Ủy ban Giáo lý Đức tin: Lễ ra mắt quyển Từ điển Công giáo
WGPSG -- Vào lúc 9g30 Chúa nhật 18.09.2011, tại Tòa Tổng Giám mục TGP TPHCM, 180 Nguyễn Đình Chiểu, P 6, Q 3, TPHCM, đã diễn ra “Lễ ra mắt Từ điển Công giáo” của Ban Từ vựng Công giáo, thuộc Ủy ban Giáo lý Đức tin (UBGLĐT), trực thuộc HĐGMVN.
Thành phần tham dự:
Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch UBGLĐT, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình (UBCLHB) trực thuộc HĐGMVN, cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết, Trưởng ban Từ vựng Công giáo, cha Đaminh Nguyễn Đức Thông – Phó ban 1 – chuyên viên về tín lý, thầy Micae Nguyễn Hạnh – Phó ban 2 – chuyên về Nôm và kỹ thuật, cha Phêrô Nguyễn Hữu Lai – nguyên Phó ban đầu tiên, cha Guy Maria Nguyễn Hồng Giáo – Dòng Phanxicô – chuyên viên về triết học, cha Stêphanô Huỳnh Trụ - TGP TPHCM - chuyên viên về Hán từ và tiếng Trung, cha Phêrô Nguyễn Hai Tính – Dòng Tên – tín lý, chị Maria Kim Lệ - Văn phòng Trưởng của Văn phòng Điều hành, các thành viên và cộng tác viên trong Ban Từ vựng Công giáo, các thành viên trong Ủy ban Giáo lý Đức tin, quý Bề trên đại diện cho các dòng tu nam nữ, quý đại diện của một số giáo phận (có những vị đại diện đến từ các giáo phận xa xôi ở miền Bắc), quý vị ân nhân tài trợ cho công trình này và quý khách. Tất cả có khoảng 170 người.
Từ 9 giờ đến 9 giờ 30: Tiếp đón quan khách. Mỗi khách đến dự “Lễ ra mắt Từ điển Công giáo” được Ban Tổ chức tặng quyển “Từ điển Công giáo” làm quà ngay trước khi bước vào phòng họp.
Đúng 9g30, chương trình bắt đầu dưới sự điều khiển của MC (ông Augustinô Vương Đình Chữ) với nghi thức khai mạc hát thánh ca. Sau đó, cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết giới thiệu hai Đức cha và các thành phần tham dự.
Kế tiếp, trong phần tuyên bố lý do, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã trình bày: “Nếu tôi không lầm, thì cách đây hơn 3 năm, tại Trung tâm Công giáo có tổ chức “buổi ra mắt” của “Nhóm Từ vựng Công giáo”, là một trong 3 tiểu ban của Uỷ ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tôi đã giới thiệu cha Nguyễn Chí Thiết, người đứng đầu nhóm và các anh chị em cộng sự viên. Hôm nay, tôi không giới thiệu Nhóm nữa, nhưng giới thiệu “một công trình của Nhóm”: Cuốn “Từ điển Công giáo” đầu tiên, viết bằng tiếng Việt, chứ không phải dịch từ các từ điển bằng tiếng nước ngoài.” … Đây là một công trình khiêm tốn, mới đi được một phần ba con đường, vì chỉ mới định nghĩa được 500 mục từ cơ bản. Trong tương lai gần, còn phải định nghĩa hơn 1000 mục từ nữa mới hoàn thành toàn bộ Từ điển Công giáo.”
Đức cha cũng nêu lên 5 ưu điểm của quyển “Từ điển Công giáo” đang được ra mắt:
1. Vắn tắt, không dài dòng quá sự cần thiết.
2. Tương đối dễ hiểu, tuy vẫn giả thiết người đọc cần có một trình độ học thức vừa phải.
3. Nhắm điều cốt yếu.
4. Cập nhật hóa, vì có lưu tâm đến những văn kiện mới nhất của Giáo hội, hoặc những quyển sách mới của các nhà thần học.
5. Ưu điểm quan trọng nhất đối với Giáo hội là tôn trọng Huấn Quyền.
Sau khi Đức cha Chủ tịch UBGLĐT tuyên bố lý do, cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết tóm tắt quá trình làm việc và hình thành quyển “Từ điển Công giáo”. Cha cho biết, khởi đi từ một ê-kíp rất nhỏ bé vào đầu năm 2007, nhưng với thời gian đã lập được Ban Điều hành, Ban Biên tập, Ban Kỹ thuật, Văn phòng Thường trực,… Tổng cộng số thành viên và cộng tác viên là 130 người. Cha cũng cho biết, mỗi một định nghĩa được đúc kết trong từ điển xem ra đơn giản nhưng thực tế đã trải qua một chuỗi công việc với nhiều giai đoạn khác nhau. Có 8 giai đoạn như sau:
1. Văn phòng Thường trực tìm các từ để đề nghị làm mục từ.
2. Ban Điều hành chọn các từ ấy thành mục từ làm đối tượng để định nghĩa.
3. Ban Hán Nôm có bổn phận phân tách từ nguyên của từ ấy.
4. Mỗi một biên soạn viên nhận viết thành một định nghĩa sơ khởi.
5. Một chuyên viên xem lại định nghĩa ấy, cho nhận xét và hoàn chỉnh tương đối.
6. Mời một số chuyên viên thuộc nhiều ngành khác nhau mà từ ấy liên hệ, làm thành một nhóm duyệt xét làm việc chung với nhau, cho các nhận xét bổ túc và chỉnh sửa nếu cần.
7. Ban Thư ký của nhóm duyệt xét và viết lại thành văn.
8. Ban Điều hành duyệt lại và chấp thuận thành một định nghĩa chính thức và đưa vào văn bản của cuốn từ điển này.
Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết đã giới thiệu cuốn “Từ điển Công giáo”, và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức cha Chủ tịch UBGLĐT, Đức cha Chủ tịch UBCLHB, và tất cả những ai đã đóng góp tài lực và vật lực cho Ban Từ vựng để sinh ra đứa con tinh thần là quyển “Từ điển Công giáo” này. Cha cũng lưu ý rằng, công việc vẫn chưa hoàn thành và còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong các năm tới, với một nhịp điệu có thể còn căng thẳng và tế nhị hơn. Vì thế, cha mong rằng, mọi người tiếp tục nâng đỡ tinh thần và vật chất để có thể hoàn thành sứ mệnh mà Giáo hội Việt Nam đã ủy thác cho.
Sau đó là phát biểu ý kiến và bình luận của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và quý quan khách. Trong phần phát biểu của mình, Đức cha bày tỏ niềm vui và chúc mừng vì công trình vất vả của UBGLĐT và của nhiều người đã được ra mắt. Đức cha cũng nhấn mạnh đến ý tưởng “Văn tải đạo”, dùng tiếng Việt để chuyển tải chân lý của Thiên Chúa.
Kết thúc phần phát biểu ý kiến và bình luận, cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết cảm ơn tất cả mọi người.
Lễ ra mắt kết thúc vào lúc 11 giờ. Nhìn chung, buổi ra mắt quyển “Từ điển Công giáo” được đánh giá là thành công tốt đẹp. Sau đó, quý Đức cha, quý cha, và quý quan khách dùng cơm trưa tại phòng họp trong bầu khí thân mật và vui vẻ.
----------------------------------------------
Lời khai mạc buổi ra mắt quyển " Từ Điền Công giáo"
Tại Tòa Tổng Giám mục TGP TPHCM
18.09.2011
Kính thưa Quý vị,
Nếu tôi không lầm, thì cách đây hơn 3 năm, tại Trung Tâm Công giáo có tổ chức “buổi ra mắt” của “Nhóm Từ vựng Công giáo”, là một trong 3 tiểu ban của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tôi đã giới thiệu cha Nguyễn Chí Thiết, người đứng đầu nhóm và các anh chị em cộng sự viên. Hôm nay, tôi không giới thiệu Nhóm nữa, nhưng giới thiệu “một công trình của Nhóm”: Cuốn “Từ điển Công giáo” đầu tiên, viết bằng Tiếng Việt, chứ không phải dịch từ các Từ điển bằng Tiếng Nước Ngoài.
Đây là một công trình khiêm tốn, là bước đầu và mới đi được một phần ba con đường phải đi: vì chỉ mới định nghĩa được 500 mục từ cơ bản. Trong tương lai gần, còn phải định nghĩa hơn 1000 mục từ nữa, mới hoàn thành toàn bộ Từ điển Công giáo đầy đủ. Tuy chưa được hoàn hảo, nhưng quyển Từ điển Công giáo vẫn có được khá nhiều ưu điểm.
Ưu điểm thứ nhất là vắn tắt, không dài dòng quá sự cần thiết. Ưu điểm thứ hai là tương đối dễ hiểu, tuy vẫn giả thiết người đọc cần có một trình độ học thức vừa phải. Ưu điểm thứ ba là nhắm điều cốt yếu, “Từ nào nội dung nấy”, dễ cho người đọc nắm bắt được ý chính của từ ngữ. Ưu điểm thứ tư là cập nhật hóa, vì có lưu tâm đến những văn kiện mới nhất của Giáo hội, hoặc những quyển sách mới của các nhà thần học. Ưu điểm thứ năm, cũng là ưu điểm quan trọng nhất đối với Giáo hội là tôn trọng Huấn Quyền, vì thường xuyên quy chiếu về Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, hoặc là Bản Toát yếu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.
Tuy là một công trình khiêm tốn, nhưng phát xuất từ một giấc mơ lớn: Giấc mơ Giáo hội Việt Nam có được một “nền thần học Việt Nam”, như các nền thần học ở một số Quốc gia, bên Đức có “Thần học Đức”, bên Pháp có Thần họcPháp, bên Mỹ Châu Latinh có “Thần học Mỹ Châu latinh”, bên Ấn Độ, có Thần học Ấn Độ…, ở Việt Nam có Thần học Việt Nam và những nhà Thần học viết sách bằng Tiếng Việt, suy tư bằng Tiếng Việt.
Muốn thực hiện giấc mơ này, phải khởi sự từ đầu: từ ngôn ngữ , từ Tiếng Việt của chúng ta. Ngôn ngữ chuyên chở tư tưởng, diễn tả tư tưởng. Người Việt, nhờ Tiếng Việt mà đạt tới “Sự Thật”, đạt tới “Chân Thiện Mỹ”, đạt tới “Thực Tại Viên mãn” là chính Thiên Chúa. Phải bắt đầu từ ngôn ngữ, vì theo kiểu nói rất chí lý của một triết gia (Heidegger), “Ngôn ngữ là ngôi nhà của Sự Hữu”.
Để thực hiện giấc mơ mà bản thân tôi không làm được, tôi đã cậy nhờ vào một nhóm anh chị em có cùng chung một thao thức, và nhiều người thiện chí. Cha Nguyễn Chí Thiết đã quy tụ giúp và đã điều hành công việc từ nhiều năm , và các anh chị em này đã mài miệt làm việc chung với nhau, hôm nay mới sinh ra được đứa con đầu lòng , nên rất vui mừng, và muốn chia sẻ niềm vui với nhiều người. Đó là lý do để mời quý vị đến đây chia vui với chúng tôi, trong tình yêu Hiệp Thông của Gia đình Giáo hội, để ủng hộ tinh thần cho chúng tôi, và nếu có thể được, cả vật chất nữa!
Xin chúc tụng, ngợi khen , cảm tạ Chúa và chân thành đa tạ sự hiện diện quý báu của quý vị.
Phaolô Bùi văn Đọc,
Đặc trách UBGLĐT trực thuộc HĐGMVN
bài liên quan mới nhất
- Khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XX
-
Khẩu hiệu và huy hiệu Đức Giám mục Phụ tá tân cử Giuse Vũ Công Viện -
Thông báo về Thánh lễ Truyền chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội -
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám Mục Tân Cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh - ngày 08/10/2024 -
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024 -
Trực tiếp Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin của Đức Giám mục tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 08/10/2024 -
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 - Ngày I
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh -
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô