Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 14. Năm Phụng vụ

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 14. Năm Phụng vụ

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 14. NĂM PHỤNG VỤ

Năm Phụng Vụ bắt đầu với Chúa nhật I Mùa Vọng và kết thúc bằng đại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Năm Phụng Vụ có ý nghĩa gì? Phải chăng là bánh xe quay không ngừng nghỉ, cũng những việc ấy lặp đi lặp lại mãi không ngừng? Phải chăng năm nào cũng như năm nào, chỉ khác một điều là chúng ta thấy mình già đi và dường như thời gian trôi nhanh hơn? Những tôn giáo lớn của châu Á như Ấn giáo, Phật giáo, quan niệm thời gian như sự quy hồi vĩnh cửu, như bánh xe vĩ đại cứ quay qua những chu kỳ thời gian để rồi cuối cùng lại trở về điểm khởi hành. Quan niệm này gắn với quan niệm về luân hồi, kiếp sau, vốn được nhìn nhận trong những tôn giáo này và ngày nay, phổ biến ở cả các nước phương Tây.

Kitô giáo có quan niệm hoàn toàn khác về thời gian và quan niệm ấy được thể hiện trong Năm Phụng Vụ. Thời gian phụng vụ được xác định bởi biến cố vĩ đại và đổi mới tất cả, đó là cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, sự chết và phục sinh của Người. Kể từ biến cố Đức Kitô Phục sinh, thời gian mang một phẩm chất mới. Nó không còn là dòng chảy hướng về sự chết nhưng tràn ngập sự sống mới của Đức Kitô: “Mầu nhiệm Phục Sinh, nơi đó Đức Kitô tiêu diệt sự chết, thấm nhập vào thời gian già cỗi của chúng ta bằng sức mạnh đầy quyền năng của Người, cho đến khi mọi sự phải quy phục Người” (GLHTCG số 1169).

Cử hành phụng vụ với Hội Thánh theo dòng thời gian, chúng ta sẽ khám phá ra rằng cách hiểu của mình về thời gian dần dần được biến đổi. Ngày, tháng, năm mang một “hương vị” mới. Thời gian không còn trôi đi vô nghĩa nhưng trơ nên phong phú hơn, cô đọng hơn và tràn đầy sự sống. Trong thứ thời gian mới mẻ này, đại lễ Phục Sinh là nguồn ánh sáng soi tỏ mọi sự, là trung tâm và chóp đỉnh của Năm Phụng Vụ (số 1168). Từ đó, toàn bộ Năm Phụng Vụ được cấu thành. Ở tâm điểm là Tuần Thánh, được chuẩn bị bằng bảy tuần Mùa Chay là thời gian chúng ta chuẩn bị cho sự tái sinh nhờ sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Cuối cùng là bảy tuần Mùa Phục Sinh nhằm đưa chúng ta đi sâu vào sự sống mới trong Đức Kitô, đỉnh cao là lễ Hiện Xuống, khi chúng ta được sai đi trong quyền năng Thánh Thần để làm chứng cho Chúa.

Nhóm những ngày đại lễ thứ hai tập trung vào lễ Giáng Sinh, cử hành mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thân phận nghèo nàn của kiếp nhân sinh, để mang lại cho chúng ta ánh sáng và sự sống.

Trong Mùa Thường Niên, chúng ta cử hành tất cả những biến cố khác trong cuộc đời Chúa Giêsu: dâng Chúa trong đền thờ, 40 ngày trong hoang địa, Chúa chịu Phép Rửa và Biến Hình. Ngày qua ngày, Chúa nhật này sang Chúa nhật khác, chúng ta nhớ lại mọi lời nói và hành động của Chúa Giêsu như được ghi lại trong Sách Thánh.
“Năm Phụng Vụ là sự triển khai những khía cạnh khác nhau của Mầu Nhiệm Vượt Qua duy nhất” (số 1171). Vâng, Đấng Phục Sinh ở giữa chúng ta và Người soi sáng tất cả.

ĐHY Christoph Schönborn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top