Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 22. Nghi thức rửa tội như là “nhiệm huấn”

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 22. Nghi thức rửa tội như là “nhiệm huấn”

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 22. NGHI THỨC RỬA TỘI NHƯ LÀ “NHIỆM HUẤN”

Ở tự nó, nghi thức làm Phép Rửa đã nói lên tất cả: những lời nói và cử chỉ đan kết với nhau và diễn tả tất cả, không cần giải thích dài dòng, miễn là được cử hành cách nghiêm túc.

Nguyên tắc tổng quát là: những nghi thức bí tích biểu thị, diễn tả hiệu quả mà bí tích mang lại. Bằng những dấu chỉ bên ngoài, bí tích thực hiện hiệu quả bên trong. Chính vì thế, phải cử hành bí tích làm sao để việc cử hành ấy trở thành một thứ “nhiệm huấn”, nghĩa là khai tâm các tín hữu về sự phong phú mà bí tích này biểu lộ và thực hiện (GLHTCG số 1234).

Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta tìm hiểu nghi thức rửa tội thời Hội Thánh sơ khai như thánh Ambrôsiô hoặc thánh Cyrillô thành Giêrusalem giải thích. Ngày nay, cho dù nghi thức rửa tội được cử hành đơn giản hơn, nhưng những yếu tố chính yếu nhất vẫn y nguyên.

Việc cử hành bắt đầu ở cửa nhà thờ, với việc hỏi tên, xin chịu Phép Rửa, xin ân sủng, xin sự sống đời đời. Sau đó, Lời Chúa được công bố soi sáng ý nghĩa những gì sắp cử hành và khơi dậy đức tin, vốn là điều không thể tách rời Phép Rửa (số 1236). Trong Hội Thánh sơ khai, các dự tòng quay về hướng Tây - là biểu tượng của tăm tối, để từ bỏ ma quỷ, còn sự trở lại với Đức Kitô được biểu tượng hóa bằng việc quay về hướng Đông là hướng mặt trời mọc. Ngày nay, không có việc quay về hướng Tây hay hướng Đông nhưng các dự tòng tuyên bố từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời tuyên xưng này được chuẩn bị bằng việc ghi dấu Thánh Giá, lời nguyện trừ tà, và việc xức dầu dự tòng. Không nên coi nhẹ những điều này, vì những việc này muốn diễn tả trong bí tích Rửa tội, người dự tòng được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được dẫn vào ánh sáng của Đức Kitô.

Kế tiếp là nghi thức chính yếu của bí tích Rửa Tội với những biểu tượng rất phong phú. Việc làm phép nước (trong Đêm Vọng Phục Sinh hoặc mỗi khi rửa tội) nhắc lại mối liên kết giữa nghi thức Phép Rửa và những biến cố trong lịch sử cứu độ. Giếng nước rửa tội làm theo hình bát giác, tượng trưng cho tám ngày trong công trình tạo dựng mới của Đức Kitô. Trong quá khứ và cả ngày nay, việc rửa tội được cử hành bằng cách dìm xuống nước ba lần, hoặc đổ nước trên đầu người được rửa tội ba lần, nhân danh Ba Ngôi. Việc xức dầu (Chrisma) sau đó biểu thị hồng ân của Chúa Thánh Thần được ban cho người tân tòng.

Những gì diễn ra trong bí tích Rửa Tội được diễn nghĩa qua việc trao áo trắng và cây nến được thắp sáng từ nến phục sinh (số 1242-1243): người chịu Phép Rửa đã “mặc lấy Đức Kitô” và trở nên “ánh sáng cho trần gian”. Dĩ nhiên chỉ với đức tin chúng ta mới hiểu được và đón nhận trọn vẹn ân sủng của bí tích khai tâm này.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top