Từ sự phát triển Con Người Toàn Diện đến nền Sinh Thái Toàn Diện
TỪ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN
ĐẾN NỀN SINH THÁI TOÀN DIỆN
Grégoire Catta, S.J.
Tư tưởng xã hội của Giáo hội về sự phát triển
Toàn thể Giáo hội bước vào cuộc tranh luận về sự phát triển vào những năm 1960 bằng cách triển khai cái nhìn của mình về “sự phát triển con người toàn diện”. Thông điệp Populorum Progressio (PP) của Đức Phaolô VI là cách diễn đạt mạnh mẽ nhất về điều này. Được công bố vào năm 1967, nó đã truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức Giáo hội mà, một cách nào đó, nó là hiến chương: Ủy ban Công lý và Hòa bình, các tổ chức hỗ trợ phát triển như CCFD (Ủy ban Công giáo chống nạn đói và vì sự phát triển) hay DCC (Phái đoàn Công giáo hợp tác) được thành lập cùng năm đó. Trong những thập kỷ sau đó, nó ngày càng trở nên phong phú hơn, dấn thân vào các cuộc tranh luận ý thức hệ và kỹ thuật diễn ra giữa các cơ quan của Liên hiệp quốc và các bên tham gia trong lĩnh vực này. Năm 2015, trong thông điệp Laudato si’ về việc bảo vệ ngôi nhà chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc đẩy điều mà ngài gọi là “một nền sinh thái toàn diện”. Gần đây hơn, bằng cách tổ chức lại các các bộ của Vatican, ngài đã thiết lập một cơ quan mới mà ngài gọi là “Bộ phục vụ sự phát triển con người toàn diện”. Bộ này chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến công lý, hòa bình, di cư, sinh thái, việc làm, sức khỏe… Trong khi từ ngữ phát triển thường xuyên bị tranh cãi, tại sao lại phải lấy lại nó? Chắc chắn bởi vì từ chỉ phẩm chất “toàn diện”, mà người ta cũng tìm thấy trong “nền sinh thái toàn diện”, mang lại cho nó ý nghĩa thực sự của nó và cho phép nó ngày nay, cũng như những năm 1960, trở thành lời phê bình đối với các cách tiếp cận khác.
“Để trở nên đích thực, sự phát triển phải mang tính toàn diện, nghĩa là thăng tiến mọi người và toàn thể con người” (PP 15). Một cách tiếp cận chỉ giới hạn ở những cân nhắc thuần túy về vật chất và kinh tế, hoặc chính trị và thậm chí cả văn hóa, mà không bao gồm tất cả chúng và đồng thời không mở ra một chiều kích tâm linh sẽ là không đủ. Cũng giống như một cách tiếp cận không tính đến toàn thể mọi người và toàn thể các dân tộc hoặc – được nhận thức cao hơn trong thời gian gần đây – sẽ vẫn mù quáng trước việc quan tâm đến môi trường. Quả thế, bén rễ từ truyền thống đức tin của mình, Giáo hội không ngừng tái khẳng định sự cao cả của ơn gọi của tất cả mọi người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, hoàn toàn liên đới với toàn thể công trình tạo dựng, và được mời gọi hình thành một gia đình thông qua ơn cứu độ được ban tặng trong Chúa Giêsu Kitô. Bằng cách xem xét một số bản văn quan trọng theo thứ tự thời gian, chúng ta hiểu rõ hơn tính đặc thù của cách tiếp cận này do Giáo hội đề xuất về sự phát triển, cũng như chiều hướng tiến triển tất yếu của nó, bởi vì không còn có thể nói về sự phát triển toàn diện theo cùng một thuật ngữ vào năm 2017 như vào năm 1967.
Đức Gioan XXIII
Chính từ các thông điệp của Đức Gioan XXIII vào đầu những năm sáu mươi – Mater et magistra năm 1961 (MM) và Pacem in terris năm 1963 (PT) – mà vấn đề phát triển đã đi vào diễn ngôn của Giáo hội. Nó cũng được đề cập tại Công đồng Vatican II trong Hiến chế Gaudium et spes (1965) (GS). Nhận thấy rằng vấn đề xã hội từ nay có chiều kích toàn cầu, được chứng minh bằng sự bất bình đẳng giữa các nước đã phát triển về kinh tế và các nước đang phát triển (MM 157), Giáo hội đề xuất trong ba văn kiện này một số nguyên tắc chính. Sự phát triển của các dân tộc là một quyền (PT 86) và do đó các nước được gọi là “đã phát triển” có nghĩa vụ đóng góp vào đó chứ không chỉ là một lựa chọn do lợi ích hoàn cảnh quyết định (MM 159, MM 160; GS 86 ) . Tuy nhiên, chính các cá nhân và chính các dân tộc mới là tác nhân chính trong sự phát triển của họ. Do đó, mối nguy hiểm là sử dụng các hình thức viện trợ khác nhau làm công cụ méo mó thống trị chính trị, kinh tế và xã hội và thiếu tôn trọng phẩm giá của các cá nhân và các dân tộc (MM 171; PT 121; GS 85). Cuối cùng, sự phát triển phải mang tính toàn diện, việc cải thiện các điều kiện xã hội đi kèm với tăng trưởng kinh tế (MM 68): mục tiêu là “sự triển nở nhân vị trọn vẹn” của mọi công dân, bao gồm cả việc quan tâm đến chiều kích tâm linh (GS 86).
Đức Phaolô VI
Trong Populorum Progressio, tất cả những yếu tố này sẽ được lấy lại và trình bày một cách có hệ thống hơn. Thông điệp dựa trên kinh nghiệm của những người Công giáo tham gia vào các cuộc tranh luận và hành động ủng hộ sự phát triển. Trong số đó, cha Louis-Joseph Lebret đóng vai trò quan trọng. Là người sáng lập hiệp hội « Kinh tế và Chủ nghĩa nhân văn » vào năm 1941, nhằm tìm cách thúc đẩy một nền kinh tế phục vụ con người, bản thân ngài đã từng là cố vấn cho các chính phủ ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á. Chúng ta nợ ngài khái niệm phát triển toàn diện “của toàn thể con người và của tất cả mọi người”. Thông điệp này nằm trong đường hướng phân định các dấu chỉ của thời đại được khởi xướng tại Vatican II. Dấu hiệu chính được nêu bật ở đây là tiếng kêu của “các dân tộc đói khổ ngày nay đang chất vấn cách thảm thương các dân tộc giàu có” (PP 3) và buộc phải đọc lại Tin Mừng.
Sự phát triển mang tính cá nhân – “mỗi con người được mời gọi phát triển vì mọi sự sống đều là một ơn gọi” trong kế hoạch của Thiên Chúa (PP 15) – nhưng cũng mang tính cộng đồng, bởi vì mỗi con người “thuộc về toàn thể nhân loại” (PP 16 ) và “ sự phát triển toàn diện của con người không thể diễn ra nếu không có sự phát triển mang tính liên đới của nhân loại” (PP 43). Do đó, nó đòi hỏi nghĩa vụ liên đới giữa các dân tộc và các nhân vị nhưng cũng phải tôn trọng sâu sắc khả năng quyết định và hành động của chính họ. Sự phát triển được trình bày như con đường chắc chắn nhất dẫn đến hòa bình: đó là “tên gọi mới của hòa bình” (PP 76-80). Khái niệm này không có tham vọng đưa ra một lý thuyết duy nhất hay giải pháp kỹ thuật cho những thách thức do vấn đề phát triển đặt ra, nhưng là một tiêu chí đánh giá và phân định, là nguồn cảm hứng cho hành động. Sự phát triển “thực sự” là sự chuyển đổi từ những điều kiện ít nhân bản hơn sang những điều kiện có tính nhân bản hơn:
“Ít nhân bản hơn: những thiếu thốn về vật chất của những người bị tước đoạt mức sống tối thiểu và những thiếu sót về đạo đức của những người bị hủy hoại bởi lòng ích kỷ. Ít nhân bản hơn: các cơ cấu áp bức, dù chúng phát sinh từ việc lạm dụng quyền sở hữu hay lạm dụng quyền lực, từ việc bóc lột công nhân hoặc từ sự bất công trong giao dịch. Nhân bản hơn: sự gia tăng khốn khổ hướng tới việc sở hữu những nhu cầu thiết yếu, chiến thắng các tệ nạn xã hội, mở rộng kiến thức, tiếp thu văn hóa. Cũng nhân bản hơn: tăng cường quan tâm đến phẩm giá của người khác, hướng tới tinh thần nghèo khó, hợp tác vì công ích, ước muốn hòa bình. Còn nhân bản hơn nữa, sự thừa nhận của con người về những giá trị tối cao và về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn và là cùng đích của mình. Cuối cùng và trên hết, nhân bản hơn: đức tin, hồng ân của Thiên Chúa được đón nhận bởi thiện chí của con người và sự hiệp nhất trong tình bác ái của Chúa Kitô, Đấng kêu gọi tất cả chúng ta tham gia như những người con vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống, là Cha của mọi người” (PP 21).
Trong bối cảnh của những năm sáu mươi, thông điệp đưa ra một số khuyến nghị cụ thể để thực hiện đoạn văn này. Cải cách nông nghiệp là cần thiết ở nhiều vùng nơi có lượng lớn dân cư làm nông nghiệp đang sống trong cảnh khốn cùng vì họ không có đất để canh tác trong khi các điền trang lớn vẫn chưa được khai thác (PP 24). Công nghiệp hóa được coi là một hiện tượng tích cực với điều kiện là nó không chỉ được định hướng bởi việc thu hút lợi nhuận (PP 25). Tính cấp bách của hoàn cảnh đòi hỏi các cơ quan chính phủ phải có hành động lập kế hoạch ngay lập tức cũng như các sáng kiến tư nhân và hành động của các cơ quan trung gian (PP 33). Thương mại quốc tế đòi hỏi những cải cách sâu sắc, bởi vì sự bất bình đẳng không thể được khắc phục chỉ bằng cơ chế thị trường tự do (PP 58). Cuối cùng, thông điệp khuyến khích việc thành lập một quỹ phát triển quốc tế (PP 51).
Thông qua những khuyến nghị này, Giáo hội nằm trong trào lưu cải cách theo chủ nghĩa quốc tế, được đại diện đặc biệt trong những thập niên sau chiến tranh bởi Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về Châu Mỹ Latinh và Tổng Thư ký của nó là Raúl Prebisch. Ngược lại với các lý thuyết về hiện đại hóa coi tình trạng kém phát triển là một sự chậm trễ đơn giản trong một quá trình không thể tránh khỏi mà đơn giản cần phải sửa chữa bằng sự đóng góp của vốn bên ngoài, trào lưu “cơ cấu” này muốn cải cách cơ cấu liên kết các nước phát triển quá mức của phía Bắc và các nước kém phát triển của phía Nam. Chẳng hạn, điều này ngụ ý hành động tuân theo các quy tắc thương mại quốc tế, tăng cường lập kế hoạch ở các nước đang phát triển, từ chối phân chia lao động theo đó một số quốc gia vẫn đơn giản là nhà sản xuất nguyên liệu thô trong khi các quốc gia khác sẽ chịu trách nhiệm về công nghiệp chế biến. Khi đưa ra những quan điểm gần gũi với những người theo chủ nghĩa cơ cấu, Đức Phaolô VI không có tham vọng đồng hóa tầm nhìn của Giáo hội với lý thuyết này một cách dứt khoát[1], ngài lặp lại một cách tiếp cận mà, trong thời kỳ này, thể hiện tầm nhìn về sự phát triển con người toàn diện.
Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh
Nhân danh tầm nhìn này, các Giám mục Châu Mỹ Latinh, họp tại Medellín, đã chấp nhận một quan điểm triệt để hơn vào năm 1968. Bị chất vấn bởi tai tiếng về nghèo đói và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng trên lục địa của mình, các ngài tố cáo tình trạng phụ thuộc về kinh tế và chính trị đặc biệt vào Hoa Kỳ và kêu gọi hành động chống lại các hình thức chủ nghĩa thực dân mới[2]. Các yếu tố của cách tiếp cận này đã được huấn quyền Rôma lấy lại, đặc biệt trong tài liệu chung cuộc của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1971, Justitia in mundo (JM), và trong tông huấn hậu thượng hội đồng của Đức Phaolô VI năm 1975, Evangelii Nuntiandi (EN) . Rõ ràng lưu ý đến các tình trạng “chủ nghĩa thực dân mới”, do đó Giáo hội liên kết sự phát triển con người toàn diện với khái niệm giải phóng: “Nếu các quốc gia và khu vực đang phát triển thất bại trong việc giải phóng họ thông qua sự phát triển, thì có một mối nguy hiểm thực sự là tình hình của họ, đặc biệt được tạo ra bởi sự thống trị của thực dân, sẽ phát triển thành chủ nghĩa thực dân mới, trong đó các quốc gia đang phát triển sẽ là nạn nhân của trò chơi của các sức mạnh kinh tế quốc tế” (JM 16). Tuy nhiên, nhân danh nguyên tắc về một nhân loại được xem xét một cách toàn diện, lời kêu gọi giải phóng được kết hợp với việc tiên thiên từ chối bạo lực và bởi sự cổ vũ việc hợp tác và tham gia.
Đức Gioan-Phaolô II
Hai mươi năm sau Populorum Progressio, đến lượt Đức Gioan Phaolô II đã lấy sự phát triển làm chủ đề trọng tâm trong thông điệp thứ hai của ngài, Sollicitudo rei socialis (SRS), vào năm 1987. Ngài nhấn mạnh đến chiều kích luân lý của nó: đó không phải là vấn đề thuần túy kỹ thuật mà là một thực tại liên quan đến những lựa chọn của con người, được đánh giá theo sự đóng góp của họ hay không cho công ích. Trong bối cảnh luôn hiện diện của chiến tranh lạnh và sự đối lập giữa các ý thức hệ tư bản và cộng sản, ngài tái khẳng định rằng sự phát triển đích thực không thể bị nhầm lẫn với huyền thoại về sự tiến bộ vô tận, cũng không thể nhầm lẫn với sự mở rộng đơn giản của cải vật chất. Các hình thức “phát triển quá mức” ở các nước giàu thậm chí còn bị tố giác (SRS 28). Sự phát triển là cách diễn đạt hiện đại về ơn gọi của con người – theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa Tạo Hóa. Và chính bằng cách suy niệm về hình ảnh Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc con người và thực hiện đầy đủ ơn gọi này mà Giáo hội bén rễ sự dấn thân của mình cho sự phát triển (SRS 30-31). Bằng cái nhìn thần học về những trở ngại cho sự phát triển, Đức Gioan-Phaolô II tố cáo như là các cơ cấu tội lỗi cái lôgíc của các khối và một trật tự kinh tế thế giới bị làm sai lệch bởi lòng ham muốn lợi nhuận và sự khao khát quyền lực “bằng bất cứ giá nào”. Sự phát triển đích thực ngang qua việc thăng tiến tình liên đới, vốn “không phải là một cảm giác trắc ẩn mơ hồ” mà là “quyết tâm vững chắc và kiên trì để làm việc vì công ích […] bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với tất cả mọi người” (SRS 38). Hơn nữa, thông điệp nhấn mạnh rằng sự phát triển đích thực phải tính đến sự tôn trọng môi trường và tính chất hạn chế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo. Đây là một bước tiến triển đáng kể so với các tài liệu trước đây. Tuy nhiên, trong cùng năm 1987, báo cáo được gọi là “Bruntland” của Liên hiệp quốc đã định nghĩa phát triển bền vững là hình thức phát triển đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai[3], diễn ngôn của Giáo hội vẫn khá kín đáo về thách thức sinh thái.
Trái lại, tầm nhìn về sự phát triển con người toàn diện do Giáo hội Công giáo thúc đẩy đã tìm thấy tiếng vang có sức nặng trong bước ngoặt do PNUD (Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc) thực hiện vào năm 1990. Dưới sự thúc đẩy của các nhà kinh tế Mahbud Ul Haq và Amartya Sen , tổ chức Liên hiệp quốc này thúc đẩy sự phát triển như là “tiến trình mở rộng phạm vi khả năng được cung cấp cho các cá nhân” và thiết lập Chỉ số Phát triển Con người (IDH) vốn không còn bằng lòng, như PIB (Tổng sản phẩm quốc nội), đo lường sự giàu có của một quốc gia về mặt của cải có thể định lượng bằng tiền được tạo ra nhưng có tính đến các yếu tố khác như tuổi thọ trung bình và trình độ học vấn[4]. Vài năm sau, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được thúc đẩy: giảm nghèo cùng cực, đảm bảo giáo dục tiểu học cho tất cả mọi người, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, cải thiện sức khỏe bà mẹ, chống VIH/Sida, sốt rét và các bệnh khác, bảo vệ môi trường , thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển. Danh sách các chủ đề này gợi nhớ đến danh sách các đoạn văn về các điều kiện ít nhân bản hơn đến các điều kiện nhân bản hơn trong Populorum Progressio. Ở đó chúng ta thấy tầm nhìn về một sự phát triển không giới hạn ở các tiêu chí kinh tế nhưng tìm cách đặt người nam và người nữ vào trung tâm và tính đến tất cả các chiều kích nhân tính của họ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các tổ chức Công giáo như Caritas Quốc tế hay ở Pháp, tổ chức CCFD-Terre solidaire đã dấn thân mạnh mẽ với các mục tiêu thiên niên kỷ này.
Ở bước ngoặt năm 2000, chiến dịch toàn cầu nhằm xóa nợ cho các quốc gia nghèo nhất cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các tổ chức này và trong diễn ngôn xã hội chính thức của Giáo hội. Như Đức Gioan-Phaolô II đã chỉ ra trong thông điệp của ngài (SRS 19), vấn đề nợ nần quá mức của một số quốc gia đang phát triển là một vấn đề đạo đức liên quan đến sự tương tùy và tình liên đới giữa các dân tộc chứ không phải là một vấn đề thuần túy kinh tế[5]. Tầm nhìn về sự phát triển toàn diện của con người tìm thấy ở đây một nơi áp dụng cụ thể.
Đức Bênêđíctô XVI
Hai thập niên sau thông điệp của Đức Gioan-Phaolô II, chính tình hình toàn cầu hóa phức tạp hơn bao giờ hết và tình trạng thế tục hóa ngày càng gia tăng, đặc biệt ở châu Âu, đã kích thích Đức Bênêđíctô XVI tái áp dụng chủ đề phát triển vào năm 2009. Trong thông điệp Caritas in veritate (CV), ngài nhấn mạnh đến sự mở ra cho siêu việt như một thành phần quan trọng của sự phát triển con người toàn diện. Một chủ nghĩa nhân bản loại trừ hoàn toàn sự cởi mở đối với Thiên Chúa thì không thể là một chủ nghĩa nhân bản đích thực (CV 78). Nhiều cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang trải qua vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, các cuộc khủng hoảng năng lượng và môi trường, các cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị, là cơ hội đào sâu sự phân định và đưa ra những lựa chọn nhắm đến một tương lai tốt hơn bén rễ sâu trên những giá trị căn bản của con người trong một “tổng hợp nhân bản mới” (CV 21). Chiều kích của quà tặng và sự nhưng không, chẳng hạn, được thể hiện trong các hình thức sáng tạo của nền kinh tế liên đới (CV 34), là một phần của sự tổng hợp này nhằm tái khẳng định nhu cầu hợp tác và các mối quan hệ liên vị trong các xã hội ngày càng bị đánh dấu bởi sự cô lập và chủ nghĩa cá nhân (CV. 53). Trong bối cảnh quá trình tài chính hóa nền kinh tế ngày càng gia tăng mà những tác động tàn phá của nó đang được cảm nhận một cách tàn khốc cùng với tác động toàn cầu của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đối với nền kinh tế thực, Đức Bênêđíctô XVI mạnh mẽ nhắc lại sự cần thiết phải đưa nền kinh tế trở lại phục vụ sự phát triển con người và công ích (CV 36). Ngài cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ các giá trị sự sống và gia đình, những giá trị mà ngài coi là hàng đầu cho sự phát triển đích thực của con người (CV 44).
Với Đức Bênêđíctô XVI và thông điệp Caritas in Veritate, chủ đề phát triển giờ đây được liên kết chặt chẽ hơn với chủ đề về mối quan hệ của con người với môi trường (CV 48). Nhận thức về giới hạn của một số tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng, và về những thiệt hại thường không thể khắc phục được gây ra cho môi trường do sự phát triển công nghiệp vô trách nhiệm đang ngày càng mạnh mẽ ở nhiều xã hội. Giáo hội Công giáo, từng có vẻ khá ngại ngùng về vấn đề này, lại đang lên tiếng nhiều hơn. Trách nhiệm của mỗi người đối với người nghèo và các thế hệ tương lai được Đức Thánh Cha nhắc nhở mạnh mẽ, ngài kêu gọi cải cách lối sống để phản ứng đặc biệt với chủ nghĩa tiêu dùng của các xã hội giàu có (CV 48-51). Nhưng mối quan tâm đến một tình liên đới mới mẻ giữa các thế hệ cũng như mối quan tâm đến những người mong manh nhất mời gọi tiếp tục nói về “sự phát triển”, theo nghĩa là sự phát triển của nhân loại trong tình liên đới. Mối quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và mối quan tâm đến công lý đối với những người mong manh nhất ngày nay luôn song hành với nhau, điều này đã được phê chuẩn hoàn toàn bởi thông điệp xã hội mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, Laudato si’ (LS).
Đức Phanxicô và nền sinh thái toàn diện
Thông điệp xã hội của Đức Phanxicô được xuất bản chỉ vài tháng trước khi, một mặt, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua các mục tiêu mới cho sự phát triển bền vững và, mặt khác, hội nghị Paris về biến đổi khí hậu. Đối với Đức Thánh Cha, mối quan tâm đến sự phát triển con người toàn diện bao gồm sự quan tâm không thể thiếu đến môi trường tự nhiên, vốn đang bị hủy hoại bởi tiến bộ kỹ thuật và một kiểu phát triển vật chất làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên và quên mất rằng chúng có những giới hạn. Thông điệp Laudato si’ nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ đều liên kết với nhau: cách đối xử với người khác, cách đối xử với chính mình, cách đối xử với công trình tạo dựng và liên hệ với Đấng Tạo Hóa (LS 49, LS 66, LS 237). “Ngày nay, chúng ta không thể không nhận ra rằng một cách tiếp cận sinh thái đích thực luôn biến thành một cách tiếp cận xã hội, vốn phải sáp nhập công lý vào các cuộc thảo luận về môi trường, để lắng nghe tiếng kêu của trái đất cũng như tiếng kêu của người nghèo” (LS 49).
Đức Phanxicô đề xuất con đường của một nền sinh thái toàn diện, với cả các thành phần con người, xã hội và môi trường, để không còn chỉ thúc đẩy sự phát triển đích thực của con người mà còn chính xác hơn là “chuyển đổi mô hình phát triển toàn cầu” và “xác định lại sự tiến bộ” (LS 194). Đó là vấn đề thoát ra khỏi lôgíc sản xuất và tiêu dùng vốn làm cạn kiệt tài nguyên, thoát khỏi nền văn hóa lãng phí vốn biến mọi thứ, các sự vật cũng như con người, thành những đồ vật “dùng một lần rồi vứt bỏ” và chấp nhận một sự suy giảm nào đó ở một số bộ phận của thế giới (đặc biệt là ở phương Tây) để mọi người có thể sống trong phẩm giá và hành tinh này có thể tiếp tục có thể sinh sống được (LS 193). Con đường sinh thái toàn diện đòi hỏi những biến đổi sâu xa ở bình diện kinh tế, nhưng cũng cả chính trị, xã hội và văn hóa, để phá vỡ sự thống trị của kinh tế đối với chính trị, xã hội và văn hóa. Nó ngang qua việc thiết lập các cơ cấu hợp tác quốc tế và một “quyền bính chính trị toàn cầu” thực sự cũng như thúc đẩy nhiều sáng kiến địa phương, nơi sự sáng tạo của con người được triển khai với mối quan tâm thường xuyên đối thoại nhằm hướng tới công ích (Cf. LS 137-162).
Với Laudato si’, một lộ trình phát triển toàn diện mới được đưa ra cho Giáo hội và “mỗi người sống trên hành tinh này” (LS 3), gần năm mươi năm sau Populorum Progressio. Vấn đề không còn chỉ là vấn đề phân phối của cải tốt hơn mà chúng ta vô thức nghĩ rằng nó có thể gia tăng vô tận, mà là vấn đề chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta bằng cách chăm sóc những cư dân mong manh nhất trong đó. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một sự hoán cải sâu sắc trong lối sống, cả cá nhân lẫn tập thể, nhưng ngài cũng chỉ ra rằng đó cũng là một sự hoán cải thiêng liêng: “cuộc khủng hoảng sinh thái là một lời kêu gọi hoán cải nội tâm sâu xa” (LS 217).
Như vậy, trong hơn nửa thế kỷ, trong nhiều hoàn cảnh và tranh luận khác nhau xung quanh vấn đề phát triển, khái niệm phát triển con người toàn diện, mà ngày nay trở thành nền sinh thái toàn diện, đã được đưa ra như một tiêu chí trung tâm để lượng giá phê bình các lựa chọn chính trị, kinh tế hay xã hội, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Nhưng hơn cả một tiêu chí, nó còn là một nguồn lực để hành động. Quan tâm đến tất cả mọi người cũng như mọi chiều kích của nhân vị trong tính năng động của ơn gọi và trong mối liên kết chặt chẽ của họ với toàn thể công trình tạo dựng, đó là thách thức đối với Giáo hội Công giáo trong việc thúc đẩy sự phát triển bất kể hình thức cụ thể nào.
Ban Gia đình và Xã hội toàn quốc của Hội đồng Giám mục Pháp
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo CERAS (14.07.2017)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (25.08.2023)
bài liên quan mới nhất
- Phái đoàn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ sang Singapore chào đón Đức Thánh Cha ngày 11/9/2024
-
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên ở Papua New Guinea -
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc -
Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc ngày 22/8/2024 -
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc -
Hội thảo nguồn nhân lực - Tương lai của hội dòng và nhà trường -
Hội đồng Giám mục Việt Nam Giới thiệu biểu tượng (Logo) chính thức -
Ủy ban Giáo dân – Thường huấn tháng 08/2024: Tông đồ Giáo dân cùng nhau loan báo Tin Mừng -
Thánh lễ An táng Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần -
Các học trò của Đức Cha Gioan Baotixita dâng lễ & Nghi thức Di quan
bài liên quan đọc nhiều
- Tiểu sử Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
-
Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM -
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa các giáo phận Hà Tĩnh và Phát Diệm, Giám mục phó giáo phận Cần Thơ -
Đoàn Việt Nam sẽ hành hương và mừng đón Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ -
Hội đồng Giám mục Việt Nam đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng -
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia -
Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam -
ĐTC Phanxicô: Nếu tôi không viếng thăm (Việt Nam) thì Đức Gioan XXIV chắc chắn sẽ đi -
Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang: Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh