Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 44. Đức Maria - Mẹ Hội thánh

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 44. Đức Maria - Mẹ Hội thánh

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 44. ĐỨC MARIA – MẸ HỘI THÁNH

Đức Maria là hình ảnh tóm tắt về Hội thánh. Trong đức tin, bất cứ ai mong ước được đưa đến gần mầu nhiệm Hội thánh sẽ nhìn vào Đức Maria. Công đồng và Sách Giáo lý khi trình bày về Hội thánh đều dành một chương trình bày Đức Trinh nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa – trong mầu nhiệm Đức Kitô và trong mầu nhiệm Hội thánh (số 963-975).

“Những gì đức tin Công giáo tin về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, nhưng những gì đức tin dạy về Mẹ Maria, lại là, sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô” (số 487). Đức Maria là ai để Hội thánh đi theo trong sự hiệp thông của Mẹ với Đức Kitô. Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, do đó, Mẹ được kết hợp với tất cả những ai là “thành viên của Thân Mình Đức Kitô”.

Đức Maria là “sự thực hiện mẫu mực” của Hội thánh (số 967) được khởi sự qua đức tin của Mẹ. Trong một nghĩa nhất định, chính qua lời xin vâng của Mẹ mà Hội thánh bắt đầu. Đức Maria là gương mẫu cho đời sống đức tin và đức mến của Hội thánh. Đức tin kiên vững của Mẹ là nền móng trên đó đức tin của chúng ta tựa vào. “Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc” (số 148).

Đức Maria là “mẫu gương hiện thực” của Hội thánh đi theo Đức Kitô, bởi vì Mẹ đã đi trước trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ trên con đường dẫn đến thánh giá. Mẹ đau khổ với Con Mẹ và chính Mẹ cũng tham dự vào hy tế với Con mình. Mẹ đã xin vâng trọn vẹn xác hồn khi Con Mẹ trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Dưới chân thánh giá, Mẹ trở thành Mẹ Hội thánh khi Đức Kitô trên thánh giá trao Mẹ cho môn đệ Người yêu mến: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,27).

Đức Maria cũng là “điển hình” của Hội thánh qua việc hồn xác Mẹ được đưa vào trong vinh quang trời cao của Con Mẹ. Đức Maria là thành viên đầu tiên của Hội thánh đã đạt được sự hoàn hảo trọn vẹn. Trong Mẹ, Hội thánh đã đạt đến mục tiêu qua cuộc hành trình của Mẹ. Do đó, trong sự duy nhất, Mẹ cũng cộng tác trong công việc của Đức Kitô Phục Sinh – Con Mẹ. “Vì lý do đó, Mẹ là Mẹ chúng ta trong lãnh vực ân sủng” (số 968). “Chính Ngài là Mẹ ở bất cứ nơi nào Con của Mẹ là Đấng Cứu Độ, và là Đầu của Nhiệm Thể” (số 973).

Đức Maria là Mẹ và Hội thánh cũng được gọi là Mẹ; cũng như Mẹ Maria được kêu cầu như Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian (số 969), vì thế những tước hiệu này cũng được dùng cho Hội thánh. Cũng trong khía cạnh này, Mẹ Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh. Sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng hoạt động của Mẹ Maria xa rời Đức Kitô: “Nhiệm vụ làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người ... không hề làm lu mờ hay suy giảm sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng tỏ cho thấy uy lực của sự trung gian ấy” (số 970). Như người Mẹ, mọi điều Mẹ Maria làm cho nhân loại đến từ Đức Kitô và dẫn nhân loại đến với Người. Cùng một cách hiểu như thế về vai trò làm Mẹ của Hội thánh, đó là “bí tích của ơn cứu độ” cho nhân loại (số 776). Chắc chắn có một sự khác biệt giữa Mẹ Maria và Hội thánh đang trên hành trình: “Trong khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết nhăn, nơi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng, để chiến thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy, họ ngước mắt nhìn lên Mẹ: nơi Đức Mẹ, Hội thánh đã hoàn toàn thánh thiện” (số 829).

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top