2009: Một năm bận rộn của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

2009: Một năm bận rộn của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

WHĐ / CNS & Tổng hợp (25.12.2009) – Nhìn lại năm 2009, thật khó mà có thể tưởng tượng ra một năm bận rộn hơn với vị Giáo hoàng 82 tuổi là Đức Bênêđictô XVI. 

Năm thánh Phaolô. Năm Linh mục. Một thông điệp lớn về xã hội. Hành hương đất thánh. Gặp gỡ lần đầu với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, với chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết. Mười vị thánh mới. Viếng thăm châu Phi và một thượng Hội đồng về châu Phi. Khai trương Facebook. Nhượng bộ giới công giáo bảo thủ gây tranh cãi. Bất ngờ mở cửa tiếp nhận các tín đồ Anh giáo.

Dĩ nhiên, đó mới chỉ là những điểm dễ thấy nhất. Làm giáo hoàng là một thừa tác vụ “một ngày như mọi ngày”, và trong suốt năm qua, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tiếp kiến trên 200 chức sắc và các nhóm, nói chuyện với trên 300 giám mục và cử hành trên 50 nghi lễ phụng vụ trọng thể.

Trong năm 2009 này, ĐGH hẳn cũng có được những khoảnh khắc hài lòng sâu sắc, như khi ngài -một giáo hoàng người Đức- cầu nguyện trong thinh lặng trước ngôi mộ trống của Đức Kitô tại Giêrusalem, hay khi được hàng trăm ngàn cư dân Cameroon nồng nhiệt chào đón trong chuyến viếng thăm châu Phi lần đầu tiên.

Nhưng trong năm 2009 nỗi thất vọng của Giáo hoàng cũng thật hiển nhiên, một phần vì ngài cảm thấy một số người trung tín của ngài và phương tiện truyền thông đại chúng hiểu lầm ngài trong những quyết định khó khăn hay những lời phát biểu .

Tháng Giêng, ĐGH loan báo ngài cởi bỏ vạ tuyệt thông cho bốn giám mục của Huynh đoàn Piô X để mở đường cho cuộc trò chuyện hòa giải với nhóm bảo thủ -một biện pháp bị một số giám mục tại một số nước chống đối.

Báo chí chĩa ngay mũi dùi vào sự kiện một trong bốn vị này, giám mục Richard Williamson, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đã phủ nhận mức độ của Holocaust. Vị giáo hoàng người Đức bỗng bị đặt vào thế tự vệ, tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo người Do Thái và người khác rằng sáng kiến của ngài chỉ nhằm thống nhất Giáo Hội và không hề đi ngược với giáo huấn của Giáo Hội chống chủ nghĩa bài Do thái.

Quả thực, một trong những văn kiện nổi bật nhất của năm 2009 là bức thư sau đó của Đức Giáo hoàng gửi các giám mục trên thế giới bày tỏ sự vô cùng ngạc nhiên là ngay cả một số người công giáo cũng đã hiểu lầm ngài và công khai tấn công ngài một cách dữ dội.

Chuyến viếng thăm châu Phi của Đức Giáo hoàng vào tháng Ba là một tuần lễ kinh nghiệm về những phụng vụ dày đặc, trao đổi với các giám mục và những cuộc gặp gỡ cảm động với giới trẻ, người tàn tật và một nhóm người Pygmê.

Nhưng tác động của truyền thông lại bị lu mờ vì những nhận định ĐGH tuyên bố với các phóng viên vào ngày đầu của cuộc hành trình khi ngài nói về chiến lược của Giáo Hội chống lại bệnh AIDS: “Không thể giải quyết vấn đề bằng cách phân phát bao cao su. Ngược lại, bao cao su làm vấn đề trầm trọng thêm.” Làn sóng chỉ trích nổi lên, mặc dù một số chuyên gia đồng ý là việc quá tin tưởng vào bao cao su là một vấn đề tại các nước châu Phi.

Thượng Hội đồng các giám mục về châu Phi vào tháng Mười đưa lục địa này trở lại sự chú ý của Vatican. Các cuộc họp của Thượng Hội đồng được đặt dưới sự chủ tọa của ĐGH và, khi kết thúc, ĐGH đã tiếp nhận 57 dự án mục vụ để triển khai trong một văn kiện về Giáo hội tại châu Phi sẽ được soạn thảo.

Tháng Năm, ĐGH Bênêđictô XVI công du tới Jordan, Israel và Palestin. Chuyến đi tám ngày là một cuộc hành hương Thánh Kinh, một sứ vụ liên tôn và một hành động đu dây chính trị: tất cả trong một. ĐGH viếng thăm một Đền thờ Hồi giáo tại thủ đô Jordan, cầu nguyện tại đền Yad Vashem tưởng nhớ vụ Holocaust tại Giêrusalem, và làm phép viên đá góc cho các ngôi nhà thờ và cơ sở Kitô giáo trong vùng.

Tháng Sáu, ĐGH kết thúc năm thánh Phaolô và khai mạc năm Linh mục. Trong cuộc tiếp kiến chung hằng tuần và các nghi lễ phụng vụ về thánh Phaolô, ĐGH phác họa một chân dung chi tiết của con người được xem là mô hình của sự hoán cải Kitô giáo và nhà thừa sai nguyên mẫu.

Cuối tháng Sáu, ĐGH tiếp các giám mục Việt Nam tới Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Trong dịp này, ĐGH đã có bài huấn từ cho các giám mục Việt Nam. Ngài nêu rõ: “Khi loan báo Tin mừng Chúa Kitô, là sứ mạng đặc thù của mình, Giáo hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển của Đất Nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là vào thời điểm mà Việt Nam đang dần dần mở ra với Cộng đồng quốc tế”. Qua các giám mục, ĐGH nhắn nhủ người tín hữu công giáo Việt Nam: “bằng đời sống xây trên nền đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, các giáo dân phải chứng minh rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.”

Khai mạc năm linh mục, ĐGH nói Giáo Hội phải biết rằng có một số linh mục đã gây thiệt hại nặng cho người khác, nhưng cũng phải tạ ơn Chúa vì những ơn ích đa số các linh mục đã đem lại cho Giáo Hội và thế giới.

Tháng Bảy, ĐGH công bố Thông điệp từng được chờ đợi của ngài về vấn đề kinh tế và công bằng xã hội, “Caritas in veritate” [Bác ái trong Chân Lý.] Thông điệp kêu gọi cải tổ các thể chế và thực hành kinh tế thế giới, và nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu phần lớn là do những thiếu sót đạo đức của các nhà tài chính và đầu tư đầy tham lam.

ĐGH đã tặng một bản sao của Thông điệp của ngài cho Tổng thống Barak Obama khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên tại Vatican vào tháng Bảy cùng với một bản sao văn kiện mới đây của Vatican về đạo đức sinh học. Tòa Thánh cho biết, trong cuộc trao đổi riêng tư giữa hai người diễn ra trong một bầu khí “rất trang nghiêm và thân tình, tổng thống đã cam kết làm giảm bớt số vụ phá thai và lắng nghe các mối quan tâm của Giáo Hội trong các vấn đề luân lý.”

Tháng Bảy, cũng phải nhắc đến tai nạn của ĐGH trong dịp nghỉ hè tại Valle d’Aosta. Ngày 16-7-2009, ĐGH bị ngã trong phòng tắm và cổ tay phải bị gẫy, tuy vậy ngài vẫn dâng thánh lễ sớm và ăn sáng xong mới được đưa vào bệnh viện tại Aosta. Sau hơn một tháng bó bột, tay ngài đã được tháo băng và hồi phục. Tai nạn khiến ĐGH không thể cầm bút viết, nhưng lịch mục vụ vẫn không bị xáo trộn.

Tháng Mười, Vatican tiết lộ chương trình mới của ĐGH tiếp nhận những tín đồ Anh giáo muốn hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo mà vẫn duy trì các nét của di sản thiêng liêng và phụng vụ theo Anh giáo của họ.

Trong tháng Mười Hai, ĐGH Bênêđictô XVI tiếp Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Minh Triết, tại Vatican. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Đức Giáo hoàng và với các viên chức cao cấp nhất Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh tỏ ra “hài lòng về cuộc gặp gỡ” và xem đây như “một bước ý nghĩa trong tiến trình quan hệ song phương với Việt Nam” và bày tỏ hy vọng là “những vấn đề còn tồn đọng sẽ được giải quyết sớm nhất có thể”.

Vào lúc sắp sửa kết thúc năm 2009, ĐGH đã tiết lộ những khả năng “xanh” trong thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2010 của ngài. Thông điệp khẳng định sự hủy hoại môi trường là một vấn đề luân lý cấp bách đe dọa nền hòa bình chính sự sống còn của nhân loại, và kêu gọi hành động trên bình diện cá nhân và thế giới.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top