang, nói “ngược đãi và bạo lực đã hủy hoại cuộc sống và sinh kế của người dân chúng ta” và thúc giục người Công giáo “cảnh giác” trước những lời hứa giả dối của những kẻ buôn người.

Devi Pradhan, một học sinh đã bỏ học, nói với UCA News gia đình em không thể nuôi em ăn học. “Họ mong em hỗ trợ gia đình. Em muốn đi làm để giúp đỡ gia đình em”.

Đức cha Nayak mong muốn Giáo hội phát động “một chiến dịch đại chúng để nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về những cạm bẫy” và bắt chính quyền bang có trách nhiệm về tình trạng thiếu việc làm.

Ngài nói: “Nếu ở đây có an ninh và việc làm, không cô gái nào muốn đi làm việc ở một vùng đất xa lạ”.

Giáo hội không có số liệu chứng minh tình trạng gia tăng nạn buôn bán người nhưng các phương tiện truyền thông đưa tin các nhân viên chăm sóc trẻ em đã cứu các cô gái Kandhamal từ các nhà ga xe lửa trong tuần trước.

Các phương tiện truyền thông trích dẫn báo cáo của chính quyền cho biết có 3.578 phụ nữ vẫn còn bị mất tích từ năm 2000 đến 2005. Trong đó có 1.418 người tuổi từ 12-14, và 1.342 người tuổi từ 21-30.
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top