Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video)
Mt 10,17-22
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
(Mt 10,22)
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ ba điều: - Số phận những người theo Chúa là chịu bắt bớ như Ngài: Họ sẽ nộp anh em cho Hội Đồng. Nhưng trong những thử thách đó, người môn đệ cảm thấy được an ủi, vì đó là dịp làm chứng cho Thầy. Sau này sách Công vụ còn nói: Các Tông đồ hân hoan vì cảm thấy xứng đáng chịu khổ vì Chúa Kitô.
- Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với họ trong những cuộc bắt bớ và sẽ dạy họ phải nói gì trước những kẻ bắt bớ. Lý lẽ hùng hồn của Stêphanô đã minh chứng điều đó.
- Lời dặn thứ ba là nhiều khi chính những người thân thuộc sẽ bắt bớ họ, cũng như Chúa Giêsu đã chịu đồng bào mình lên án chết: Anh sẽ nộp em, cha nộp con cho ngươi ta giết.
Khi suy gẫm những lời dặn đò của Chúa hôm nay, tôi có cảm tưởng Chúa cũng đang dặn dò chúng ta như vậy:
- Người tông đồ nhiều khi bị hiểu lầm, bị bách hại. Đó là số phận chung của những người theo Chúa.- Nhưng trong những thử thách của đời sống đức tin, dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta vui mừng vì có dịp làm chứng cho Chúa.
- Và chúng ta đừng lấy làm lạ, nhiều khi những người làm khổ chúng ta, bách hại chúng ta không là ai khác mà lại chính là những người thân của chúng ta, vì hiểu lầm không biết hay vì ác ý. Chính Chúa Giêsu cũng đã bị môn đệ thân tín là Giuda bán đứng.
2. Mừng lễ thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương ngài. Ngài là một vị phó tế của cộng đoàn Jêrusalem (Cv 6,5) một người được mô tả là đầy Thánh Thần. Ngài được trao phó làm việc bác ái trong cộng đoàn, nhưng sách Công Vụ cho thấy là các phó tế vẫn tham dự vào việc giảng dạy và bênh vực đức tin. Trước khi chịu chết, Stêphanô đã giảng một bài thật dài và thật hùng hồn, tóm tắt lịch sử ơn cứu độ để minh chứng và qui trách nhiệm cái chết của Chúa Giêsu cho các Thượng tế, luật sĩ và Pharisiêu. Và cũng vì lời giảng dạy đó mà Stêphanô phải chịu ném đá chết.
Cuộc tử đạo của Stêphanô được diễn ra theo mô hình của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: người ta cũng xách động dân chúng làm chứng gian chống lại ông; ông đối chất với Thượng tế có uy quyền trước mặt mọi người (Cv 6,15). Ông nhìn thấy Con Người tức là Chúa Giêsu bên hữu Chúa Cha (7,55). Ông cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ giết ông (7,60). Cuộc thương khó của thánh Stêphanô giống hệt cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Trong quang cảnh này có nhiều điều đáng ghi nhận về Stêphanô:
a/ Chúng ta thấy được bí quyết lòng can đảm của ông. Vượt trên những gì người ta có thể làm hại ông, ông đã thấy Chúa của ông đang chờ đợi để đón tiếp ông. Ông thấy cái chết của người tử đạo là cánh cửa mở ra, đưa ông đến với Chúa Cứu Thế.
b/ Chúng ta thấy Stêphanô đã có những cách ứng xử thật giống Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Thiên Chúa tha tội cho kẻ giết Ngài, thì Stêphanô cũng làm y như vậy. Trong lời cầu nguyện của thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương thánh Stêphanô yêu thương cả kẻ thù. Một binh sĩ người Anh đã viết cho một người mẹ Đức như sau: “Là một quân nhân của một lực lượng được chỉ định tấn công vào một ngôi làng ở Pháp, phận sự trong quân ngũ đã khiến tôi giết con bà. Tôi là một tín hữu Kitô giáo, và vì lẽ đó, tôi thành khẩn xin bà hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng là một ngày kia, khi chiến tranh chấm dứt, tôi có thể đích thân đến gặp bà!”
Mấy tháng sau, khi bà mẹ người lính Đức hay tin con bà tử trận, bà mới nhận được bức thư trên đây, và bà đã trả lời như sau cho người lính Anh: “Tận thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh, mặc dù anh đã giết chết người con yêu dấu của tôi. Tôi tha thứ cho anh, bởi vì cũng như anh, tôi là một tín hữu Kitô. Nếu anh và tôi đều được sống sót sau cuộc chiến, tôi hy vọng anh có thể sang Đức để thăm tôi, và mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh có thể thế chỗ cho con tôi, đứa con mà anh đã giết chết”.
Điểm đáng chú ý nhất trong hai bức thư trên, là lời tuyên xưng: “Tôi là một tín hữu Kitô”, và với niềm tin xác tín này, cả anh lính người Anh và bà Mẹ người Đức đã không để cho chiến tranh lôi kéo mình vào trong trận chiến của ghen ghét và hận thù. Trái lại, họ đã để cho giáo huấn của Đức Giêsu tách họ ra khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, và đưa họ vào con đường yêu thương, hoà giải: “Các con hãy yêu thương những kẻ thù địch của các con, hãy làm ơn cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, vu khống các con” (Mt 5,44). Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Sáu tuần 23 Thường niên (+video)
-
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 23 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 23 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 23 Thường niên (+video) -
Chúa nhật 23 Thường niên năm B (+video) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria (+video) -
Thứ Bảy tuần 22 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 22 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 22 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm Tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (+video) -
Thứ Bảy tuần 5 Phục sinh (+video) -
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 7 Phục sinh (+video) -
Thứ Hai tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh (+video)