Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 26. Bí tích Thêm sức: tuổi tác, người đỡ đầu, thừa tác viên

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 26. Bí tích Thêm sức: tuổi tác, người đỡ đầu, thừa tác viên

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 26. BÍ TÍCH THÊM SỨC: TUỔI TÁC, NGƯỜI ĐỠ ĐẦU, THỪA TÁC VIÊN

Vấn đề về tuổi thích hợp để lãnh nhận bí tích Thêm Sức là vấn đề được bàn đến khá nhiều. Giáo Luật chỉ nói cách tổng quát: Vì các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể tạo thành một thể thống nhất, nên “các tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức vào thời gian thích hợp” (GLHTCG số 1306). Theo thói quen lâu đời của Hội Thánh Rôma, tuổi thích hợp là tuổi “biết phân biệt tốt xấu”. Như vậy là khá sớm. Đang khi đó, Giáo Luật lại nói rằng người chịu Phép Thêm Sức phải có khả năng làm lại lời hứa khi chịu Phép Rửa (Điều 889), và như thế, giả thiết thụ nhân phải ở độ tuổi trưởng thành.

Ở đây thánh Tôma Aquinô cho chúng ta sự phân biệt giữa tuổi trưởng thành trong đức tin và tuổi trưởng thành về tự nhiên: “Tuổi tác phần xác không xác định tuổi tác phần hồn. Bởi đó ngay cả trong tuổi thơ, con người cũng có thể đạt đến sự trưởng thành thiêng liêng” (số 1308). Thánh Tôma cũng nhắc đến những trẻ thơ, trong tác động của Chúa Thánh Thần, đã dám đổ máu mình ra làm chứng cho Đức Kitô. Cho nên sự trưởng thành Kitô giáo không nhất thiết lệ thuộc tuổi tác tự nhiên. Tại Việt Nam, thông thường tuổi lãnh nhận bí tích Thêm Sức là từ 12 đến 15.

Điều quan trọng là phải chuẩn bị kỹ càng cho những người chịu Phép Thêm Sức. Qua bí tích này, người đã chịu Phép Rửa được gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn (số 1285), cho nên việc dạy giáo lý Thêm Sức phải “khơi dậy ý thức thuộc về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh phổ quát cũng như cộng đoàn giáo xứ” (số 1309). Dĩ nhiên, điều này phải song hành với việc giúp người chịu Phép Thêm Sức “kết hợp thân mật hơn với Đức Kitô, với Chúa Thánh Thần và hoạt động của Ngài”.

Cha Mẹ đỡ đầu đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành thiêng liêng với người chịu Phép Thêm Sức: “Các ứng viên phải có cha hay mẹ đỡ đầu, để được trợ giúp thiêng liêng” (số 1311). Đồng thời nên chọn người đỡ đầu khi rửa tội vì hai bí tích Rửa Tội và Thêm Sức gắn bó với nhau. Ngày nay càng ngày chúng ta càng ý thức hơn về vai trò của cộng đoàn, cụ thể là giáo xứ: chính cộng đoàn giáo xứ chia sẻ trách nhiệm trong hành trình đức tin của những người chịu Phép Thêm Sức.

Là những người kế vị các tông đồ, các giám mục là “thừa tác viên thông thường” của bí tích Thêm Sức. Cũng như các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần đã đặt tay ban Thánh Thần cho các tín hữu, thì các giám mục cũng làm như thế khi ban phép Thêm Sức. Chỉ trong những trường hợp cần thiết, các linh mục mới được phép ban bí tích Thêm Sức. Như thế bí tích Thêm Sức thắt chặt mối giây liên kết người được thêm sức với giám mục của mình. “Việc các giám mục cử hành bí tích Thêm Sức nói lên cách rõ ràng rằng, bí tích Thêm Sức đem lại hiệu quả là những người lãnh nhận bí tích này được kết hợp cách chặt chẽ hơn với Hội Thánh, với các nguồn gốc tông truyền của Hội Thánh và với sứ vụ của Hội Thánh là làm chứng cho Đức Kitô” (số 1314).

ĐHY Christoph Schönborn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top