Vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam 50 năm qua (1)
WHĐ (16.11.2010) – Trong khuôn khổ Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam –kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam–, tiếp theo Bài viết ”Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua” của Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Trang tin điện tử HĐGMVN xin giới thiệu bài viết của Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam: ”Vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam 50 năm qua”.
Bài này sẽ được giới thiệu trong 2 kỳ.
***
Dẫn nhập
Giáo hội Công giáo được hình thành vào ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, “rào rào như thể do cuồng phong thổi đến”, dưới hình “những lưỡi như thể là lửa”,[1] với các tông đồ được tràn đầy Thánh Thần, trên nền tảng của lòng tin mạnh mẽ vào ơn cứu độ Đức Giêsu Kitô đã thực hiện qua cái chết và sống lại của Người. Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần trong việc loan báo Tin mừng cứu độ của Đức Kitô là Con và là Đấng mạc khải Thiên Chúa, Giáo hội ấy đã phát triển ra ngoài thế giới của Do Thái giáo để đến với muôn dân.
Theo Niên giám Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2005, cũng chính Giáo hội ấy đã được loan báo, được thiết lập tại Việt Nam, liên tục từ đầu thế kỷ thứ XVI qua các thời kỳ đã không ngừng lớn lên: (1) khai sinh 1533-1659; (2) hình thành 1659-1802; (3) thử thách 1802-1888; (4) phát triển 1888-1960; và (5) trưởng thành 1960 đến nay. Vào năm 1960, Giáo hội ấy đã được Tòa thánh nhìn nhận là một giáo hội trưởng thành qua việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hơn ba trăm năm là giáo hội tại một xứ truyền giáo với hàng giáo phẩm tông tòa.
Do hoàn cảnh của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, khởi sự với các thừa sai ngoại quốc, hàng giáo sĩ người Việt xuất hiện tương đối muộn:[2] tình hình bắt bớ đạo và trục xuất các thừa sai kéo dài…. Trong bối cảnh đó, người giáo dân đã có phần đóng góp quý báu, thiết yếu và hữu hiệu: (1) công cuộc truyền bá Tin mừng cứu độ cho lương dân, (2) việc duy trì, tổ chức và điều khiển các cộng đoàn tín hữu đã được thiết lập, và (3) việc bảo đảm sự hiện hữu và phát triển của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Hội Các Thày Giảng, một tổ chức do Cha Alexandre de Rhodes thiết lập vào năm 1630, quy tụ những người giáo dân nhiệt thành để được đào tạo kỹ lưỡng về mặt giáo lý, nhằm có thể sát cánh với các thừa sai trong công cuộc truyền giáo. Rồi Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên do Đức giám mục Pierre Lambert de la Motte, Đại diện tông tòa giáo phận Đàng Trong và Giám quản tông tòa giáo phận Đàng Ngoài, thành lập vào các năm 1670-1671, cũng cho thấy rằng người giáo dân đã có những đóng góp đặc biệt trong việc thiết lập và phát triển Giáo hội tại Việt Nam.
Trong tổng số 117 vị được phong thánh tử đạo Việt Nam năm 1988, những người đã đổ máu và hy sinh mạng sống để góp phần xây dựng nền móng của Giáo hội tại Việt Nam, đã có đến 44 vị là giáo dân, và 13 vị là thày giảng. Thêm vào đó, Thày giảng Anrê Phú Yên, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644, cũng đã được phong chân phước.
Do đó, việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960 có thể được xem là một xác nhận sự trưởng thành của Giáo hội Công giáo Việt Nam; và như thế, cũng là xác nhận vai trò của người giáo dân trong tiến trình lịch sử của đạo Công giáo, góp phần rất tích cực để đưa Giáo hội Công giáo Việt Nam đạt tới bước trưởng thành này.
Và Năm thánh kỷ niệm 50 năm việc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 2010 tới đây sẽ là dịp, theo cách nói của Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, “là thời điểm của ân sủng”,[3] để Giáo hội nhắm đến những bước phát triển mới qua việc canh tân, củng cố niềm tin vào Thiên Chúa, nỗ lực làm tỏa sáng hình ảnh Nước Trời và sống trọn vẹn căn tính đích thực của các môn đệ Đức Kitô.
Đây hẳn cũng sẽ là “thời điểm của ân sủng” đối với người giáo dân trong Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay, để:
1. mọi người cùng nhau xem lại bước đường 50 năm qua;[4]
2. dưới ánh sáng của Tin mừng và giáo huấn của Giáo hội, của các chủ chăn về vai trò của người giáo dân, nhận ra những điểm được và chưa được;[5] và
3. từ đó có những quyết tâm mới giúp nối tiếp ngọn lửa đã được thắp lên nơi cha ông, đồng thời thực hiện “ơn gọi riêng” của người giáo dân trong việc cùng với các thành phần khác của dân Chúa “làm tỏa sáng hình ảnh Nước Trời” hơn nữa ở Việt Nam và trong thế giới.[6]
Thật vậy, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici), ban hành năm 1987, cũng khẳng định:
Suốt thời gian nghiên cứu, Thượng hội đồng luôn luôn đề cập đến Công đồng Vaticanô II, vì các giáo huấn của Công đồng về vai trò giáo dân, mặc dù đã sau hai chục năm vẫn luôn hợp thời một cách lạ lùng, mang dấu chỉ của lời tiên tri: Một giáo huấn như thế có thể soi sáng và hướng dẫn để giải đáp vấn đề mới của thời đại hôm nay.[7]
Nếu canh tân trong Giáo hội có nghĩa là trở về nguồn của mạc khải, như Công đồng chung Vaticanô II đã khẳng định và kêu gọi, thì điều ích lợi và cần thiết đối với chúng ta là bắt đầu ở đây với việc nhìn lại giáo huấn của Giáo hội vốn diễn tả cách cô đọng qua mạc khải của chính Thiên Chúa về vai trò của các thành phần khác nhau thuộc dân Chúa và về mối quan hệ giữa các thành phần này trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô và Giáo hội của Người. Chính đó sẽ là chỗ dựa vững chắc cho việc nhìn lại vai trò của người giáo dân trong Giáo hội, rồi mới đưa ra những nhận định, và tiếp đến sẽ là những đề xuất cụ thể cho các vị trí hoạt động tông đồ của người giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội.
Mà thật vậy, dân Chúa bao gồm các tín hữu vốn là những người, nhờ bí tích thánh tẩy, được hiệp thông với Đức Kitô, và do đó, tham dự, theo cách thế riêng, vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Người.[8] Cũng do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, theo luật, được gọi là giáo sĩ và các tín hữu khác được gọi là giáo dân.[9] Các tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, theo điều kiện và ơn gọi riêng của mỗi người, cùng được kêu gọi thực hành sứ mệnh Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo hội chu toàn trong thế giới, trong sự bình đẳng về phẩm giá và hoạt động.[10]
Người giáo dân thực hiện ơn gọi riêng của mình bằng cách sống trong trần thế, làm thấm nhập tinh thần Tin mừng vào mọi hành động của mình, để xếp đặt các việc trần thế theo thánh ý của Thiên Chúa. Mà Giáo hội được Thiên Chúa thiết lập, cũng luôn có nhiệm vụ do Thiên Chúa giao phó là chu toàn việc bổn phận hằng ngày sao cho tinh thần Tin mừng được thấm nhập vào thế giới mỗi ngày một hơn.
Tất cả cần được thực hiện trong sự bình đẳng và tôn trọng ơn gọi riêng của mỗi người. Bình đẳng vì cùng “được tái sinh trong Đức Kitô”. Ơn gọi riêng vì được Thiên Chúa đặt để trong những hoàn cảnh, điều kiện sống riêng để khắp nơi trên thế giới đều được nghe Tin mừng cứu rỗi và mọi người mọi nơi đều có thể lên tiếng ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu chuộc.[12]
Giáo hội Công giáo được thiết lập tại Việt Nam cũng được kêu gọi thực thi và đã thực thi chương trình này của Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau, trong những điều kiện xã hội và chính trị khác nhau.
I. Nhìn lại
Giáo hội không thuộc thế gian nhưng không tách khỏi thế gian. Năm mươi năm qua của Giáo hội là những năm tháng hồng ân Chúa ban nhưng cũng là những năm tháng “không yên tĩnh” của cả dân tộc.
Lịch sử Việt Nam trong 50 năm này có thể được xem là đã lần lượt trải qua ba thời kỳ lớn: (1) thời kỳ phân chia hai miềnNam Bắc (1954-1975), (2) thời kỳ thống nhất Nam Bắc và xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa trên cả nước (1975-1986), và (3) thời kỳ của một nước Việt Nam chọn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (1986 đến nay). Trong đó, Giáo hội Công giáo thường xuyên bị đặt trước nhiều vấn đề đòi hỏi Giáo hội phải “luôn tỉnh thức” để có thể thực thi nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó trong sự trung tín với Lời của Chúa.
1/ Thời kỳ phân chia hai miền Nam Bắc (1954-1975)
Khi Tòa thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, Giáo hội Công giáo Việt Nam đang sống trong một đất nước bị chia cắt thành hai phần Nam Bắc, theo hai chế độ chính trị khác nhau, nếu không nói là đối nghịch nhau: một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và một nước Việt Nam cộng hòa. Cuộc chiến tranh kéo dài và ác liệt trên cả hai miền Nam Bắc càng làm cho sự chia cắt này thêm gay gắt. Do đó, sự khác biệt cũng hiện rõ trong sinh hoạt của Giáo hội tại hai miền và đặc biệt qua việc thực thi vai trò của người giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội.
a. Giáo hội tại miền Bắc
Hiệp định Genève chia đôi đất nước ngày 20 tháng 7 năm 1954, đã gây nên một thay đổi lớn trong tổ chức của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Thi hành quyền tự do chọn nơi cư trú được quy định trong hiệp định, một lượng rất đông những người Công giáo sống tại miền Bắc, trong đó có nhiều giáo sĩ,[13] lo sợ cho niềm tin tôn giáo của mình bị ảnh hưởng cách bất thuận lợi do phải sống dưới chế độ do Đảng cộng sản lãnh đạo, đã chọn con đường di cư vào miền Nam. Do bởi một số đông giáo sĩ di tản, miền Bắc thiếu hẳn những hoạt động cần thiết của các vị mục tử, làm ảnh hưởng đến sự hướng dẫn và giáo dục đoàn chiên về mặt đức tin; hơn nữa, hoàn cảnh xã hội chính trị xem ra không thuận lợi cho việc phát triển niềm tin Kitô giáo.
Một trong những hậu quả của sự việc trên là: Giáo hội tại miền Bắc lâm vào tình trạng thiếu giáo sĩ một cách trầm trọng. Cụ thể là Tổng giáo phận Hà Nội:
Sau năm 1954, nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền Bắc Nam. Khi ấy, hai phần ba số linh mục của Giáo phận Hà nội đã di cư vào Nam, số còn lại chưa đầy sáu mươi linh mục. Trong số đó, phần lớn là những linh mục cao tuổi, chỉ có khoảng chục linh mục trẻ ở lứa tuổi ba lăm bốn mươi, phải phục vụ một trăm ba mươi lăm giáo xứ với gần năm trăm nhà thờ.[14]
Tình hình ở một số giáo phận khác ở miền Bắc còn khó khăn nhiều mặt, điển hình như: Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, không có giám mục. Mỗi giáo phận chỉ còn lại từ 10 đến 20 linh mục, phần nhiều là các vị đã già yếu; nhưng nhìn chung, người giáo dân vẫn can đảm giữ vững niềm tin của mình. Các giáo phận không có giáo sư, thiếu chủng sinh để kế tiếp ơn gọi linh mục, dẫn đến tình trạng thiếu giáo sĩ trầm trọng và kéo dài. Đến năm 1955, Tổng giáo phận Hà Nội mở chủng viện, được một thời gian ngắn, nhằm bổ sung cho số linh mục đã già yếu, bệnh hoạn, và vì hoàn cảnh mà xa rời nhiệm sở.
Ngoài ra, sinh hoạt công khai của Giáo hội bị hạn chế tới mức tối đa và bị đóng khung trong khuôn viên nhà thờ, sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ hay giáo phận do đó cũng bị hạn chế. Quan hệ giữa Giáo hội Việt Nam—vốn theo tinh thần Thư chung các giám mục Đông Dương (09-11-1951) và giáo huấn của Giáo hội về chủ nghĩa cộng sản—với nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo diễn ra trong bầu khí căng thẳng. Người giáo dân không được tham gia một số lĩnh vực thuộc công cuộc xây dựng xã hội lúc bấy giờ như ngành y tế, giáo dục….
Trong bối cảnh trên, cuộc sống đạo của người giáo dân chủ yếu chỉ còn là những cuộc tập họp tại nhà thờ để dâng thánh lễ (nếu may mắn có linh mục tới được), cử hành các “á phụng vụ”, nghe đọc sách đạo đức, hay tổ chức rước kiệu, dâng hoa, ngắm mười lăm sự thương khó. Nói chung, đó là những việc đạo đức đã được vun đắp từ xa xưa và mang nặng “tính cách giáo dân” vì không có giáo sĩ vẫn có thể được cử hành cách “trọng thể và sốt sắng”. Các việc đạo đức này có thể đã đáp ứng được ít nhiều lòng đạo của phần đông tín hữu sống ở nông thôn miền Bắc. Đối với nhiều người trong số các tín hữu này, đó còn là cách thức để thể hiện lòng gắn bó của họ đối với Giáo hội, với Đạo.
Thế đấy, đức tin đơn giản, phụng vụ đơn giản, nhưng trong suốt thời gian khó khăn ấy, anh chị em miền Bắc vẫn kiên trì bám trụ quanh ngọn đèn chầu chẳng bao giờ tắt. Thật đáng phục hình ảnh của một cụ trùm họ mỗi tuần đạp xe hàng chục cây số để cung nghinh Mình Thánh Chúa về cho cộng đoàn rước lễ sáng Chúa nhật và duy trì ngọn đèn chầu cho cộng đoàn kinh hạt sáng chiều.
Lòng gắn bó với Giáo hội, sự quyết tâm giữ đạo này cũng đã thúc đẩy đông đảo anh chị em giáo dân, theo gót của các vị tử đạo Việt Nam, đã kiên trì, bất chấp mọi khó khăn, bắt bớ, tù đày để gắn bó với công việc của Giáo hội, như tổ chức sinh hoạt trong giáo xứ, duy trì các buổi đọc kinh cầu nguyện của cộng đoàn, dạy kinh bổn, làm việc truyền giáo…. Qua sự gắn bó nhiệt tình này, niềm tin vào Tin mừng của Đức Giêsu Kitô, vào ơn cứu độ của Người, vẫn được duy trì và phát triển trên một phần lãnh thổ rất quan trọng này của đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ các việc đạo đức đó không mà thôi thì không thể góp phần tích cực vào việc giúp người giáo dân phát triển đức tin của mình và thể hiện vai trò của mình trong xã hội. Người giáo dân cần có dịp thuận lợi và phương tiện thích ứng để đào sâu giáo lý, cần có cơ hội được nâng đỡ đầy đủ để có thể cảm thấy dễ dàng hơn trong việc vượt thắng các khó khăn đặt ra cho lòng tin của họ trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Không ít người, đặc biệt tại các nơi thành thị, đã lơ là với cách sống đạo và cử hành việc đạo mà họ cho là không còn thích hợp. Và từ đó, đã đi tới chỗ lơ là với chính Giáo hội, với chính niềm tin Kitô giáo của mình.
b. Giáo hội tại miền Nam
Khác với tình hình trên đây của miền Bắc, Giáo hội tại miền Nam gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc công khai sống và cử hành niềm tin của mình: không chỉ tại nhà thờ, tại giáo xứ mà cả trong sinh hoạt xã hội nữa.
Giáo hội có những điều kiện để phát triển cách bình thường, rất tự nhiên: một hàng ngũ giáo sĩ người Việt đông đảo, đa dạng và tăng trưởng không ngừng, các dòng tu cũng phát triển mạnh, các tu sĩ tham gia hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Người giáo dân có nhiều cơ hội để thực hiện vai trò của mình trong mối tương quan thích đáng với hàng giáo sĩ và tu sĩ; họ có nhiều cơ hội thuận lợi để thể hiện những đặc trưng đoàn sủng của mình. Một trong những thuận lợi dành cho quảng đại quần chúng giáo dân là việc giáo dục tôn giáo và văn hóa. Các hội đoàn được hình thành, được thiết lập chính thức, hoạt động hầu như khắp nơi, quy tụ giáo dân theo tuổi tác, nghề nghiệp.
Năm 1956, bốn năm trước khi diễn ra sự kiện trọng đại là việc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Tòa thánh đã phê chuẩn và cho thi hành bản Hiến chương Công giáo tiến hành Việt Nam, một tổ chức thúc đẩy người giáo dân Việt Nam thi hành ơn gọi riêng của mình trong Giáo hội và trong xã hội.
Năm 1957, tổ chức đã có trụ sở riêng đặt tại Sài Gòn với Trung tâm sinh hoạt đào tạo là biệt thự Thánh Tâm ở Đà Lạt. Có thể nói, tổ chức này có đủ nhân sự cần thiết để thực hiện công việc điều hành, huấn luyện, triển khai các dự án mục vụ.
Người giáo dân, ở mọi lứa tuổi, đều có nhiều cơ hội để dấn thân phục vụ Giáo hội qua việc thường xuyên được mời gọi để sinh hoạt trong các hội đoàn. Các hội đoàn này được chia ra làm hai loại: (1) chuyên biệt, tức dành cho một giới tính, hạn tuổi, ngành nghề, môi trường hoạt động nào đó; và (2) không chuyên biệt, chung cho mọi thành phần giáo dân.
Ngoài ra, Phong trào Công giáo tiến hành còn bao gồm nhiều tổ chức chuyên biệt khác như: (1) Caritas Việt Nam để chăm lo các việc bác ái xã hội; (2) Trung tâm ATAS (âm thanh và ánh sáng) đặc trách các hoạt động truyền thanh, truyền hình, phim ảnh; (3) Ủy ban giáo dục đặc trách các hoạt động giáo dục trong các trường tư thục Công giáo; (4) Ủy ban báo chí xuất bản đặc trách các hoạt động truyền thông xã hội….
Mục tiêu của các hội đoàn Công giáo tiến hành này rất đa dạng: đạo đức, giáo dục đức tin và nhân văn, làm việc tông đồ. Thật vậy, các hội đoàn hoạt động để giúp người giáo dân, ở mỗi độ tuổi, sống cuộc sống đạo đức, kết hiệp với Đức Kitô, chu toàn bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội. Hoạt động của các hội đoàn này giúp người giáo dân sống sứ mạng tông đồ bằng nhiều cách thức khác nhau và theo những độ tuổi khác nhau, để làm chứng cho Đức Kitô đang hiện diện giữa thế gian. Bằng những cách thức khác nhau, nhưng các hội đoàn Công giáo tiến hành luôn có một ước muốn rất giống nhau: được góp phần cùng với những người thiện chí xung quanh biến đổi trật tự xã hội theo chiều hướng tiến tới một xã hội lành mạnh hơn, công bằng hơn, và biết tôn trọng con người hơn.
Với tính cách cá nhân và đoàn thể, người giáo dân ở miền Nam có nhiều điều kiện để dấn thân phục vụ xã hội trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau: y tế, giáo dục, bác ái từ thiện, truyền thông xã hội, kinh tế, khoa học….
Được tiếp xúc rộng rãi với các trào lưu tư tưởng, triết học, thần học, xã hội, chính trị trong và ngoài nước, nhất là với tinh thần của Công đồng chung Vaticanô II diễn ra vào những năm đầu của thập niên 60, một lớp không ít những giáo dân thức thời, biết ưu tư về những vấn đề cấp bách của Giáo hội và của xã hội đã xuất hiện. Họ lập ra các diễn đàn để phát biểu những suy nghĩ của mình về Giáo hội và về xã hội. Một số tờ báo, tạp chí do một số giáo dân chủ trương, quy tụ giáo sĩ, giáo dân và cả những người ngoài Giáo hội Công giáo để chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc xây dựng Giáo hội và xã hội.
Báo chí Công giáo từ sau Công đồng Vaticanô II đã là một trong những họat động nổi bật nhất của cộng đồng Kitô hữu miền Nam Việt Nam. Ngoài những tờ báo “thuần đời” như Xây Dựng, Hòa Bình, hoặc “thuần đạo” như Hợp Tuyển Thần Học, Phụng Vụ, Nhà Chúa…, còn có những tờ báo có chủ trương rõ rệt là muốn hội nhập tối đa, gắn đạo với đời, như Tinh Thần, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sống Đạo, Thẳng Tiến. Đặc biệt, tờ Đối Diện thể hiện rất rõ khuynh hướng muốn dấn thân, nhập cuộc.
Báo chí Công giáo Việt Nam toát lên nỗ lực canh tân của Giáo hội Việt Nam và đặc biệt nhất là sự khẳng định vài trò giáo dân trong việc diễn tả đức tin trong cuộc sống xã hội. Văn học Công giáo Việt Nam từ sau Công đồng Vatican II đã trở thành bức tranh sinh động phản ánh những hoạt động, đời sống và đặc biệt là chân dung tinh thần của người tín hữu Công giáo Việt Nam cuối thế kỷ XX.[15]
Trong tất cả các tờ báo nêu trên đây đều có sự tham gia đông đảo của anh chị em giáo dân; có những tờ báo do chính những người giáo dân trực tiếp sáng lập. Nói chung, họ cộng tác sát cánh với các linh mục, các tu sĩ.
Ở đây, chúng ta cũng phải kể đến những anh chị em giáo dân đã tích cực hành động trong các phong trào góp phần xây dựng một Giáo hội dấn thân hơn vì người nghèo, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, hy vọng và cả những khắc khoải lo âu của thế giới và con người nói chung; họ thực sự muốn góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, công bằng, một nền kinh tế không tạo những hố sâu quá lớn giữa người giàu và người nghèo, một đất nước Việt Nam hòa bình nói riêng.
2/ Thời kỳ thống nhất đất nước (1975-1986)
Năm 1975, chiến tranh chấm dứt trên cả nước. Đức Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã lên tiếng thật rõ ràng:
Chiến tranh đã chấm dứt trên giáo phận Huế. Đó là điều chúng ta mong ước và cầu nguyện từ ba mươi năm nay. Thời gian sống trong hãi hùng, lo âu qua rồi…[16]
Và sự kiện lịch sử này cũng đã được hai đức tổng giám mục: Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Thuận của Sài Gòn chào đón trong tinh thần yêu chuộng hòa bình, một mối phúc của Tin mừng: các diễn biến sau 1975 được kỳ vọng là khởi đầu cho một cuộc sống mới của quê hương không còn bom đạn, hướng đến tương lai của người Kitô hữu với “niềm phấn khởi cao siêu, thiêng liêng, bất diệt từ nơi Thiên Chúa mà đến” dẫu biết rằng không dễ gì mà người Kitô hữu có thể chung sống, chung xây với xã hội thực tại ấy: “… mà vẫn là Kitô hữu”.
Điều quan trọng là hướng về tương lai…. Đối với người tín hữu, chúng ta còn có một niềm phấn khởi cao siêu, thiêng liêng, bất diệt từ nơi Thiên Chúa mà đến. Niềm phấn khởi đó, Phụng vụ của mùa Phục sinh luôn luôn nhắc lại trong những ngày này…[17]
Bước chân chúng tôi đã dứt khoát, nhưng vấn đề căn bản vẫn tồn tại: làm sao chung sống với người cộng sản mà vẫn là Kitô hữu và đem được phần đặc thù của mình vào trong công cuộc xây dựng này?[18]
Phải chăng chúng ta có thể hy vọng lời Thánh vịnh (Tv 71,2-3) xưa sẽ ứng nghiệm cho hoàn cảnh chúng ta đang sống:
Quyền lợi kẻ nghèo sẽ được bênh vực
Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ,
Đồi rước về nền công lý vạn dân,
Người bảo toàn quyền lợi hàng lê thứ,
Ra tay cứu độ đám dân nghèo,
Đập tan lũ cường hào ác bá.[19]
Nhưng rồi qua “Một chặng đường…”,[21] nhiều nhân vật trong Giáo hội Việt Nam có thêm những nhận định làm kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ.
Để có Thư chung, không những phải có Công đồng, mà Giáo Hội miền Nam đã làm quen và đã thấm nhuần không nhiều thì ít, nhưng cũng phải có Thư chung của các giám mục hai giáo tỉnh Sài Gòn và Huế năm 1976, những phát biểu, những thư mục vụ, những bài giảng dạy của nhiều vị chủ chăn, cũng như những suy tư, tranh luận, bài viết và thực hành của nhiều nhóm, nhiều tổ chức, nhiều người trong và ngoài Hội đồng Giám mục trước và sau Thư chung 1976.[22]
Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam được công bố ngày 01 tháng 5 năm 1980 tại Hà Nội, đã vạch ra đường hướng rõ rệt: sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.
Anh em cũng hãy làm cho Chúa Giêsu Kitô hiện diện thật sự giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn (LM 15). Nhất là được nhìn nhận như là người đại diện chính thức của Hội Thánh tại địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường, để cống hiến ơn cứu độ cho mọi người. Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.[23]
Tuy nhiên, thực tế đã không tạo được một niềm tin cần phải có để mọi người an tâm bước vào “vận hội mới” của đất nước. Không ít anh chị em giáo dân tại miền Nam Việt Nam đã di tản hay rời khỏi nước để đoàn tụ gia đình. Trong khi đó, tình hình tôn giáo ở phía Bắc chẳng những không được cải thiện mà ở một số nơi, đặc biệt, các vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên, còn xấu đi. Sinh hoạt tôn giáo tại miền Nam bị bó hẹp, nhất là vào buổi đầu, gần như trở về với tình trạng của miền Bắc trước ngày thống nhất: sinh hoạt hội đoàn, sách vở, báo chí đạo bị cấm. Các phương tiện, cơ sở vật chất mà qua đó, người giáo dân cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ, thể hiện tinh thần phục vụ xã hội, phục vụ người nghèo trong xã hội—như 226 trường trung học, 1.030 trường tiểu học, 58 cô nhi viện nuôi hơn 6.000 trẻ em, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong và 159 phòng phát thuốc—đều đã phải giao nộp cho nhà nước.
Thế rồi, nhờ có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo hội hai miền Nam Bắc, nhờ được hấp thụ tinh thần của Công đồng chung Vaticanô II, nhờ chính tầng lớp giáo sĩ và giáo dân trong Giáo hội Việt Nam vốn đã ý thức hơn về vai trò của người giáo dân trong xã hội… và nhờ một số hoàn cảnh chính trị riêng biệt, người giáo dân nói chung cũng vẫn có thể thực hiện vai trò của mình trong hoàn cảnh mới của đất nước. Chính trong thời kỳ đất nước thống nhất này, Công đồng Vaticanô II có cơ hội thuận tiện để được phổ biến rộng rãi hơn cho giáo dân miền Bắc:
Sau 1975, những thông tin tốt đẹp của Công đồng Vaticanô II được phổ biến cho giáo dân miền Bắc trong các nhà thờ, các lớp giáo lý. Sự đi lại dễ dàng hơn giữa hai miền Nam Bắc đã giúp giáo dân Việt Nam nói chung, cách riêng là giáo dân miền Bắc, thấy rõ hơn vai trò của họ theo tinh thần của Công đồng…[24]
Thật ra, tuy sống trong hoàn cảnh không nhiều thuận lợi, nhưng nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, người giáo dân miền Bắc trước đấy vẫn đã có những bước đi phù hợp với nội dung Công đồng Vaticanô II: sống đức tin mạnh mẽ, trung thành với Giáo hội, sùng kính Đức Maria cách đặc biệt.
Đối với giáo dân miền Nam, Công đồng Vaticanô II đã có những ảnh hưởng rất rõ rệt, bởi lẽ:
… giống như Giáo hội ở miền Bắc ngay cả trước khi biết đến Công đồng đã sống các lý tưởng của Công đồng, thì Giáo hội ở miền Nam sau biến cố lịch sử 1975, với chút nhận thức rõ hơn về tinh thần Công đồng, xem ra cũng đã nỗ lực khẳng định: người Kitô hữu không chỉ sẵn sàng chia sẻ số phận vật chất, bấp bênh chung của dân tộc, mà còn cần sẵn sàng chia sẻ, thể hiện tinh thần phục vụ, trở nên gần gũi với anh chị em đồng bào của mình hơn. Bởi khi người Kitô hữu thực sự sống cuộc đời hành hương tiến về Nước Trời, họ đang cùng với toàn thể Giáo hội làm biểu lộ rõ hơn khuôn mặt của Đức Kitô, vị Thầy hiền lành, khiêm nhường, khó nghèo, và chịu đóng đinh.[25]
Thật vậy, mặc cho những khó khăn và thử thách, người giáo dân vẫn tiếp tục sự hiện diện của mình với niềm tin Kitô giáo trong nhiều lĩnh vực khác nhau: y tế, giáo dục, xưởng thợ, truyền thông, và cả trong các lĩnh vực chuyên môn nghệ thuật.
Một số giáo dân họat động trong lĩnh vực y tế tiếp tục có nhiều hoạt động trong những phạm vi xã hội khác nhau và góp phần không nhỏ trong việc phục vụ con người.[26] Ngay từ những năm 1979, vốn là những năm còn rất khó khăn về kinh tế cũng như về nhiều phương diện khác, người giáo dân đã biết phối hợp tương đối thường xuyên với một số bác sĩ, y sĩ, nha sĩ, nha công, dược sĩ, dược tá—đôi khi còn có sự tham gia của các nhóm giáo viên Công giáo—để tổ chức thăm và khám bệnh cho các bệnh nhân trại phong, các viện cô nhi, những người neo đơn và những người tàn tật; thực hiện phẫu thuật mắt, phẫu thuật xương và giúp tập “vật lý trị liệu”; cung cấp thuốc miễn phí, tổ chức những bữa ăn đặc biệt, sửa chữa những căn nhà bị hư hại cho các người già yếu, nghèo đói.[27]
Vào những giai đoạn đầu của các công tác xã hội này, khi chưa hình thành được một trung tâm nào ổn định, nhiều anh chị em còn tình nguyện đến tận nhà người bệnh thăm khám và chăm sóc miễn phí. Sau này nhiều trung tâm cũng như phòng khám được hình thành nhằm phục vụ các đối tượng đặc biệt này. Ngoài việc khám bệnh và phát thuốc, họ còn chu đáo tổ chức cung cấp một số phần ăn cho các bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Một số anh chị em giáo dân lao động khác, thuộc các đoàn thể giáo xứ tại các giáo phận,[28] hàng tuần vẫn quy tụ nhau tìm những phương cách khả thi nhất để giúp những người nghèo trong vùng quê có được một căn nhà lành lặn che nắng, che mưa. Họ tổ chức “nồi cháo bệnh viện”, cắt tóc cho học sinh nghèo tại một số trường học, giúp đỡ người vướng mắc phải “căn bệnh của thế kỷ” sớm được hòa nhập lại vào môi trường sống tự nhiên của xã hội, hay được chăm sóc cách tận tình lúc căn bệnh trở nên nguy tử và rồi được chôn cất cách tử tế khi qua đời.
Có thể nói, làm bác ái, từ thiện là hình thức rất quen thuộc và phổ biến của người giáo dân để thể hiện vai trò làm chứng cho Đức Giêsu Kitô giữa xã hội. Qua các việc bác ái từ thiện này, người giáo dân đã có thể góp phần làm cho sống động hơn sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc đời, Đấng cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, chữa lành kẻ bệnh tật… và dạy các môn đệ của Người làm như thế để mọi người biết họ đích thực là môn đệ của Người.
Thật vậy, đường hướng phục vụ trong Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để tạo hạnh phúc cho đồng bào” là nỗ lực đưa tinh thần Tin mừng hội nhập nhiều hơn vào quê hương Việt Nam, gắn bó chặt chẽ hơn với dân tộc Việt Nam. Điều này là một trong những cách thế rất thực tế để người dân Việt có thể đóng góp cho sự bám rễ sâu của Tin mừng nơi các giáo hội địa phương; và do đó, cũng góp phần phát triển Giáo hội toàn cầu.
3/ Thời kỳ từ “Đổi mới” đến nay (1986 đến ngày nay)
Nhờ những giáo huấn của Giáo hội giúp người giáo dân biết chọn cách sống tốt hơn: sống đạo theo tinh thần Tin mừng thay vì giữ đạo theo thói quen, giáo dân dấn thân nhiều hơn, biết chia sẻ trách nhiệm với tu sĩ, giáo sĩ.[29]
Đại hội Liên hội đồng giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops’ Conference) (FABC) năm 2000 đã khích lệ việc phát huy các tài năng và chuyên môn của giáo dân.
Đại hội Liên hội đồng giám mục Á châu (FABC) năm 2000 tại Thái Lan đã nhắc lại một tư tưởng thường xuất hiện trong các văn kiện thần học châu Á: phải phát huy những cơ cấu tham gia (participative structures) trong Giáo hội, ngõ hầu các tài năng và chuyên môn của giáo dân nam nữ có cơ hội được sử dụng đến. Có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và nhờ vào ân sủng các bí tích củng cố, giáo dân phải quyết tâm dấn thân vào trong cuộc sống góp phần thực hiện sứ mệnh của Giáo hội, đem Tin mừng của Đức Giêsu áp dụng vào trong các lãnh vực nghề nghiệp: chính trị, giáo dục, y tế, phương tiện truyền thông và lao động.[30]
Trong hiện tại, đất nước Việt Nam đang tiến đi trên con đường phát triển theo kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc mở cửa làm ăn với thị trường quốc tế và khu vực, hiện tượng toàn cầu hóa… đã tạo nên không ít những biến chuyển, những điều kiện sống mới, thuận lợi và bất thuận lợi, cho mọi người dân. Thật vậy, người giáo dân Công giáo không nằm ngoài những biến chuyển tích cực của xã hội; nhưng đồng thời, cũng không phải là hoàn toàn không hề chịu ảnh hưởng tiêu cực của những điều kiện sống mới này.
Một số lượng không nhỏ anh chị em giáo dân, tại nông thôn cũng như thành thị, đã tích cực đi theo chiều hướng đổi mới và đã ít nhiều thành công trong lĩnh vực kinh tế. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều anh chị em giáo dân trong số các anh chị em tương đối thành công trên thương trường này, đã tập họp nhau lại thành nhóm doanh nhân Công giáo (giới doanh nghiệp). Nhóm này tích cực gắn bó với Giáo hội qua các sinh họat tôn giáo đều đặn, thực hiện các công cuộc bác ái từ thiện nơi này nơi khác, nhất là trong môi trường sống và phạm vi làm việc hằng ngày của mình.
Tuy nhiên, cũng có một số anh chị em giáo dân bị các thay đổi của thời cuộc đẩy vào trạng thái hoang mang về mặt tôn giáo. Chẳng hạn, do nhu cầu cuộc sống và công ăn việc làm, không ít người giáo dân ở các vùng sâu, vùng xa, những vùng nông thôn nghèo khổ… đã kéo về các trung tâm đô thị. Đời sống đạo của những người giáo dân này chưa được ổn định, giáo hội tại chỗ hầu như chưa có chương trình rõ ràng, cách thức hoặc biện pháp thích hợp để phục vụ cho những anh chị em di dân, giúp họ thích nghi với môi trường sống mới, và giúp họ thực thi vai trò người giáo dân tại nơi họ làm việc, tại nơi họ cư trú. Bị thời cuộc đưa đẩy ra khỏi khung cảnh sống đạo đơn giản và quen thuộc và bị ném vào một môi trường văn hóa hoàn toàn khác và xa lạ, một số anh chị em di dân này dường như không còn chỗ dựa cần thiết để tiếp tục cuộc sống đạo của mình.
Người giáo dân ngày nay vẫn đang phải đối diện với những vấn đề của thời đại mình, những vấn đề mới được đặt ra trong hầu hết mọi lĩnh vực. Tiếc rằng, ngoài một đức tin truyền thống nói chung rất đáng quý của gia đình truyền lại, thì hành trang vào đời của một số anh chị em này lại chỉ là những kiến thức tôn giáo đã được thiết lập từ một thời xa xưa. Thật vậy, sự hội nhập của những anh chị em này với xã hội trong tư cách là Kitô hữu chưa thực sự thích đáng; và các hoạt động phục vụ của Giáo hội cũng chưa được cập nhật hóa cách kịp thời để giúp đỡ họ. Giáo hội cần đồng hành với họ nhiều hơn… để giúp họ có thể tự tin hơn mà bước vào môi trường sống mới.
Sinh hoạt của Giáo hội vẫn còn không ít những hạn chế: linh mục vẫn chưa tới được một số vùng, như ở cao nguyên, dù chỉ là để cử hành thánh lễ cho các tín hữu thuộc các dân tộc ít người. Tại đây, người điều khiển cuộc sống đạo của cộng đoàn vẫn là một “giáo phu” ( yao phu), được giáo dân đưa lên vì tư cách đạo đức và uy tín của người này. Vị giáo phu sắm vai nhà lãnh đạo tinh thần của giáo xứ.
–––––––––––––––––––––––––––
[1] Cv 2,1-3.
[2] Hai thầy giảng là Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền được truyền chức linh mục tại Siam năm 1668. Tháng giêng năm 1670, bảy tân linh mục người Việt được phong chức lần đầu tiên trên đất Đàng Ngoài (x. Nguyễn Hữu Trọng, Les origines du Clergé Vietnamien [Buổi đầu của hàng giáo sĩ người Việt] Tinh Việt: Sàigòn, 1959, trg. 188-190). Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng là người Việt Nam đầu tiên được tấn phong giám mục (1933).
[3] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ (TP. Hồ Chí Minh: Ban tổ chức Năm thánh 2010, 2008).
[4] Phần I: Nhìn lại.
[5] Phần II: Nhận định.
[6] Phần III: Đề xuất.
[7] CL 2.
[8] X. đ. 204.
[9] X. đ. 207.
[10] X. GLGHCG 872; đ. 208; LG 32.
[11] X. GLGHCG 898; LG 31; đ. 225.
[12] X. GLGHCG 898; đ. 227.
[13] Trên hai phần ba số linh mục miền Bắc di cư vào Nam.
[14] Bài Phỏng vấn Đức cha Lôrenxô Chu Văn Minh—người lúc bấy giờ đang sống ở Chủng viện Hà Nội, đã kinh qua giai đoạn lịch sử này—trên website của Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ), ngày 02 tháng 02 năm 2009.
[15] Nhiều tác giả, “Văn học Công giáo Việt Nam” trong Từ điển văn hóa Kitô giáo (sắp xuất bản).
[16] Nguyễn Kim Điền, Tâm thư 01-4-1975.
[17] Nguyễn Văn Bình, Thư gửi anh chị em Tổng giáo phận Sài Gòn 05-5-1975.
[18] Nguyễn Văn Bình, Tham luận tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ V năm 1977.
[19] Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Thuận, Thư luân lưu gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân Tổng giáo phận Sài Gòn ngày 12 tháng 6 năm 1975.
[20] Phiên họp bắt đầu từ 10-7-1976 đến 16-7-1976 tại TP. Hồ Chí Minh.
[21] Những từ đầu tên gọi một tác phẩm của Lm. Nguyễn Hồng Giáo: Một chặng đường Giáo hội Việt Nam, xuất bản tại Học viện Phanxicô, TP. Hồ Chí Minh, năm 2008.
[22] Nguyễn Hồng Giáo, Một chặng đường Giáo hội Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh: Học viện Phanxicô, 2008), 173.
[23] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung năm 1980, lấy 01-4-2009 tại http://v3.hdgmvietnam.org/Default.aspx?tabid=75&ctl=ViewArticle Deail&mid=431&ArticlePK=35. “Có thể nói rằng Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể dân Chúa trong hội nghị thường niên đầu tiên của các giám mục hai miền Nam-Bắc (kể từ ngày nước nhà thống nhất), được xem là kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong nhiều năm qua”. [Tạ Huy Hoàng, Hội đồng, hội đoàn giáo xứ, Tập I (TP. Hồ Chí Minh: Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận, 2008), 69]
[24] Tạ, Quản trị mục vụ, Tập I (TP. Hồ Chí Minh: Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận, 2008), 34-5. Trong bài phái biểu tại Thượng hội đồng thế giới về giáo dân ngày 15 tháng 9 năm 2005, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang nói: “Giáo dân Việt Nam đã sống các lý tưởng của Công đồng trước khi biết đến Công đồng theo đúng câu phương ngôn La Tinh: Primum vivere, deinde philosophare (đầu tiên hãy sống trước đã, rồi thì mới triết lý sau)”.
[25] X. Tạ, Quản trị mục vụ, 35.
[26] Gồm đủ mọi thành phần trong lĩnh vực này: bác sĩ, y sĩ, y tá, y công.
[27] Sau này, một số y bác sĩ và cán sự xã hội còn được mời gọi phục vụ trong những hoàn cảnh đặc biệt hơn như chăm sóc các bệnh nhân HIV-AIDS.
[28] Tại giáo xứ chính toà Long Xuyên chẳng hạn.
[29] Các văn kiện Công đồng Vaticanô II của những năm 60 nói chung, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem) nói riêng, rồi nhiều văn kiện khác cũng đã có những hướng dẫn cụ thể cho vai trò của người giáo dân: Bộ giáo luật 1983; Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici), Huấn thị về một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của các tín hữu không có chức thánh vào tác vụ của các linh mục (Instruction on Certain Questions Regarding the Collaboration of the Non-Ordained Faithful in the Sacred Ministry of Priests), Tông thư Thiên Chúa là tình yêu (Deus Caritas est)….
[30] Tạ, Quản trị mục vụ, 42.
bài liên quan mới nhất
- Nhịp sống Giáo hội Việt Nam số 2
-
Thánh lễ An Táng Đức Cố Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu -
Giáo phận Long Xuyên: Thư phân ưu của Đức Hồng Y Pietro Parolin - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh -
Trực tiếp Thánh lễ An táng Đức Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu vào lúc 08:30 thứ Sáu ngày 10/01/2025 -
Cáo phó Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu -
Thánh lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Chánh tòa của Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi -
Đức Cha Phêrô Lê Tấn Lợi: Giám mục Chính tòa Giáo phận Cần Thơ -
Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia sinh hoạt của Hội thánh -
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski gặp gỡ chủng sinh Tổng Giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô