Vui mừng và phó thác
Bầu khí thành phố Sài Gòn trong những ngày gần tới lễ Noel thật vui tươi, rộn ràng.
Ở các quầy trưng bày, các nhà hàng, quán ăn, công ty vang lên những bài hát Noel thật rộn ràng sinh động: “We wish you a merry christmas… and a happy new year” hay “Đêm Noel, đêm Noel ta hãy cùng vui lên…”.
Không chỉ các con đường lớn mà cả những con hẻm nhỏ cũng được trang hoàng rực rỡ với biết bao ánh đèn đầy màu sắc, với muôn vàn dây kim tuyến lấp lánh, và rất nhiều Ông Già Noel ngồi trên xe tuần lộc cười vui tươi, vai mang túi quà thật to.
Vâng, ngày lễ Giáng Sinh đã trở thành một biến cố trọng đại và ý nghĩa trong tâm thức của nhiều người. Đó là ngày của niềm vui cho mọi người trên toàn thế giới.
Phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa vọng B hôm nay cũng đề cập đến niềm vui mừng. Đó là niềm vui của vua Đavít khi nhận ra muôn ân huệ mà Thiên Chúa ban cho cuộc đời và đất nước của ông. Đó là niềm vui mừng khi sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria.
Đâu là điểm khác biệt giữa niềm vui của con người thời đại hôm nay với niềm vui mà Tin Mừng Đức Giêsu Kitô mang đến cho nhân loại? Đâu mới là niềm vui đích thực và sự phó thác trọn vẹn của con người thời đại hôm nay?
Trước hết, nếu đọc lại trang Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra câu nói đầu tiên mà sứ thần Gabriel chào Đức Maria đó là: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”. Điều này chứng tỏ sứ điệp mà thiên thần Gabriel mang đến cho Đức Maria và cho toàn thể nhân loại là sứ điệp của niềm vui. Vâng, ở đâu có ân sủng Thiên Chúa thì ở đó có niềm vui, niềm hy vọng và bình an trong sâu thẳm tâm hồn. Ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa thì ở đó có tương lai, có hạnh phúc đích thực cho con người mọi thời đại.
Tiếp đến, Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy rằng, không có một thụ tạo nào trên trần gian này được diễm phúc như Đức Maria. Cả cuộc đời của Mẹ đã được ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa che chở, gìn giữ. Hơn thế nữa, cả cuộc đời của Mẹ là một cuộc đời nói lên tiếng xin vâng trong mọi hoàn cảnh: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” Hai tiếng xin vâng cho thấy sự mạo hiểm và can đảm nơi Đức Maria: Mẹ hoàn toàn phó thác cuộc đời cho bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, dù không biết tương lai sẽ như thế nào? Đó là một sự phó thác tuyệt đối, xuất phát từ một tình yêu, một niềm tin tưởng sâu xa vào Thiên Chúa. Vì thế, sự phó thác ấy chỉ trở nên trọn vẹn khi có sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu trong cuộc đời của Mẹ.
Hơn thế nữa, con người hôm nay đang muốn xây dựng một vương quốc nơi tiền tài, danh vọng, quyền lực, sắc đẹp, khoa học kỹ thuật… ngự trị để chống lại và loại trừ sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ có thể mừng ngày lễ Giáng Sinh mà chẳng có sự hiện diện của Thiên Chúa, chỉ có những con tuần lộc, ông già Noel, và biết bao gói quà to nhỏ cùng ánh đèn chớp chớp tắt tắt… Vì thế, thánh Isaac đã viết trong cuốn “Châm Ngôn” về cái tội duy nhất của thời đại hôm nay đó chính là tội vô cảm trước Đấng Phục sinh, đó chính là Đức Giêsu Kitô. Một cuộc sống như thế có dẫn đưa chúng ta đến niềm vui mừng, và niềm hy vọng đích thực mà con người thời đại hôm nay thường rất dễ lãng quên và đánh mất?
Tiếp theo những dòng suy tư ấy, chúng ta cùng trở về với dòng chảy của cuộc sống đô thị hóa hiện đại của con người hôm nay. Thật vậy, người ta dường như xem ngày lễ Giáng Sinh như một lễ hội: tưng bừng, rộn ràng, lộng lẫy, vui chơi, hưởng thụ và… tất cả sẽ qua đi chẳng còn đọng lại một nét đẹp, niềm vui hay một động lực thay đổi nào đó nơi tâm thức của con người thời đại. Người ta vui với những niềm vui thoáng qua, hời hợt. Niềm vui tìm được nơi những đêm trắng rong chơi mừng lễ hội Noel, hoặc thâu đêm tiệc tùng mừng lễ Đấng mà họ lãng quên sự hiện diện của Ngài từ lâu rồi.
Điều gì sẽ còn đọng lại nơi tâm thức và cõi lòng của con người thời đại này sau khi tận hưởng những niềm vui như thế? Phải chăng, sau những cuộc vui thoáng qua, khi trở về với hoàn cảnh nghiệt ngã của đời thường người ta sẽ buông xuôi cuộc đời cho sự mong manh của kiếp người, chẳng bận tâm về những điều gì sẽ chờ đợi họ khi ngày cuối cùng của đời người vụt đến?
Vâng, đã có biết bao các bạn trẻ ăn chơi quá độ “thâu đêm suốt sáng” nơi các vũ trường, nhà hàng, quán nhậu trong thành phố này. Đã có biết bao người đua nhau đi mua sắm, trang điểm cho nhan sắc và trang trí cho nhà cửa. Có mấy ai ý thức được rằng, ngày lễ Giáng Sinh là ngày của niềm vui chia sẻ?
Thiên Chúa đã chia sẻ chính người con Ngài yêu thương nhất cho nhân loại, đến lượt họ cũng phải biết chia sẻ tình yêu và niềm vui cho tha nhân.
Có thể là những gói mì, hộp sữa, ký đường, ký muối nhân dịp giáng sinh người ta trao tặng cho những người nghèo khổ, già cả, bệnh tật; hoặc đến cùng các em thiếu nhi bơ vơ lạnh lẽo trên khắp các nẻo đường, các trường tình thương trong thành phố này để chia sẻ những phần quà bánh kẹo, bong bóng, đồ chơi.
Như thế niềm vui Giáng Sinh không chỉ dừng lại ở những bài hát sôi động, vui nhộn, không chỉ dừng lại ở những bữa tiệc linh đình, xa xỉ, nhưng còn dẫn đến một thái độ biết yêu thương, chia sẻ, dấn thân và phục vụ mọi người.
Cuối cùng, sứ điệp lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa vọng B hôm nay còn cho chúng ta thấy, Mẹ Maria đã đón nhận được sứ điệp mừng vui và yêu thương của Thiên Chúa.
Hơn thế nữa, Mẹ đã đáp lại bằng một thái độ phó thác, dấn thân cuộc đời cho tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ đã đồng hành, cộng tác với công trình cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.
Điều này muốn ngỏ với chúng ta điều gì? Phải chăng đó là một sự khôn ngoan lựa chọn một niềm vui sống ý nghĩa và bền vững cho cuộc đời của mình? Phải chăng, đó là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy can đảm phó thác cuộc đời cho bàn tay yêu thương của Thiên Chúa?
Một khi sống trong tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa, người ta được thúc đẩy sống thái độ dấn thân và sẻ chia tình yêu và niềm vui đó! Mỗi người sẽ làm chứng cho Tin Mừng cứu độ, niềm vui đích thực mà Chúa Giêsu Kitô mang đến cho trần gian bằng một đức tin và những nỗ lực dấn thân của bản thân. Thật không dễ thể hiện niềm vui trong một thế giới ngổn ngang bất an và bạo lực, cũng không dễ dấn thân sẻ chia khi người người sống thu gom cho riêng mình, cho gia đình mà thôi!
Mỗi người chúng ta cần phải làm gì để sống cho niềm vui và sự phó thác vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa giữa biết bao những thử thách và cạm bẫy nơi trần gian này?
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024