Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 8. Các bí tích: cửa dẫn vào sự sống đời đời

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 8. Các bí tích: cửa dẫn vào sự sống đời đời

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 8. CÁC BÍ TÍCH: CỬA DẪN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Trong mỗi bí tích, quá khứ, hiện tại và tương lai nối kết với nhau. Tất cả các bí tích đều nhắc nhớ một biến cố lịch sử cụ thể. Phép Rửa trong Kitô giáo nhắc nhớ Phép Rửa của Chúa Giêsu tại sông Giođan, và xa hơn nữa, việc dân Israel băng qua Biển Đỏ. Chúng ta nhớ đến sự kiện này cách đặc biệt trong Đêm Canh Thức Vượt Qua (GLHTCG số 281, 1221). Lại càng rõ ràng hơn nữa khi cử hành bí tích Thánh Thể: mệnh lệnh của Chúa là “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (số 1341). Cũng có thể nói như thế về mọi bí tích. Các bí tích cắm rễ sâu trong lịch sử Dân Chúa. Các bí tích là những “điểm nối kết” với cuộc đời Chúa Giêsu và không bao giờ tách rời khỏi đó. Các bí tích không chỉ là những biểu tượng trong đời sống con người, nhưng còn là những “dấu chỉ và khí cụ” của Đức Kitô cho chúng ta.

Trong sách hướng dẫn cử hành lễ Vượt Qua của Do Thái, có đoạn văn nói rằng mỗi người tham dự phải nghĩ về mình như là người hiện nay đang ra khỏi đất Ai Cập. Khi chúng ta nhớ lại điều đã xảy ra một lần thay cho tất cả (số 1085) thì sự kiện ấy trở thành hiện tại cho hôm nay; chúng ta là những người tham dự vào chính biến cố đó. Trong cử hành Thánh Thể, khi chúng ta thực hiện điều Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho chúng ta làm cho đến khi Chúa lại đến, thì những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly trở thành hiện tại. Chúng ta có thể nói được rằng chúng ta là những người tham dự bữa Tiệc Ly ấy. Thời gian như biến mất. Hy lễ của Chúa trên Thánh Giá nay đang hiện diện. Chúng ta liên kết với Người tại bàn tiệc, trở thành “người cùng thời” với Người. Vâng, Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa.

Tuy nhiên, quá khứ và hiện tại không phải là những chiều kích duy nhất của bí tích. Các bí tích còn hướng chúng ta đến tương lai. Nói theo ngôn ngữ của thánh Nicolaus Cabasilas, các bí tích là “cửa thiên đàng”, qua đó Đức Kitô đến gặp gỡ chúng ta. Trong tác phẩm sâu sắc và tuyệt đẹp của ngài về ba bí tích khai tâm: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, vị thầy thiêng liêng của thế kỷ 14 này đã mô tả các bí tích dẫn chúng ta vào tương lai ra sao, và nơi bí tích, thiên đàng mở ra cho chúng ta như thế nào. Thánh Phaolô nói về Chúa Thánh Thần như “hoa quả đầu mùa” của vinh quang sẽ tới. Chúng ta có thể áp dụng những từ này cho các bí tích: trong các bí tích, Hội Thánh nhận được bảo chứng gia tài của mình, nếm hưởng trước đời sống vĩnh cửu (số 1130).

Một bản văn của Hội Thánh sơ khai kể lại việc các Kitô hữu chờ đợi Chúa trở lại vào Đêm Vọng Phục Sinh như thế nào, cũng giống như ngày nay các tín hữu Do Thái giáo vẫn mong chờ Đấng Mêsia ngự đến vào Đêm Lễ Vượt Qua. Tràn ngập ước mong, các tín hữu sơ khai kêu lên “Maranatha” (Lạy Chúa, xin ngự đến). Khi đêm đã tàn và ngày mới xuất hiện mà vẫn không thấy Chúa trở lại như Người đã hứa, họ bắt đầu cử hành Thánh Thể. Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, lại chẳng đến trong bí tích Thánh Thể đó sao? Dĩ nhiên là cách ẩn giấu, nhưng thực sự Người ở với chúng ta, ngày nay trong hình thức khiêm tốn của các bí tích, và mai ngày trong vinh quang của Chúa.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top